Home / Tài liệu / Phỏng vấn Giáo sư Hoàng Minh Chính

Phỏng vấn Giáo sư Hoàng Minh Chính

Download PDF

Ỷ Lan : Giáo sư Hoàng Minh Chính năm nay 85 tuổi. Từ giữa thập niên 30, lúc mới 16 tuổi, Giáo sư đã tham gia phong trào Dân chủ Bình dân cho nền độc lập dân tộc. Năm 1940, Giáo sư gia nhập Ðảng Cộng sản và bị thực dân Pháp kết án 10 năm khổ sai và 10 năm biệt xứ, khổ sai qua các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò… Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư thành lập đoàn Quyết tử quân ở Hà Nội năm 1946 với châm ngôn “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Có thời Giáo sư làm Tổng thư ký Ðảng Dân chủ, mà Ðảng Cộng sản giải thể gần hai mươi năm trước. Thập niên 60, Giáo sư giữ những chức vụ trọng yếu trong bộ máy Nhà nước cộng sản, như Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Phó chủ nhiệm Trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc, Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin.

Năm 1981 vì kiến nghị lên Quốc hội những sai lầm trong chính sách đối ngoại và đối nội của Ðảng vì quá thiên theo chủ nghĩa Mao-ít, nên Giáo sư Hoàng Minh Chính bị bắt, bị 6 năm tù rồi quản chế tại gia. Trong tù Giáo sư bị hành hạ, đánh đập, và đầu độc, may mà thoát nạn. Giữa thập niên 90 lại bị thêm 12 tháng tù vì tội “lợi dụng tự do ngôn luận” trả lời các báo, đài ngoại quốc, cũng như tán phát tài liệu đòi bỏ điều 4 trên Hiến pháp.

Nhưng Giáo sư Hoàng Minh Chính luôn dũng cảm nói lên tiếng nói đấu tranh đòi hỏi tự do và dân chủ cho dân tộc giữa đất thiêng Thăng Long. Một sĩ phu dân chủ khác đã tặng cho Giáo sư lời ca tụng hai chữ Minh Chính :

Minh tâm như minh nguyệt

Chính khí hựu chính danh

Nghĩa là :

Lòng sáng như trăng sáng

Chính khí thành Chính danh

Sự chính danh ấy đã được Giáo sư Hoàng Minh Chính nói lên qua cuộc phỏng vấn, nhân đọc Lời Kêu gọi cho Dân chủ đa nguyên của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ gửi qua Thư Chúc Xuân năm Ất Dậu 2005. Xin mời quý thính giả lắng nghe :

Ỷ Lan : Kính chào Giáo sư Hoàng Minh Chính, hôm nay chúng tôi rất hân hạnh được hầu chuyện với Giáo sư, và xin có vài câu hỏi mong được biết ý kiến của Giáo sư. Trước hết, chúng tôi được biết Thư Chúc Xuân năm nay của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ gửi đến chư vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ và đồng bào các giới trong và ngoài nước. Ðặc biệt hướng tới chư vị Sĩ phu nơi đất thiêng Thăng Long. Xin Giáo sư cho biết cảm tưởng khi đọc Thư Chúc Xuân, mà cũng là Lời kêu gọi Dân chủ đa nguyên cho năm Ất Dậu – 2005 này ?

Giáo sư Hoàng Minh Chính : Vâng, tôi đã đọc bức thư đó và tôi thấy rằng bức thư đó đã đem lại đúng một mùa Xuân cho năm Ất Dậu này, cho các nhà trí thức, nhà văn, nhà báo và các vị lão thành cách mạng. Ðấy là một bức thư rất hay, có nội dung rất súc tích và những lời lẽ phải nói là rất cảm động. Do đó cho nên tôi rất hoan nghênh bức thư đó.

Ỷ Lan : Xin Giáo sư cho biết tầm quan trọng của việc thiết lập Dân chủ đa nguyên tại nước ta ngày nay. Dân chủ đa nguyên mà Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đề ra đó có là giải pháp tối hậu không ? Có khả năng thiết lập không ? Ðảng và Nhà nước có cho phép không ? Ðặc biệt là khi mà điều 4 trên Hiến pháp quy định Ðảng Cộng sản độc tôn quyền lãnh đạo và quản lý đất nước ?

Hoàng Minh Chính : Về vấn đề đó thì tôi nghĩ rằng là Hòa thượng Thích Quảng Ðộ có đặt vấn đề rất rõ và có đề ra một số những biện pháp.

Tuy nhiên, tôi thấy trong suốt một thời gian dài mấy chục năm trời nay, dù rằng ở trong Hiến pháp có nêu cái vấn đề về tự do tôn giáo, tự do dân chủ. Nhưng sự thực thi đó hoàn toàn không có. Ðấy chỉ là một lời nói. Theo ý kiến tôi, là nói để mà mị dân thôi. Chứ đó không phải là lời nói ra để thực thi. Thế thì vấn đề hiện tại, tự do dân chủ là một vấn đề cực kỳ bức thiết ở Việt Nam hiện nay. Bởi vì nếu không có tự do dân chủ thì cũng không có tự do tôn giáo, cũng không có tự do quyền sống của con người, không có tự do gì hết. Bởi vì tự do dân chủ là quyền của con người được nói lên cái ý muốn của mình, được nói lên cái tình cảm của mình, được nói lên cái lòng yêu của mình đối vối đất nước, đối với mọi người, đối với tôn giáo, đối với bất kể những điều gì mà mình thấy điều đó hợp với lương tâm của mình, với tình cảm của con người.

Bây giờ muốn cho con người được tự do thì sự thực phải có dân chủ. Nhưng mà dân chủ ở đất nước nầy, theo tôi cảm nhận suốt cuộc đời tôi, hiện nay – xưa và nay – chưa hề một lần nào có tự do dân chủ trên đất nước nầy cả. Do đó, cho nên điều nêu lên của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, tôi cho là một điều cực kỳ quan trọng và khẩn thiết vô cùng. Và chính cái điều đó cũng là cái đòi hỏi tha thiết của nhân dân từ xưa tới nay trong suốt nửa thế kỷ này. Chứ không phải chỉ mới bây giờ. Ðiều Hòa thượng Thích Quảng Ðộ nêu lên là một điều rất hợp với lòng dân và đấy là một điều rất tha thiết của nhân dân hiện nay. Ðiều đó, bức thư đó của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ nêu vấn đề đó được sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam cả trong nước lẫn ở hải ngoại. Tôi hoàn toàn tin tưởng như thế. Tôi cũng thấy bức thư đã được gửi và ở Hà Nội đã được đem ra phổ biến. Người nào đọc bức thư của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cũng đều rất là tâm đắc, rất là cảm động, đều rất là nhiệt tình hoan nghênh.

Ỷ Lan : Theo ý kiến Giáo sư thì làm sao, và làm gì, để khởi động tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam, nhất là ở hiện tình của một xã hội chuyên chế và khép kín như hiện nay ?

Hoàng Minh Chính : Trong tình hình hiện tại thì tôi thấy cái việc làm từ trước tới nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi thấy đấy cũng là một biểu hiện cụ thể để nói lên là phải làm gì. Cái điều cụ thể đó, tức là hai vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã nêu cao một tấm gương đấu tranh bất khuất đem lại một niềm tin cho nhân dân Việt Nam. Các vị ấy đã có nói rằng các vị không làm chính trị, nhưng mà các vị phải có thái độ chính trị, mà thái độ chính trị cũng là thái độ mà Phật tổ đã dạy, tức là mình phải có một lòng thương yêu tất cả chúng sinh. Nếu như chúng sinh gặp khó khăn thì mình phải có lòng thương yêu và giúp đỡ. Nếu chúng sinh gặp hoạn nạn, thì mình phải đưa bàn tay ra để mà nâng đỡ chúng sinh. Các vị và tất cả những vị chân Tăng Ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã làm công việc đó rất là kiên cường, rất là dũng cảm, suốt mấy chục năm nay, từ khi được giải phóng miền Nam cho tới đến bây giờ.

Do đó cho nên, chúng tôi thấy cái tấm gương ấy là việc làm rất đại kính phục và là tấm gương cho những người Việt Nam và tấm gương cho những nhà dân chủ như chúng tôi hiện nay.

Ðấy Hòa thượng Thích Quảng Ðộ… là điều thứ nhất. Tuy nhiên việc đấu tranh đó còn đòi hỏi một sự liên kết tất cả các tôn giáo, tất cả những nhà dân chủ, tất cả các tầng lớp nhân dân, những người trí thức, những nhà văn, nhà báo, những vị lão thành cách mạng, nhưng cựu chiến binh. Tất cả các giai tầng xã hội phải lên kết lại với nhau để đấu tranh quyết liệt, để đòi hỏi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi từng phút, rằng là phải có đấu tranh dân chủ. Ðòi hỏi trong đấu tranh kinh tế, đòi hỏi trong đấu tranh về đời sống xã hội, đòi hỏi về đấu tranh chính trị, đòi hỏi trong tự do tôn giáo, đòi hỏi cho tất cả các phương diện. Nhưng điều quan trọng nhất là phải có một sự liên kết tất cả các giai tầng xã hội, tất cả các tôn giáo, tất cả mọi người trong nước cũng như hải ngoại, thì cuộc đấu tranh ấy mới đạt được kết quả tốt đẹp.

Ỷ Lan : Xin Giáo sư cho biết ý kiến về sự kiện Chính phủ Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần đặc biệt quan tâm” vì lý do đàn áp quy mô tôn giáo ? Vừa đây Chính phủ Hoa Kỳ gia hạn cho Việt Nam đến ngày 15.3 sắp tới để thay đổi chính sách đàn áp tôn giáo ấy, nếu không muốn bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chế tài trên lĩnh vực kinh tế và tài chính chiếu theo Ðạo luật Tự do tôn giáo trên Thế giới mà Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998 ?

Hoàng Minh Chính : Về vấn đề đó thì tôi nghĩ rằng Chính phủ Hoa Kỳ có cơ sở thực tế là ở Việt Nam không có tự do nhân quyền, không có tự do tôn giáo và đã đang tiến hành đàn áp mạnh mẽ suốt từ nhiều năm nay. Ðặc biệt từ năm ngoái đến năm nay. Sự đàn áp đó đã rất rõ ràng đối với tất cả các tôn giáo, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và đối với những người dân chủ đang đấu tranh vì tự do dân chủ. Sự thực nhiều người hiện nay đang ở trong tù, đang quằn quại, đang bị đàn áp. Không những ở ngoài đời này mà còn bị đàn áp ở trong tù. Những con người đó có hàng trăm, hàng nhiều trăm chứ không là ít, mà trong số đó như anh em dân chủ hiện nay, những người trẻ tuổi cũng đang rên siết trong tù. Vì thế cho nên điều của Chính phủ Hoa Kỳ đặt ra là rất xác đáng, có căn cứ rõ ràng về những tình hình thực tế đang xẩy ra tại Việt Nam. Cả cái điều đó cũng được chứng minh rất rõ rằng trong Hiến pháp Việt Nam, những điều trong đó nêu ra, như điều 50, điều 53, điều 69 của Hiến pháp, nói về tự do tôn giáo, tự do nhân quyền. Nhưng mà Chính phủ Việt Nam này có tôn trọng gì Hiến pháp của mình đâu ?! Do đó cho nên, là không những nhân dân Việt Nam, mà tất cả các giai tầng xã hội được biết về các việc mà Chính phủ Hoa Kỳ đưa lên vấn đề đó, đòi hỏi ở chính quyền Việt Nam phải tôn trọng tự do dân chủ, tự do tôn giáo. Nếu không thì sẽ có áp đặt về vấn đề tài chính, về vấn đề kinh tế cho tới vấn đề chính trị. Tôi nghĩ vấn đề đó phù hợp với nhân dân Việt Nam hiện nay, và riêng chúng tôi, những người dân chủ, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh.

Ỷ Lan : Cuối cùng xin Giáo sư có điều gì muốn gửi gắm đến đồng bào trong và ngoài nước ?

Hoàng Minh Chính : Một điều mà chúng tôi đã nghĩ, tức là đồng bào ở trong nước và ở ngoài nước cần phải đấu tranh mạnh mẽ. Ðấu tranh từ thấp cho đến cao và không ngại gian khổ, sẵn sàng chấp nhận tất cả những sự đàn áp cho đến tù đày. Chỉ có như thế thì chúng ta mới có thể thoát được cuộc sống nô lệ hiện nay. Bởi vì sự thực toàn thể nhân dân ở Việt Nam hiện nay chúng tôi đang sống một cuộc đời nô lệ, tủi nhục. Chúng ta xấu hổ với thế giới vì chúng ta đã là một nước đang sống ở cái mức thấp nhất ở trên thế giới. Không đạt được mức độ như Ngân hàng Thế giới đã nói, nếu nước nào mà nhân dân ở nước đó không đạt được một mức sống là 2 đô la / đầu người / ngày. Tức là 760 đô la / năm thì đó là một dân tộc nghèo khổ. Nhưng mà ở Việt Nam hiện nay nhân dân chỉ mới có 450 đô la / đầu người / năm thôi, tức là chỉ mới bằng nửa cái tình cảnh đời sống của các dân tộc nghèo khổ trên thế giới. Do đó, đấy là một nỗi nhục của chúng ta, đấy là một sự đau khổ của nhân dân Việt Nam.

Chúng ta nhục nhã về vấn đề chúng ta sống trong một nước nghèo khổ như thế. Nhưng cái đó chưa đau khổ bằng cái những người Việt Nam không có tự do, không có quyền sống của con người. Sống một cái đời nô lệ, đó là điều tủi nhục hơn nữa.

Do đó cho nên, nhân dân Việt Nam chúng ta đều phải đoàn kết nhau lại, đấu tranh quyết liệt ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Chúng ta đấu tranh một cách dũng cảm. Chúng ta không sợ tù đày, không sợ đe dọa, không sợ bất kể một sự hành hạ nào. Chỉ có như thế thì chúng ta mới thoát được cảnh nô lệ hiện nay. Ðấy là điều mong mỏi của chúng tôi và chúng tôi hy vọng rằng nhân dân Việt Nam kiên cường.

Hàng bốn nghìn năm nay… chúng ta không thể khuất phục đối với những lực lượng hiện nay đang dày xéo nhân dân Việt Nam, mà chính vì cái quyền lợi gia tộc ích kỷ của họ mà thôi, chứ không phải vì tình cảm đất nước gì hết.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Giáo sư Hoàng Minh Chính đã cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt hôm nay

Check Also

Bản Hiến chương GHPGVNTN tu chỉnh lần cuối ngày 4 tháng 12 năm 2015

  HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT Bản tu chỉnh thông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *