LHQ Genève, ngày 11 tháng 3 năm 2019 (VCHR) – Tại khoá họp lần thứ 125 của Uỷ ban Nhân quyền LHQ tại Genève, các Chuyên gia LHQ xem xét Phúc trình về Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) lần thứ 3 của Phái đoàn Việt Nam. Nhân khoá họp xem xét này, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), công bố Phúc trình Phản biện của VCHR với 19 khuyến cáo Nhà cầm quyền Hà Nội.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, dẫn đầu một Phái đoàn gồm 24 người đến phúc trình trước Uỷ ban Nhân quyền LHQ tại Điện Wilson ở Genève.
Đây là một trong những Công ước quan trọng nhất của LHQ. Mặc dù Việt Nam tham gia ký kết Công ước này từ năm 1982, và theo nguyên tắc phải phúc trình mỗi 2 năm một lần trước Uỷ ban Nhân quyền LHQ về sự thực thi Công ước trên đất nước mình. Nhưng sau 37 năm ký kết, đây là lần thứ 3 Việt Nam đến phúc trình. Lần thứ nhất năm 1989, lần thứ 2 năm 2002.
Ông Võ Văn Ái nhận xét về sự chậm trễ này : “Trì hoãn phúc trình hàng mấy thập niên, không những Việt Nam chẳng tuân thủ nghĩa vụ quốc tế đối với LHQ, mà còn xem thường các cơ hội để tăng cường bảo vệ các quyền dân sự và chính trị cho người công dân. Hơn nữa, những thông tin cung cấp qua Phúc trình của Hà Nội đã lỗi thời, lại phủ nhận mọi bằng chứng hiển nhiên về các cuộc bạo hành, đàn áp chống xã hội dân sự, gia tăng bắt bớ tuỳ tiện và kết án nặng nề những ai lên tiếng đòi hỏi các quyền được Công ước quốc tế ICCPR bảo đảm”
Sáng nay, minh chứng trước 18 Chuyên gia thuộc Uỷ ban Nhân quyền LHQ, ông Võ Văn Ái, nhân danh Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), công bố bản Phúc trình Phản biện. Ông nói :
“Mười bảy năm trước, tôi đã ngồi trong hội trường này theo dõi Phái đoàn Việt Nam phúc trình về việc thực thi Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) tại Việt Nam. Thời ấy, tôi đã trình lên Uỷ ban bản Phúc trình phản biện cùng những quan tâm nghiêm trọng của chúng tôi và đã được chư vị Chuyên gia của Uỷ ban Nhân quyền LHQ lưu tâm trích dẫn trong bản Nhận xét cuối cùng.
“Hôm nay tôi lại trở về đây với bản Phúc trình phản biện mới. Nhưng mối quan tâm nghiêm trọng của chúng tôi vẫn y nguyên như cũ. Bởi vì Nhà cầm quyền Việt Nam đã làm ngược lại các điều Ủy ban Nhân quyền LHQ khuyến cáo 17 năm trước.
“Chính quyền Việt Nam thông báo cho Uỷ ban Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) là văn bản ưu thắng tại Việt Nam. Nhưng lại vắt hết ý nghĩa của Công ước khi xem Công ước phụ thuộc Hiến Pháp, đặt mọi quyền tự do cơ bản tuỳ thuộc theo “quyền lợi quốc gia” hay “an ninh quốc gia”. Sự hạn cục theo khuôn khổ “an ninh quốc gia” được lập đi lập lại trong các điều luật thông qua tại Việt Nam.
Mơ hồ và hổ lốn, “An ninh quốc gia” là lớp sơn hợp pháp để triệt tiêu quyền con người. Chính quyền không hề phân biệt giữa các hành xử bạo động với những ai hành xử chính đáng quyền tự do ngôn luận của họ. Biến đổi bất cứ ai hành xử ôn hoà quyền tự do cơ bản của mình thành “tội phạm”. Với lý do này, và bất cần những khuyến cáo của Uỷ ban Nhan quyền LHQ năm 2002, những kẻ bị tạm giam có thể gia hạn hầu như tới vô hạn, và bó buộc các luật sư quay lại tố cáo thân chủ mình.
“Gần đây, các bản án chiếu theo điều 109 của Bộ luật Hình sự mới về “những hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đã nổ ra, với 2 bản án trong năm 2016, sáu trong năm 2017 và 15 trong năm 2918. Tội phạm chiếu theo điều này, có thể dẫn tới án tử hình, được sử dụng để kết án những ai bênh vực cho chế độ đa nguyên, đa đảng và tam quyền phân lập. Thực tế tại Việt Nam, đa nguyên mang cùng nghĩa với đe doạ sự sống còn của Đảng Cộng sản, và ai đòi hỏi đa nguyên sẽ bị kết tội âm mưu “lật đổ chính quyền”.
“Luật mới về Tín ngưỡng Tôn giáo vi phạm điều 18 của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Vì tự do tôn giáo là quyền phổ quát và không thể chuyển nhượng, cơ chế đăng ký là một sự lựa chọn, không thể là điều bắt buộc. Trong khi ấy Luật mới chỉ công nhận những tôn giáo nào được Nhà nước thừa nhận, Từ khi Luật này có hiệu lực từ tháng giêng năm 2918, tình hình các tôn giáo không được thừa nhận trở thành bấp bênh hơn trước, như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thường trực bị sách nhiễu, hăm doạ và bắt bớ ngày càng gia tăng.
“Về án tử hình, thì sự giảm thiểu các tội phạm bị tử hình làm gia tăng số án xử tử. Nhà cầm quyền công nhận đã có 122 án tử hình nhiều hơn trong năm 2018 so với năm 2017. Không ai biết được tổng số các án tử hình, vì thống kê án tử hình được xem như “bí mật quốc gia”.
“Việt Nam cũng vi phạm điều 19 của Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị với Luật Báo chí mới khi gia tăng các “hành động cấm đoán” từ 4 lên 13, cũng như tiếp tục cấm đoán tự do báo chí. Tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, ngay cả đối với người ngoại quốc, như trường họp Báo cáo viên đặc biệt LHQ về Tự do tôn giáo, ông Heiner Bielefeldt, đã bị cấm gặp gỡ các nhân chứng trong cuộc thăm viếng tại chỗ năm 2014”.
Bản Phúc trình phản biện của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam còn nhấn mạnh các luật mới vừa thông qua gần đây, như Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, Luật Báo chí, Luật An ninh Mạng, Luật Tiếp cận Thông tin, v.v… đều hạn chế và thắt chặt quyền con người.
Quyền dân sự và chính trị bị vi phạm toàn bộ tại Việt Nam, đặc biệt thông qua việc sử dụng bừa bãi các điều luật nằm trong chương “an ninh quốc gia” của Bộ Luật Hình sự để đàn áp chính trị. Ông Ái nhấn mạnh với Ủy ban Nhân quyền LHQ : “Các điều luật mơ hồ này trong thực tế chỉ là đồ mã trang trí bên ngoài để đàn áp nhân quyền. Nhà cầm quyền Hà Nội không phân biệt đâu là hành xử bạo động và đâu là hành xử quyền tự do ngôn luận, nên biến các đòi hỏi nhân quyền ôn hoà thành tội phạm”. Hầu như tất cả luật pháp quốc gia, như Luật Hình sự năm 2015, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật Báo chí, Luật An ninh Mạng, Luật Tiếp cận Thông tin, chứa đựng những điều luật giới hạn nhân quyền khi nại cớ “xâm phạm an ninh quốc gia” hay “xâm phạm quyền lợi Nhà nước”, vi phạm trầm trọng Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
Các điều luật An ninh quốc gia được sử dụng thường xuyên để bắt bớ, kết án, bỏ tù những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, bloggers, tín đồ tôn giáo, hoạt động xã hội dân sự, và những ai phê phán Đảng Cộng sản. Từ tháng giêng năm 2017 đến tháng 2 năm 2018, 117 nhà hoạt động xã hội dân sự, kể cả 23 phụ nữ, bị kết án tù từ 13 tới 20 năm tù giam.
Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) báo động sự gia tăng các án nặng nề này cho những nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ chiếu theo điều109 của Bộ Luật Hình sự mới năm 2015 về “hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79 trước kia). Trong năm 2018, 15 người bị kết án theo điều 109, so với 6 người trong năm 2017, hai người trong năm 2016. Tháng tư năm 2018, tám thành viên “Anh em Dân chủ” bị kết án từ 9 đến 15 năm tù giam chiếu điều 109 vì họ kêu gọi “xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng và tam quyền phân lập”.
Ông Võ Văn Ái cho biết : “Theo quan điểm nhà nước, kêu gọi đa nguyên đồng nghĩa với lật đổ chính quyền, vì đe doạ chính quyền độc đảng. Tại Việt Nam, sự sống còn của Đảng Cộng sản quan trọng hơn nhân quyền”.
Những phiên toà bất minh biểu hiện qua sự phủ nhận cơ chế bảo vệ pháp lý, điều kiện tạm giam tồi tệ cũng như ngược đãi tù nhân, vi phạm điều 14 của Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cho phép tạm giam vô thời hạn, gia tăng thời hạn giam kín và xử kín nếu bị nghi xâm phạm “an ninh quốc gia”. Điều 19 của Bộ Luật Hình sự bó buộc Luật sư tố cáo thân chủ mình nếu thấy họ nguy hại “an ninh quốc gia”.
Sự kiện công an mặc thường phục, hay bọn du côn được thuê đánh đập, xâm phạm thân thể, hăm doạ, là hiện trạng thường trực. Các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền đối diện thường xuyên với những giới hạn như cấm đoán việc đi lại, tịch thu hộ chiếu, không cấp hay trì hoãn thủ tục cấp chiếu khán, công an theo dõi, quản chế và xoá bỏ quyền công dân.
Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) xác định quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng bị vi phạm nghiêm trọng. Theo Luật mới về Tín ngưỡng Tôn giáo, các tôn giáo phải đăng ký mới được quyền sinh hoạt, chẳng có tiêu chuẩn pháp lý nào cho hàng giáo phẩm và thành viên các tôn giáo không được thừa nhận, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống (UBCV), Phật giáo Khmer Krom, Tin Lành Tại gia, Hoà Hảo, Cao Đài, không ngừng bị đàn áp hung bạo, kể cả bị bắt bớ tuỳ tiện, sách nhiễu, hăm doạ, từ khi Luật tôn giáo mới có hiệu lực vào tháng giêng 2018. Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đức Tăng Thống Thich Quảng Độ tiếp tục bị quản thúc, hiện nay ngài bị cắt đứt mọi thông tin, liên lạc với bên ngoài.
Vào tháng 8 năm ngoái, 2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kêu gọi công an theo dõi chặt chẽ các giáo phái, đặc biệt Pháp Luân công, và chỉ thị cho “Lực lượng 47”, (lực lượng tác chiến trên Không gian Mạng qua đội ngũ Dư Luận viên do Bộ Quốc phòng thiết lập năm 2017), đăng tải những bài viết chống tôn giáo và kêu gọi nhân dân chớ theo chúng.
Bản Phúc trình phản biện của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) thu tập mọi vi phạm Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) bao gồm mọi giới hạn thông qua Luật An ninh Mạng, các vi phạm quyền tự do cơ bản, tự do lập hội và biểu tình, cũng như sử dụng thái quá án tử hình, sử dụng các điều luật chống biểu tình để quét sạch các cuộc biểu tình lớn rộng chống Dự luật Đặc khu kinh tế vào tháng 6 năm 2018, qua đó có ít nhất 118 người bị bắt và kết án, và vi phạm quyền tự do tôn giáo của dân tộc thiểu số.
Ông Võ Văn Ái nhấn mạnh : “Bao lâu chưa có báo chí độc lập, công đoàn độc lập, xã hội dân sự tự do, thì những nạn nhân bị vi phạm nhân quyền chưa có cơ chế bảo vệ họ hay thu nhận khiếu kiện của họ. Đã 37 năm Việt Nam ký kết Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), nhân dân Việt Nam vẫn chưa hề có Các quyền Dân sự và Chính trị”.
———————-
Liên lạc báo chí :
Ỷ Lan Penelope Faulkner (tiếng Anh, Pháp, Việt) : +33 6 11 89 86 81
Võ Trần Nhật (tiếng Pháp, Anh) : + 33 6 62 17 42 29