Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tổng kết tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trong nước năm 2011 – Nhiều nhân vật, chính giới quốc tế đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay, 2012

Tổng kết tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trong nước năm 2011 – Nhiều nhân vật, chính giới quốc tế đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay, 2012

Download PDF

PARIS, ngày 8.2.2012 (PTTPGQT) – Thông cáo báo chí hôm nay xin gửi đến quý Bạn đọc đầu năm bản “Tổng kết tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN)” do Nhà báo Ỷ Lan thực hiện. Đây là bản đã phát thanh trên Đài Phật giáo Việt Nam trong chương trình phát về Việt Nam hôm thứ sáu 3.2.2012. Bao gồm tình hình Giáo hội cùng các lời bình luận được chép lại từ Huế của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng Thống kiêm Chánh Ban Đại diện GHPGVNTN Thừa thiên – Huế, từ Saigon của Hòa thượng Thích Viên Định, Tân Viện trưởng Viện Hóa Đạo, và từ Đà Nẵng của Hỏa thượng Thích Thanh Quang, Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo kiêm Chánh Ban Đại diện GHPGVNTN Quảng Nam – Đà Nẵng.

Thông tin thứ hai nói về việc các nhân vật và chính giới quốc tế đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay, 2012. Đây là sự hồi đáp cho các bức thư khắp nơi gửi về Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế hỏi thăm.

Sở dĩ ba bốn năm qua chúng tôi đã ngưng loan tải sự kiện các nhận vật, giáo sư đại học chính giới quốc tế liên tục, từ năm 1999, mỗi năm viết thư về Ủy ban Giải Nobel Hòa bình ở thủ đô Oslo, Vương quốc Na Uy, đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình. Ấy là vì Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ yêu cầu Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ngưng đề cập tới các sự đề cử này. Hòa thượng dạy rằng đây là ý kiến riêng của chư vị trong thế giới, họ có toàn quyền làm việc đó. Nhưng không do Giáo hội vận động, nên tránh đề cập những gì không liên quan đến Giáo hội, sẽ có thể làm đầu đề cho những kẻ thiếu hiểu biết bình luận sai lạc.

Chúng tôi đã tuân thủ lời ngài căn dặn suốt ba, bốn năm qua. Tuy nhiên năm nay nhân sự kiện Đài Á châu Tự do loan tin về sự đề cử mới này qua cuộc phỏng vấn một vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu. Đài Á châu Tự do là cơ quan truyền thông quốc tế lớn, mỗi bản tin liền trở thành một công luận. Do đó, chúng tôi in lại thông tin ấy dưới đây, như một ngoại lệ, đồng thời hồi đáp sự hỏi han của Bạn đọc bốn phương.

TÌNH HÌNH GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT TRONG NƯỚC NĂM 2011
Ỷ LAN

Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn còn nằm trong tình trạng hai khối. Trên mặt nổi có Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Đảng và Nhà nước hình thành năm 1981 thống nhất tất cả các tổ chức theo cách mạng trong thời chiến tranh. Giáo hội này được công khai hoạt động.

Bản tin báo Nhân dân Giáo hội Phật giáo Nhà nước ra đời ngày 7.11.1981 và kéo nhau đến bái lĩnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Bản tin báo Nhân dân Giáo hội Phật giáo Nhà nước ra đời ngày 7.11.1981 và kéo nhau đến bái lĩnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Khối thứ hai là khối đa số chư Tăng Ni, Phật tử thầm lặng không muốn chính trị hóa Phật giáo, hiện nằm dưới danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Tuy không có một văn kiện nào của Nhà nước giải thể GHPGVNTN hay tuyên bố Giáo hội này bất hợp pháp, nhưng trong thực tế Giáo hội vẫn bị ngăn cấm các hoạt động tôn giáo cũng như trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, từ thiện. Theo tài liệu Giáo hội công bố, thì 36 năm qua GHPGVNTN liên tục bị đàn áp, bắt bớ, hăm dọa, thảm sát. Nhưng Giáo hội vẫn tồn tại trên thực tế qua sự lãnh đạo của ba vị Tăng Thống : Đức cố Đệ tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và hiện nay Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ.

Xin xem toàn văn tài liệu của ông Đỗ Trung Hiếu tiết lộ Đảng biến tướng Phật giáo thành công cụ chính trị cho Đảng năm 1981 trên Trang nhà Quê Mẹ

Mười tám Ban Đại diện GHPGVNTN tại các tỉnh miền Trung và miền Nam luôn luôn bị sách nhiễu, cấm đoán các Phật sự cũng như cấm đoán tổ chức các kỳ đại lễ trong năm như Tết, Phật Đản, Vu Lan… Ba năm trước, lần đầu tiên tỉnh Hải Phòng ở miền Bắc có một Ban Đại diện xin tham gia GHPGVNTN. Nhưng tức khắc vị Chánh Đại diện liền bị đàn áp, khủng bố, đưa tới tình trạng tê liệt.

Năm bảy năm trước đây tình trạng căng thẳng đưa tới những xô xát, bắt bớ tại các chùa của Giáo hội, đặc biệt ở miền Trung. Nhưng năm 2011 vừa qua thì tình trạng có phần lắng dịu. Khi được hỏi nguyên do, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Ban Đại diện Giáo hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết vì tinh thần phản kháng của Phật tử Huế rất cao, số lượng chùa theo GHPGVNTN cũng đông, đặc biệt Hòa thượng nói rằng nhờ áp lực quốc tế đối với vấn đề tôn giáo và Phật giáo đã làm cho sự đàn áp không còn lộ liễu như trước. Hòa thượng cũng cho biết thời gian có biến động Mùa Xuân Ả Rập, công an đã tăng cường canh gát trước các chùa thuộc Giáo hội Thống nhất.

Ban Đại diện Thừa thiên – Huế là nơi duy nhất từ ba năm qua được tổ chức Đại lễ Phật Đản và có chương trình giáo dục cho 58 Tăng sinh ở 3 cấp : Sơ Đẳng, Trung Đẳng và Cao Đẳng phật học. Sau đây là lời phát biểu của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh :

« Dạ thưa chị Ỷ Lan. Vấn đề sinh hoạt của Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) Thừa thiên – Huế tương tối tôi thấy có phần dễ chịu chút đỉnh. Tôi nói sinh hoạt dễ chịu hơn là nói cho dễ nghe vậy thôi. Thật sự thì chưa hề có dấu hiệu nào cụ thể để gọi là hết truy bức, bách hại đối với GHPGVNTN. Bởi lẽ bất cứ sự việc nào thuộc ban ngành nào được tổ chức thì đều vẫn có sự hiện diện đông đủ, lấp ló, rình rập của các chú Công an mặc áo thường dân mời « làm việc », đề nghị giải tán, v.v… Nơi nào yếu bóng vía thì không cử hành lễ được. Họ rủ nhau ra quán cà phê trước cổng chùa, hút thuốc lào, nhắm cà phê rồi bài bạc.

« Kể từ thời gian có các cuộc dân chủ nổi dậy đòi hỏi dân chủ, nhân quyền ở tại Trung Đông, thì các quán cà phê trước các chùa thuộc GHPGVNTN thấy có đông đảo Công an nhiều hơn.

« Ở Thừa thiên – Huế sở dĩ sinh hoạt được như tôi nói là dễ dàng hơn, thì đây chính là nhờ có số đông Tăng tín đồ đông đảo, sinh hoạt có nề nếp, có quy củ, lại nữa tinh thần bảo vệ Chánh pháp kiên cố. Nhiều chùa thuộc thành viên GHPGVNTN thì có 18 ngôi chùa chính thức có Tăng chúng sinh hoạt đông đủ. Nơi đây Gia Đình Phật tử cũng là một đoàn thể đông đúc, có tổ chức chặt chẽ. Có lẽ nhờ những yếu tố đó mà sinh hoạt của Thừa thiên – Huế có phần thuận tiện hơn các nơi khác chăng ? »

Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Chris Smith, đến chùa Bảo Quốc Huế thăm Hòa thượng Thích Thiện Hạnh - Ảnh IBIB
Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Chris Smith, đến chùa Bảo Quốc Huế thăm Hòa thượng Thích Thiện Hạnh – Ảnh IBIB

Dù có sự lắng dịu và không lộ liễu trong cung cách đàn áp, sách nhiễu, nhưng hậu quả vẫn chưa đưa tới sự tự do hoạt động tôn giáo đối với GHPGVNTN. Có những chuyến Giáo hội đi cứu trợ cho đồng bào miền Thượng du, thì ban ngày đi phát quà, phát tiền không thấy cản trở gì, song tối đến công an tới từng nhà tịch thu các tiền và quà mà đồng bào nhận được.

Theo bản báo cáo tổng kết của Hòa thượng Thích Viên Định, vị Tân Viện trưởng Viện Hóa Đạo, đọc trước Đại hội GHPGVNTN kỳ IX tổ chức hồi tháng 11 năm ngoái, thì tình hình Giáo hội có thể tóm gọn như sau :

« Thành viên các Ban Đại Diện địa phương, các vị trụ trì các chùa thuộc GHPGVNTN, hầu hết đều bị đàn áp, đe doạ, cô lập, sách nhiễu bằng nhiều cách như thường xuyên mời “làm việc”, điều tra, thẩm vấn, bắt báo trình nhiều việc vặt vãnh để gây khó khăn, nhất là trước các cuộc lễ Phật giáo, các ngày Giỗ chạp các vị Tổ sư. Các Phật tử hằng ngày về chùa tụng kinh, lễ Phật cũng bị theo dõi, sách nhiễu, đe doạ công ăn việc làm, bóp chẹt kế sinh nhai ngoài xã hội. Gia đình các Huynh trưởng trong các Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử là những người hứng chịu nhiều đe doạ, sách nhiễu nhất, gây ra nhiều cảnh đau khổ thương tâm vô cùng.

« Ở Huế, Khuôn hội Mai Vĩnh bị nhà cầm quyền đưa người về quản lý, xâm chiếm đất chùa. Chùa Kim Quang do Hoà Thượng Thích Thiện Hạnh trú trì vẫn tiếp tục bị ngăn chặn việc xây dựng nhà Tăng.

« Ở Quảng Nam – Đà Nẵng, Ban Đại diện bị đàn áp rất nặng nề. Các chùa Giác Minh, chùa An Cư bị cô lập.

« Thượng toạ Thích Viên Đức Trú trì Tịnh Thất Bửu Đức, tỉnh Đồng Nai, bị sách nhiễu, bắt đi làm việc thường xuyên.

« Ban Đại Diện tỉnh Quảng Trị do Thượng toạ Thích Từ Giáo làm Chánh Đại Diện cũng bị đàn áp, sách nhiễu, gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả những ngày An cư kiết hạ của chư Tăng cũng bị công an tràn vào làm náo động, đánh mẹ của Thượng tọa Từ Giáo ngã trong sân chùa ».

Hòa thượng Thích Viên Định, Tân Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN - Ảnh IBIB
Hòa thượng Thích Viên Định, Tân Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN – Ảnh IBIB

Nhân dịp đầu năm chúng tôi điện thoại hỏi thêm tin tức Giáo hội, thì được Hòa thượng Thích Viên Định, Tân Viện trưởng Viện Hóa Đạo, xác nhận như sau :

« Kính chào cô Ỷ Lan. Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc, nên dân tộc sống trong hoàn cảnh nào thì Gia1o hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) cũng cùng chung hoàn cảnh đó.

« Trong hoàn cảnh ở Việt Nam, mọi quyền công dân bị bóp nghẹt, tất cả các quyền tự do đều không có, nên GHPGVNTN, một Gia1o hội dân lập, không chịu sự thống thuộc của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, nên các thành viên Giáo hội thường xuyên bị đàn áp, cô lập, bị sách nhiễu. Các Phật sự trong nước hầu hết điều bị ngưng trệ.

« Mặc dầu luôn bị đàn áp, sách nhiễu, cô lập, gây nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, Đại Lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, và Hội Đồng Lưỡng Viện, cùng sự hỗ trợ của Văn Phòng II Viện Hóa Đạo và các Giáo Hội hải ngoại, nhất là sự lên tiếng kịp thời của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế do Đạo Hữu Võ Văn Ái làm Giám Đốc, cũng như sự can thiệp của các quốc gia, tổ chức, hội đoàn, các nhân sĩ trên thế giới, nên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, các Ban Đại Diện, Chư Tăng, Ni và Đồng bào Phật tử trong nước vẫn tiếp tục theo đuổi công cuộc phục hoạt Giáo hội và nhất là vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải cho Việt Nam ».

Điển hình của cuộc đàn áp, ngăn cấm GHPGVNTN hoạt động tôn giáo có thể nhìn qua chùa Giác Minh ở Đà Nẵng. Chùa do Hòa thượng Thích Thanh Quang trú trì và cũng là nơi đặt trụ sở Ban Đại diện Giáo hội tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đồng thời là trụ sở của Tổng vụ Thanh niên và Gia đình Phật tử Vụ. Suốt trong năm qua chùa bị công an phong tỏa ngày đêm. Ngày Phật Đản cũng như ngày lễ Vu Lan, công an không cho Phật tử vào chùa lễ Phật. Thậm chí những gia đình Phật tử để tro cốt ông bà cha mẹ tại chùa không được vào lễ bái. Công an và Tổ dân phố khuyên những ai gửi hương linh, tro cốt người thân đã mất ở Giác Minh phải di dời sang chùa khác trong thành phố. Nếu không thực hiện được việc này ở chùa khác, nhà cầm quyền sẽ gửi giúp.

Trước cổng chùa Giác Minh, công an ngăn chặn Phật tử không cho vào chùa lễ bái - Ảnh IBIB
Trước cổng chùa Giác Minh, công an ngăn chặn Phật tử không cho vào chùa lễ bái – Ảnh IBIB

Qua cuộc thăm hỏi viễn liên, Hòa thượng Thích Thanh Quang, Tổng Thư ký Viện Hóa Đại GHPGVNTN kiêm Chánh Ban Đại diện Giáo hội tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng xác nhận sự ngăn cấm các hoạt động tôn giáo, lễ lạc tại chùa Giác Minh suốt năm qua :

« Riêng về chùa Giác Minh của chúng tôi thì kể từ ngày mồng 8 tháng 7 âm lịch đến nay đã gần sáu tháng, chùa luôn luôn bị bao vây, cô lập, đóng chốt trước cổng chùa không cho ai vào trong chùa để lễ Phật và thờ cúng ông bà.

« Tín đồ chùa Giác Minh mỗi khi sắm một chút hoa quả đến dâng chùa bị kéo lôi về trạm « làm việc », bắt viết cam kết không được đến chùa Giác Minh vì chùa Giác Minh là « phản động ».

« Rất là khổ đau cho tín đồ. Đứng trước cổng chùa thấy Phật mà không được vào chùa lễ Phật, dâng cúng đức Phật một nén hương, và ông bà tổ tiên của họ một vài lạy. Đành lau nước mắt ra về ».

Trước cổng chùa Giác Minh, công an xét Chứng minh thư Htr Lê Công Cầu hôm 15.1.2012 - Ảnh IBIB
Trước cổng chùa Giác Minh, công an xét Chứng minh thư Htr Lê Công Cầu hôm 15.1.2012 – Ảnh IBIB

Không riêng chùa Giác Minh, mà tất cả các chùa thành viên GHPGVNTN tại Quảng Nam – Đà Nẵng đều bị ngăn cấm, phong tỏa, điển hình như chùa An Cư của Đại đức Thích Thiện Phúc ở phường Hải Bắc.

Ngay vào đêm Giáo thừa hôm chủ nhật vừa qua, Phật tử đến cúng chùa Giác Minh cũng bị công an ngăn cấm không cho váo chùa, mà đoạn thu băng sau đây là thực trạng suốt năm 2011 :

Băng ghi âm trước cổng chùa Giác Minh rất hỗn độn giữa tiếng hét la của Phật tử và công an. Không thể nào chép ra được. Xin bạn đọc vui lòng bấm vào đây để nghe chương trình phát thanh của Đài Phật giáo Việt Nam ngày thứ sáu 3.2.2012 :

Để thu, bấm vào đây : Save Target As...

Công an chận Phật tử không cho vào chùa Giác Minh lễ bái - Ảnh IBIB
Công an chận Phật tử không cho vào chùa Giác Minh lễ bái – Ảnh IBIB

Tuy bị cấm đoán, khó khăn, sách nhiễu, nhưng GHPGVNTN trong năm qua cũng không ngừng tham gia hậu thuẫn các ưu tư của người dân trong xã hội, hay tổ chức các chuyến cứu trợ từ thiện xã hội tại những nơi có thiên tai, lũ lụt.

Ngoài ra, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã lên tiếng phản đối vụ án phi pháp đối với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Đáp lời kêu gọi của giới Học sinh – Sinh viên biểu tình hôm 5.6.2011 trước Lãnh sự quán Trung quốc ở Saigon, Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng chư tăng các chùa thuộc GHPGVNTN ở Saigon quyết định tham gia. Nhưng từ sáng sớm tinh mơ Thanh Minh Thiền viện, chùa Giác Hoa cùng các chùa trực thuộc giáo hội đều bị công an phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Nhân dịp này, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã tuyên bố : « Mình là người Tăng sĩ nhưng cũng là người công dân. Nước mất, đất tổ bị xâm lấn không ai có thể làm ngơ. Tôi tuổi đã cao nhưng rất phấn khởi và tin tưởng khi thấy giới trẻ Học sinh – Sinh viên còn nghĩ tới chuyện nước non, còn kêu gọi biểu tình để cảnh tỉnh lòng người. Nên tôi và chư Tăng muốn ra tham gia hưởng ứng và ủng hộ giới trẻ. Nhưng ai ngờ Nhà nước lại cho công an ngăn cấm lòng yêu nước thương nòi của người dân !? »

Qua cuộc phỏng vấn của Đài Á châu Tự do hôm 7.6.2011 sau sự kiện nói trên và trước tình hình nghiêm trọng của đất nước, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ kêu gọi sự hình thành một “Liên Minh Chống Ngoại xâm”, tập họp toàn dân từ Bắc chí Nam để bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Trước tình hình căng thẳng trên biển đảo giữa Bắc Kinh và Hà Nội và sau chuyến viếng thăm và ký kết của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi đầu tháng 10, Nhân danh GHPGVNTN Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viết thư Ngỏ hôm 21.10.2011 gửi ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói lên nỗi thất vọng khi không thấy chủ quyền Việt Nam được minh định, Qua Thư ngỏ Hòa thượng Thích Quảng Độ đề xuất Nhà nước cần căn cứ vào các công ước về Luật Biển LHQ cũng như các công ước liên quan của ASEAN để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông cũng như « minh bạch hóa các thỏa thuận với Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền dân tộc ». Hòa thượng cũng nhận xét rằng « Đảng và Nhà nước không thể thở mãi bằng lỗ mũi Trung quốc. Muốn thế, Đảng và Nhà nước cần chuyển hóa ôn hòa sang chế độ dân chủ đa nguyên để đất nước có thể thở bằng lỗ mũi của gần 90 triệu dân Việt ».

Ảnh chụp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền Viện, Saigon, ngày mồng Một Tết Nhâm Thìn, 2012 - Ảnh IBIB
Ảnh chụp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền Viện, Saigon, ngày mồng Một Tết Nhâm Thìn, 2012 – Ảnh IBIB

 

Sự kiện nổi bật trong năm 2011, dù khó khăn, thất thế, nhưng GHPGVNTN đã thành công tổ chức Đại hội kỳ IX suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ lên ngôi vị Đệ Ngũ Tăng Thống là ngôi vị cao nhất của GHPGVNTN, và cung thỉnh Hòa thượng Thích Viên Định làm tân Viện trưởng Viện Hóa Đạo.

Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ Ảnh IBIB
Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ
Ảnh IBIB

Tại lễ suy tôn Tăng Thống tổ chức tại chùa Điều Ngự ở thành phố Westminster, miền Nam California, Hoa Kỳ, đồng thời với « Lễ Cầu nguyện cho Hòa bình thế giới, An ninh Đông Nam Á, Vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và Quốc nạn, Pháp nạn sớm tiêu trừ », trước 4000 Phật tử và đồng bào các giới cùng với 150 chư Tăng Ni và quan khách quốc tế. Những lời phát biểu quốc tế tại đây, như bà Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Loretta Sanchez, bà Marietje Shaake, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, ông Sherif Mansour từ Ai Cập, Ông Arne Linngard từ Sáng hội Rafto Na Uy, v.v… đều nói lên sự hậu thuẫn công cuộc vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của GHPGVNTN dưới sự lãnh đạo của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ.

Đại hội cũng đưa ra Quyết Nghị 12 điểm về các hoạt động kiện toàn và phát huy cơ sở Giáo hội trong và ngoài nước cho năm Nhâm Thìn 2012, đặc biệt là « Mở rộng và thúc đẩy tích cực công tác vận động quốc tế kêu gọi sự hậu thuẫn của thế giới thực hiện Chương trình 8 điểm trong “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” » của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ.

Đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm 2012

Hạn ghi danh đề cử ứng viên Giải Nobel Hòa bình thường năm kết thúc vào ngày mồng một tháng hai dương lịch. Kết quả chọn giải sẽ công bố vào thượng tuần tháng 10 cùng năm.

Tính đến ngày 2.2.2012, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở tại Paris đã nhận được khoảng một trăm bản sao các thư của các nhân sĩ, giáo sư đại học, chính giới quốc tế, đặc biệt có nhiều vị Thượng Nghị sĩ, Dân biểu các Quốc hội Châu Âu, Hoa Kỳ, Pháp, Ý… gửi về Ủy ban Giải Nobel Hòa bình tại thủ đô Oslo, Vương quốc Na Uy, đề cử Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Khởi từ năm 1999, mỗi năm đều có hàng trăm thư đề cử, có năm con số này lên tới gần bốn trăm. Bốn năm vừa qua, tên Hòa thượng luôn nằm trong danh sách rút gọn cho 3, 4 người có hy vọng đoạt giải (Shortlist). Bằng cớ quan tâm của giới truyền thông quốc tế, là mỗi năm đến thượng tuần tháng mười, nhiều Đài truyền hình quốc tế như CNN hay Đài Truyền hình Nhật đều gọi trước về Phòng Thông tin Quốc tế lấy hẹn để phỏng vấn nếu được Oslo loan tin. Ba năm qua, Đài Tuyền hình Nhật đến tận văn phòng Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris với dụng cụ máy móc, chờ có tin loan từ Oslo là phỏng vấn ngay.

Chúng tôi cũng vừa nhận được Thông cáo Báo chí của Văn phòng Dân biểu Loretta Sanchez thuộc địa hạt Liên bang thứ 47 của California mới phát hành cho biết bà đã viết thư cho Chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Hòa bình đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Thông cáo cho biết nội dung thư nhắc nhở việc bà đã từng gặp Hòa thượng tại Thanh Minh Thiền viện, dù bị sống trong tình trạng quản chế, Hòa thượng vẫn tiếp tục thúc đẩy tự do cho nhân dân Việt Nam. Bà viết : « Hòa thượng là nguồn gợi hứng cho nhân dân Việt Nam ». (…) « Mặc dù chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp Hòa thượng như thế nào, thì Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục tranh đấu từ quốc nội hầu mang lại dân chủ cho Việt Nam ». Bà Sanchez cũng viết : « Bằng việc trao Giải Nobel Hòa bình cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, Cộng đồng thế giới sẽ làm sáng tỏ rằng những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam sẽ không qua mắt được thế giới (…) Trao Giải cáo quý cho Hòa thượng Thích Quảng Độ sẽ giúp nâng cao nhận thức người công dân trong thế giới, rằng sự thiếu tôn trọng đối với nhân loại vẫn còn hiện hữu trên địa cầu, đặc biệt tại Việt Nam ».

Hôm 7.2.2012, Đài Á châu Tự do đã phát thanh về trong nước cuộc phỏng vấn ông Tremosa I Balcells, Dân biểu thuộc Khối Liên minh Tự do và Dân chủ cho Âu châu tại Quốc hội Châu Âu. Ông cũng là Kinh tế gia, Giáo sư Đại học Barcelone tại Tây Ban Nha.

Đài Á châu Tự do phỏng vấn Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa I Balcells về Giải Nobel Hòa Bình

 

Để thu, bấm vào đây : Save Target As...

Ỷ Lan : Xin chào ông Ramon Tremosa I Balcells. Xin ông cho biết lý do nào ông cùng quý vị đồng viện tại Quốc hội Châu Âu vận động thu thập chữ ký đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay, 2012 ?

Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Ramon Tremosa I Balcells
Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Ramon Tremosa I Balcells

Ramon Tremosa I Balcells : Trước hết xin cảm ơn đã mời tôi nói đôi lời với Đài Á châu Tự do, là tiếng nói quan trọng và công cụ giúp đỡ cho mọi giới bất đồng chính kiến, đấu tranh bất bạo động, và là tiếng nói cho tự do, dân chủ Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tôi hy vọng với đôi lời phát biểu tôi có thể đóng góp thêm niềm hy vọng cho giới bất đồng chính kiến, nhân dân bị áp bức, và những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền hiện đang dấn thân cho dân chủ Việt Nam.

Tôi người Catalan, thuộc dân tộc ít người ở Tây Ban Nha, từng bị kỳ thị hàng trăm năm trước và hiện nay vẫn tiếp tục đấu tranh cho tự do, dân chủ. Nhân dân Catalan đòi hỏi sự tôn trọng các Quyền cơ bản một cách ôn hòa và kiên trì qua những thời đại đen tối của lịch sử, như thời nội chiến dưới chế phát xít Franco chỉ mới bốn mươi năm trước đây thôi. Vì vậy tôi thông cảm và chia sẻ những sợ hãi cùng các vấn nạn mà các dân tộc bị chính quyền nước họ sách nhiễu và áp bức.

Tôi biết rõ chế độ Cộng sản Việt Nam đàn áp mọi phê phán ôn hòa, các luật gia và người đấu tranh bảo vệ nhân quyền ; hạn chế tự do Internet ; đàn áp những cuộc biểu tình và kiểm soát tôn giáo cũng như đàn áp những cộng đồng tôn giáo “không được thừa nhận” như trường hợp Giáo Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng những công cụ quốc hội của tôi để gây sự quan tâm của Quốc hội Châu Âu về những vi phạm nói trên.

Do đó, tôi quyết định hậu thuẫn Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình vì Hòa thượng là người bất đồng chính kiến nổi danh nhất Việt Nam. Ba mươi năm trời Hòa thượng bị giam cầm vì ôn hòa kêu gọi cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. Hiện nay Hòa thượng bị quản thúc tại Thanh Minh Thiện Viện ở Saigon, và là vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam, hiện bị nhà cầm quyền Cộng sản không cho hoạt động sau khi thành lập Hội Phật giáo Nhà nước năm 1981.

Thế nhưng cuộc tranh đấu của Hòa thượng là cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Giải Nobel Hòa bình sẽ mang lại niềm hy vọng cho tất cả những ai đấu tranh cho tự do và dân chủ.

Ỷ Lan : Thưa ông, Việt Nam và Liên Âu vừa thỏa thuận Hiệp ước Đối tác và Hợp tác mới sẽ ký kết trong năm nay. Tháng giêng vừa qua đã có cuộc Đối thoại nhân quyền tại Hà Nội. Thế nhưng Việt Nam vẫn duy trì chế độ độc đảng, mọi tự do bị từ khước. Trong vị trí Dân biểu Quốc hội Châu Âu, ông có thể làm gì để áp lực cho nhân quyền trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam ?

Ramon Tremosa I Balcells : Qua các Quyết nghị, Quốc hội Châu Âu không ngừng kêu gọi chấm dứt các vi phạm nhân quyền và mở ra tiến trình cải cách dân chủ tại Việt Nam. Bản thân tôi vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ các vấn đề này. Tôi sử dụng mọi công cụ dành cho người Dân biểu để soi sáng các sự việc xẩy ra tại Việt Nam nhằm tạo áp lực lên chế độ. Tôi thường trực tố cáo trước công luận những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi Liên Âu chấm dứt việc giao thương với Việt Nam nếu không có sự đổi thay.

Gần đây khi có phái đoàn cao cấp quốc hội và các bộ trưởng Việt Nam viếng thăm Quốc hội Châu Âu, tôi đã nói lên sự quan tâm của tôi, rằng các lợi lộc kinh tế và đầu tư mà Liên Âu mang lại cho Việt Nam rơi vào tay Đảng Cộng sản trước tiên, vì đảng kiểm soát toàn bộ kinh tế, trong khi đa số nhân dân Việt Nam sống trong nghèo khó với những bất bình đẳng xã hội.

Mỗi khi có cơ hội tôi luôn nhắc nhở Liên Âu, rằng mặc những ràng buộc với nguyên tắc nhân quyền và dân chủ như điều 1 quy định trong Hiệp ước Hợp tác Liên Âu – Việt Nam ký kết năm 1995, Việt Nam vẫn dập tắt một cách có hệ thống mọi phê phán ôn hòa, đàn áp các nhà bất đồng chính kiến tôn giáo và chính trị, nghĩa là mọi hình thức tự do ngôn luận.

Tôi thường công khai chất vấn những bước cụ thể mà Hội đồng Châu Âu thực hiện, những bước tiến mới trong tương lai để chấm dứt các vi phạm nhân quyền ? Hội đồng Châu Âu có lấy những biện pháp mạnh chống lại chính quyền Việt Nam trong khuôn khổ của Hiệp ước không ? Những hành động gì Phái đoàn Liên Âu có nhiệm sở tại Việt Nam đã thực hiện ?

Tôi sẽ tiếp tục quan tâm và tố cáo mọi hình thực vi phạm. Đó là điều tối thiểu mà chúng tôi có thể lảm tại Quốc hội Châu Âu nhằm mang lại niềm hy vọng cho giới đối lập bất bạo động tại Việt Nam, và cho những ai đấu tranh đòi hỏi nền dân chủ thực sự để thăng tiến Việt Nam, những người như ông Võ Văn Ái, là những lãnh đạo cao cả và dũng cảm. Chúng tôi hậu thuẫn họ trong cuộc tranh đấu mà thắng lợi hẳn nhiên phải hiện ra, tối đoan quyết như thế.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa I Balcells.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu.

This post is also available in: English French

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *