Năm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo giao phó cho Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa, tổ chức Ðại lễ Phật Ðản 2548 tại thành phố San Diego, Nam California, theo như quyết định của Giáo hội từ nhiều năm qua, là Ðại lễ Phật Ðản hằng năm được luân phiên tổ chức qua các tiểu bang Hoa Kỳ.
70 phái đoàn Phật giáo trên toàn quốc Hoa Kỳ, Canada và Âu châu do chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng, Ni hướng dẫn, đã vân tập về thành phố San Diego, cùng với các anh chị Huynh trưởng Gia Ðình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, Ðại diện 36 tổ chức và các cơ quan báo chí, truyền thông trong cộng đồng Người Việt tị nạn, tham gia Ðại lễ Phật Ðản 2548 hôm thứ bảy 2.5.2004. Do năm nay tháng 2 âm lịch nhuận, và cũng do điều kiện sinh sống làm ăn tại Tây phương, các chùa Việt Nam trên năm châu liên tục tổ chức Phật Ðản trong các ngày cuối tuần suốt tháng 5 dương lịch, thay vì tổ chức vào một ngày duy nhất, 2.6.2004, như ở quê nhà.
Trong diễn văn khai mạc đại lễ, Thượng tọa Thích Nguyên Siêu tán thán “Ðức Phật Ðản sinh như vầng thái dương chiếu sáng, xóa tan những bóng đêm của giai cấp và nô lệ, nâng cao giá trị sống và tôn trọng sự tu chứng của tất cả con người”. Thượng tọa cũng nguyện cầu “Trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh, dưới sự chứng minh của Chư Tôn Ðức Giáo phẩm Tăng Già, cùng toàn thể quý liệt vị, chúng ta nhất tâm tưởng niệm về quê hương Việt Nam, nguyện cầu cho quê hương được thực sự thanh bình, thịnh trị, dân tộc Việt Nam thực sự được no cơm áo ấm, hạnh phúc và tự do”.
Sau đấy, Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo kiêm Chủ tịch Hội đồng Ðiều hành GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, tuyên đọc Thông điệp Phật Ðản 2548 của Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang từ Tu viện Nguyên Thiều, Bình Ðịnh, gửi ra. Ðức Tăng thống nói :
“Nhớ lại mấy mươi năm trước, Ðức Cố Ðệ Nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết từng dạy rằng: “Phật tử không muốn dân tộc và đạo pháp bị tiêu diệt. Mỗi người chúng ta phải căn cứ vào thiện chí mà đào sâu sáng kiến và tăng thêm nỗ lực làm hết cách để đưa dân tộc và đạo pháp sớm thoát khỏi thảm cảnh hiện tại : đó là ý thức phục vụ không thể không nói đến trong lúc này. Danh dự của Phật giáo vốn đặt vào ý thức phục vụ. Phật tử hãy làm sáng tỏ danh dự ấy cho đạo pháp. (…) Tuy nhiên, Phật giáo đồ chúng ta biết rằng sức mạnh bạo động nếu được đối phó bằng sức mạnh bạo động thì đó không phải là “đức tính Vô úy” của Phật giáo. Ðức tính Vô úy dạy chúng ta biết thản nhiên và bình tỉnh xây dựng Phật pháp để phục vụ dân tộc và nhân loại”.
Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang xác định : “Gốc rễ vô minh chưa tảo trừ thì khuynh hướng bạo động và khủng bố ngày nay chỉ đưa nhân loại đến cuộc tự hủy mà thôi. Chỉ có đạo Giác ngộ của Ðức Phật mới khôi phục được con người toàn diện trong thời đại phân hóa nhân cách và khủng hoảng. Nhất là vào lúc văn hóa nền tảng của Phật giáo và dân tộc bị nền giáo dục duy lý và kim tiền uy hiếp nơi xã hội vong thân”. Sự đau khổ, áp bức hiện nay của Phật tử Việt Nam, theo Ðức Tăng thống, là do : “Vì khát vọng giải thoát hết thảy chúng sanh, mà Phật giáo đồ chúng ta lâm cảnh nguy khốn. Nhưng cũng nhờ khát vọng ấy, mà Ðại Trí, Ðại Bi, Ðại Nguyện, Ðại Hành được thể hiện, trải xuống dải đất Việt Nam Con Ðường Cứu độ của chư Bồ Tát, chư Lịch đại Tổ sư bồi đắp suốt hai ngàn năm qua”. Rồi Ðức Tăng thống kêu gọi :
“Trong thời đại phân hóa, tranh chấp, thù hận, đổ vỡ hôm nay, Tứ chúng (tức Tăng, Ni, Nam cư sĩ và Nữ cư sĩ) nơi ngôi nhà Phật giáo phải là hình ảnh treo gương cho sự hòa hợp, huynh đệ, yêu thương, xây dựng (…) Tôi xin kêu gọi Tứ chúng nhất tâm KHOAN HÒA và ÐỒNG NHẤT trước mối mâu thuẫn tranh chấp của thế nhân, như sự hiến cúng có ý nghĩa nhất trong ngày Phật Ðản. Vì từ sự hiến cúng này, mà con đường Hoằng dương Chánh pháp mới sẽ khai lộ từ quê hương Việt sang tới phương Tây. Do vậy, cần ý thức đến hiện trạng vong thân và vong quốc, hầu hiển lộ Pháp tánh giác ngộ và cứu khổ. Nhờ tính chất giác ngộ và cứu khổ mà Ðạo Phật vượt trên mọi biên thùy, vượt ngoài các dị biệt văn hóa, mở ra phương trời giải thoát cho mọi loài chúng sinh nơi tam thiên đại thiên thế giới”.
Tất cả hội trường đã nghiêm chỉnh đứng nghe Thông điệp và vô cùng xúc động.
Chị Ỷ Lan dịch bản Thông điệp sang tiếng Anh cho các quan khách Hoa Kỳ tham dự, rồi dịch tiếp sang tiếng Việt lời phát biểu của ông Ron Roberts, Cố vấn Tối cao của tỉnh bang San Diego. Ông nhân danh 3 triệu thị dân cùng cơ quan công quyền thuộc 5 quận hạt, bao gồm 18 thị trấn, tuyên cáo kể từ nay tỉnh bang San Diego lấy Ngày Rằm Tháng Tư âm lịch làm “Ngày Tôn vinh Ðức Phật”. Tất cả hội trường hoan hô tán thưởng. Vô hình trung, lời tiên liệu của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang vừa xướng lên qua Thông điệp Phật Ðản 2548 đã bắt đầu cất bước : “Con đường Hoằng dương Chánh pháp mới sẽ khai lộ từ quê hương Việt sang tới phương Tây”.
Ngoài các tiết mục văn nghệ cúng dường Phật Ðản điểm xuyết trong chương trình, Pháp sư Niên trưởng Thích Giác Ðức đã đăng đàn thuyết pháp đề tài “Ý nghĩa ngày Ðản sinh của Ðức Phật”, và Giáo sư Võ Văn Ái thuyết trình đề tài “Hiện tình Phật giáo quốc nội và công cuộc vận động quốc tế giải trừ pháp nạn”. Giáo sư Ái kết luận rằng, bao lâu Nhà nước Việt Nam chưa thay đổi chính sách tôn giáo và nhân quyền, thì pháp nạn còn tiếp diễn, quốc nạn còn lâm nguy. Giáo sư Ái không mấy lạc quan khi đưa ra 3 trích đoạn về chính sách của Nhà nước Cộng sản đối với Phật giáo. Ba trích đoạn này rút từ một tài liệu mật, dày 600 trang, do Viện Khoa học Công an phát hành tại Hà Nội, và dùng làm tài liệu học tập nội bộ cho công an và bộ đội hoạt động trong các vùng Phật giáo :
Chỉ đạo cho Công an và Ban Tôn giáo Chính phủ thi hành 2 nhiệm vụ :
Một là : “Ðể giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống phản động lợi dụng đạo Phật hiện nay cần xác định cụ thể những đối tượng phải đấu tranh, trấn áp, cô lập, phân hóa. Ðồng thời phải đấu tranh xóa bỏ ngay các tổ chức lập ra dưới thời Mỹ Ngụy (từ trung ương đến địa phương) để làm mất chỗ dựa và cơ sở của bọn phản động”. (sđd, tr. 507) ;
Hai là : “Cần mạnh dạn xây dựng đặc tình (tình báo đặc biệt) vào số có uy tín và thế lực trong Phật giáo Việt Nam và quốc tế như những tu sĩ Phật giáo có phẩm chất Thượng tọa, Hòa thượng, số Ðại đức trẻ có trình độ văn hóa cao và giáo lý sâu sắc” (sđd, tr. 509).
Ở hải ngoại, thì mở rộng phạm vi hoạt động :
“Mở đợt tấn công đối ngoại : ngoài việc sử dụng thông tin rộng rãi, cần đi sâu vận động cao tăng trong nước tham gia trận địa dư luận này. Có thể dùng các phương tiện thông tin để truyền mọi tình hình Phật sự trong nước, ý kiến các cao tăng, đưa tới các chùa, các phật tử tăng ni tiến bộ ở nước ngoài để có lượng thông tin tích cực lành mạnh tác động vào dư luận quốc tế. Ðề nghị Ban Việt Kiều liên lạc với các cộng đồng Phật giáo ở nước ngoài để tổ chức tập họp lực lượng, phân hóa, cô lập bọn phản động.
“Mặt khác, phối hợp giữa các ngành : công an, dân vận, mặt trận, tôn giáo để thực hiện đối sách với từng vị cao tăng có địa vị để thống nhất mục đích sử dụng số cao tăng này” (sđd, tr. 515- 516).
Ðại lễ Phật Ðản cũng là dịp ra mắt Tân Ban Hướng dẫn Trung ương Gia Ðình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Hộ Giác và do Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng Thư ký Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, tuyên đọc thành phần nhân sự được công cử. Kết thúc chương trình, Thượng tọa Thích Minh Dung thay mặt Ban Tổ chức ngỏ lời chào đón và cảm tạ Chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và quý vị Ðại diện các tổ chức, đoàn thể trong Cộng đồng Người Việt đã vân tập về tham dự. Sau đây là nguyên văn bức Thông điệp Phật Ðản 2548 của Ðức Ðệ Tứ Tăng thống Thích Huyền Quang: