WASHINGTON DC (HOA THỊNH ÐỐN), ngày 27.10.2005 (PTTPGQT) – Do sáng kiến của hai Ủy ban Việt Nam và Ủy ban Nhân quyền Hạ viện, một cuộc điều trần về “Những đàn áp tôn giáo hiện hành tại Việt Nam” vừa được tổ chức tại tòa Rayburn House Office Building thuộc Hạ viện Hoa Kỳ ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn ngày thứ tư 26.10.2005 từ 16 giờ đến 19 giờ 30. Cuộc điều trần đặt dưới quyền chủ tọa của 6 vị Dân biểu : bà Zoe Lofgren (đảng Dân chủ) làm chủ tịch, cùng 5 vị phó chủ tịch là ông Chris Smith (đảng Cộng hòa), bà Loretta Sanchez (đảng Dân chủ), ông Frank Wolf (đảng Cộng hòa), ông Tom Davis (đảng Dân chủ) và ông Fortenberry (đảng Cộng hòa).
Năm nhân chứng mời đến điều trần gồm có : Ông Michael Cromartie, Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên thế giới (US Commission on International Religious Freedom, một tổ chức ra đời sau khi Ðạo luật Tự do tôn giáo được Quốc hội thông qua năm 1998, Ủy hội phúc trình hằng năm tình trạng tôn giáo trên thế giới và đề xuất chính sách tôn giáo lên Tổng thống Hoa Kỳ), ông Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kiêm Tổng vụ trưởng Ngoại vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Hải ngoại, Mục sư Trương Trí Hiền, và Linh mục Nguyễn Thanh.
Về trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ông Võ Văn Ái đưa ra những bằng chứng hiển nhiên về chính sách đàn áp nhân quyền và tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội trong mấy tháng vừa qua. Cho thấy rằng dù ký mật ước hứa hẹn thay đổi chính sách tôn giáo với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ tháng 5.2005, nhưng hiện chưa có dấu hiệu thay đổi gì. Trái lại cuộc đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn tiếp diễn.
Ông Ái hoan nghênh Quốc hội Hoa Kỳ đã mở cuộc điều trần đúng lúc vì tự do tôn giáo là chìa khóa cho sự phát triển và dân chủ đang bế tắc tại Việt Nam. Mặt khác, chính phủ Hoa Kỳ đang thời xem xét lưu giữ Việt Nam hay không trong danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặt biệt quan tâm (CPC, Country of Particular Concern). Ông tuyên bố “Cần tiếp tục duy trì áp lực, thì mới mong có đột biến cho tự do tôn giáo và dân chủ tại Việt Nam”.
Ông giải thích cho Quốc hội biết rằng “Các phong trào tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt là tôn giáo lớn như Phật giáo, luôn luôn dấn thân trong đời sống xã hội của đất nước. Dưới chế độ Cộng sản, vai trò tôn giáo càng trở nên chính yếu, vì các tôn giáo là những xã hội dân sự còn tồn tại. Hà Nội đã thành công phá vỡ mọi cơ cấu đảng phái chính trị, mọi phong trào đối lập. Nhưng Hà Nội đã thất bại trong việc đàn áp các tôn giáo lớn. Hôm nay đây, các tôn giáo đang đóng vai trò duy nhất không những cho việc đòi hỏi tự do tôn giáo, mà còn yêu sách cho nhân quyền và dân chủ mà toàn dân trông đợi”.
“Phật giáo với 80% dân chúng trên dân số 82 triệu người, đang là đại biểu cho tiếng nói nhân quyền của nhân dân. 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kiên trì chống trả các chính sách đàn áp và khủng bố của nhà cầm quyền Hà Nội. Cuộc phản kháng công khai đầu tiên mở ra với cuộc tự thiêu tập thể của 12 Tăng Ni tại Thiền viện Dược sư, tỉnh Cần Thơ, ngày 12.11.1975, nghĩa là chỉ vài tháng sau khi đảng Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm 1993, một cuộc biểu tình to lớn chưa từng được tổ chức và xẩy ra dưới chế độ này, đó là cuộc biểu tình của 40.000 nghìn Phật tử và nhân dân tại thành phố Huế.
“Chính vì cuộc đấu tranh không khoan nhượng nhưng bất bạo động ấy, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nhà cầm quyền Cộng sản chĩa mũi dùi khủng bố và đàn áp. Nhà nước XHCN cấm giáo hội hoạt động, các chùa viện, cơ sở văn hóa, đại học, giáo dục trung, tiểu học, từ thiện, y tế bị cưỡng chiếm, Tăng, Ni, Phật tử bị bắt, bị tù đày, bị tra tấn và thảm sát suốt 30 năm qua. Ngày nay, hằng nghìn ngôi chùa của Giáo hội vẫn còn bị kiểm soát, phong tỏa, hàng giáo phẩm lãnh đạo và cư sĩ Phật tử bị quản chế, điện thoại bị nghe lén để sau đó tung tin thất thiệt hoặc bị cắt.
“Nhà cầm quyền Hà Nội tỏ ra phần nào nhân nhượng trong hứa hẹn hay lời nói kể từ khi bị Hoa Kỳ đặt vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặt biệt quan tâm (CPC). Thế nhưng chẳng có gì thay đổi trong thực tế. Trái lại còn thẳng tay đàn áp các cộng đồng tôn giáo không được thừa nhận. Nhằm tránh sự phê phán, công kích của công luận thế giới, Hà Nội biểu hiện hai mặt trong đường lối chính trị : Thứ nhất là “chính sách xuất cảng” rêu rao tôn trọng tự do tôn giáo và tôn trọng pháp quyền, và thứ hai là “đàn áp quốc nội” mà chủ trương ly gián, chia để trị nhằm tê liệt hóa các cộng đồng tôn giáo.
Sau đó, ông Võ Văn Ái nêu lên một số sự kiện đàn áp điển hình mấy tháng qua đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ví dụ như sách nhiễu, hăm dọa, khủng bố tinh thần 18 thành viên Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Ðịnh trong các ngày 15, 16, 17, 18.8.2005. Những buổi làm việc “căng thẳng” khiến Hòa thượng Thích Tâm Liên, Chánh Ðại diện, bị ngất xỉu phải chở vào bệnh viện cấp cứu. Tám thành viên Ðại diện Giáo hội tỉnh Khánh Hòa cũng bị khủng bố tinh thần tương tự, nhất là đối với Sư cô Thích Nữ Thông Mẫn. Chẳng đâu xa, mới tuần lễ trước đây, vào ngày 18.10.2005, cơ sở giáo dục tỉnh Bạc Liêu đã triệu tập ông Huỳnh Hữu Nhiều, Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Bạc Liêu, là em trai của Thượng tọa Thích Thiện Minh, đến làm việc. Họ cho ông Nhiều nghe cuốn băng ghi âm Thượng tọa Thích Thiện Minh trả lời phỏng vấn chị Ỷ Lan trên Ðài Á châu Tự do, cùng những Thỉnh nguyện thư Thượng tọa gửi sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhờ phổ biến, v.v… rồi kết luận Thượng tọa Thích Thiện Minh phạm pháp. Theo lời Thượng tọa nói qua cuộc điện đàm với ông Võ Văn Ái, thì đây là hình thức khủng bố tinh thần nhằm bóp nghẹt tiếng nói của Thượng tọa. Từ ngày được trả tự do nhân dịp Tết Ất Dậu, sau 26 năm tù đày, Thượng tọa Thích Thiện Minh không ngừng bị sách nhiễu, cấm đi lại, và dọa giết qua đường dây điện thoại, nếu còn tiếp tục lên tiếng cho nhân quyền, tự do tôn giáo và đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tháng 9 vừa qua, Ðại đức Thích Viên Phương nhận giấy phạt 15 triệu đồng (tương đương với 43 tháng lương của người lao động tại Việt Nam) vì tội thu hình Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đọc Thông điệp gửi Ủy hội Nhân quyền LHQ đang họp tại Genève vào tháng tư năm nay. Dù bị bắt, bị công an tịch thu băng hình và bị làm việc nhiều ngày, nhưng Phật tử Saigon cũng đã thành công thu băng nói và gửi kịp đến LHQ ở Genève Thông điệp kêu gọi cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Trong tháng 8, Huynh trưởng Gia Ðình Phật tử Việt Nam tại Saigon, Nguyễn Ðình Khôi, nhận giấy phạt 10 triệu đồng vì đã tán phát nội san Sen Trắng ! Trong một đất nước, mà Hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thế mà Công an vẫn hành dân bằng những số tiền phạt khổng lồ đối với đời sống khiêm tốn của một Tăng sĩ, một Phật tử hoạt động giáo dục cho một phong trào trẻ Phật giáo, khi những người này hành xử những quyền công dân được Hiến pháp bảo đảm !
Ông Ái cũng nói lên tình trạng tù đày rồi quản chế khắc khe suốt gần 30 năm qua đối với Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Gần đây, những phái đoàn Tăng sĩ ra thăm Ðức Tăng thống tại Tu viện Nguyên Thiều bị công an ngăn chận. Ông Ngô Yên Thi, Trưởng ban Tôn giáo chính phủ thì tuyên bố với Ðài Á châu Tự do, rằng muốn thăm Hòa thượng Thích Huyền Quang phải xin phép trước với chính quyền. Còn Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hà Nội tuyên bố là hai Hòa thượng “hoàn toàn tự do”. Thế nhưng tháng 5 vừa qua, LHQ tuyên bố rằng nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ là nạn nhân của cuộc bắt bớ, giam cầm trái phép và yêu sách trả tự do cho hai ngài. Tình trạng Hòa thượng Thích Quảng Ðộ vẫn bị quản chế khắc khe, chỉ vì Hòa thượng gửi “Thư Chúc Xuân” đến các nhân sĩ, trí thức và đồng bào các giới kêu gọi đồng tâm hiệp lực thực hiện công cuộc dân chủ hóa đất nước. Lời kêu gọi này đã được mọi thành phần dân tộc, chính kiến và tôn giáo trong và ngoài nước hoan nghênh, tán thưởng.
Ông Ái nhắc lại chuyện Thủ tướng Phan Văn Khải tuyên bố với Tổng thống Bush tại Hoa Ðịnh Ðốn rằng “tại Việt Nam không có ai là tù nhân tôn giáo”. Thế nhưng, ông Ái nói, chúng tôi biết rằng hàng nghìn tù nhân vì lương thức đang chết mòn trong các nhà tù và trại cải tạo. Thượng tọa Thích Thiện Minh khi ra tù đã cung cấp cho chúng tôi một danh sách 61 tù nhân chính trị, chỉ riêng tại trại Z 30A ở Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Họ đang già yếu, bệnh tật nhưng vẫn tiếp tục bị lao động khổ sai.
“Không thể nào có tự do tôn giáo tại Việt Nam bao lâu nhà cầm quyền Hà Nội chưa chịu chấm dứt chính sách đàn áp quy mô và theo đuổi chuyên chính độc tài trên đầu dân”, là lời ông Võ Văn Ái kết luận để đưa ra 11 yêu sách nhằm giải quyết “Những đàn áp tôn giáo hiện hành tại Việt Nam” :
– Yêu cầu Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ giữ Việt Nam trong danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC, Country of Particular Concern) cho đến khi nào chính sách tôn giáo tại Việt Nam được cải tiến. Danh sách CPC tiếp tục cho đến ngày nào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðô, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, được trả tự do ;
– Yêu cầu Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thiết lập các cơ cấu theo dõi sự thực hiện những điều mật ước của Hà Nội ký kết với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng 5.2005 để bảo đảm sự thực thi các hứa hẹn trong thực tế. Nếu không, mật ước sẽ bị hủy bỏ ;
– Yêu cầu Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không ban hành Quy chế Quan hệ kinh doanh vĩnh viễn (PNTR, Permanent Normal Trade Relations status) cho đến khi nào có thay đổi chính sách tôn giáo tại Việt Nam. Quy chế Quan hệ kinh doanh bình thường giữa hai nước (NTR, Normal Trade Relations status) cần được gia hạn hằng năm để Quốc hội có thể theo dõi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và làm áp lực bắt Hà Nội tôn trọng nhân quyền ;
– Thăng tiến nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam phải là chính sách toàn bộ trong quan hệ song phương Hoa Kỳ – Việt Nam. Tôi tán thành và hỗ trợ để Ðạo luật Nhân quyền được thông qua tại Quốc hội Hoa Kỳ ;
– Tôi kêu gọi Ủy ban Việt Nam và Ủy ban Nhân quyền Hạ viện hậu thuẫn cho “Lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam“ của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Một chương trình và kế hoạch 8 điểm nhằm chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam. Chương trình này đang là điểm tụ hội cho tất cả các gia đình chính trị và tôn giáo, trong cũng như ngoài nước, cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam ;
– Cụ thể hóa cho cuộc điều trần hôm nay, tôi xin đề nghị quý vị Dân biểu hiện diện đệ trình một Quyết Nghị mới yêu sách cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Hơn nữa, tôi kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ áp lực nhà cầm quyền Hà Nội thi hành các điểm chuẩn sau đây :
– Trả tự do cho tất cả tù nhân tôn giáo và chính trị, trong đó có Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, cùng các nhà ly khai sử dụng Internet như các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, và tất cả đồng bào Thượng bị bắt giam vì biểu tỏ ôn hòa chính kiến của họ ;
– Hủy bỏ điều 4 trên Hiến pháp quy định quyền độc tôn của Ðảng Cộng sản, để các gia đình tôn giáo và chính trị có quyền tham gia vào việc trùng tu một nước Việt Nam dân chủ và thịnh vượng ;
– Trả lại quyền phát hành báo tư nhân và độc lập làm diễn đàn trao đổi các ý tưởng dân chủ, và quyền lập hội cho các công đoàn tự do, các tổ chức phi chính phủ, cũng như thúc đẩy sự xuất hiện mạnh mẽ và năng động của các xã hội dân sự tại Việt Nam ;
– Hủy bỏ các luật pháp hạn chế tự do tôn giáo và nhân quyền, thủ tiêu Nghị định quản chế hành chính 31/CP, Nghị định cấm biểu tình 38/2005/NÐ-CP, nâng tầm sắc luật “an ninh quốc gia” tương đồng theo các nguyên tắc Johannesburg và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ ; bảo đảm cho các luật pháp thiết lập trong Chiến lược phát triển Luật pháp mười năm tới tuân thủ theo các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế ;
– Yêu sách nhà cầm quyền Việt Nam để cho các Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Bảo vệ các người đấu tranh cho nhân quyền, và đặc nhiệm Tự do ngôn luận đến Việt Nam điều tra, cũng như hai Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm về Tự do tôn giáo và đặc nhiệm về Bắt bớ trái phép đến Việt Nam tiếp tục cuộc điều tra còn dang dở trước đây.
Khi cuộc điều trần kết thúc, phóng viên Ỷ Lan đã đến phỏng vấn bà Zoe Lofgren, Chủ tịch cuộc điều trần, về những biện pháp cụ thể mà bà thu nhận được sau khi nghe 5 nhân chứng trình bày. Bà trả lời rằng 2 đề nghị mà chúng tôi đặc biệt lưu tâm thực hiện là 2 đề xuất của ông Võ Văn Ái : Một là kết hợp với Quốc hội Châu Âu để vận động cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hai là chuẩn bị cho một Quyết Nghị mới về Tự do tôn giáo tại Việt Nam.
This post is also available in: English