Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính gởi Sư Ông Thích Nhất Hạnh.
Từ khi mới vào chùa thế phát xuất gia, con đã nghe quý thầy kể về Sư Ông rất nhiều. Lòng con rất ngưỡng mộ khi đọc sách của Sư Ông viết, nhất là cuốn Ðường xưa mây trắng, Trái tim của Bụt… Rồi cách nay một năm con lại có “cơ duyên” nghe Sư Ông giảng về đề tài nhạc Trịnh Công Sơn, con nhớ hoài câu nói : “Trịnh Công Sơn và Sư Ông Làng Mai đã dám nói sự thật, nói thay cho những tâm hồn vì hoàn cảch nào đó mà không dám nói”. Qua câu nói ấy con đã thật sự xúc động, hỗ thẹn vì cảm thấy mình là đệ tử Phật mà quá nhu nhược, không dám nói những gì mình nghĩ, không dám làm những gì mình đã nguyện.
Khi nghe tin sau 40 năm lưu vong nay được nhà nước cho phép Sư Ông về nước, giảng về đạo Bụt lòng con rất đỗi hân hoan. Sự trổi dậy trong con đó là niềm vui khôn xiết và cả nỗi đau vô hạn cho thực trạng giáo dục Phật giáo nước nhà mà thế hệ con trẻ chúng con đang gánh chịu. Sự gánh chịu ấy không chỉ là của riêng lớp Tăng Ni trẻ chúng con mà còn là của 70% quần chúng Phật tử. Việc này, con nghĩ rằng Sư Ông là một nhà giáo dục tâm linh vĩ đại ở phương trời châu Âu, nay đem phương pháp giáo dục ấy về quê hương, thế nên con xin kính dâng lên Sư Ông đôi nét về thực trạng khủng hoảng trầm trọng của toàn bộ hệ thống giáo dục Phật giáo ở Việt Nam.
Kính bạch Sư Ông,
Chúng con nghĩ, sự nghiệp hoằng pháp tự độ và độ sanh là con đường thiết yếu của đạo Phật mà giáo dục phải là nền tảng. Giáo dục ở đây không chỉ là sự dạy và học ở học đường mà nó phải được thiết lập bằng một hệ thống có khoa học từ mọi phương diện sinh hoạt cộng đồng, luôn tôn trọng tối đa những tinh hoa văn hóa được đúc kết xuyên suốt chiều dài lịch sử và tính tương quan hiện tại. Ðứng trên quan điểm đó mà nhìn nhận thì hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam đang bị tha hóa và khủng hoảng trầm trọng mà hệ quả của nó có thể kéo dài nhiều thế hệ mai sau. Hiện tại, chúng con chưa có đủ những sự kiện cụ thể để nói rõ thực trạng một cách thuyết phục lắm, nhưng chỉ cần xét sơ được nhiều phương diện thì ai ai cũng có thể nhìn thấy điều đó.
1. Về hệ thống giáo dục học đường :
1.1 – Hệ thống Sơ cấp Phật học :
Ðây là hệ thống căn bản nhất để hình thành dòng tư duy vững chắc để tiếp nhận những tri thức trừu tượng hơn. Nhưng hiện tại, trong toàn quốc không có một hệ thống cụ thể nào cả. Chương trình giáo dục lớp sơ cấp trong toàn quốc có cũng được, không có cũng không sao. Ở một vài nơi có chúng Sa-di, Sa-di-ni đông thì được tổ chức vào ba tháng hạ ở những Tổ đình lớn và chỉ mang tính gia giáo nhiều hơn là giáo dục sư phạm. Ngay cả tỉnh Bình Ðịnh có truyền thống Phật giáo vững mạnh, nhưng cũng không có một Trường Sơ cấp Phật học nào cả. Còn trình độ Phật học của giáo thọ thì rất yếu kém, ngày đi dạy tối về tập vẽ ngoằn ngoèo vài chữ Hán là chuyện thường thôi ; trong khi đó có những thầy đủ năng lực thì lại không được mời dạy vì “lý tưởng không trong sạch”. Chỉ cần nhìn vào điểm này cũng thấy giáo dục Phật giáo đã mất gốc rồi. Vì hệ thống giáo dục Sơ cấp Phật học mà không được chú trọng đúng mức thì những kiến thức cơ bản sẽ không có là điều tất nhiên.
1.2 – Hệ thống Trung cấp Phật học :
Trong cả nước có gần 30 trường, tổ chức thi tuyển 4 năm một lần ; nhưng cũng không có một trường nào được tổ chức đúng nghĩa theo qui trình giáo dục sư phạm có khoa học.
Ở cấp Trung học thì mỗi trường có một giáo trình riêng, có một cách dạy riêng. Như trường trung cấp ở Ðà Nẵng thì kinh Thập Thiện đến nãm thứ 4 mới dạy và mỗi tuần chỉ ba buổi học mà còn phải nghỉ thường xuyên vì giáo thọ bận đi cúng hoặc bận kỵ tổ. Trường Trung cấp Phật học ở Bình Ðịnh hiện tại thì mỗi học kỳ đều có một môn học mà nội dung và người giảng dạy cũng do Ban tôn giáo Chính phủ chỉ định. Các trường khác ở Huế, Sài gòn, Tòng Lâm (Bà Rịa Vũng Tàu), ở Nha Trang, ở Cần Thơ cũng chịu sự tha hóa tương tự như thế.
Từ đó dẫn đến hệ quả nghiệm trọng khi học lên lớp cao hơn.
1.3 – Hệ thống Học viện Phật giáo :
Vì ở các lớp dưới đã mất tính thống nhất cho nên khi vào Học viện Phật giáo mà Tăng Ni cả nước tập trung về ba nơi Sài gòn, Huế, Hà Nội cũng được tổ chức tuyển sinh 4 năm một lần thì trình độ sàng và tuổi tác rất chênh lệch. Ðầu vào cả ba trường rất khó khăn, nhưng đầu ra thì rất dễ dãi.
Chương trình đào tạo lại đưa vào trường những môn học không cần thiết. Ví dụ ở học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phải học các môn như : Triết học Mác, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Ðảng. Chúng con thấy một trường Phật học tại sao lại học các môn như thế, học để làm gì trong khi Tam tạng kinh điển Phật giáo một người xuất gia đọc cả đời vẫn chưa hết.
Có vị Phật tử nói rằng : Quý thầy học rất siêu, chỉ riêng ngoại ngữ thôi con thấy mà choáng luôn. Học cả Anh văn Phật học, Anh văn đàm thoại, tiếng Hoa, tiếng Pali, tiếng Hán Cổ. Nghe họ nói thế mà thấy đau lòng, vì con biết học như thế là tự hại mình. Vì học xong sẽ chẳng làm được gì, rồi chỉ cần vài năm sau là không còn chữ nào trong đầu nữa. Ngay cả một trường Ðại hoc ngoại ngữ của thế gian, trong bốn năm đào tạo cũng chỉ hoàn thành có hai môn (một ngoại ngữ chuyên ngành và một ngoại ngữ phụ), còn mình học như thế thì làm sao gọi là đào tạo thành nhân tài nữa ? Ðó là chưa nói đến các bộ kinh giảng dạy một cách sơ sài, thậm chí giảng giải sai với nguyên nghĩa của kinh điển.
Còn trình độ Tiến sĩ Phật học thì ở Việt Nam hiện tại chưa có hệ cao học Phật giáo nhưng có khoảng 200 vị Tiến sĩ Phật học, được đào tạo chủ yếu tại Ấn Ðộ. Ở đây, con không có ý bình phẩm gì về quý thầy Tiến sĩ, mà con chỉ đề cập từ thành quả qua thực tế số lượng nhân sự tri thức như thế, nhưng chưa làm gì được trong việc chỉnh đốn những bất cập của Phật giáo Việt Nam hiện tại ; rồi từ đó đi tìm chỗ hỏng của vấn đề. Vấn đề ở đây là phải chăng do sự đào tạo không đạt tiêu chuẩn, hay do quý thầy không chịu cống hiến, hay do quý thầy không được tự do cống hiến xứng đáng với sở học ? Tất cả những vấn đề ấy còn là ẩn số.
Vậy thì điểm then chốt của sự rời rạc trong việc tổ chức nhân sự giáo dục học đường và tính bất cập trong hệ thống giáo trình là ở đâu ?
2. Hệ thống giáo dục xã hội :
Từ thực tại cho thấy, hệ thống giáo dục quần chúng Phật tử chỉ mang tính tự phát, hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín cũng như khả nãng có thể làm được của vị trú trì ở trú xứ đó.
2.1 – Hệ thống giáo dục cư sĩ :
Ðã nhiều năm, quần chúng Phật tử chịu tác động tuyên truyền từ nhiều thế lực bằng quan niệm đạo Phật là đạo của ông già bà cả, đạo của thế giới sau khi chết ; mặc dầu họ có đức tin mãnh liệt vào Phật giáo và đức tin ấy luôn chảy mãi trong trái tim của họ.
Một hình thức tu tập truyền thống cho giới cư sĩ Phật tử là các khóa tu Bát quan trai giới, nhưng nội dung chỉ mang hình thức lễ bái nhiều hơn là tập sống một ngày một đêm theo hạnh xuất gia. Còn trong các sinh hoạt đi chùa tụng kinh, niệm Phật, bái sám, cũng chỉ là hình thức, chứ Phật giáo chưa có sự giáo dục cụ thể để đưa giáo lý căn bản, chuẩn xác vào sự hiểu biết cho đại đa số quần chúng Phật tử. Có nhiều thầy còn bóp méo giáo lý, dạy sai lời Phật có chủ ý rõ ràng. Có thầy đã dạy Phật tử rằng : “Việc gì Phật dạy đúng mà Ðảng không cho làm thì không được làm, còn việc gì dù là sai mà Ðảng cho phép thì cứ làm”. Thiết nghĩ Bụt dạy : Tin ta, kính ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta. Ở đây, giáo dục như vậy có phải là đưa quần chúng vào tệ nạn mê tín và tự mình phỉ báng Phật hay không ? Nguyên nhân những bất cập ấy xuất phát từ đâu ?
2.2 – Hệ thống giáo dục thanh niên Phật tử :
Lực lượng thanh niên Phật tử là lực lượng hộ pháp đắc lực để giáo pháp Như Lai ứng dụng sâu sát trong lòng quần chúng. Tính quan trọng trong việc đào tạo lực lượng này để cống hiến cho việc xây dựng đất nước có lẽ Sư Ông đã thấy hơn 40 năm rồi. Bằng chứng là Sư Ông đã tổ chức Trường Thanh Niên Phụng Sự ngày xưa. Nhưng hiện nay thì hệ thống này sinh hoạt một cách rời rạt, không nơi nào giống nơi nào, thậm chí có nhiều nơi không còn hoạt động nữa.
Ngay cả phương pháp thực tập sống tương tức, an lạc trong chánh niệm của Sư Ông giảng dạy cho mấy ngàn thầy và cư sĩ trong hơn 10 năm qua đến học tại Ðạo tràng Làng Mai cũng thế. Trừ Thượng tọa Thích Thái Hòa ở chùa Từ Hiếu (Huế) đã thực hiện được phần nào, còn ngoài ra quý thầy chỉ thực tập được trong phạm vi cá nhân là giỏi lắm rồi, nếu không nói đó chỉ là “một cuộc thay đổi không khí ở Làng Mai” ; chứ hoàn toàn không làm thay đổi được gì cho màu sắc đen tối của Phật giáo Việt Nam hiện tại.
Trên đây là một thực trạng không cần bằng chứng để minh chứng mà lớp tu sĩ và Phật tử trẻ chúng con, ai ai cũng nhìn thấy và ưu tư lo lắng rằng 20 năm tới viễn tượng Phật giáo Việt Nam sẽ ra sao ?
Từ hệ quả giáo dục như thế, cho nên chuyến về nước lần này không biết Sư Ông có cơ hội để lắng nghe và nhìn vào bản chất của sự đón rước long trọng như Sư Ông đã từng nói qua đài báo hay không, chứ riêng con nhận thấy đó là hình thức đáng buồn. Trong số người tiếp đón đó có thể chia làm bốn thành phần :
– Ðón rước theo lệnh, theo sự vận động của nhà nước thì rất đông đảo.
– Thành phần hiếu kỳ thì chạy theo phong trào thị hiếu, xem đó như là một dịp để mở mang tầm mắt.
– Thành phần đã từng biết Sư Ông và thành phần do lâu nay đọc, nghe một số băng dĩa “nhập lậu” của Sư Ông thì họ đón chào bằng tấm lòng học hỏi.
– Thành phần quan trọng nhất, thuần tuý đúng theo tinh thần Phật giáo thì bị sự cấm đoán, hăm dọa không cho tham dự.
Như thế thì có phải chăng Mặt trận, Nhà nước, Ban tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang đạo diễn tấn tuồng để phô diễn về sự tự do tín ngưỡng ở Việt Nam, hòng thông qua uy tín của Sư Ông để che mắt thế giới hay không ? Và tại sao lại long trọng đón rước mà trong thời gian ngắn trước đây, họ xem Sư Ông như là kẻ thù vậy ?
Kính bạch Sư Ông,
Con vẫn biết ôm ấp những ưu tư trăn trở là đồng nghĩa với ôm mối nội kết, mà nội kết là một trong những nguyên nhân làm cản trở sự thăng tiến tâm linh của chính bản thân mình. Dù những ưu tư trăn trở đó có thánh thiện đến đâu cũng là chướng ngăn thánh đạo. Nhưng con đang là một chúng sanh mới tập tểnh đi trên con đường giải thoát giác ngộ nên không còn cách nào khác hơn, chỉ biết trải những ưu tư đó bằng ngôn ngữ trên tờ giấy trắng để vơi bớt những gì mà con đã gặp phải.
Từ nhỏ con được quý thầy dạy rằng tham, sân, si là ba chất độc thiêu đốt pháp thân huệ mạng, là kẻ thù của chúng sinh. Nhưng làm gì cũng phải có lý, có sự, nên muốn tiêu diệt được kẻ thù ấy thì phải nương vào sự để đạt lý. Sự-lý viên dung là đạo giải thoát. Cho nên hằng ngày chúng con cố công tích tụ việc thiện, giữ tâm ý mình trong sạch bằng việc sớm kinh chiều kệ. Chúng con phải được dạy cho kiến thức phân biệt đâu là thế lực, hành vi thiện ác để tránh ác làm thiện và khuyên bảo mọi người cũng làm nhứ thế ; chứ chúng con đâu thể tiêu diệt kẻ thù chướng đạo mà mặt mũi chúng thật là mơ hồ. Thế nên chúng con làm sao có thể chống lại kẻ thù “bạo động, quá khích, giận dữ, tham vọng” như Sư Ông đã dạy ? Hơn nữa, khi biết mặt mũi kẻ thù ấy thì chúng con đã giải thoát rồi. Thế cho nên, hàng hạ căn thấp kém sống trong môi trường nhiều chướng duyên như chúng con, chắc chắn không thể thực tập được phương pháp đó được. Nếu đây là suy nghĩ sai thì con thiết tha khẩn cầu Sư Ông cho chúng con một suy nghĩ đúng hơn và điều thiết thực nhất là chúng con cần có một môi trường giáo dục lành mạnh, để từng bước đi theo ánh sáng giải thoát. Vì môi trường hiện tại làm huỷ hoại rất nhiều hạt giống bồ đề mà huynh đệ chúng con đã nhận lấy.
Kính bạch Sư Ông,
Bằng lời văn vẻ và hình tượng hóa vấn đề mà thưa thì người xuất gia trẻ tuổi như chúng con, trước mắt đã từ giã những người thương yêu nhất như cha, mẹ, anh, em, thân bằng quyến thuộc để đi tìm nguồn vui trong giáo lý của đạo Phật. Những ngày tháng mới vào chùa tâm hồn con trẻ như tờ giấy trắng. Bao nhiêu cảnh tượng đẹp đẽ được vẽ ra thật là thánh thiện, đáng yêu quý ; những lời dạy bảo, phân tích của quý Ngài sao mà hay và thiêng liêng thánh thiện đến thế. Nhưng những gì đến rồi cũng phải đến, chính vì vậy mà chúng con đã hụt hẫng, dao động, buồn phiền, thất vọng, hoài nghi tất cả những gì đã cố công tìm kiếm.
Phải chăng tất cả những thất bại đó đều do nghiệp lực quá sâu nặng của con trẻ trong nhiều đời nhiều kiếp ? Hay do không có duyên gặp được các vị minh sư ? Hoặc do tiếp xúc với môi trường không được trong sáng, thánh thiện, nên đã tưới tẩm và nuôi dưỡng hạt giống Phật trong chúng con không đúng phương pháp và hậu quả của nó là khổ não ?
Tăng sĩ trẻ như chúng con hiện nay đang được giáo dục trong môi trường có nhiều bất cập. Ðiều bất cập làm con chú ý nhất là ngành giáo dục Phật giáo nước nhà hiện nay chỉ có “giáo” nhưng thiếu “dục”. Nuôi dưỡng thân xác phàm này đã khó mà nuôi dưỡng tâm hồn thánh thiện để mai hậu tâm hồn ấy trở thành một vị Phật lại càng khó hơn. Vì vậy, người nuôi nó phải là người đã từng tự nuôi mình trong quá khứ mới có đầy đủ kinh nghiệm để trao truyền và nuôi dưỡng. Tất cả những kinh nghiệm đó được trao truyền qua thân giáo của quý Ngài.
Cổ nhân thường nói “thượng bất nghiêm hạ tất loạn” để ám chỉ những người đi sau bị hư đốn là do những người đi trước không gương mẫu, nhưng theo chúng con điều này đúng thì có đúng mà chưa đủ. Bởi lẽ, chúng con đang sống trong môi trường khô khan cằn cỗi như sa mạc cháy bỏng, những cơn mưa dù lớn hay nhỏ chỉ là như muối bỏ bể không thể nào tìm được vị trí của mình trong đó. Mà phải cần có những cơn “đại pháp vũ”, đem nước và đem phù sa về nuôi dưỡng cho mảnh đất tâm có cơ hội hồi sinh, để muôn loài có cơ may sinh sôi nẩy nở. Chúng con không muốn nhận lầm những cơn mưa pháp nhỏ bé là “đại pháp vũ”, rồi vội vàng gieo trồng hạt giống, vội nứt mộng nảy lộc thì tất cả sẽ bị ngất ngư và chết ngay sau khi nó đâm chồi ra lá.
Chúng con nghĩ có lẽ chuyến về nước lần này của Sư Ông có thể nhìn bằng cặp mắt tình cảm thì chỉ là “biện pháp cứu nguy” tạm thời để giải quyết những khủng hoảng nhất thời, chứ không phải là đối sách mang tính bền vững ; cũng có thể chỉ là tăng thêm sức ảnh hưởng của Làng Mai, rồi vùi lấp đi những giá trị của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam được xây dựng từ mấy nghìn năm nay. Và từ thực tế xôn xao những ngày vừa qua cho thấy, có thể rồi đây sẽ khơi dậy một cách nhìn mới, nhận thức đúng hơn về Phật giáo, nhưng cũng có thể chỉ là sự rối rắm trong suy nghĩ của nhiều người. Và sau khi Sư Ông đi rồi thì việc gì sẽ xảy ra cho thế hệ chúng con ? Màu sắc Phật giáo Việt Nam sẽ thay đổi tốt đẹp như mong ước hay sẽ tăng thêm phần tha hóa, chia rẽ ? Và liệu rằng phương pháp giáo dục tâm linh ấy, tuy đã thành công ở châu Âu ; nhưng với Việt Nam thì sẽ như thế nào ? Vì vậy mà chúng con nghĩ tính tự thân vận động phải luôn luôn được đề cao là biện pháp hay hơn, cải tạo môi trường sống và đào tạo những nhà Phật học trẻ biết cải tạo môi trường sống là ước mơ chính đáng của con trẻ trong năm mới Ất Dậu này. Ðặc biệt, hệ thống giáo dục nếu không được cải cách triệt để thì trong tương lai gần đây, Phật giáo Việt Nam chắc chắn sẽ bị mai một mà đó cũng là chiến lược, là thành quả của ma vương Ba tuần đang mong đợi chuẩn bị ăn mừng.
Kính bạch Sư Ông,
Hiện nay chúng con thấy nhân sự giáo dục Phật giáo Việt Nam có đủ năng lực để lý giải những ẩn nghĩa, mật nghĩa hàm chứa trong lời dạy của Ðức Phật qua các kinh điển. Nhưng quý Ngài đã không làm được. Ðiều đó cũng có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân khách quan là do sự “khắc nghiệt về địa lý” (sa mạc) nên khí hậu không được thuận tiện cho các mầm sống phát triển. Vì vậy mà vùng này chỉ có những loại cây èo uột, những tàn lá lưa thưa chứ không tìm được hoa và trái như mong muốn.
Chúng con thiết nghĩ, nhân lực Phật giáo hiện tại không phải không có. Quí Ngài, quý thầy không phải không đủ đức độ, không phải không có tài nãng tổ chức giảng dạy, không phải không có tâm huyết hy sinh ; nhưng tại sao Phật giáo Việt Nam lại như thế này ?
Phải chăng vấn đề then chốt ở chỗ quý Ngài, quý thầy không có tự do trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục Phật giáo vững mạnh, luôn bị các thế lực chính trị thao túng, áp chế sâu vào bộ máy tổ chức nội bộ giáo dục Phật giáo, đã không cho quý Ngài làm được ? Phải chăng Giáo hội Phật giáo là thành viên của Mặt trận Tổ quốc nên không có toàn quyền là điểm then chốt của sự rời rạc trong việc tổ chức nhân sự giáo dục học đường và tính bất cập trong hệ thống giáo trình ? Phải chẳng đây là vấn đề gốc rễ, là nguyên nhân của mọi sự khủng hoảng, tha hóa được che bằng hình thức “vết sưng phát triển” của Phật giáo Việt Nam hiện tại ?
Trên đây là tâm tư khờ dại của con trẻ, ngưỡng mong Sư Ông tỏ tường để có tiếng nói đúng, công bố cho mọi người biết, dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người nhìn thấy thực tại đau lòng này và cũng là tiếng rống sư tử oai hùng của “Sư Ông Làng Mai đã dám nói sự thật, nói thay cho những tâm hồn vì hoàn cảch nào đó mà không dám nói”. Chúng con thật hân hoan lắm lắm.
Ðầu xuân, chúng con kính chúc Sư Ông sức khỏe dồi dào, để chúng con còn có cơ hội tiếp nhận hạt giống từ bi, trí tuệ mà Sư Ông đã mang về tổ quốc trao cho hậu thế. Một lần nữa chúng con thành kính đảnh lễ tri ân công đức mà Sư Ông đã dành chút ít thời gian đọc những dòng chữ mộc mạc chân thành này.
Kính thư
(đã ký)
Tỳ kheo Thích Nhựt Chấn