Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Công an Saigon ngăn cấm Thượng tọa Thích Thanh Huyền lo việc tang lễ cho người chị vừa thất lộc – Thượng tọa Thích Thiện Minh viết 10 điều thỉnh nguyện gửi Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới

Công an Saigon ngăn cấm Thượng tọa Thích Thanh Huyền lo việc tang lễ cho người chị vừa thất lộc – Thượng tọa Thích Thiện Minh viết 10 điều thỉnh nguyện gửi Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới

Download PDF

Văn hiến Việt Nam với tình nghĩa dân tộc và lễ giáo gia đình đã bị nền văn hóa ngoại lai Mác-Lê hủy diệt tại Việt Nam : Ngày 16.2.05 Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng chư Tăng Viện Hóa Ðạo chuẩn bị lên đường ra Bình Ðịnh chúc Tết và Mừng thọ Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang. Nhưng không đi được vì nhà đương quyền và công an đến các chùa ngăn cấm chuyến đi với những lý do bâng quơ, vô nghĩa lý, nếu không nói là hàm hồ.

Hôm nay, ngày 26.2.2005, một lần nữa nền văn hóa Mác-Lê lại ngăn cấm Thượng tọa Thích Thanh Huyền, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hiện cư ngụ tại Tu viện Quảng Hương Già Lam, quận Gò Vấp, không được tham dự tang lễ người chị ruột vừa qua đời ở huyện Ðịnh quán, tỉnh Ðồng Nai. Theo Thượng tọa cho biết, thì “tình cảnh anh chị em côi cút vì cha mẹ đã qua đời ! Tôi quyết định thân hành đến huyện Ðịnh quán để cùng các cháu sắp đặt tang lễ giùm cho chúng và thắp nhang kính viếng hương hồn chị tôi”. Thế nhưng, “vào lúc 10giờ20 sáng nay (ngày 26/2/2005), khi chúng tôi chuẩn bị lên đường thì, ông Lực công an phụ trách về tôn giáo quận Gò vấp đến chùa gặp Thượng tọa Trú trì, báo cho Thượng tọa biết là tôi (tức tu sỹ Thích Thanh Huyền) không được đi đâu hết vì không được phép của chính quyền”. Dù Thượng tọa trú trì hứa “làm đơn bảo lãnh và chịu trách nhiệm” mọi sự. Nhưng ông công an Lực nhất quyết không cho đi.

Thượng tọa Thích Thanh Huyền đã viết Kháng thư cùng ngày gửi ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Qua Kháng thư, Thượng tọa nhận định một điều tối quan trọng trong tuyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam : “Ở đời cái quý nhất là tình người, hơn nữa gia đình là đơn vị căn bản và tiên quyết trong yếu tố cấu thành xã hội, Quốc gia và Dân tộc. Việc người thân từ giã cõi đời chẳng khác gì như mình mất đi một phần của cơ thể. Trước tình cảnh này ai là kẻ không bàng hoàng đau xót hoặc thờ ơ vô trách nhiệm, không có tình người ? Tại sao chính quyền cố tình ngăn cản, không cho tôi thực hiện cái nghĩa vụ thiêng liêng “tình người” đó đối với người thân yêu ruột thịt của tôi ?”.

Thượng tọa Thích Thanh Huyền vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bản Kháng thư ấy. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn sau đây để thấy rõ hiện tình đàn áp Phật giáo trong nước, dù rằng Nhà nước tưng bừng tiếp đón một Phái đoàn Phật giáo nước ngoài với hàng trăm người, cho phép phái đoàn này tự do “thuyết pháp” và tự do đi lại từ Bắc đến Nam :

*****

Thượng tọa Thích Thiện Minh gửi 10 điểm Thỉnh nguyện đến Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới

Thượng tọa Thích Thiện Minh, người tù vì lương thức lãnh hai cái án chung thân, một lần vào năm 1979 và lần sau vào năm 1986, bị giam giữ và hành hạ suốt 26 năm vừa qua. Nhờ áp lực quốc tế nên năm ngoái Thượng tọa được giảm án xuống 20 năm tù, và đặc xá trước thời hạn trong dịp Tết vừa qua. Dù được trả tự do, nhưng theo lời Thượng tọa cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế biết, thì chẳng khác chi một cuộc chuyển trại từ nhà tù nhỏ sang nhà tù lớn.

Ngày 16.2 vừa qua, Thượng tọa lên Saigon để khám bệnh nhằm chữa trị ung bứu ở cổ. Nhưng công an quận Tân Bình đã đến tận nhà người chị mà Thượng tọa tá túc làm khó dễ, lập biên bản vì “tội” tạm trú bất hợp pháp, đòi phạt tiền, rồi cưỡng bức Thượng tọa phải rời Saigon lúc 2 giờ chiều 18.2.2005. Nên sau khi đến bệnh viện siêu âm ung bứu, Thượng tọa tức tốc trở về Bạc Liêu, không thể thăm viếng chúc Tết những ai mà Thượng tọa ao ước nhân cái Tết đầu tiên nơi “cõi tự do”.

Trong buổi làm việc ở Saigon, công an hỏi Thượng tọa hôm ra tù đến thăm “ông” Quảng Ðộ với mục đích gì ? Thượng tọa đáp : “Tôi là đàn hậu tấn, đi thăm viếng hàng trưởng lão Giáo hội là chuyện rất thường tình và là bổn phận của chúng tôi”. Nghe xong, công an liền ra lệnh ngăn cấm khi nói : “Ðừng tới thăm ông Quảng Ðộ nữa ! Ông này luôn xúi giục chống đối Nhà nước ta !”. Thượng tọa liền đáp : “Tôi đâu cần ai xúi giục, vì tôi cũng chống đối Nhà nước. Bao lâu Nhà nước chưa để cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, bao lâu chưa có tự do, nhân quyền và dân chủ thực sự thì tôi còn chống đối !”.

Ngày 21.2.2005, Thượng tọa Thích Thiện Minh viết 8 trang thư viết tay “Thỉnh nguyện thư” gửi Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới và bản sao gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để thẩm tường và phổ biến. Toàn văn Thỉnh nguyện thư này Bạn đọc có thể tìm xem trên Trang nhà Quê Mẹ & Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế : http://www.queme.net

Ðiều chính yếu của Thỉnh Nguyện thư mà Thượng tọa Thích Thiện Minh muốn thông tin và đạo đạt là : “Ở Việt Nam hiện tại, những quyền cơ bản của con người như quyền Tự do Tôn giáo, quyền tự do đi lại, quyền tự do báo chí, quyền hội họp, quyền lập hội ngoài Ðảng, chưa được thực hiện hay nói đúng hơn là Hiến pháp nhà nước Việt Nam điều nào cũng nói, nói rất hay, kể cả quyền biểu tình, quyền dân sự và chính trị.v.v… nhưng chưa được tôn trọng trên thực tế. Chính vì những ưu tư đầy bức xúc nói trên, hôm nay tôi gửi Thỉnh nguyện thư này đến Ủy Ban Tự Do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, xin quí ngài đừng sớm loại Việt Nam ra khỏi “các nước đặc biệt được quan tâm” mà hãy có thời gian thử thách, vì Cộng sản Việt Nam có quá nhiều mưu mô xảo quyệt kẻo quốc tế bị lầm !”.

Thượng tọa yêu cầu Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới “can thiệp trực tiếp với nhà cầm quyền Việt Nam” 10 điểm quan yếu sau đây :

“1. Trả tự do cho tất cả thành viên các tôn giáo nói trên (kể cả tù chính trị) đang còn bị giam giữ trong nhà tù Cộng sản một cách vô điều kiện.

“2. Ðòi phục hồi sự hoạt động hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, để minh chứng xem Việt Nam có thực sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo mà họ đã ban hành hay không ?

“3. Chúng tôi được quyền tự do thăm viếng các vị cao tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà không bị hạn chế hay bị cấm cản của chính quyền.

“4. Hủy bỏ nghị định 31/CP của chính phủ về việc quản chế hành chính tại địa phương.

“5. Tu chính Pháp lệnh Tôn Giáo.

“6. Tu chính Pháp lệnh thi hành án phạt tù, cho mở thư viện, có đủ sách báo, kể cả ngoại ngữ để tù nhân có thể cập nhật và nâng cao kiến thức của mình.

“7. Ban hành quy chế và đối sách đặc biệt đối với tù nhân chính trị và tù lương tâm cho phù hợp với luật pháp quốc tế.

“8. Cải thiện chế độ lao tù, vì tiêu chuẩn dành cho tù nhân rất eo hẹp, thiếu chất dinh dưỡng (còn bị nạn ăn cướp cơm chim).

“9. Thay đổi, hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp để thực hiện một chế độ Ða đảng, Ða nguyên bình đẳng nhau trong các Ðảng phái, không phải Ðảng Cộng sản là đảng duy nhất cầm quyền.

“10. Tổng tuyển cử tự do dưới sự giám sát của Quốc tế đôi bên đồng bộ chủ trương tình thương nhân đạo và hoá giải hận thù, thực hiện chính sách hoà giải hòa hợp dân tộc. Ðối thoại thay (cho) đối đầu. Chia sẻ thay (cho) chia rẽ. Xoá bỏ quan điểm cực đoan hay quá khích, cầu đồng tồn vị, hiệp thương cộng thức, thực hiện ôn hoà tiến bộ. Nhưng phải trên nguyên tắc đồng đẳng, bình đẳng và tôn trọng công bằng là lẽ tối ưu trong tình tự dân tộc, nhất là vào những năm hoá giải và khoan dung của bước thềm thiên niên kỷ mới, phù hợp với xu thế của thế giới mới ngày nay”.

Thỉnh nguyện thư cũng nêu lên tình trạng bi thiết mà Thượng tọa chứng kiến tại Trại Xuân Phước ở Phú Yên, còn gọi là Thung lũng Tử thần, về sự ngược đãi hành hạ đến chết các vị Linh mục Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Luân, hai tín hữu Cao Ðài Ðinh Văn Kiệp và Trương Phước Ðức. Ngoài ra, Thượng tọa cũng đưa tên tuổi 9 tù nhân tôn giáo đang chết mòn ở Trại Z30A ở Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai :

1. Linh mục Phạm Minh Trí 66 tuổi, ở tù gần 18 năm, bị tâm thần điên loạn hơn 10 năm (Dòng Ðồng Công).

2. Linh mục Nguyễn Viết Huân 56 tuổi, ở tù gần 18 năm (Dòng Ðồng Công)

3. Cụ Ngô Văn Ninh 87 tuổi, Hội trưởng Giáo Hội Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.

4. Lê Văn Chương 42 tuổi, là tu sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.

5. Nguyễn Văn Sĩ 42 tuổi, Pháp danh Thích Thiện Tâm (Nam Tông) ở Campuchia về nước hoạt động trong Ðảng Nhân dân Hành động.

6. Lê Văn Tính 66 tuổi, cán bộ Ban giảng huấn giáo lý thuộc Phật giáo Hoà Hảo, tham gia tổ chức Ðảng Nhân dân hành động, ông đã và đang bị giam riêng hơn 5 năm qua vì tội khiếu nại phản đối vụ án bắt oan những người đấu tranh cho Tự do, dân chủ.

7. Mai Xuân Khánh 64 tuổi (Thiên Chúa giáo)

8. Phương Văn Kiến 71 tuổi (Phật giáo Hoà Hảo)

9. Trần Văn Thiêng 67 tuổi (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất).

Xin Bạn đọc tìm xem toàn văn bản Thỉnh nguyện thư của Thượng tọa Thích Thiện Minh trên Trang nhà Quê Mẹ & Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế : http://www.queme.net



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *