PARIS, ngày 31 tháng 12 năm 2018 (VCHR) – Vừa qua Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Ngừời Việt Nam (VCHR) do bà Ỷ Lan, Phó Chủ tịch Uỷ ban dẫn đâu đã đến LHQ ở Genève hoạt động trong suốt 3 ngày chuẩn bị cho kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ Quát (Universal Periodic Review, UPR) Việt Nam tại LHQ vào ngày 22 tháng giêng năm 2019. Tháp tùng phái đoàn có thêm chị Sonia Tancic, Trưởng Văn phòng Thường trực FIDH tại LHQ (Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền).
Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) là cơ chế LHQ kiểm soát các quốc gia thành viên trong thế giới về việc thực thi nhân quyền ở nước mình. Mỗi 4 năm, các quốc gia thành viên phải đến trình bày tình hình thực thi ấy tại nước mình. Ngày 22 tháng giêng năm 2019 sẽ tới phiên Việt Nam. Đây là lần thứ 3 Việt Nam chịu sự kiểm điểm theo cơ chế UPR. Tại cuộc kiểm điểm này, các quốc gia khác trong thế giới sẽ lắng nghe Hà Nội báo cáo, sau đó đưa ra những lời khuyến thỉnh cải thiện nhân quyền tại Việt Nam như hai lần trước đây (tháng 5 năm 2009 và tháng 2 năm 2014).
Gần đây, nhà cầm quyền Hà Nội công bố Phúc trình UPR lần 3 và tuyên bố đã thực hiện 96,2% những khuyến thỉnh của các quốc gia thành viên LHQ đưa ra tại kỳ UPR năm 2014. Nhưng trong thực tế, như VCHR (Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam) và FIDH (Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền) đã chứng minh qua Báo cáo chung của 2 tổ chức (Joint Stakeholders Submission) cho UPR và đã được công bố trên Trang Web LHQ, thì tình hình nhân quyền tại Việt Nam bốn năm qua đang xuống dốc từ xấu đến tồi tệ. VCHR và FIDH còn tố cáo Phúc trình UPR của Hà nội trước LHQ “che giấu những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhằm lừa đảo Cộng đồng thế giới”.
Cơ chế UPR vào tháng giêng 2019 dành cho Việt Nam và các quốc gia thành viên LHQ phát biểu, chất vấn, khuyến cáo. Nhưng các tổ chức xã hội dân sự không được quyền phát biểu tại khoá họp này. Vì vậy mà một Tiền Hội nghị được tổ chức tuần trước đây tại LHQ Genève là cơ hội cho các xã hội dân sự gặp gỡ, tiếp xúc với các phái đoàn chính phủ đến từ khắp thế giới để chia sẻ mối quan tâm về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và thúc đẩy các quốc gia nầy lên tiếng tại khóa họp kiểm điểm UPR chính thức đầu năm tới.
Vì mục đích này mà Phái đoàn Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam / VCHR đã cùng với Liên Đoàn uốc tế Nhân quyền / FIDH có mặt suốt 3 ngày để vận động. Phái đoàn tham dự và phát biểu tại cuộc họp của Đại sứ quán Liên Âu trước 28 quốc gia thành viên, và gặp gỡ trên 20 Phái đoàn chính phủ các nước lớn tại LHQ, cung cấp cho họ những phúc trình và tài liệu vi phạm nhân quyền do VCHR phát hiện, kèm theo các khuyến thỉnh nhằm cải thiện chính sách nhân quyền tại Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, dân quyền, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, và văn hoá. Chúng tôi đã thảo luận với các phái đoàn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt kể từ cuộc Kiểm điểm UPR năm 2014, mà trọng tâm nhắm vào tự do biểu đạt, tư do tôn giáo tín ngưỡng, tự do báo chí, cũng như sự kiện Việt Nam thiếu sự hợp tác với các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ, và hồi đáp nhiều đề mục khác do các Phái đoàn Chính phủ nêu ra. Chúng tôi yêu cầu các phái đoàn nhân danh nước mình đặt ra các yêu sách ưu tiên với Việt Nam trong kỳ Kiểm điểm UPR tháng giêng tới.
Đặc biệt, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam / VCHR đã cung cấp Phúc trình 36 trang mang tựa đề “Shrinking Spaces — (Khép kín Không gian tự do : Định giá Nhân quyền tại Việt Nam giữa chu kỳ thứ 2 của cuộc Khiểm điểm UPR)” đưa ra một loạt chứng liệu cụ thể cho thấy cung cách nhà cầm quyền Việt Nam tăng cường đàn áp, sách nhiễu, giam cầm các nhà hoạt động xã hội dân sự và sử dụng pháp luật để giảm thiểu không gian hoạt động của các xã hội dân sự kể từ cuộc kiểm điểm UPR 2014. Phúc trình phân tích những pháp luật giới hạn mới được Việt Nam thông qua, như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật An ninh Mạng, và Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã không bãi bỏ các điều luật sai phạm trong chương “an ninh quốc gia”, ngoại trừ thay đổi số hiệu các điều luật, v.v… Phải chăng để chẳng ai còn nhớ tới số hiệu những điều luật ác ôn ?
Điều chúng tôi chứng kiến qua các cuôc gặp gỡ, đối thoại này, là các phái đoàn tỏ ra không hài lòng với sự thờ ơ của Việt Nam, khước từ thực hiện các khuyến cáo của chính phủ họ, và cho biết sẽ lập lại những khuyến cáo ấy trong kỳ UPR sắp tới và đòi hỏi các thành quả cụ thể.
Phúc trình Nhân quyền chung của hai tổ chức VCHR và FIDH về cuộc Kiểm điểm UPR lần thứ 3 của Việt Nam được LHQ quan tâm nêu dẫn
Theo thủ tục LHQ, các tổ chức Phi chính phủ có thể đóng góp Báo cáo hay Phúc trình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam gửi về Hội đồng Nhân quyền LHQ trước ngày 12 tháng 7 năm 2018. Hai tổ chức VCHR (Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam) và FIDH (Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền) đã đệ nạp từ thượng tuần tháng 7 năm nay bản “Stakeholders Submission”. Các phúc trình này sẽ được Hội đồng Nhân quyền LHQ thu gọn thành bản Tổng kết cung cấp cho tất cả các quốc gia thành viên LHQ có thêm dữ liệu và những yêu sách và nhận định quan trọng hầu xem xét tại cuộc Kiểm Điểm UPR.
Phúc trình của 2 tổ chức chúng tôi ghi rõ sự thất bại của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc thực thi những khuyến cáo đề xuất tại cuộc Kiểm diểm UPR năm 2014. Chẳng những thế, nhà cầm quyền Việt Nam còn tiếp diễn các cuộc đàn áp nhân quyền cơ bản trong 4 năm qua, thông qua việc bắt cầm tù những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Từ giữa tháng 2 năm 2014 cho đến tháng 7 năm nay, 2018, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam/VCHR đã thu tập 160 trường hợp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động ôn hoà bị kết án tù lên tới 15 năm tù giam qua các phiên toà không theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bản Phúc trình cho biết, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực vào tháng Giêng năm 2017, Việt Nam đã không chịu bãi bỏ các điều luật mơ hồ trong chương “an ninh quốc gia”. Mà còn thêm vào chương Tội phạm “an ninh quốc gia”, điều 113 về tội “khủng bố chống Nhà nước” có thể dẫn tới án tử hình. Không một nỗ lực nào hạn chế số lượng các tội phạm bị tử hình cũng như “các trọng tội”, nhằm tuân thủ Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Các cuộc hành quyết vẫn tiếp tục trong những năm qua, và nhà cầm quyền vẫn đặt việc thống kê tội tử hình như “bí mật quốc gia”.
Đối với tự do biểu đạt và tự do ngôn luận, nhà cầm quyền gia tăng đàn áp các nhà báo, người sử dụng Internet, các bloggers. Trái với những khuyến cáo đưa ra trong kỳ Kiểm điểm UPR 2014, Luật Báo chí chẳng hàm chứa những điều luật cho phép báo chí độc lập hay tư nhân ra đời. Chẳng những thế, còn cấm đoán những thông tin bị xem như phê phán chính quyền.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã không thực thi những khuyến cáo kêu gọi tháo gở các chướng ngại quan liêu và hành chính làm cản trở sự thụ hưởng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của người dân. Hơn nữa, Việt Nam còn thông qua Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, có hiệu lực kể từ tháng Giêng năm nay, tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với tôn giáo, đồng thời luật-pháp-hoá sự xâm phạm của nhà nước vào lĩnh vực hoạt động tôn giáo.
Đối với tự do lập hội và tự do biểu tình ôn hoà, các hoạt động hội đoàn tiếp tục bị nhà nước kiểm soát. Biểu tình ôn hoà bị giới hạn nghiêm trọng và nhà cầm quyền tiếp tục sử dụng điều 245 trong Bộ Lật Hình sự (nay đổi thành điều 318) về “gây rối trật tự công cộng” để bắt giam, xử án, và bỏ tù những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền nổi danh, chỉ vì họ hành xử chính đáng quyền tự do biểu tình ôn hoà. Một Thông tư mới cho phép công an dàn binh bố trận để “ngăn cản sự phá rối trật tự công cộng” và bắt giam “thành phần đối lập”.
Ngoài việc nêu rõ tình hình đàn áp và luật pháp bao che sự đàn áp, bản Phúc trình của VCHR và FIDH còn đưa ra một số khuyến cáo cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.
Hội đồng Nhân quyền LHQ vừa công bố trên Website bản Báo cáo thu gọn từ 77 bản Phúc trình của các tổ chức Phi Chính phủ cung cấp cho kỳ UPR sắp tới. Bản Phúc trình của 2 tổ chức chúng tôi, VCHR và FIDH, được trích dẫn nhiều lần, đặc biệt những yêu sách trên các lĩnh vực tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, báo chí và Internet, điều kiện giam giữ tồi tệ các tù nhân vì lương thức, và đề nghị gửi các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Ngôn Luận, về Người Bảo vệ Nhân quyền, v.v… đến Việt Nam điều tra.
Sau cuộc Kiểm điểm UPR, ngày 11 và 12 tháng 3 năm 2019 Việt Nam còn phải báo cáo trước Hội đồng Nhân quyền LHQ về việc thi hành ICCPR (Công ước Quốc tế về Cac quyền dân sự và chính trị) mà Việt Nam trì hoãn báo cáo suốt 14 năm ! VCHR (Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam) sẽ có mặt tại LHQ kỳ báo cáo này để nói lên quan điểm và nhận xét của người đấu tranh bảo vệ Nhân quyền Việt Nam.
Tháng 4 vừa qua (2018), VCHR đã đệ nạp LHQ những yêu sách đầu tiên (LOI, List of Issues) nhắm vào khoá họp báo cáo của Việt Nam về ICCPR. VCHR đang chuẩn bị đệ nạp tiếp vào tháng 2 tới (2019) bản “Phúc trình phản bác” (Shadow Report) cho các chuyên gia LHQ có thêm tư liệu nghiên cứu trước khi họ chất vấn Việt Nam tại cuộc báo cáo nói trên.