Lời giới thiệu : Trong mấy ngày vừa qua, Ðài Á châu Tự do đã cho phát về Việt Nam các bài tường thuật và phỏng vấn của Ðặc phái viên Ỷ Lan tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, trong thời gian Quốc hội thảo luận và thông qua “Quyết Nghị về tình trạng Nhân quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam” với đa số tuyệt đối. Chúng tôi xin chép lại dưới đây các cuộc tường trình và phỏng vấn ấy để cống hiến độc giả theo dõi một tiếng nói quốc tế đầy trọng lượng đòi hỏi cho nền Dân chủ đa đảng và các quyền tự do cơ bản tại Việt Nam.
PARIS – “Quyết Nghị về tình trạng Nhân quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam” vừa được toàn thể 730 vị Dân biểu đồng thanh thông qua hôm thứ năm 1.12.2005, tại trụ sở Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ. Không một phiếu chống, không một phiếu trắng. Quốc hội Châu Âu hiện nay bao gồm 25 quốc gia thành viên thuộc Ðông Âu, Tây Âu và Bắc Âu.
Trên phạm vi Việt Nam, Quyết Nghị tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí và yêu sách Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam thực thi chế độ Dân chủ Ða đảng, chấm dứt 30 năm đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và phục hồi quyền sinh hoạt cho Giáo hội này, Pháp luật Việt Nam phải tuân thủ Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của LHQ, và Quyền tự do xuất bản báo chí tư nhân cho mọi người.
Quyết Nghị này là thành quả cuộc Ðiều trần tại Quốc hội Châu Âu hôm 12.9 vừa qua, do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Diễn Ðàn Dân chủ Châu Á vận động và được Quốc hội Châu Âu chấp thuận. Ðây là cuộc Ðiều trần đầu tiên từ 30 năm qua được Quốc hội Châu Âu tổ chức để đánh dấu 30 năm kết thúc chiến tranh mà cũng là 30 năm xích hóa ba nước Việt Miên Lào.
Bản Quyết nghị vừa được thông qua do 6 chính đảng, từ tả sang hữu, của Quốc hội Âu châu đệ nạp : Ðảng Bình dân Châu Âu và Dân chủ Châu Âu (EPP-ED) ; Ðảng Xã hội Châu Âu (PSE) ; Ðảng Liên minh Dân chủ và Tự do Châu Âu (ALDE) ; Ðảng Xanh và Liên minh Tự do Châu Âu (Green/ALE) ; Liên đoàn Tả phái Thống nhất (trong số có Ðảng Cộng sản) và Tả phái Xanh Bắc Âu (GUE/NGL) ; và Ðảng Châu Âu Hợp nhất các Quốc gia (UEN).
Chúng tôi đã theo dõi liên tiếp cuộc thảo luận rồi biểu quyết tại Quốc hội Châu Âu trong hai ngày 30.11 và 1.12. Có rất nhiều phát biểu, góp ý về văn bản Quyết nghị. Nhưng không hề thấy có sự bất đồng hay chống đối Quyết Nghị, kể cả các vị đại diện Ðảng Cộng sản Châu Âu.
Sau đây là vài lời phát ngôn tiêu biểu cùng những phỏng vấn các vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu và ông Võ Văn Ái.
Trước hết là lời của ông Ian Pearson, Bộ trưởng Thương mại và Ðặc trách Nhân quyền Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh. Hiện nay Anh quốc đang làm Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Châu Âu, nên ý kiến và vai trò của Anh quốc rất quan trọng. Ông nói :
“Tôi chào mừng sự quan tâm của Quốc hội Châu Âu trên vấn đề hôm nay, đặc biệt là cuộc Ðiều trần quan trọng hôm 12.9 vừa qua. Tôi biết rất rõ về tình trạng trầm trọng tại ba nước. Ví dụ như tại Bộ Ngoại giao, riêng trong năm nay, tôi đã nhận được 100 thư khiếu nại của các Dân biểu Anh về việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Tôi mừng rằng sau cuộc Ðiều trần, nhà cầm quyền Việt Nam đã để cho Liên Âu gặp thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Tôi sẽ trình bày tất cả vấn đề này và đưa ra một danh sách tù nhân đòi trả tự do trong cuộc gặp gỡ và đối thoại về nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam vào ngày 12.12 sắp tới”.
Dân biểu Simon Coveney, Báo cáo viên Nhân quyền trên thế giới năm 2005, nói lên tầm quan trọng của cuộc Ðiều trần ngày 12.9.2005 :
“Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu đã mở cuộc Ðiều trần về tình trạng tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Ðối với đa số trong chúng ta, cuộc Ðiều trần ấy đã mở mắt chúng ta trên một thực trạng vi phạm nhân quyền, hạn chế chính trị, cũng như đàn áp tôn giáo. Ðối với Việt Nam, chúng ta cần kêu gọi nhà cầm quyền bảo đảm cho một thể chế Ða đảng, chấm dứt các vụ đàn áp đối với các Giáo hội chưa được thừa nhận, đặc biệt là đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.
Còn Dân biểu Glyn Ford thuộc Ðảng Xã hội Châu Âu, thì châm biếm biến chữ Quốc gia Mác xít – Lênnin nít (“Marxist – Leninist State”) thành Quốc gia Thị trường Lê Nin nít (“Market-Leninist State”). Ông nói :
“Việt Nam là một Quốc gia Thị trường Lê Nin nít. Chúng ta phải quyết tâm chống đối sự kỳ thị của quốc gia này đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.
Trong khi ấy, Dân biểu James Hugh Allister đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề là không nên thảo luận suông, mà phải có biện pháp chế tài thích ứng :
“Tại sao chúng ta lại mất thì giờ thảo luận về tình trạng nhần quyền tại ba nước này, khi Liên hiệp Châu Âu không chịu áp dụng Ðiều quy định các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền là điều kiện chủ yếu trong cuộc hợp tác song phương với Việt Nam ? Chính điều này đang bị vi phạm thường xuyên qua mỗi ngày, thế mà chúng ta vẫn tiếp tục đổ tiền đổ bạc giúp Việt Nam, làm như chẳng có chi trầm trọng xẩy ra trên đất nước này. Như ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, đã nói tại cuộc Ðiều trần hôm 12.9, rằng : Việt Nam là một nhà tù khổng lồ điều hành bởi bọn Mafia Ðỏ với sự tài trợ bằng tiền thuế của người dân Châu Âu đóng góp”.
Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Charles Tannock, đại diện cho đảng đa số tại Quốc hội Châu Âu, là Ðảng Bình dân Châu Âu và Dân chủ Châu Âu, ông là đồng tác giả của bản Quyết Nghị về tình trạng Nhân quyền tại Cam Bốt, Lào và Việt Nam, ông cũng đã góp phần thảo luận tại khóa khoáng đại. Xin ông cho biết mối quan tâm chủ yếu của ông, đặc biệt trong vấn đề Việt Nam ?
Charles Tannock : Từ căn bản, nhìn toàn thể Quốc hội, qua góc độ của các vị Dân biểu đến từ nhiều quốc gia, và thuộc tất cả các đảng chính trị, người ta thấy rõ sự lên án rộng rãi về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại 3 nước, hiển nhiên mỗi nước mỗi khác. Trọng tâm tại Việt Nam là vấn đề tự do tôn giáo, đặc biệt đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, một trong những nhà lãnh đạo giáo hội bị tù đày quá lâu, rồi Công giáo, Tin Lành Mennonites, người Thượng Tây nguyên vô cùng khốn đốn vì các tòa án chẳng làm gì để bảo vệ tự do tín ngưỡng cho họ, dù các quyền này được bảo đảm trên Hiến pháp. Mặc dù Pháp lệnh về tôn giáo và tín ngưỡng mới ban hành, nhưng chỉ có những Giáo hội được Nhà nước thừa nhận mới có quyền hoạt động. Ðây là một hình thức “kiểm soát tư tưởng” của những người có tín ngưỡng, là điều không thể nào chấp nhận trong một nước Tây phương như Anh quốc là quê hương của tôi. Chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề Nhà nước kiểm soát các mạng Internet, và hạn chế tự do ngôn luận thông qua điện thư và các trang nhà, v.v…
Ba nước Việt Miên Lào đã khổ đau kinh khủng vì chiến tranh tàn phá, bây giờ đây, cả ba nước lại bị khổ đau cùng cực vì chuyên chính Cộng sản, như chúng ta chứng kiến tại Việt Nam. Tôi đơn cử một ví dụ về trường hợp Việt Nam : Việt Nam không ngừng ngửa tay xin Liên hiệp Châu Âu viện trợ, thế mà tòa Ðại sứ của họ ở Canberra cho tôi biết rằng họ đã tiêu đến một triệu Úc kim để tổ chức ăn mừng 60 năm chuyên chế Cộng sản. Thật là điều vô cùng nghịch lý. Cho nên, chúng ta phải biết phê phán, phải giữ vững áp lực. Hội đồng các Bộ trưởng Châu Âu và Ủy hội Châu Âu, hai cơ cấu quan trọng này đều đồng ý là đang có những vấn đề trầm trọng tại ba nước, rằng chúng tôi phải theo dõi kỹ lưỡng xem họ đối đãi ra sao với các dân tộc thiểu số, họ cư xử ra sao trong việc tôn trọng các quyền tự do cơ bản. Và dĩ nhiên nếu tình hình trở nên xấu đi. Thì chúng tôi vẫn có chiếc “gậy”, đó là thu lại mọi đặc quyền thương mại mà Việt Nam thu đạt khi được gia nhập thị trường Liên Âu.
Ỷ Lan : Quyết nghị sẽ thông qua trước khoáng đại. Ðây có phải là một trong những “công cụ” gây sức ép mà ông nhắc nhở khi nói đến việc gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam ? Ông có tin là Quyết Nghị sẽ được thông qua ?
Charles Tannock : Tôi nghĩ rằng hậu thuẫn cho Quyết Nghị sẽ là một đa số áp đảo, vì lẽ đây là bản kiến nghị chung của tất cả các đảng. Tôi đã nhân danh đảng tôi, là Ðảng Bình dân Châu Âu và Dân chủ Châu Âu, là Ðảng đa số tại Quốc hội, để đi thương thảo với Ðảng Xã hội, Ðảng Tự do, Ðảng Xanh và ngay cả với Ðảng Cộng sản. Ai ai cũng đồng tình với Quyết nghị này, họ là những tác nhân chính yếu tại Quốc hội Châu Âu. Cho nên tôi tin rằng đa số sẽ bỏ phiếu thông qua Quyết Nghị, đây sẽ là tín hiệu cực kỳ mạnh mẽ gửi tới chính quyền Việt Nam, Lào và Cam Bốt, để cho các chính quyền này hiểu rằng, nhân dân ba nước phải được hưởng các quyền tự do cơ bản như chúng tôi đang được hưởng tại các nước phương Tây.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Charles Tannock.
Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Graham Watson, là lãnh tụ Ðảng Dân chủ Tự do tại Quốc hội Châu Âu và tham dự tích cực trong cuộc thảo luận để thông qua Quyết nghị về tình trạng Nhân quyền tại ba nước Việt Miên Lào. Xin ông cho biết về cuộc thảo luận này ?
Graham Watson : Cuộc thảo luận để tiến tới Quyết Nghị là do chúng tôi quyết tâm đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự khẩn cấp của Quốc hội Châu Âu, để sớm có cuộc tranh luận về hiện trạng tại Việt Nam, Cam Bốt và Lào. Chúng tôi cảm nhận rằng mọi nỗ lực của Châu Âu đã cạn kiệt, thế mà đổi lại, tình trạng nhân quyền chẳng được cải tiến, sự cai trị tốt đẹp của các chính quyền không xẩy ra như chúng tôi mong mỏi. Nên chúng tôi muốn Liên hiệp Châu Âu phải tích cực hơn nữa, phải thuyết phục hơn nữa trong việc thăng tiến các giá trị. Chúng tôi muốn thấy đời sống nhân dân tại ba nước được nâng cao, không chỉ trên mặt kinh tế, mà thông qua sự tự do cho con người.
Ỷ Lan : Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu kêu gọi Việt Nam thực hiện chế độ Ða đảng để mọi khuynh hướng có cơ hội biểu tỏ chính kiến của mình. Nhưng theo điều 4 trên Hiến pháp Việt Nam, thì đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn quyền lực. Vậy Liên hiệp Châu Âu làm được gì trước sự kiện này ?
Graham Watson : Chúng tôi tiếp tục duy trì sức ép cho một cuộc đổi thay. Nhưng theo tôi, điều quan trọng là bản thân nước Việt Nam phải tự chân nhận, như đảng Cộng sản Trung quốc đã chân nhận rằng ý thức hệ Cộng sản không còn đáp ứng được gì cả. Nền chính trị ở thế kỷ 21, 22, không còn do Karl Marx quy định theo điệu đấu tranh giai cấp nữa, mà là do Woodrow Wilson với quan điểm đồng nhất tính. Ngày càng rõ, là bản thân chúng ta phải đánh giá lại, để xem bằng cách nào chúng ta duy trì văn hóa và bản sắc dân tộc của chúng ta, đồng thời với việc phát triển mối liên hệ với hình thái siêu quốc gia một cách có trách nhiệm. Bởi vì thách thức lớn lao mà chúng ta đang đối diện trong thế giới hôm nay, là thách thức vượt cao trên lằn ranh biên giới của mỗi quốc gia, ví dụ như sự nghèo đói, nạn nhân mãn, biến chứng khí hậu, tội phạm quốc tế có tổ chức. Chúng ta phải cùng nhau cộng tác để giải quyết các vấn nạn này. Ðây chính là khung hành động mà Liên hiệp Châu Âu muốn hợp tác với các quốc gia như Việt Nam. Trong nhãn quan ấy, chúng ta chỉ có thể cùng nhau thực hiện, nếu cùng nhau biết tôn trọng các quyền tự do cơ bản cho mỗi con người.
Ỷ Lan : Ông rất nổi tiếng về sự quan tâm đến vấn đề Trung quốc, đặc biệt là tại Quốc hội Châu Âu ông không ngừng đặt điều kiện tiên quyết về nhân quyền trước khi Liên hiệp Châu Âu chịu bỏ cấm vận bán vũ khí cho Trung quốc. Việt Nam là người học trò ngoan ngoãn của Trung quốc trên lĩnh vực chính trị. Nếu Việt Nam tiếp tục bước theo chân người thầy Trung quốc, thì tương lai của Việt Nam sẽ ra sao, theo ý ông ?
Graham Watson : Tôi lạc quan về tiền đồ của Việt Nam, vì đây là một xứ sở có tài nguyên mênh mông, không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, mà còn là tài nguyên về phẩm chất của người dân. Ðiều mà chúng tôi quan tâm, là làm sao giúp cho dân tộc Việt Nam giải phóng các tài nguyên còn giấu kín ấy, giúp cho dân tộc Việt Nam có cơ hội phát triển các tài nguyên độc đáo này. Ðây là vấn nạn khó khăn trong các quốc gia theo cộng sản ở Châu Á. Các quốc gia này chưa chuẩn bị kịp để tiến xa hơn, vì họ hay lấy cớ để viện dẫn cái gọi là “những giá trị Châu Á” hầu giữ y nguyên trạng. Các quốc gia này thường nại cớ rằng, tự do là điều chẳng quan trọng gì đối với Á châu như ở các nước phương Tây. Ðây là lối chê bai rất tào lao. Tôi nghĩ rằng những giá trị như tự do, như dân chủ, như tôn trọng nhân quyền là những giá trị phổ quát, mà bất cứ quốc gia hay nền văn hóa nào cũng phải tôn trọng.
Ỷ Lan : Có một số người tại các nước Cộng sản chủ xúy rằng phát triển kinh tế không cần thông qua cải cách chính trị, vì những người này quan niệm phát triển kinh tế sẽ tự động dẫn tới dân chủ. Ông nghĩ sao về một quan điểm như thế ?
Graham Watson : Phát triển kinh tế có thể giúp cho việc mở rộng dân chủ. Chẳng có gì đáng ngờ khi chúng ta nhận ra rằng dân chủ hình thành tại Tây phương sau những thời kỳ thăng tiến kinh tế. Nhưng chẳng có “phép lạ” nào chứng minh rằng hễ cứ phát triển kinh tế là dân chủ sẽ hiện ra. Trái lại, các chính phủ Việt Miên Lào phải nhận thức rằng, họ không thể nào phát triển bất cứ gì, khi chưa chịu thiết lập các cơ cấu dân chủ. Tôi xin nói chị nghe một ví dụ. Muốn lôi kéo đầu tư nước ngoài, thì phải cho phép tự do ngôn luận, tự do báo chí, để mọi người có thể trình bày những gì đang xẩy ra trong khu vực nước ngoài muốn đầu tư. Nếu các phân tích tài chính không được phép tự do phơi bày, thì các nhà đầu tư làm sao có đủ thông tin để tiếp cận ? Duy trì sự phát triển kinh tế đòi hỏi phải có dân chủ và tự do ngôn luận.
Ỷ Lan : Xin ông câu hỏi chót. Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu là thông điệp phân minh gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam rằng Quốc hội Châu Âu trông chờ cuộc thực thi và thăng tiến trên lĩnh vực nhân quyền. Còn cá nhân ông, thông điệp ông muốn gửi đến nhà nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam là gì ?
Graham Watson : Với nhà cầm quyền Việt Nam tôi muốn nhắn rằng, nếu các ngài muốn lo lắng cho nhân dân của các ngài, thì các ngài phải hiểu rằng “ván đã đóng thuyền rồi”, các ngài phải khởi động tiến trình dân chủ hóa đi thôi ! Còn đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, tôi xin được thưa rằng : Xin quý vị hãy giữ vững niềm tin, hiển nhiên là quý vị đang bước tới sự thành công. Có thể là thời gian hơi lâu so với các nơi khác trên thế giới, tuy nhiên do sự kết nối của hàng trăm, hàng nghìn hành động cá nhân dũng cảm mà quý vị thiết lập nền dân chủ đa nguyên.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Graham Watson.
Ỷ Lan : Thưa ông Võ Văn Ái, là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Diễn Ðàn Dân chủ Châu Á, ông đã có công trong việc làm cho Quốc hội Châu Âu quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại ba nước Việt Miên Lào đưa tới Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu hôm 1.12 vừa qua. Xin ông cho thính giả Ðài Á châu Tự do được biết tầm quan trọng và đại quan của Quyết Nghị này trong vấn đề Việt Nam ?
Võ Văn Ái : Xin chào quý thính giả và chị Ỷ Lan. Kể từ năm 1985 đến nay, Quốc hội Châu Âu đã ra 12 Quyết nghị về vấn đề nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Nhưng Quyết Nghị thông qua với đa số tuyệt đối hôm 1.12 đặt ra một số vấn đề cơ bản cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Thứ nhất là trong cuộc thảo luận tại Quốc hội Châu Âu, đa số các Dân biểu đề cập biện pháp chế tài đối với Việt Nam, nếu không có sự cải tiến nhân quyền và tự do tôn giáo. Ðây là vấn đề nhạy cảm và quan yếu, mà nhiều năm trước chưa hề được đặt ra. Tôi nghĩ rằng cuộc Ðiều trần do Quốc hội Châu Âu tổ chức hôm 12.9 cho đại biểu ba nước Việt Nam, Cam Bốt và Lào trình bày sự việc và tổng kết 30 năm đàn áp đã có tác động lớn, làm thức tỉnh các nhà lập pháp Châu Âu.
Thứ hai, nội dung Quyết Nghị đưa ra những vấn đề chìa khóa để giải quyết thực trạng Việt Nam. Ðó là 4 vấn đề chính yếu : Yêu sách một thể chế Dân chủ đa nguyên, tự do ngôn luận, tự do xuất bản báo chí tư nhân độc lập, và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chưa bao giờ Tây phương đi xa như vậy trong yêu sách cho Dân chủ đa nguyên. Nói trắng là Quốc hội Châu Âu yêu cầu bỏ Ðiều 4 trên Hiến pháp của Hà Nội. Vì điều 4 còn hiện hữu, thì Dân chủ đa nguyên không thể xuất hiện, không thể có sự tham gia bình đẳng và đồng đẳng của mọi gia đình chính trị và tôn giáo trong việc tái thiết Việt Nam. Ba yêu sách kia cũng là những vấn đề nền tảng, như tự do ngôn luận, tự do xuất bản báo chí tư nhân, và tự do tôn giáo. Không có tự do ngôn luận và báo chí độc lập ngoài vòng kiểm duyệt và kiểm soát của Ðảng, thì không có tranh luận tự do, không có thảo luận dân chủ để thăng tiến xã hội, văn hóa và tư tưởng hầu bắt kịp xu thế tiến bộ trên thế giới. 60 năm thông tin bưng bít một chiều, nhằm tuyên truyền ý thức hệ Mác Lê, thay vì thăng tiến đời sống người dân tại miền Bắc, rồi 30 năm thông tin bưng bít một chiều như thế tại Miền Nam, đã đưa đất nước tới thảm cảnh hôm nay. Ðây là bài học bắt phải thay đổi tận gốc lối suy nghĩ và hành động trước đây. Bản thân rất đông các nhà Cộng sản cải tiến ở Hà Nội cũng đã thấy ra vấn đề như thế, chứ không phải quan điểm riêng biệt của Tây phương hay giới chống Cộng mà Nhà nước Việt Nam liệt vào loại thù địch.
Ỷ Lan : Tại sao vấn đề tôn giáo lại mang tầm quan trọng tại Việt Nam, thưa ông ?
Võ Văn Ái : Vấn đề tự do tôn giáo là vấn đề trung tâm, vì tình trạng suy thoái đạo đức, tệ nạn xã hội hoành hành tại Việt Nam rất cần sự đóng góp của các tôn giáo. Ðạo đức và tinh thần là sở trường của tôn giáo, nó là lá chắn cứu nguy và giúp cho các chương trình chính trị an dân lợi nước thực hiện và hoàn thành. Mặt khác, trong tình trạng độc tài đảng trị hiện nay, đối lập không hiện hữu, thì quần chúng các tôn giáo lớn tại Việt Nam là trữ lượng quần chúng đông đảo nhất. Ðây chính là các xã hội công dân, hay xã hội dân sự, còn tồn tại mặc dù bị đàn áp liên tục. Ai cũng biết rằng, những thiết chế dân chủ nhờ các xã hội công dân mà xuất hiện để làm sạch bộ máy nhà nước và làm cho quốc gia cường thịnh. Vì vậy mà Quốc hội Châu Âu đã nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo và đòi hỏi cho tự do tôn giáo, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là một tôn giáo có mặt lâu đời nhất tại Việt Nam, từng đóng góp và có nhiều kinh nghiệm trong việc dựng nước và giữ nước suốt 2000 năm qua.
Chính các tôn giáo mới đủ khả năng và thế lực thúc đẩy cho sự thăng tiến nhân quyền và khởi động tiến trình dân chủ hóa Việt Nam ngày hôm nay. Lẽ ra vai trò này thuộc Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhưng vì Ðảng xây dựng trên một ý thức hệ lão suy lại không có viễn kiến chính trị thức thời nên Ðảng đã bó tay và thất bại. Hiện nay Ðảng cần cầu viện tới trữ lượng dân tộc thông qua tôn giáo để không bị tiêu vong một cách thảm não như đã xẩy ra tại Rumania chẳng hạn.
Ỷ Lan : Nhưng nếu nhà cầm quyền Việt Nam không chịu lắng nghe và không chịu thay đổi chính sách theo yêu cầu của Quốc hội Châu Âu thông qua Quyết Nghị này thì sẽ ra sao ?
Võ Văn Ái : Chúng ta đang sống trong một thế giới tương quan, tương duyên. Xu thế thế giới ngày nay đòi hỏi cộng tác để cộng sinh, chứ không còn như thời chiến lạnh là thời mà thế giới phải sống trong thảm cảnh cộng sát và cộng sản. Chỉ nói một vấn đề đơn giản và thường tình như gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hà Nội cũng đang phải thương thảo sự đồng tình của mấy chuc nước trong thế giới. Quan trọng hơn cả là Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu. Nhưng Hoa Kỳ thì duy trì Việt Nam năm 2005 trong danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC), nghĩa là luật pháp Hoa kỳ sẽ trừng phạt trên lĩnh vực kinh tế và tài chính, nếu Hà Nội còn tiếp tục đàn áp tôn giáo. Còn Quốc hội Châu Âu vừa ra Quyết Nghị hôm 1.12 yêu sách Hà Nội phải trả lại thể chế Dân chủ đa đảng cho nhân dân, với các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo. Ðiều 1 trong Hiệp ước hợp tác Liên Âu – Việt Nam quy định Hà Nội phải tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền. Nghĩa là cũng sẽ có biện pháp chế tài, nếu Hà Nội không chịu thay đổi chính sách nhân quyền và tôn giáo.
Người ta hay nói “trò chơi dân chủ”. Nhưng tôi thì hiểu như là “luật tắc dân chủ”. Chính vì luật tắc dân chủ này mà nhà cầm quyền Hà Nội không còn chơi trò múa gậy vườn hoang được nữa, mà phải sửa sai và thay đổi tận gốc để tồn tại. Gọng kìm áp lực của công luận thế giới như chiếc vòng kim cô, đầu người cứng rắn đến đâu cũng phải nhượng bộ nếu không muốn tự mình biến mình thành chiếc đầu lâu.
Chúng ta vừa thấy một nhượng bộ nhỏ có tính ngoại giao trong mấy ngày vừa qua tại Hà Nội. Ðó là nhà cầm quyền Hà Nội cấp cao tiếp đón Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith, tác giả của Ðạo luật Nhân quyền đang vận động thông qua tại Quốc hội Hoa Kỳ. Ông cũng là người tổ chức cuộc Ðiều trần ở Hạ viện về đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, một ngày trước khi Thủ tướng Phan Văn Khải đến Hoa Thịnh Ðốn gặp Tổng thống Bush.
Thử hình dung vào 2 năm trước đây, thì chắc chắn là Dân biểu Chris Smith đã bị “đuổi” ra khỏi Việt Nam khi phi cơ ông vừa hạ cánh xuống Nội Bài.
Ỷ Lan : Ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng không cần cải cách chính trị, vì cứ phát triển kinh tế, thì tự do, dân chủ sẽ hiện ra ?
Võ Văn Ái : Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới chứng minh cho quan điểm lạc hậu này. Chúng ta hãy đọc lại lịch sử, để thấy 3 ví dụ hi hữu chống lại luận điểm lạc hậu nói trên. Vào hai thế kỷ thứ 17 và 18, Anh quốc, Hoa Kỳ và Pháp là những nước nghèo thiếu, kinh tế suy sụp. Thế nhưng đâu phải nhờ phát triển kinh tế đơn phương mà 3 nước này trở nên giàu mạnh đâu. Trái lại, Tuyên ngôn Nhân quyền tại Anh quốc năm 1689, Tuyên ngôn Ðộc lập Hoa Kỳ năm 1776, và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, là những tuyên ngôn cải cách chính trị. Nhờ chính trị được cải cách mà dân chủ mới xuất hiện tại ba nước nói trên, từ đó vực dậy nền kinh tế phồn thịnh để trở nên cường quốc trên thế giới ngày nay.
Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái.
Ỷ Lan, Ðặc phái viên Ðài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu