Ðánh dấu cuộc xích hóa 30 năm các nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam (1975 – 2005), Diễn Ðàn Dân chủ Châu Á (Forum Asia Democracy) đáp lời mời của Ủy ban Ðối ngoại Liên hiệp Châu Âu đến trụ sở Quốc hội Châu Âu tại thủ đô Bỉ ở Brussels, điều trần về tình trạng nhân quyền và dân chủ tại ba nước vào chiều ngày thứ hai 12.9.2005.
Chiến tranh chấm dứt năm 1975 tại ba nước cựu Ðông Dương. Nhưng cũng từ đó, một hình thái chiến tranh mới khai diễn tại ba nước do đảng Cộng sản thiểu số cầm quyền tuyên chiến với toàn thể nhân dân ba nước, mà hậu quả không cần tổng kết cũng đã được toàn thế giới chứng kiến : Khmer Ðỏ mở màn diệt chủng thanh toán hàng triệu người, hàng trăm nghìn người bị thảm sát trong các Trại Cải tạo lao động ở Lào và Việt Nam, hàng trăm nghìn người bỏ thây trên Biển Ðông trong cuộc Vượt Biển đi tìm tự do, vân vân và vân vân…
Bà Jory Van den Broeke, Phát ngôn nhân của Quốc hội Châu Âu, tuyên bố rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội Châu Âu mở một cuộc Ðiều trần như thế về tình trạng nhân quyền trong khu vực, mà đại diện các chính phủ Cam Bốt, Lào và Việt Nam thông qua các vị Ðại sứ của họ sẽ có mặt.
Bản thông báo của Quốc hội Châu Âu gửi đến 25 quốc gia thành viên và các cơ quan liên hệ thuộc Liên hiệp Châu Âu viết như sau :
“Ủy ban Ðối ngoại và Phân ban Nhân quyền thuộc Quốc hội Châu Âu tổ chức cuộc Ðiều trần về ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam vào lúc 15 giờ ngày thứ hai 12.9.2005 tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ. Mục đích của cuộc điều trần này là :
“Ba mươi năm sau cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, mà hậu quả quá khốc liệt cho cho ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam, tình trạng nhân quyền tại ba quốc gia này vẫn là mối quan tâm nhiệt thành của Quốc hội Châu Âu.
“Cuộc điều trần về ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam nhằm phân tích những vấn nạn nhân quyền tại các nước ở Ðông Nam Á này. Trong quá khứ, ba nước trải qua những thời kỳ khó khăn với những tranh chấp nội bộ, bạo hành và máu chảy thịt rơi. Quá khứ thuộc địa của ba nước đè nặng lên công cuộc phát triển sang những xã hội hiện đại và dân chủ, thêm vào đó, hoàn cảnh địa chính, với những đối đầu Ðông Tây, làm gia tăng sự chậm tiến phát triển.
“Như đã rõ, ba quốc gia này chứa đựng các vấn nạn trong việc bảo đảm những tiêu chuẩn cơ bản tôn trọng nhân quyền. Cho nên, tổng thể nhân quyền, như quyền sống, cấm tra tấn, tự do ngôn luận và tư tưởng, cũng như tự do văn hóa và tôn giáo, là những điều cần khảo sát.
“Vì mục đích ấy, Phân ban Nhân quyền thuộc Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội Châu Âu đã mời những nhà đấu tranh lỗi lạc cho nhân quyền tại ba nước đến trình bày những kinh nghiệm của họ và đề xuất chính sách mà Liên hiệp Châu Âu nên theo đuổi trên lĩnh vực nhân quyền tại khu vực của địa cầu này.
“Dẫn nhập cuộc điều trần : Bà Dân biểu Hélène Flautre, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu.
“Việt Nam :
“Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Phó chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Chủ tịch Diễn Ðàn Dân chủ Châu Á
“Ông Phạm Văn Tưởng, tức cựu Tăng sĩ Thích Trí Lực, tị nạn chính trị tại Thụy Ðiển
“Lào :
” Bà Vanida Thepsouvanh, Chủ tịch Phong trào Nhân quyền Lào
” Bà Ruhi Hamid, Ký giả đài BBC (tác giả cuốn phim tài liệu về người Hmongs)
“Cam Bốt :
“Ông Sam Rainsy, Chủ tịch Ðảng Ðối lập Cam Bốt, Dân biểu Quốc hội Cam Bốt
“Bà Kek Galabru, Chủ tịch Hội Bảo vệ Nhân quyền Cam Bốt
“Tổng kết cuộc Ðiều trần :
“Ông Dân biểu Marc Tarabella, Phó chủ tịch Phái đoàn Liên hệ các quốc gia Ðông Nam Á”.
Nhân dịp này, Diễn Ðàn Dân chủ Châu Á, là tổ chức được mời cáng đáng cuộc Ðiều trần ba nước, đã đệ trình Quốc hội Châu Âu tập tài liệu 37 trang về hiện tình đàn áp nhân quyền và dân chủ tại Cam Bốt, Lào và Việt Nam suốt 30 năm qua.
“Diễn Ðàn Dân chủ Châu Á” (Forum Asia Democracy/Forum Asie Democratie) ra đời tại Paris năm 2001 quy tụ các tổ chức Phi chính phủ tại các nước Cam Bốt, Lào, Miến Ðiện, Ouighiristan, Tây Tạng, Trung quốc, Việt Nam và đại biểu các nước Anh, Bỉ, Pháp, Ý. Ông Ngụy Kinh Sinh là Chủ tịch Danh dự và ông Võ Văn Ái là Chủ tịch Diễn đàn.