PARIS, 4 tháng 8 năm 2016 (UBBVQLNVN) — Úc Đại Lợi cần chất vấn nhà cầm quyền Việt Nam trong cuộc Đối thoại Nhân quyền tại Hà Nội hôm 4-8 về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights) đã lên tiếng qua Thông cáo báo chí phát hành bằng Anh ngữ hôm 2 tháng 8 vừa qua. Chúng tôi xin dịch toàn văn Thông cáo báo chí hôm 2-8 ấy như sau :
Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights) nhấn mạnh rằng, vào lúc cuộc Đối thoại Nhân quyền Úc – Việt Nam xẩy ra, thì Việt Nam tiến hành những cuộc bạo hành chống lại các xã hội dân sự, đàn áp hung bạo những cuộc biểu tình ôn hoà, và đặc biệt, thông qua một loạt Luật hạn chế nhằm phục vụ cho chính sách đàn áp nhân quyền hoặc phạm-tội-hoá các hành xử chính đáng về tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp và tự do lập hội.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nhận xét rằng : “Những năm vừa qua, Việt Nam đã thông qua những bộ Luật có tính đàn áp chưa từng thấy trước đây, công an cũng gia tăng bạo hành đối với những nhà hoạt động nhân quyền. Úc Đại Lợi cần sử dụng cuộc Đối thoại Nhân quyền Úc – Việt này để áp lực Hà Nội cải thiện sự tôn trọng nhân quyền một cách cụ thể, có thể kiểm soát, và thực hiện trong thời gian ấn định”.
Trước cuộc Đối thoại xẩy ra ở Hà Nội, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã gửi đến Chính phủ Úc Đại Lợi bản Phúc trình tình trạng nhân quyền Việt Nam, nêu lên mối quan tâm của Uỷ ban về tác động trong tiến trình đối thoại. Úc Đại Lợi là quốc gia duy nhất trong vùng Á châu – Thái Bình dương có cuộc Đối thoại Nhân quyền với Hà Nội. (Các quốc gia khác là Hoa Kỳ, Liên Âu, Thuỵ sĩ và Na Uy). Khởi sự từ năm 2002 xen lẫn hai nơi gặp gỡ mỗi kỳ tại thủ đô Canberra và Hà Nội. Năm nay là Đối thoại Nhân quyền Úc – Việt lần thứ 13. Nhưng sau 15 năm đối thoại, Việt Nam chẳng nỗ lực bao nhiêu cho việc cải thiện nhân quyền.
Nhận chân các cuộc đối thoại, Ông Võ Văn Ái cho biết : “Đối thoại Nhân quyền như một dụng cụ cho chính sách nhân quyền là điều khả dụng. Nhưng đối thoại chỉ mang lại hiệu quả, khi cả hai quốc gia cùng đeo đuổi một tiến trình. Chúng tôi rất tiếc để thấy rằng Việt Nam đã dùng cuộc đối thoại như tấm màn khói che đậy những vi phạm nhân quyền, chứ chẳng bao giờ quyết tâm thực hiện nhân quyền cơ bản”.
Gần đây, một số luật pháp hạn chế được thông qua — và những luật mới đang thảo luận tại Quốc hội — cho thấy mục tiêu Việt Nam không nhắm bảo vệ hay gìn giữ nhân quyền, mà chỉ thiết lập một khung pháp lý ép buộc nhằm đàn áp tự do ngôn luận và hạn chế hành xử các quyền cá nhân.
Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 đã không bãi bỏ chương “An ninh Quốc gia” với những định nghĩa khá mơ hồ, mà Cộng đồng thế giới và các xã hội dân sự Việt Nam yêu sách, là chương bao gồm những tội phạm chính trị, như “tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước XHCNVN”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia”, hay “lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi quốc gia”.
Trái lại, “Các tội xâm phạm An ninh Quốc gia” (Chương XIII, Luật Hình sự sửa đổi) được tăng cường. Những điều luật mới bắt bỏ tù từ 6 tháng đến 5 năm tù giam cho những ý niệm quá mơ hồ như “người chuẩn bị phạm tội” được thêm vào suốt Chương An Ninh Quốc gia. Chữ “chuẩn bị” trong tiếng Việt sẽ được giải thích theo bất cứ cách nào để kết tội, dù thực tế còn nằm trong ý nghĩ, ý định. Thêm nữa, Luật Hình sự còn đưa thêm tội phạm mới về “những hành vi khủng bố nhằm chống đối chính quyền nhân dân” sẽ bị tử hình, cũng như toàn bộ các tội phạm ở Chương liên quan tới Internet. Bộ Luật Hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực vào tháng 7 năm nay, 2016, nhưng vừa được triển hạn sang tháng 7 năm tới 2017 vì có quá nhiều lỗi trật trong văn bản.
Chỉ riêng trong tháng Tư năm 2016, Việt Nam thông qua “Luật Tiếp cận Thông tin” hoàn toàn trái chống với tiêu chuẩn quốc tế về sự minh bạch và có trách nhiệm ; “Luật Báo chí sửa đổi” tăng cường những hạn chế về tự do ngôn luận, và tiếp tục cấm đoán truyền thông độc lập và báo chí tự do ; “Thông tư 13” của Bộ Công an cho phép công an toàn quyền đàn áp các cuộc biểu tình trước mặt tiền toà án và bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền phản đối các phiên xử bất công hay biểu tỏ tình liên đới với những người bị xử. “Luật Lập hội” đang được chuẩn bị với đầy rẫy nhược điểm, vi phạm quyền tự do lập hội.
Tự do Tôn giáo hay tín ngưỡng bị đe doạ trầm trọng tại Việt Nam. “Luật mới về tôn giáo và tín ngưỡng” sắp được Quốc hội thông qua sẽ áp đặt sự kiểm soát nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi Úc Đại Lợi sử dụng cuộc Đối thoại Nhân quyền để áp lực Hà Nội thu hồi bản Dự thảo Luật tôn giáo lần thứ 5 với 3 lần sửa đổi, để viết lại bản Dự thảo mới tuân thủ Điều 18 trong Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của KHQ.
Những thành viên thuộc các cộng đồng tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận là đích nhắm bị sách nhiễu thường trực. Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nêu rõ cuộc đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), đưa ra trường hợp của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, hiện đang đau yếu vì thành quả hàng chục năm trường bị giam cầm, lưu đày, quản thúc. Hoà thượng Thích Thanh Quang, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, bị khủng bố tại chùa Giác Minh thành phố Đà Nẵng, và Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam, Lê Công Cầu tại Huế, bị sách nhiễu thường trực, bị công an bắt đi “làm việc” thẩm cung và cấm đoán tự do đi lại. Cả hai vị giáo phẩm này bị cấm vào Saigon hồi tháng 5 năm 2016 để gặp gỡ các phái đoàn quốc tế, như Phái đoàn Úc Đại Lợi mong muốn tìm hiểu tình trạng GHPGVNTN.
Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi Úc Đại Lợi áp lực nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Dức Tăng Thống Thích Quảng Độ, chấm dứt việc công an theo dõi, kiểm soát, và để cho Ngài được hoàn toàn tự do hành đạo.
Uỷ ban cũng kêu gọi Úc Đại Lợi thúc đẩy Việt Nam công nhận quyền pháp lý của GHPGVNTN, cũng như tất cả các cộng đồng tôn giáo đã không chấp nhận việc đăng ký với Nhà nước, vì họ đã hiện hữu trên phương diện pháp lý trước khi chế độ Cộng sàn áp đặt trên lãnh thổ Miền Nam.
Giáo sư Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, tuyên bố sau cuộc thăm viếng Việt Nam tháng 7 năm 2014, rằng quyền tự trị của các tổ chức tôn giáo là một trắc nghiệm về tự do tôn giáo tại Việt Nam.