Home / Actualités / Võ Văn Ái, Nhà tranh đấu cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam vừa qua đời

Võ Văn Ái, Nhà tranh đấu cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam vừa qua đời

Download PDF
Brice Pedroletti,
Nhật báo Le Monde, ngày 1 tháng 2 năm 2023, Paris, France

Người có tiếng tăm tại Pháp nhờ đã phát động chiến dịch «Một Con Tàu cho Việt Nam» vào cuối thập niên 1970 để cứu sống người vượt biển trốn chạy khỏi chế độ cộng sản vừa mới thành lập, năm 1985 ông đã đệ đơn đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc kiện nhà cầm quyền Việt Nam về vi phạm nhân quyền. Ông qua đời vào ngày 26 tháng Giêng 2023, hưởng thọ 87 tuổi.

Người bảo vệ không mỏi mệt cho Quyền làm người và cho Phật giáo Việt Nam, thi sĩ và nhà văn, vang tiếng tăm tại Pháp nhờ đã phát động chiến dịch «Một Con Tàu cho Việt Nam» vào cuối thập niên 1970 để cứu sống những người vượt biển (Boat People) trốn chạy chế độ cộng sản vừa áp đặt trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ông Võ Văn Ái vừa qua đời ngày 26 tháng Giêng 2023 tại Paris. Hưởng thọ 87 tuổi.

Hoạt động tranh đấu của ông, trong suốt thời kỳ lưu vong tại Pháp, được thể hiện qua hai tổ chức do ông sáng lập sau ngày Sài Gòn sụp đổ năm 1975: Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Tạp chí Quê Mẹ – Hành động cho Dân chủ Việt Nam. Tạp chí Quê Mẹ phát hành từ một nhà in ông đã lập ra ở Gennevilliers (Hauts-de-Seine). Cống hiến cho quyền làm người, dân chủ và văn hóa Việt Nam, tạp chí Quê Mẹ đã tạo ra một ảnh hưởng lớn lao trong Cộng đồng người Việt hải ngoại, và ngay cả trong nước, — nơi mà tờ báo được phổ biến bí mật.

Võ Văn Ái, là một trong những người đầu tiên, xuyên qua tổ chức phi chính phủ của ông, đã tiết lộ và truyền thông cho thế giới biết những chương trình đàn áp của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông đã thực hiện năm 1978 một tấm địa đồ «goulag» Việt Nam bao gồm 150 trại cải tạo. Cùng năm này, vào tháng mười một, chấn động trước số phận của 2500 dân tỵ nạn chịu đói khát trên con tàu Hải Hồng, một thương thuyền chở hàng, — mà chính quyền Indonesia, và sau đó là Malaysia đã từ chối cho nhập cảng, ông đã phát động chiến dịch thuê một con tàu, Đảo Ánh sáng, để lên đường giải cứu người vượt biển.

Những hoạt động này vấp phải sự nghi ngại của một thành phần phái tả Pháp, vốn đã chống chiến tranh Việt Nam trước đây; thậm chí ông còn là mục tiêu của nhiều biện pháp dọa dẫm đến từ tòa thị chính cộng sản ở Gennevilliers, và một mưu đồ — thất bại — thiêu đốt nhà in của ông. Nhưng ông Ái đã thành công tập hợp những người đồng minh hỗ trợ như André Glucksmann, Olivier Todd (chủ bút tuần báo L’Express), Lionel Jospin, Yves Montand và Simone Signoret, cũng như Simone de Beauvoir và Jean-Paul Sartre. Đó là thời điểm có những trang áp-phích nở rộ trên báo chí Pháp, «Kêu cứu, một chiếc tàu cho Việt Nam», bày ra khuôn mặt một bé gái và một con tàu trôi lạc biển khơi. Chiến dịch đã gây ra một ảnh hưởng mạnh mẽ chấn động nước Pháp; nhờ đó mà rất nhiều người Việt xin tỵ nạn sang Pháp đã được tiếp đón.

Võ Văn Ái sinh ngày 19 tháng mười 1935 (tuy nhiên ngày sinh trên giấy khai sinh là 1938) ở miền núi Bắc Việt Nam, nơi cha ông được phái đến làm nhân viên điện tín viễn thông — trong chính quyền thuộc địa Pháp. Ông lớn lên ở cố đô Huế, là nguyên quán của gia đình ông. Thời đó, ông tham gia phong trào Thanh niên Phật tử âm thầm ủng hộ nền độc lập cho Việt Nam.

Năm 11 tuổi, ông bị sa vào lưới an ninh, cảnh sát chính trị của thuộc địa: ông kể với gia đình rằng ông đã bị treo lơ lửng trên không bằng một sợi dây buộc vào hai cổ tay quặt ở sau lưng. Ông đã chứng kiến sự tra tấn đối với những người đàn ông và phụ nữ xung quanh mình. Trong suốt tuổi trẻ của mình, ông tiếp tục tham gia các hoạt động ủng hộ nền độc lập, bằng cách phát truyền đơn hoặc quyên góp cho kháng chiến.

Năm 1955, Võ Văn Ái rời miền Nam Việt Nam, một xứ sở Công giáo và độc tài của Tổng thống Diệm, nơi ông không cảm thấy an toàn vì quá khứ dấn thân, để đến Pháp, rồi Đức, nơi ông bắt đầu theo học y khoa. Tại Sài Gòn, vụ tự thiêu của một nhà sư vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 gây chấn động thế giới. Võ Văn Ái đã từ bỏ việc học của mình để cống hiến thời gian đề xướng Phật giáo như một giải pháp cho chiến tranh giữa miền Nam Việt Nam và miền Bắc Cộng sản. Năm 1963, ông thành lập Tổng Hội Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại, rồi đến năm 1964 trên trường quốc tế cùng với thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành đại diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), một giáo hội được chính thức công nhận tại miền Nam Việt Nam sau sự sụp đổ của chế độ Diệm năm 1963.

Năm 1985, nhân ngày kỷ niệm 10 năm Sài Gòn sụp đổ, Võ Văn Ái đã đệ đơn kiện đầu tiên về vi phạm nhân quyền (của nhà cầm quyền Việt Nam) tại Liên Hiệp Quốc ở New York: một hồ sơ đầy đủ chi tiết, hơn 500 trang, vạch trần những vi phạm đang diễn ra trong nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa vừa mới thành hình. Kể từ đó, ông không ngừng bôn ba gặp gỡ các cơ quan quốc tế và vận động các chính phủ và quốc hội các nước dân chủ. Ông phát biểu hằng năm tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Trong những thập niên 1990, Võ Văn Ái cũng trở lại đấu tranh cho Phật giáo, ông trở thành phát ngôn viên quốc tế của GHPGVNTN bị CSVN cấm đoán từ 1975: ông góp phần biến chuyển cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo của giới Phật giáo Việt Nam bất đồng chính kiến trở thành một phong trào rộng lớn hơn cho nền dân chủ toàn cầu. Ông nhập quốc tịch Pháp năm 2016.

Brice Pedroletti
(Bangkok, phóng viên tại Đông Nam Á)

Những thành tích của Võ Văn Ái
19 tháng 10, 1935 Sinh tại Hương Thủy (Việt Nam)
1963 Thành lập Tổng Hội Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại
1978 Phát động phong trào “Một Con Tàu cho Việt Nam”
1985 Nộp đơn đầu tiên tại Liên Hợp Quốc kiện chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền
26 tháng 1 năm 2023 Qua đời tại Paris

Bản dịch Việt ngữ của Hoàng Xá

© Le Monde – La reproduction totale ou partielle d’un article, sans l’autorisation écrite et préalable du Monde, est strictement interdite. Pour toute demande d’autorisation, contactez syndication@lemonde.fr. Cet article est reproduit avec l’accord exprès du journal Le Monde, que nous remercions chaleureusement.

This post is also available in: English French

Check Also

Chúc mừng năm mới 2024

This post is also available in: English French

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *