Home / Tài liệu / Rafto Foundation : Phát biểu của Ông Arne Liljedahl Lynngård

Rafto Foundation : Phát biểu của Ông Arne Liljedahl Lynngård

Download PDF
Phát biểu của Ông Arne Liljedahl Lynngård
Sáng hội Rafto, Vương quốc Na Uy

Kính bạch chư Tôn giáo phẩm GHPGVNTN,
Kính thưa quý vị quan khách, quý Bà, quý Ông,

Tôi xin ngỏ lời cám ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tới đây hôm nay để vinh danh nhà lãnh đạo Phật giáo tối cao, mà cũng là Nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam lỗi lạc, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Tôi hân hạnh được tham gia sự kiện quan trọng này cùng với đông đảo Phật giáo đồ và các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới cũng như tại Hoa Kỳ.

Tôi đại diện cho một tổ chức, lấy tên của một con người rất đặc biệt, đó là Giáo sư Thorolf Rafto. Giáo sư dạy môn lịch sử kinh tế tại Trường Cao đẳng Kinh tế Na Uy. Trong khi giảng dạy, Giáo sư Rafto mang hết cả nhãn quan thế giới vào lớp học, Giáo sư dạy rằng Công bình và Tự do là một phần của học trình. Giáo sư dâng hiến suốt đời mình cho sự thăng tiến dân chủ và tôn trọng nhân quyền, đặc biệt tại Đông Âu, nơi Giáo sư viếng thăm nhiều lần thời chiến tranh lạnh. Giáo sư từng là phát ngôn nhân quan trọng cho những người Do Thái bị áp bức và giới trí thức ở Liên xô cũ, cũng như cho những nhà chính trị ly khai tại các nước Đông Âu. Giáo sư Rafto lấy cuốn sách có tựa đề “Tôi phát biểu cho những tù nhân thầm lặng tại Xô Viết” của Vladimir Tchernavin làm phương châm cho cuộc đời giáo sư.

Giáo sư Rafto mất năm 1986 vào năm 64 tuổi. Sáng hội Nhân quyền Rafto được thiết lập để tưởng nhớ Cố Giáo sư Rafto, và để tiếp tục công tác một đời dài bảo vệ Quyền Con Người của Giáo sư.

Giải Nhân quyền Quốc tế Thorolf Rafto được trao mỗi năm kể từ năm 1987.

Công trình chúng tôi thực hiện gợi hứng từ một nhận xét của Giáo sư Rafto: “Chim trong lồng hót cho tự do, chim ngoài lồng bay cao”. Rất nhiều vị khôi nguyên Giải Rafto sống cảnh chim lồng cá chậu, trải bao nhiêu năm trường sau song sắt hay quản chế. Nhưng họ chẳng bao giờ nản chí hay chịu im tiếng. Đây chính là nghĩa vụ của chúng ta, những công dân tự do trong thế giới, chiếu rọi ánh sáng vào những cá nhân can đảm cùng với mục tiêu của họ.

Tôi làm Chủ tịch Sáng hội Rafto ngày Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ nhận Giải Nhân quyền Quốc tế Thorolf Rafto lần thứ 20 năm 2006. Buồn thay, nhưng chẳng ngạc nhiên mấy khi Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ không thể rời nơi quản chế ở Thanh Minh Thiền viện, thành phố Saigon, để sang Na Uy nhận giải năm năm trước đây. Chính vì lý do này mà tôi muốn đi Việt Nam để tận tay trao tấm bằng tưởng lệ cho Ngài. Thế nhưng nhà cầm quyền Việt Nam không cho tôi vào Việt Nam.

Tháng 3 năm 2007, Giám đốc Điều hành Sáng hội Rafto, Bà Therese Jebsen, đã đến Saigon trao bằng tưởng lệ Rafto tận tay Hòa thượng. Nhưng vừa bước vào sân Thanh Minh Thiền viện, bà liền bị Công an bắt. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã năn nỉ công an để cho bà đứng lại nói chuyện với ngài, dù chỉ vài phút thôi. Nhưng Công an từ chối. Sau một cuộc thẩm vấn dài tại đồn công an, bà Jebsen bị trục xuất khỏi Việt Nam. Đây là cung cách chính quyền Cộng sản Việt Nam tiếp đón người ngoại quốc chỉ muốn tỏ lòng kính trọng đặc biệt với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Chính quyền Hà Nội quyết cô lập Hòa thượng nơi thiền viện, không cho ngài nói lên sự thiếu tự do và dân chủ tại Việt Nam. Nhưng Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ không để cho chính quyền bịt miệng ngài. Hòa thượng tiếp tục đòi hỏi cho nhân quyền, mặc phải trả với bất cứ giá nào, như trước kia Hòa thượng đã thực hiện tại trại giam Ba Sao ở miền Bắc năm 1998. Nhà cầm quyền hứa trả tự do cho ngài nếu ngài chịu xin khoan hồng cho những “tội” đã phạm. Nhưng Hòa thượng khước từ. Thà tiếp tục bị cấm cố còn hơn là chấp nhận tội Hòa thượng chưa hề vi phạm. Nhưng cuối cùng họ cũng phải trả tự do cho Hòa thượng. Hòa thượng từng nói: “Họ có thể giam cầm thân xác tôi, nhưng không thể nào cấm cố thần trí tôi. Đối với tôi, trong hay ngoài nhà tù cũng thế thôi. Tôi rời nhà tù nhỏ để bườc vào nhà tù lớn. Tại Việt Nam toàn dân đều nằm trong nhà tù của chế độ.”

Hai tuần lễ trước đây, Sáng hội Rafto tổ chức 25 Năm kỷ niệm Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto. Nhiều vị Khôi nguyên Giải Rafto về thành phố Bergen ở Na Uy tham dự. Thế nhưng có một vị khôi nguyên xuất chúng vắng mặt. Một lần nữa, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ không được quyền xuất dương sang Na Uy gặp gỡ những khôi nguyên khác đoạt giải để cùng tán dương cuộc đấu tranh chung cho công bình, nhân phẩm và tự do.

Thay cho sự vắng mặt, Đại lão Hòa thượng Th1ch Quảng Độ gửi cho chúng tôi qua điện thoại lời chào mừng: “Ước chi tôi là chim để bay tới Na Uy tham dự kỷ niệm 25 Năm Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto. Đó là niềm ước mơ. Nhưng hôm nay tôi chưa thể thực hiện ước mơ này”.

Trên phương diện chính trị, Việt Nam ngày nay chẳng khác chi Tiệp Khắc vào thập niên 70, thời phong trào Đoàn kết và Hiến chương 77 ra đời. Cũng là thời Giáo sư Thorolf Rafto vận động cho các nhà ly khai sau bức màn sắc.

Giống như Tiệp Khắc 35 năm trước, đa số nhân dân Việt Nam ngày nay sợ hãi khi phải nói lên quan điểm của họ. Công an đàn áp một cách máy móc bất cứ đâu. Chỉ có những ai dũng cảm mới dám ăn nói. Đặc biệt khó khăn cho giới trẻ còn phải cưu mang gia đình. Nếu họ làm gì khiến công an nghi ngờ, họ sẽ bị theo dõi, hăm dọa, cô lập và sách nhiễu. Công an dùng mọi phương tiện để gây khó khăn cho những nhà họat động.

Tuy nhiên có những dấu hiệu phản đối công khai. Mùa hè năm nay Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cho chúng tôi biết rằng nhân dân Việt Nam hết sức bất bình về thái độ thân Trung quốc của chính quyền. Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp ước biên giới với Trung quốc, qua đó nhượng bộ rất nhiều đất và biển. Trung quốc còn yêu sách hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung quốc tràn ngập hàng hóa vào thị trường Việt Nam, gửi hàng nghìn công nhân khai thác Bô-xít ở Tây nguyên, tàn phá đất và nhà người dân tộc ít người.

Lo sợ trước sự phát triển này giới trẻ và sinh viên đã xuống đường biểu tình hàng tuần tại Saigon và Hà Nội. Hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình này. Đây là lần đầu tiên nhân dân thuộc mọi thành phần chính trị và tôn giáo cùng chung biểu tình, và cũng là lần đầu tiên giới trẻ Việt Nam xuống đường. Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ nói với chúng tôi ngài rất vui về sự kiện này.

Tôi rất hãnh diện cho người tranh đấu lỗi lạc cho dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, làm khôi nguyên giải Rafto. Ngài nhận giải Rafto cho sự dũng cảm của ngài và sự kiên trì qua bao nhiêu thập kỷ ôn hòa chống đối chế độ Cộng sản tại Việt Nam, ngài cũng là biểu tượng của phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc.

Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto trao cho Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ không mấy được chính quyền Hà Nội tiếp nhận, gây nhiều cọ xát trong cuộc thương thảo giữa Na Uy và Việt Nam khi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Na Uy thăm viếng Việt Nam năm năm trước đây.

Nhà cầm quyền Việt Nam tố cáo Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ có những hoạt động xúi giục sự chia rẽ. Thật không có chi sai bằng.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, một sĩ phu lãnh đạo và là lực lượng kết hợp nơi quê hương ngài. Là một Tăng sĩ Phật giáo, học giả và nhà văn, Hòa thượng đem suốt đời mình phục vụ tận tụy cho công lý thăng tiến, cũng như tiếp nối truyền thống Phật giáo bất bạo động, khoan dung và từ bi. Thông qua các kiến nghị chính trị, Hòa thượng Thích Quảng Độ mời gọi Nhà cầm quyền tham gia cuộc đối thoại nhằm cải cách dân chủ đa nguyên, tự do tôn giáo, nhân quyền và hòa giải dân tộc. Đây là điều đã tạo nên sức mạnh và phương hướng cho phong trào dân chủ.

Thế nhưng, Hoà thượng phải trả một giá quá đắt. Vị Cao tăng lão niên 83 tuổi tiêu phí mất 29 năm tù đày chỉ vì đòi hỏi dân chủ và nhân quyền. Là vị Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị cấm đoán. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ được quần chúng Phật tử Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ. Hòa thượng cũng được sự hậu thuẫn rộng rãi của các cộng đồng tôn giáo khác và những cựu đảng viên Cộng sản.

Việt Nam là nơi mà sự bất hòa và chia rẽ còn mãi mãi ăn sâu – chia rẽ giữa miền Bắc với miền Nam, chia rẽ giữa người cộng sản với người quốc gia, chia rẽ giữa tôn giáo với tôn giáo, giữa nhóm chính trị này với nhóm với chính trị kia, chia rẽ giữa các giai cấp xã hội, giữa các thế hệ. Hòa thượng Thích Quảng Độ đóng vai trò chủ yếu cho việc hòa hợp giới bất đồng chính kiến từ Bắc đến Nam Việt Nam.

Hòa thượng Thích Quảng Độ luôn nhấn mạnh rằng, dân chủ chỉ thực hiện được tại Việt Nam khi tất cả các thành phần dân tộc kết hợp thành khối, đem tất cả tài năng riêng biệt, khả năng chuyên môn, kiến thức và nhiệt tình kết liên nhau trong một phong trào đầy sinh lực.

Năm 2006 khi vinh danh Giải Rafto lần thứ 20 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, chúng tôi đánh giá cao những khó khăn cực kỳ rộng lớn mà các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam đang đối diện, với quyết tâm đấu tranh ôn hòa nhằm thay thế chế độ độc đảng Cộng sản bằng một thể chế dân chủ, một nhà nước đa đảng xây dựng trên pháp quyền và tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Dù rằng Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, nhưng Nhà nước độc đảng vẫn bất bao dung với mọi phê bình. Truyền thông, các đảng chính trị, các tổ chức tôn giáo, và Công đoàn không được phép hiện hữu nếu không có sự phê chuẩn hay giám sát của nhà nước, hoặc bị xử lý khi chính quyền hay Đảng Cộng sản thấy đi ngược với chính sách của họ.

Tiến trình dân chủ hóa Việt Nam đang nằm trong tay nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng mọi dấu hiệu đoàn kết mang lại sự khuyến khích và sức mạnh cho các bạn. Là người đại biểu cho mạng lưới nhân quyền toàn cầu, tôi xin minh bạch một điều: Chúng tôi đấu tranh chống lại sự lãng quên của các quốc gia dân chủ của chúng tôi khi các quốc gia này chỉ lo thông đồng buôn bán với Việt Nam. Lẽ ra các chính phủ của chúng tôi phải bó buộc Việt Nam tôn trọng nhân dân họ trong khi hợp tác kinh tế và làm ăn được đưa vào chương trình nghị sự.

Cho phép tôi kết luận bài phát biểu của tôi với những lời của chính Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ: “Sẽ tới lúc nhà cầm quyền không thể bắt nhân dân im hơi lặng tiếng mãi được. Đó là lúc toàn dân đứng dậy như nước vỡ bờ. Cùng chung nhau 80 triệu dân Việt nói chung một tiếng nói yêu sách cho dận chủ và nhân quyền. Lúc đó nhà cầm quyền không còn thối thác trước các đòi hỏi của toàn dân, mà phải đói diện và giải quyết thực tại ấy. Đây là lúc tình hình Việt Nam bắt buộc phải thay đổi, và tiến trình dân chủ hóa sẽ ló ra”.

Việt Nam thật may mắn có một nhà lãnh đạo tôn giáo như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, người gợi hứng cho toàn dân trong công cuộc kiếm tìm công lý, tự do tôn giáo, nhân phẩm và dân chủ. Sáng hội Rafto tay trong tay với các bạn Việt Nam như chúng ta đang chia sẻ với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tất cả viễn tượng dân chủ.

Xin cám ơn quý vị.

Arne Liljedahl Lynngård
(Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dịch từ bản tiếng Anh)

Check Also

Bản Hiến chương GHPGVNTN tu chỉnh lần cuối ngày 4 tháng 12 năm 2015

  HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT Bản tu chỉnh thông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *