Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở tại Paris vừa nhận được từ Viện Hóa Ðạo trong nước Thông bạch Vu Lan 2549 (2005) của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, gửi Chư Tôn Giáo phẩm, Hòa thượng, Thượng tọa Ðại đức Tăng Ni và toàn thể Phật tử trong và ngoài nước.
Thi hào Nguyễn Du đã viết “Văn tế thập loại chúng sinh” cực kỳ thống thiết nhưng diễm lệ về Ngày Rằm tháng Bảy, Ngày Xá tội vong nhân, mà cũng là ngày đại lễ Vu Lan. Còn gọi là Mùa Báo hiếu ông bà, tổ tiên cha mẹ nhiều đời, tức cửu huyền thất tổ, theo truyền thống Phật giáo, và được tổ chức thường năm từ hàng chục thế kỷ qua vào dịp Rằm tháng Bảy âm lịch, nhân dịp Tự tứ. Tự tứ là ngày chư Tăng Ni xuất hạ sau 3 tháng an cư. Dịp này chư Tăng các chùa lập đàn tràng cứu độ hương linh cửu huyền thất tổ của quần chúng theo đạo Phật, cũng như những vong hồn không người thân thuộc cúng bái hay những cô hồn, ngạ quỉ đang thét la đói rách nơi địa ngục. Rằm tháng Bảy âm lịch năm nay rơi vào ngày 19.8.2005.
Trong mấy ngày qua, nhiều chùa viện và Phật tử Việt Nam ở hải ngoại viết thư hoặc điện thoại về Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế yêu cầu chúng tôi gửi Thông điệp và Thông bạch Vu Lan 2549 (2005) của Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, để chuẩn bị tuyên đọc tại đại lễ Vu Lan sắp tới. Nhân kỳ gửi hôm nay, chúng tôi xin được làm rõ sự việc trong quá khứ do hoàn cảnh pháp nạn trong nước, sự quản chế hay giam cầm khắc khe, nên có sự kiện Ðức Tăng thống hoặc Hòa thượng Viện trưởng thay nhau hoặc cùng lúc, ban hành các Thông điệp, Thông bạch nhân các kỳ lễ lớn như Tết Nguyên đán, Phật Ðản, Vu Lan, v.v… Dù rằng, theo điều 11 trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bản tu chỉnh tại Ðại hội khóa 5 ngày 12.12.1973, thì Ðức Tăng thống chỉ ban Giáo điệp Phật Ðản vào dịp Phật Ðản hằng năm. Còn các Thông bạch chúc Xuân, Vu Lan, v.v… do Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo ban hành. Ðó là lý do vì sao đại lễ Vu Lan năm nay không có Thông điệp của Ðức Tăng thống mà chỉ có Thông bạch của Hòa thượng Viện trưởng.
Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn Thông bạch Vu Lan 2549 của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ như sau :
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P. Hồ Chí Minh
Phật lịch 2549 |
Số 06/VHÐ/VT
|
của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Giáo phẩm, Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni,
Thưa toàn thể Phật tử trong và ngoài nước,
Cứ mỗi độ Vu Lan về, thì trong lòng mọi Phật tử Việt Nam lại rộn lên những ý niệm báo hiếu. Hình ảnh Tôn giả Mục Kiền Liên vào địa ngục cứu Mẹ trong kinh Vu Lan Bồn (Ullambana) là bài học báo hiếu cho người Phật tử. Nhưng ý chí thiết tha của cá nhân Tôn giả không đủ, bởi vì như lời Phật dạy, phải cần đến đức hạnh thanh tịnh của chư Tăng nhân ngày Tự Tứ chú nguyện, thì mới viên thành việc cứu độ. Ðây là bài học thứ hai về đại lực từ bi của pháp thể Tăng già.
Từ hình ảnh báo hiếu cứu mẹ với nguyện lực đại bi của chư Tăng, cho đến Ngày xá tội vong nhân trong truyền thống Vu Lan rằm tháng bảy ở nước ta, đã có bước tiến dài trong ý thức tự lợi lợi tha, đem con người riêng biệt tương thông với nhân loại và chúng sinh. Vì vậy mà kinh dạy : Chúng sinh trong vô lượng kiếp đều là cha mẹ, thân thuộc lẫn nhau.
Thế giới mênh mông, địa ngục cũng mênh mông. Ở đâu có khổ đau, ở đấy có địa ngục ; ở đâu có ác tâm, ở đấy có địa ngục ; ở đâu có đàn áp, nhục hình, ở đấy có địa ngục, ở đâu ý chí và ngưỡng vọng con người bị vùi dập, ở đấy có địa ngục. Trong ý nghĩa về địa ngục như thế, người Phật tử biết rằng nếu không có tâm Ðại Bi, thì không thể nào giải thoát chúng sinh ra khỏi mọi loại địa ngục. Ðại Bi là lấy từ bi làm gốc, là động cơ của Bồ tát hạnh. Bồ tát hạnh trong mùa báo hiếu Vu Lan là siêu độ cho hương linh cửu huyền thất tổ, rộng hơn nữa, là mở cửa địa ngục xóa tội cho mọi loài chúng sinh trong sáu cõi. Ðấy là hiếu hạnh của Phật giáo, mà hiếu hạnh qua kinh sách của Phật giáo Việt Nam, thì “quên mình cứu người”, “giúp nghèo cứu thiếu, thương nuôi quần sinh” đứng đầu Hiếu hạnh.
Trong xã hội đầy dẫy tệ đoan ngày nay, đơn vị gia đình đang bị hủy hoại. Lòng hiếu thuận biến thành niềm tham luyến hiếu lợi. Tiền tài, danh vọng làm thước đo cảnh sống trăm năm hư ảo. Cha mẹ, tổ tiên, tổ quốc… đang là những chiếc bóng mờ thiên di ra khỏi trái tim và trí não con người. Ðây chính là địa ngục thường trực vây kín con người xã hội ngày nay. Và cũng chính ngày nay đây, hình bóng Tôn giả Mục Kiền Liên đi cứu Mẹ là tiếng kêu cảnh tỉnh, để con người thôi làm những đứa con hoang, côi cút, dù đang sống phủ phê trong danh lợi, bạc tiền. Một tiếng kêu cảnh tỉnh để trả lại mẹ cha, tổ tiên, tổ quốc cho con người.
Phải sống và chết trong Hiếu hạnh thì mới thánh hóa những kiếp đời và tịnh hóa nhân gian. Hiếu hạnh với đức Thế tôn là truyền thừa Chánh pháp ; hiếu hạnh với Tổ tiên là bảo vệ con người của nòi giống ; hiếu hạnh với cha mẹ trong hiện tại, quá khứ hay vị lai là phục vụ chúng sinh. Bằng Hiếu hạnh mà Phật tử Việt Nam góp phần tích cực đòi lại Nhân quyền cho người sống và Linh quyền cho người chết.
Thực hiện Hiếu hạnh, tức đem tâm Ðại Bi mà che chở, đem tâm Ðại Từ mà làm lợi ích, đem tâm Vô Úy mà bảo vệ con người và chúng sinh trong thời đại hiếu sát, bức hiếp ngày nay. Ðược như thế, mùa Vu Lan báo hiếu trở thành ngày Tết Hiếu thuận với tổ tiên và hòa lạc nhân loại.
Bi nguyện của hiếu hạnh không chỉ là sự nhớ ơn và trả ơn với cha mẹ nhiều đời, với chúng sinh muôn kiếp, mà còn là hạnh lợi tha của Bồ tát. Và từ hạnh lợi tha mà thành Phật. Cũng do hạnh lợi tha mà các vọng tưởng tan biến, nghi ngại không còn, khủng bố cũng chấm dứt, quê hương thành tịnh độ, thế giới hết địa ngục, trần gian họp hội Long hoa.
NAM MÔ ÐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)
Sa môn THÍCH QUẢNG ÐỘ