PARIS, ngày 18.1.2012 (PTTPGQT) – Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến Thư Chúc Xuân của Hòa thượng Thích Viên Định, Tân Viện trưởng Viện Hóa Đạo.
Thư Chúc Xuân năm nay Hòa thượng Thích Viên Định nhấn mạnh đến việc thực hành Chánh Tri Kiến, là bước đầu của Bát Chánh Đạo, để giải quyết những tệ nạn xã hội vô cùng trầm trọng xẩy ra tại Việt Nam, mà nguyên do đưa đến là “sự suy đồi đạo đức, văn hóa sa đọa, giáo dục thấp kém”. Theo lời Hòa thượng “Ấy là vì nền giáo dục quốc gia chỉ nhấn mạnh khía cạnh thực dụng, vật chất và chức nghiệp, nhưng lại coi thường các tố chất nhân văn để tạo nên chí khí lớn, trí lực cho bậc thức giả, và thanh nhã cho kẻ chính nhân. Con người không biết phải làm gì ngoài sự tranh giành quyền lực và cướp đất, cướp của giữa ban ngày”.
Hòa thượng cũng phê phán tính chất cục bộ của nhân quyền, “khi quyền con người bị miệt thị và đánh mất. Bởi vì quan điểm nhân quyền chỉ nhắm riêng cho nhân chủng mà quên mất mọi sự mọi vật, các loài hữu tình hay vô tình ngoài con người. Do đó nhân quyền trở thành quyền của phe đảng riêng tư để tự do tàn phá trái đất và môi sinh. Phải có lòng từ bi và trí tuệ của đạo Phật thì nhân quyền mới trở thành Quyền Sống cho mọi sinh linh trên trái đất và giữa vũ trụ”.
Sau đây là toàn văn Thư Chúc Xuân Nhâm Thìn 2012 của Hòa thượng Thích Viên Định :
VIỆN HÓA ĐẠO
Phật lịch 2555 |
Số : 01/VHĐ/VT
|
của Hòa thượng Thích Viên Định,
Viện trưởng Viện Hóa Đạo
Tết đến, nhân danh Viện Hóa Đạo, tôi xin gửi đến toàn thể chư liệt vị Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, nam nữ Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước lời cầu chúc an lành, muôn điều như ý và Phật sự viên thành.
Xuân là mùa đầu năm, khởi sự một chí nguyện. Chí nguyện năm nay của người Phật tử Việt Nam phải là sự thực hiện thiết tha Chánh Tri Kiến. Bởi vì hiện tại nhìn vào đất nước, các bậc sĩ phu, trí thức, nhà văn, những ai còn tâm huyết đều phải gióng lên tiếng kêu hốt hoảng về sự suy đồi đạo đức, văn hóa sa đọa, giáo dục thấp kém dẫn tới các tệ nạn xã hội làm điêu linh dân tộc.
Một nhà văn đã phải thán lên rằng : “Căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào cái gì nữa”. Giả dối, ích kỷ, ác nhân sinh ra nạn giết người, cướp của, xem đấy như hiện tượng đương nhiên trong xã hội, mà kẻ thủ ác ngày càng xâm nhập giới trẻ. Con người trong xã hội Việt Nam ngày nay đánh mất mọi cảm xúc trước sự đói nghèo, thấp hèn và đau khổ của đồng bào.
Ấy là vì nền giáo dục quốc gia chỉ nhấn mạnh khía cạnh thực dụng, vật chất và chức nghiệp, nhưng lại coi thường các tố chất nhân văn để tạo nên chí khí lớn, trí lực cho bậc thức giả, và thanh nhã cho kẻ chính nhân. Con người không biết phải làm gì ngoài sự tranh giành quyền lực và cướp đất, cướp của giữa ban ngày.
Người xưa nói nhân văn phát triển văn minh lên đỉnh cao, xem xét nhân văn để hòa đồng cùng thiên hạ (Văn minh dĩ chỉ, nhân văn giả, quan hồ nhân văn, dĩ hóa thành thiên hạ). Nhưng xã hội Việt Nam ngày nay thì làm ngược lại.
Đạo đức và tôn giáo là thần dược chữa trị mọi tệ đoan đất nước, phát huy con người và phát triển quốc gia. Thế nhưng giới lãnh đạo lại xem tôn giáo là thuốc phiện, nếu có “nâng đỡ” tôn giáo thì mục tiêu cốt biến tôn giáo thành mê tín dị đoan để phục vụ chế độ. Không biết rằng tôn giáo là tài nguyên nhân loại, là truyền thống tâm linh lâu dài, là chuyển hóa ngấm ngầm cho văn hóa.
Cho nên vai trò của đạo Phật và người Phật tử Việt Nam hôm nay là đem lại Chánh Tri Kiến, tức trí tuệ hữu lậu, vô lậu thấu biết nhân quả thế gian, thấu biết tính tướng của các pháp một cách như thực, và đối trị các tà kiến. Nhờ Chánh Tri Kiến mà biết sự vật hiện hữu do duyên sinh, biết rõ chân giá trị sự sống của mình, của người, của muôn vật, vì người và muôn vật đều chung cùng trong bản thể thanh tịnh. Nhờ Chánh Tri kiến mà biết rõ nghiệp báo thiện ác để làm lành, tránh dữ, thấy rõ đạo lý chân chính làm mục tiêu hướng tiến cho thân tâm và xã hội.
Vào lúc người ta nói nhiều đến nhân quyền, là lúc quyền con người bị miệt thị và đánh mất. Bởi vì quan điểm nhân quyền chỉ nhắm riêng cho nhân chủng mà quên mất mọi sự mọi vật, các loài hữu tình hay vô tình ngoài con người. Do đó nhân quyền trở thành quyền của phe đảng riêng tư để tự do tàn phá trái đất và môi sinh. Phải có lòng từ bi và trí tuệ của đạo Phật thì nhân quyền mới trở thành Quyền Sống cho mọi sinh linh trên trái đất và giữa vũ trụ.
Chánh Tri kiến cho bản thân mỗi Phật tử để làm thơm sạch xã hội loài người, đồng thời gieo rắc Chánh Tri kiến tới mọi thành phần xã hội, mọi tín ngưỡng, bè phái để thăng tiến nhân sinh. Bất cứ ai đều phải tương sinh, tương dự với cộng đồng thế giới để hoàn thiện nghiệp quả, chẳng ai tách biệt sống riêng mình như hải đảo cô đơn không sự sống, nhắm mắt làm ngơ trước đau khổ, bất công của người đồng loại.
Với những ai ưu tư hay có trách nhiệm trước nhân dân, đất nước, tôi ngỏ lời kêu gọi hãy thâm nhập Chánh Tri kiến, là bước đầu của Bát Chánh đạo, để chấm dứt nguồn gốc các tệ nạn xã hội là sự suy vong đạo đức và suy đồi văn hóa hầu mang lại an lạc, tự do và hạnh phúc cho mỗi người dân, đặc biệt quan tâm đến chủ quyền đất nước đang từng bước bị hăm doạ và xâm lấn.
Nguyện cầu Năm Mới quốc thái dân an, chư tôn đức Tăng Ni, chư liệt vị nam nữ Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước dũng mãnh trong công cuộc phát huy Chánh Tri kiến, đào luyện Tăng tài và Cư sĩ để đảm trách Phật sự trước tình thế mới, và bảo toàn vận mệnh cùng pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Nam Mô Đương Lai Đại Từ Di Lặc Tôn Phật.
Viện trưởng Viện Hóa Đạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)
Tỳ kheo Thích Viên Định