Thích Thanh Huyền
Tu viện Quảng Hương Già Lam
498/11 đường Lê Quang Ðịnh
Quận Gò vấp
Kính gửi Ông Michael W. Marine
Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
7 đường Láng hạ, quận Ba đình.
Hà Nội
Thưa Ông Ðại sứ,
Trước hết tôi có lời xin chúc mừng Ông Ðại sứ, trong một giới hạn nào đó, đã đạt được những thành quả to lớn trong sự kiện làm cho hai Chính quyền, Việt nam và Hoa kỳ, chia xẻ nhiều hơn các quyền lợi chung. Tôi cũng xin thưa ngay với Ông Ðại sứ rằng tôi hiện đang bị quản thúc tại gia theo quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 9.10.2003 (đồng thời và cùng bị tình trạng như tôi, có các Thượng tọa Thích Nguyên Lý, Thích Tuệ Sỹ, Ðại đức Thích Ðồng Thọ (bằng văn bản) ; quý Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ, Thích Thiện Hạnh, và các Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Thích Thái Hòa, Thích Hải Tạng v.v… (bằng khẩu lệnh), do đó tôi không có đầy đủ quyền công dân để có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình. Nhất là sự liên hệ với một vị Ðại sứ nước ngoài – như Ông Ðại sứ – có thể bị quy kết là bất tuân pháp luật. Tuy nhiên, trong tất cả mọi quyền công dân và quyền con người mà tôi bị Chính quyền nhân danh pháp luật để tước đoạt hoặc hạn chế, có một điều không có bất cứ bạo lực nào, nhân danh bất cứ pháp luật nào, có thể tước đoạt : đó là phẩm giá của con người. Vì để xác định phẩm giá đó, tôi mạo muội gởi đến Ông Ðại sứ bức thư này.
Thưa ÔngÐại sứ,
Qua bài nói chuyện của Ông đọc tại buổi Hội thảo về Việt Nam được tổ chức ba năm một lần, lần thứ 5 tại Texas Tech vào ngày 17/3/2005, và đã được công bố trên trang Web của Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà nội ; cũng như các trả lời của ông trong buổi tiếp xúc với Cộng đồng người Việt Nam ở vùng San Francisco vào buổi chiều ngày Thứ Hai 21 Tháng Ba năm 2005 tại Trung Tâm Cộng Ðồng Ðông Nam Á. Trong đó tôi được biết quan điểm của Ông Ðại sứ khi đề cập đến trường hợp Mục sư Phạm Hồng Quang, về điều mà Ông Ðại sứ nói rằng “Ở Mỹ, ai chống lại cảnh sát đều bị bắt.” Tôi không phải là chứng nhân của vụ án, nên không thể biểt rõ hậu quả thế nào đối với bản thân Mục sư Nguyễn Hồng Quang. Tôi cũng biết Chính quyền Việt nam có đầy đủ quyền hạn để xử lý các công dân phạm pháp của mình mà không để bị chi phối bởi bất cứ tác động nào từ bên ngoài.
Nhưng qua phát biểu của Ông Ðại sứ, tôi liên tưởng đến trường hợp của bản thân : Ngày 09 tháng 10 năm 2003, tôi bị Cảnh sát Khánh hòa chận đường bắt giữ, khám xét thân thể và tịch thu hành lý với lý do được nêu là “Không chấp hành yêu cầu của nhân viên thi hành công vụ”. Nghĩa là chống lại Cảnh sát. Mặc dù tôi đã tuyệt thực phản đối hành vi tùy tiện của Cảnh sát, và yêu cầu giải thích, nhưng không hề nhận được bất cứ giải thích nào. Tiếp theo tôi được chuyển giao đến đồn Công an quận Gò vấp, TP Hồ Chí Minh. Tại đây chúng tôi bị giam giữ hai ngày, cũng với lý do “Không chấp hành yêu cầu của nhân viên thi hành công vụ”. Và cũng không có bất cứ giải thích nào để tôi biết rõ tôi đã làm gì với tội danh đã nêu. Sau đó, tôi được áp tải ra trước một loại Tòa án Nhân dân để mở cuộc đấu tố tôi của chính quyền quận Gò vấp, tôi được nghe đọc và nhận lệnh quản chế hai năm, trước một số đông cán bộ và đại diện các hội, đoàn mà không có bất cứ văn bản điều tra và thẩm vấn về hành vi được xem là phạm pháp, không có bất cứ giải thích cụ thể có cơ sở nào của Chính quyền, cũng không có bất cứ lời biện hộ nào của người bị kết án.
Tôi không có ý đồng nhất trường hợp của tôi với trường hợp của Mục sư Nguyễn Hồng Quang để đánh giá lời phát biểu của Ông Ðại sứ liên quan đến bản thân tôi. Nhưng tôi muốn nói lên thảm trạng xẩy ra hằng ngày trên đất nước chúng tôi tương tự như đã xẩy ra với tôi và chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của chúng tôi. Hành vi của Chính quyền hợp pháp hay phi pháp đối với công dân của mình, hiển nhiên không phải là chuyện của Ông Ðại sứ mà đó là vấn đề của chúng tôi . Hoặc chúng tôi cúi đầu chấp nhận mọi áp bức, hay đứng lên phản kháng để thế giới nhân loại nghe được tiếng nói của mình, để những ai tôn trọng phẩm giá của con người sẽ lắng nghe và hỗ trợ những người bị áp bức. Ðó là giới hạn giữa cái gọi là vấn đề nội bộ và lương tâm nhân loại.
Thưa Ông Ðại sứ,
Tôi biết chắc một điều, là bức thư này sẽ không làm thiệt hại gì đến quan hệ giữa hai Chính quyền Việt nam và Hoa kỳ. Nếu có hậu quả xấu cho bản thân tôi do bức thư này, điều đó tùy thuộc cách xử lý riêng của Chính quyền đối với công dân. Trong ý nghĩ đó, tôi mạo muội gửi thư này đến Ông Ðại sứ để nói lên một trong những thực trạng đã và đang xẩy ra trên đất nước chúng tôi, nó chỉ được xem như một trường hợp hợp cá biệt để tham khảo, và để suy nghĩ về tính hiện thực của phẩm giá con người trong quan hệ quốc tế giữa các Chính quyền.
Trong bài Diễn văn dẫn thượng tại Texas Tech vào ngày 17/3/2005, Ông Ðại sứ có tuyên bố một điều mà chúng tôi lấy làm tâm đắc khi nhắc nhở đến vấn đề tôn giáo, đặc biệt là vấn đề Tây nguyên :
“Trong việc giải quyết những bức xúc đó và những vấn đề khác chúng ta phải quan tâm – và chắc chắn sẽ có những vấn đề khác mà chúng ta thậm chí chưa nghĩ tới nhưng chúng ta cũng cần phải quan tâm”.
Ðiều làm cho tôi tin tưởng vào Ông Ðại sứ để viết bức thư này trong tình trạng mà luật pháp Việt Nam ngăn cấm với một người bị quản chế, là lời khẳng định của Ông Ðại sứ, khẳng định đó đã nói lên tính chất của Con người dân chủ đại diện một cường quốc dân chủ là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ :
“Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu chúng ta tập trung vào đa số những người đã hài lòng và những người được tự do theo đạo hoặc không theo đạo mà họ cho là phù hợp chứ không nên tập trung vào một số ít người phàn nàn rằng họ bị đàn áp. Nhưng chính việc đối xử với nhóm thiểu số và việc tôn trọng quyền của những người có thể phản đối chính phủ mới xác định quốc gia đó có tôn trọng quyền con người hay không. Và mặc dù điều đó có thể khiến các nhà chức trách Việt Nam tức giận, nhưng chúng ta cũng sẽ không ngừng ủng hộ cho những ai phải chịu thiệt thòi vì niềm tin của họ”.
Thành thật cầu chúc Ông Ðại sứ đạt nhiều thành tích xứng đáng hơn nữa trong mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Chính quyền Việt nam và Hoa kỳ.
(ký tên)
Thích Thanh Huyền