Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Từ xấu đến tồi tệ : Cải cách Hiến pháp Việt Nam uy hách các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế

Từ xấu đến tồi tệ : Cải cách Hiến pháp Việt Nam uy hách các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế

Download PDF

PARIS, 25.11.2013 (VCHR / Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam) – Sau khi được làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, phải chăng hành xử đầu tiên của Hà Nội là thông qua bản dự thảo Hiến pháp, mà các điều sửa đổi uy hách những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Quốc hội hiện đang xem xét bản Hiến pháp cải cách có từ năm 1992 (được bổ sung năm 2001) và sẽ thông qua trong khóa họp chấm dứt vào ngày 30.11.2013 tới.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nhận định rằng : “Nhân dân Việt Nam kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ mang tới những cải cách chính trị. Nhưng hình như Việt Nam đang tụt hậu trong dự án này. Nếu Quốc hội thông qua các điều bổ sung trong bản dự thảo Hiến pháp, Hiến pháp mới không những củng cố sự kiểm soát và áp bức của Đảng Cộng sản, mà còn đẩy sâu vào những hạn chế tùy tiện không thể nào chấp nhận về các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam”.

Trong bản Hiến pháp cũ chứa đựng một số điều luật, dù chỉ là hình thức, nói rằng nhân quyền “được tôn trọng” (điều 50), dự thảo Hiến pháp mới dự kiến “quyền con người, quyền công dân” có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” (điều 15 dự thảo). Với tính chất mơ hồ của thành ngữ “an ninh quốc gia” trong các điều của bộ Luật Hình sự Việt Nam, thường được sử dụng để bắt bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động dân chủ, blogers và những người bảo vệ nhân quyền, trong các cuộc đàn áp từ năm 2010 chống tự do ngôn luận, sự bổ sung trên đây trở thành gay cấn. Nhưng còn những điều tồi tệ khác nữa.

Điều 16 trong dự thảo thêm một chi tiết mới xác định rằng : “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác ; không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Nếu điều này được thông qua, sẽ làm tiêu ma mọi bảo đảm hợp hiến về quyền con người. Trong một nước độc đảng như Việt Nam, nơi công an và quyền tư pháp nằm trong vòng tay kiểm soát của Đảng Cộng sản, Đảng sẽ lấy quyết định cho những hành vi “chính đáng” hay “lạm quyền” về quyền con người.

Bản Hiến pháp cũ, điều 70 là điều duy nhất về quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cảnh cáo rằng : “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Điều này mang lại những hậu quả trầm trọng cho các tín đồ ở Việt Nam. Khi điều 70 bảo đảm quyền “theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, thì những ai theo một tôn giáo bị coi như xâm phạm quyền của những ai không theo tôn giáo, đưa tới những án tù tới 15 năm chiếu theo điều 87 trong bộ Luật Hình sự về tội “phá hoại chính sách đoàn kết”“gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo”. Các thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các tín đồ Hòa Hảo, đặc biệt những người Thượng theo Thiên chúa giáo đã bị kết những án tù nặng nề dưới các điều luật ngột ngạt đang có nguy cơ lấn sân mọi điều luật hợp hiến khác.

Trong thực tế, điều 16 chỉ là bản sao nguyên vẹn của điều 258 trong bộ Luật Hình sự, đang bị các bloggers và những nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam vạch mặt. Trước khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, một phong trào của các bloggers đã tố cáo việc sử dụng điều 258 để bắt giam các bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Việt Đào, Đinh Nhật Uy và những nhà hoạt động ôn hòa khác. Họ đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ điều 258 như một dấu chỉ thiện chí của ứng viên vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Thay vì thỏa mãn yêu cầu chính đáng này, thì Việt Nam lại đưa ra những điều luật phi nhân quyền.

Một bổ sung khác rất đáng lo ngại, là sự bảo đảm cho mọi người không bị bắt hay giam tù trái phép đã bị bãi bỏ, mà bản Hiến pháp cũ năm 1992 còn chứa đựng (điều 72 : “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”). Bảo đảm này đã biến mất trong bản dự thảo Hiến pháp mới (xem điều 22). Một điều luật đã được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam ký kết năm 1982, nay Việt Nam lại hủy bỏ sự bảo vệ hợp hiến cho mọi cá nhân trước những cuộc bắt bớ tùy tiện. Còn gì nguy hiểm hơn.

Thất vọng nhất là điều 4 trong Hiến pháp bảo đảm quyền độc tôn chính trị cho Đảng Cộng sản. Điều này vẫn được củng cố trong bản dự thảo. Đây là điều bị chỉ trích nhất trong các cuộc thăm dò ý kiến để sửa đổi Hiến pháp mà nhà cầm quyền tung ra từ tháng giêng đầu năm nay, 2013. Lần đầu tiên người ta chứng kiến nhiều kiến nghị trực tuyến, như “Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp” trên Trang nhà Bauxite Việt Nam, hay “Lời Tuyên bố của các Công dân Tự do” đăng trên Blog Dân Làm Báo đã thu được hàng chục nghìn chữ ký của giới nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà nghiên cứu, giáo sư, sinh viên, đảng viên Cộng sản, đòi hủy bỏ điều 4 để tiến tới nền dân chủ đa nguyên đa đảng.

Trong bản dự thảo Hiến pháp mới, không những điều 4 còn lưu giữ mà còn được khai triển để xác định Đảng Cộng sản không chỉ là “đội tiên phong của giai cấp công nhân” Việt Nam, mà là “của cả dân tộc”.

Bản dự thảo Hiến pháp mới ấn định Đảng Cộng sản tăng cường kiểm soát quân đội và công an. Trong khi điều 45 tại bản Hiến pháp năm 1992 quy định “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân”, thì điều 70 trong dự thảo thay cho điều 45 lại bắt buộc “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Như thế bản dự thảo Hiến pháp mới cho thấy mối lo ngại về thế mong manh của Đảng trong bối cảnh thay đổi toàn cầu, như mùa Xuân Ả Rập hay tình hình Miến Điện là một, và nhu cầu cấp thiết dùng quân đội để nắm giữ chính quyền. Trong khi đó, suốt năm qua, những yêu sách và đòi hỏi của nhân dân thể hiện qua công luận là “phi chính trị hóa” quân đội và công an tại Việt Nam.

This post is also available in: English French

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *