PARIS – Nhân việc Dân biểu Christopher Smith đến Thanh Minh Thiền viện hôm 4.12.2005 vấn an và trao đổi tình hình tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, Phóng viên Ỷ Lan, Ðài Á châu Tự do, đã phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Ðộ về cuộc gặp gỡ này đồng thời hỏi ý kiến Hòa thượng về Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu thông qua hôm 1.12.2005 về tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại ba nước Việt Miên Lào. Theo cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn AFP trước khi Dân biểu Chris Smith rời Việt Nam, thì Dân biểu cho biết đã gặp gỡ 60 người Việt Nam trong thời gian viếng thăm 4 ngày. Dân biểu chỉ nêu tên 2 người là Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bằng và cho biết là quan điểm của hai người hoàn toàn trái ngược. Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế về cuộc gặp gỡ này phát hành hôm 5.12.2005, bạn đọc có thể vào xem trong Trang nhà : http://www.queme.net
Chúng tôi xin chép lại cuộc phỏng vấn của Ðài Á châu Tự do dưới đây cống hiến bạn đọc về lập trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước hiện tình dân tộc :
Ỷ Lan : Kính chào hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Kính xin Hòa thượng cho biết cụ thể cuộc gặp gỡ và trao đổi với Dân biểu Christopher Smith vừa qua tại Saigon. Gặp gỡ tại đâu và phái đoàn Hoa Kỳ gồm có những ai, Hòa thượng nhận xét ra sao về Dân biểu Christopher Smith và phái đoàn Hoa Kỳ lần này ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Trước hết xin chào cô Ỷ Lan, đồng thời tôi cũng xin có lời kính chào và cảm ơn tất cả quý thính giả đang lắng nghe cuộc nói chuyện của tôi. Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi của phóng viên Ỷ Lan. Mặc dầu tôi đã nhiều lần được Ðạo hữu Võ Văn Ái cho biết về ông Dân biểu Christopher Smith và những công việc mà ông ấy đã và đang theo đuổi, đặc biệt ông ấy rất quan tâm về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được hân hạnh tiếp xúc với ông tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon vào ngày Chủ Nhật 4.12.2005 từ 5 giờ 15, và sau khi tiễn ông và phái đoàn ra về tôi trở lại phòng nhìn đồng hồ thì thấy đã 7 giờ chiều. Phái đoàn gồm có Dân biểu Christopher Smith, ông Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Seth D. Winnick và bà Phụ tá đối ngoại Eleanor Nagy và bà Trần Lan Hương, Trợ lý kinh tế chính trị ở tòa Tổng lãnh sự và hai vị nữa, một nam một nữ mà tôi rất tiếc là đã không nhớ rõ tên.
Cảm tưởng của tôi về Dân biểu Christopher Smith là rất gần gũi, thân tình và thú vị. Nhờ thế mà chúng tôi đã trò chuyện với nhau một cách khá tự nhiên và thoải mái.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, nội dung trao đổi qua 2 tiếng đồng hồ như Hòa thượng cho biết, bao gồm những vấn đề gì và những điều Hòa thượng quan tâm nhất là gì, khi trao đổi với Dân biểu Christopher Smith ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Trong gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã trao đổi về nhiều vấn đề như dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, v.v… Nhưng vì thời lượng của quý Ðài có hạn nên tôi không được phép dài dòng, mà chỉ xin tập chú vào một vấn đề cốt tủy, đó là vấn đề Dân chủ đa đảng.
Ðây là vấn đề sinh tử của cả dân tộc trong thời đại này. Nếu không thực hiện được nó thì tất cả các vấn đề quan trọng khác như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do kinh doanh, tự do cư trú, tự do đi lại, vân vân và vân vân… đều sẽ không thể nào có được. Vậy nếu muốn thực hiện được nền chính trị đa đảng thì điều tiên quyết là phải vô hiệu hóa điều 4 trong Hiến pháp mà đảng Cộng sản đã tự đặt ra để chiếm độc quyền cai trị xã hội Việt Nam suốt 60 năm qua, mang lại biết bao tang thương khổ ải cho toàn dân tộc Việt Nam. Bởi thế, đã đến lúc những người Cộng sản còn chút tâm huyết đối với đất nước, với tiền đồ dân tộc, thì hãy vận động đảng Cộng sản hủy bỏ điều 4 trên Hiến pháp để cho các nhà dân chủ muốn góp phần mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước công khai thành lập các chính đảng tự do, rồi cùng với đảng Cộng sản đứng ra tổ chức Tổng tuyển cử dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc để toàn thể dân tộc Việt Nam thực sự có cơ hội lựa chọn đảng nào họ ưa thích đứng ra lãnh đạo đất nước, chăm lo đời sống cho họ. Ðó chính là vàng được thử lửa, vì suốt 60 năm qua, đảng Cộng sản thường tuyên bố toàn dân đã giao phó sứ mệnh lãnh đạo đất nước cho Ðảng. Nhưng thực ra thì trong 60 năm qua chưa từng có một cuộc tuyển cử nào thực sự tự do cả, mà toàn là trò dối trá “Ðảng cử dân bầu”, 100% trúng cử. Nó nhàm chán lắm, bây giờ thì không còn ai tha thiết với trò lừa bịp đó nữa.
Một khi đã tổ chức được một cuộc Tổng tuyển cử tự do như vậy, thì một chế độ Dân chủ đa đảng và chính trị đa nguyên tất nhiên cũng sẽ được hình thành. Và điều gì sẽ xảy ra ? Ðó là các quyền dân chủ tự do khác như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, v.v… như tôi vừa nói ở trên, sẽ lần lượt được thực hiện và đảm bảo vững chắc.
Ðương nhiên là La Mã không thể hoàn tất trong một ngày, nhưng điều quan trọng là phải có sự khởi động ngay từ bây giờ, không thể chần chờ được nữa. Người dân đã quá chán nản và mỏi mệt lắm rồi. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Cộng sản cũng đã thấy rõ điều đó. Xin đừng do dự.
Người ta thường nói “cai trị là tiên liệu”. Các vị đã thấy sau 20 năm Ðổi mới, vị trí Việt Nam hiện đang đứng ở đâu trên bậc thang phát triển ở thế giới ? Và quý vị tiên liệu như thế nào cho Việt Nam trong 10 năm tới ? Ðừng bao giờ tiên liệu theo kiểu ông cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Ðỗ Mười, người mà tôi đã gởi đến tay tập sách nhỏ nhan đề “Nhận Ðịnh Về Những Sai Lầm Tai Hại của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Dân Tộc và Phật Giáo” vào ngày 19.8.1994 để các ông chiêm nghiệm. Và ngày nay, tôi tin rằng đa số trong Ðảng các ông đã thấy rõ.
Tóm lại, theo tôi một chế độ Dân chủ đa đảng là liều thuốc linh nghiệm để cứu chữa chứng bệnh trầm kha của Việt Nam hiện nay. Vì ý thức như thế nên suốt 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi đã cố vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Và trong Bức Thư Chúc Xuân đầu năm Ất Dậu này, tôi cũng đã ra lời kêu gọi gởi giới sĩ phu, trí thức tham gia công cuộc vận động chung này, và đã được quý vị nhiệt liệt hưởng ứng. Ðó là điều đáng mừng cho tương lai dân tộc.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng có nhấn mạnh việc 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Cuộc vận động có đem lại thành quả gì không, bạch Hòa thượng ? Và Giáo hội sẽ đánh dấu 30 năm này như thế nào ?
HT. Thích Quảng Ðộ : Thưa cô, như tôi vừa nói ở trên, cuộc vận động của Giáo hội suốt 30 năm qua cho tự do tôn giáo và dân chủ, nhân quyền, tuy từng trải nhiều khó khăn gian khổ nhưng nhờ sự ủng hộ tinh thần mạnh mẽ của các Tổ chức Nhân quyền quốc tế, trong đó có Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam, các Quốc hội Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada, Úc Châu, các tổ chức Phi chính phủ, các thân hữu quốc tế, các Cộng đồng Tôn giáo bạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngọai, và nhất là Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế đã hết sức vận động dư luận quốc tế hỗ trợ tinh thần cho cuộc vận động của Giáo hội nên Giáo hội đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được một số thành quả tuy còn khiêm tốn nhưng rất khích lệ.
Chẳng hạn như Ðại hội Bất thường của Giáo hội đã được tổ chức tại Tu Viện Nguyên Thiều vào ngày 1.10.2003. Kết quả đã củng cố được Hội đồng Lưỡng viện tức là Viện Tăng Thống và Viện Hóa Ðạo trong giai đoạn I. Ðến giai đoạn II thì được triển khai tại thành phố Melbourne ở Úc Châu và kết thúc bằng buổi lễ suy tôn Ðức Ðệ Tứ Tăng Thống rất trọng thể. Nhưng sau đó ít hôm thì Giáo hội lại bị đàn áp rất nặng nề tại đồn công an Lương Sơn gần thành phố Nha Trang.
Cho đến nay, vào trung tuần tháng 7 năm 2005, Giáo hội đã thành lập được 9 Ban Ðại diện Giáo hội tại 9 tỉnh và Miền. Mặc dầu bị sách nhiễu, bức xúc nhưng cho đến giờ phút này các Ban Ðại diện vẫn còn đứng vững.
Ðặc biệt đến ngày 18.12.2005 này, các Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngọai kết hợp với Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 30 Năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền rất trọng thể tại trụ sở Văn phòng II Viện Hóa Ðạo ở chùa Diệu Pháp miền Nam California (1).
Ỷ Lan : Kính xin Hòa thượng hoan hỉ cho biết cảm tưởng về Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu về tình trạng nhân quyền 3 nước Việt Miên Lào vừa thông qua hôm 1 tháng 12.
HT. Thích Quảng Ðộ : Thưa cô về vấn đề này tôi xin nói vắn tắt là rất tích cực, kiên quyết. Tôi rất mừng là trong Quốc hội Âu Châu hiện nay còn có 730 vị Dân biểu mà bản Quyết nghị này không có một Dân biểu nào, không có một phiếu nào phản đối hay bỏ phiếu trắng. Ðiều đó chứng tỏ toàn thể Dân biểu Quốc hội Âu Châu đã nhất trí, đã đến lúc phải có biện pháp cụ thể để can thiệp cho vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam được tôn trọng.
Ðiều này tôi rất hy vọng, đồng thời lúc này Hoa Kỳ vẫn chưa đưa tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước CPC, tức các nước cần đặc biệt quan tâm về vấn đề đàn áp tôn giáo. Nếu Quốc hội Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu Châu cộng tác với nhau trong vấn đề này thì tôi nghĩ rằng do đó mà Việt Nam có thể nới lỏng thêm cho vấn đề tự do tôn giáo và từ đó dần dần đi đến vấn đề dân chủ và nhân quyền, nhờ đó mà có thể thực hiện được dần dần.
Ðó là hy vọng của tôi và tôi rất khích lệ và rất hy vọng vào thái độ của Hoa Kỳ cũng như Quốc hội Âu Châu bây giờ. Có kết quả ngày nay là cũng nhờ sự vận động của Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam do đạo hữu Võ Văn Ái làm chủ tịch, đồng thời là chủ tịch của Diễn Ðàn Dân Chủ Á Châu, vận động tích cực cho nên mới có cuộc Quốc hội Liên Âu và đưa đến kết quả của Quyết nghị vừa rồi. Ðó là một điều rất hy vọng cho tương lai dân chủ của Việt Nam.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn hòa thượng Thích Quảng Ðộ rất nhiều.
HT. Thích Quảng Ðộ : Xin cảm ơn cô Ỷ Lan và xin chào tất cả quý vị thính giả.
TT. Thích Chơn Tâm tố cáo Nhà cầm quyền tỉnh An Giang sách nhiễu tôn giáo và viết thư cho lãnh đạo Hà Nội xin ở tù thay cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang
Trong bức thư gửi từ Châu Ðốc ngày 5.12.2005 đến Viện Hóa Ðạo, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Thượng tọa Thích Chơn Tâm cho biết tình trạng bị sách nhiễu và khủng bố tinh thần của nhà cầm quyền tỉnh An Giang đối với Thượng tọa và Phật tử chùa Tây Huê ở phường Núi Sam, thị xã Châu Ðốc.
Từ ngày 5.11.2005, Thượng tọa Thích Chơn Tâm được Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bổ nhiệm làm Chánh Ðại diện Giáo hội tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2005-2007, và nhất là sau khi đi dự lễ Giỗ Tổ Nguyên Thiều tại chùa Giác Hoa ở Saigon trung tuần tháng 12 vừa qua, thì Thượng tọa không ngừng bị sách nhiễu, ngăn cấm sinh hoạt tôn giáo tại ngôi chùa do Thượng tọa trụ trì.
Thượng tọa Thích Chơn Tâm cho biết : “Công an phường Núi Sam buộc những người giúp việc nhà bếp cho Chùa Tây Huê phải làm giấy cam kết không được liên hệ với tôi. Những người này mỗi sáng khi đi chợ về lo việc nấu bếp cho chùa bị công an nắm giỏ xách kéo lại, bới tung đồ lên “kiểm tra”, hành xử, ăn nói hết sức khiếm nhã. Tín đồ đến chùa lễ Phật cũng bị công an chặn lại nói : “Ông thầy đi vắng, không có ở chùa”. Vì thế, Phật tử, tín đồ lo sợ không dám vào chùa. Mỗi khi tôi bước ra khỏi chùa là có 2 công an bám sát theo sau tôi”.
Thượng tọa cũng cho biết 3 lần Ban Trị sự Hiệp hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An giang đạt thư mời “tham dự phiên họp Phật sự có liên quan đến Ðại đức”. Thế nhưng, thư không gửi bằng đường bưu điện hoặc do một Tăng sĩ nào đưa đến, mà cả 3 lần đều do công an và công nhân viên nhà nước đưa đến ! Thượng tọa Thích Chơn Tâm viết :
“Lần 1 vào lúc 14 giờ ngày 28 tháng 11 năm 2005 do anh Tâm, thư ký Ban đại Diện thị xã Châu Ðốc chuyển thư. Lần 2 vào lúc 14 giờ ngày 05 tháng 12 năm 2005 do 4 người : Công an khu vực tên Lập, anh Tâm, thư ký Ban Ðại diện thị xã Châu Ðốc, và 2 người trong ban Tự quản của phường núi Sam. Lần này họ buộc tôi phải kí vào sổ nhận thư. Lần 3 có trên 10 người đến chuyển thư : anh Tâm, thư ký Ban Ðại diện thị xã Châu Ðốc và số còn lại trên 10 người trong ban An ninh của khóm Vĩnh Tây 1, phường núi Sam, số người đến chuyển thư ngồi đầy trước cửa chùa. Lần 3 họ buộc tôi phải kí vào sổ nhận thư và phải ghi rõ lý do là vì sao Ban Trị sự Phật giáo có thư mời mà không đi. (…) Sau đó tôi có trả lời trên điện thoại với Ðại Ðức Thích Thiện Tài, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Hiệp hội Phật giáo Việt Nam rằng : “Tôi không có dính dự gì đến Ban Trị sự cả, nếu Ban Trị sự mời tôi với chức danh Chánh Ðại Diện Giáo Hội Phật Giáo Vịêt Nam Thống Nhất tỉnh An Giang thì tôi đến dự”.
Thượng tọa đưa ra 3 lời phản kháng :
1. “Tôi cực lực phản đối việc làm nầy của chính quyền phường núi Sam và yêu cầu Ủy Ban Nhân tỉnh An Giang, chấm dứt ngay mọi cách sách nhiễu tôn giáo như nói trên.
2. “Từ ngày tôi dự lễ giổ tổ Nguyên Thiều tại Chùa Giác Hoa, Saigon ngày 18 tháng 11 năm 2005 khi trở về chùa tôi, cho đến hiện nay công an đóng chốt chung quanh trước và sau Chùa Tây Huê, nơi tôi cư trú.
3. “Tố cáo đến Liên hiệp quốc, Cơ quan quốc tế nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, về việc chính quyền tỉnh An Giang xâm phạm quyền tự do đi lại, tự do tín ngưỡng của tôi”.
Ngày 4.12.2005, Thượng tọa Thích Chơn Tâm viết Ðơn Tường trình xin ở tù thay cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, để Ðức Tăng thống có thể về Saigon chữa bệnh. Thư gửi đến các nhà lãnh đạo Ðảng và Nhà nước ở Hà Nội, đồng thời cũng gửi đến Viện Hóa Ðạo, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Bà Cao ủy Nhân quyền LHQ cùng các hãng thông tấn và báo chí, truyền thông. Sau đây là nguyên văn bức thư ấy :
Ðộc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
Châu Ðốc, ngày 04 tháng 12 năm 2005
Ðơn Tường Trình
Xin Ở tù thay cho Ðại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang,
Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để Ngài về Sài Gòn chữa bệnh
Kính gởi :
Ông Nông Ðức Mạnh Tổng bí thư BCHTW ÐCS Việt Nam.
Ông Trần Ðức Lương Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Ông Phan Văn Khải Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang
Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Ðịnh.
Ðồng kính gởi :
Viện Hóa Ðạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam
Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
Bà Louise Arbour Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Các cơ quan, tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước
Các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước
Kính bạch Chư tôn Hòa Thượng,
Kính thưa Quý Vị,
Tôi là Thượng tọa Thích Chơn Tâm, Chánh Ðại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh An Giang, hiện trú trì Chùa Tây Huê, phường núi Sam, thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang, nay tôi làm đơn này để tường trình lên Quí vị nguyện vọng như sau :
Nguyên Ðại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Ðệ tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài là người “tù không tội” trong chế độ Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong hơn 25 năm qua. Nay Ngài đã tuổi cao, thân bệnh lại phải chịu cảnh Chỉ định cư trú của chính quyền tỉnh Bình Ðịnh và sống trong cảnh ngộ : Ðau ốm thiếu thuốc men chữa trị. Nay tôi kính đệ Ðơn Tường Trình nầy, và xin được ở “tù không tội” tại Tu Viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Ðịnh thay cho bậc Thầy lãnh đạo tinh thần của tôi là Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Ðệ tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để Ngài được vào Sài Gòn chữa bệnh.
Tôi đệ Ðơn Tường Trình nầy là có nguyên do sau đây :
Xét rằng, học thuyết Mác-Lê lừa đảo và mị dân, bắt nguồn từ 2 cương lĩnh, một của Lênin và một của Nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn văn Linh. Lênin nói : “Ðảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng”. Và Nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn văn Linh đã nói : “Phật Giáo là chỗ dựa cho Ðảng cộng sản Việt Nam làm cách mạng”.
Lênin nói : “Ðảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng”, câu nầy có 2 việc cần làm rõ. Giả dụ Lênin nói : “Ðảng phải thông qua cán bộ cộng sản để tập hợp quần chúng” thì tôi rất hoan nghinh. Bởi lẽ Ðảng có đủ tài năng dùng cán bộ của mình để tập hợp quần chúng. Ðằng nầy thì đảng không có tài năng đó cho nên đảng phải lừa đảo bằng cách thông qua một lực lượng khác không phải của mình. Ðó là lực lượng tôn giáo. Thông Qua tôn giáo để thực hiện ý đồ riêng tư cho đảng mình thì đây là một thứ lừa đảo tôn giáo, một thứ mị dân của học thuyết Mác-Lê.
Thứ đến, Nguyên Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn văn Linh đã nói “Phật Giáo là chỗ dựa cho Ðảng cộng sản Việt Nam làm cách mạng”. Từ câu nói nầy, Phật Giáo trở thành nạn nhân của đảng Cộng sản. Bởi lẽ, nếu đảng Cộng sản Việt Nam có đủ đức, thừa tài và thật sự là “đỉnh cao trí tuệ của loài người” thì ông Nguyễn văn Linh phải nói thế nầy : “Cán Bộ cộng sản là chỗ dựa cho Ðảng cộng sản Việt Nam làm cách mạng”. Nếu ông Nguyễn văn Linh mà nói như thế thì quả là đáng khâm phục, bởi vì đảng ông có đủ sức, thừa tài để đào tạo ra cán bộ và qua lớp cán bộ đó mà làm chỗ dựa cho đảng. Nhưng đằng nầy đảng Cộng sản đứng lên làm cách mạng mà không có chỗ dựa nên phải lừa đảo Phật Giáo làm chỗ dựa, thì thực chất chỉ là hành động lưu manh cưỡng ép tôn giáo. Ðâu còn là “đỉnh cao trí tuệ nữa”, mà chỉ là Ðỉnh Cao Dốt Nát mà thôi.
Vì LỪA ÐẢO và DỐT NÁT mà những chính sách đẻ ra đưa tới sự trấn lột, áp bức dân lành. Từ vụ Cải Cách Ruộng Ðất đến đàn áp Văn nghệ sĩ qua vụ án Nhân Văn Giai Phẩm giữa thập niên 1950. Trong chiến tranh thì đẩy hàng triệu nam nữ thanh niên Sanh Bắc – Tử Nam, khiến cho lòng dân ta thán :
Ðôi Dép Râu dẫm nát đời xuân trẻ ;
Nón tai Bèo che lấp ánh tương lai
Ðể rồi đất nước Việt Nam ngày nay được cái gì ? – Ðói, nghèo và tụt hậu !
Rồi, ngày nay đây, nam nữ thanh niên Việt Nam phải tha hương ngàn dặm, điều mà Ðảng gọi là Xuất khẩu lao động. Rồi, nhân phẩm phụ nữ Việt Nam bị chà đạp, điều mà Ðảng gọi là Xuất khẩu hôn nhân. Mẹ Việt Nam có nghe không, con gái Mẹ đang bị đem đi ngã giá trên Chợ Người quốc tế, Mẹ Việt Nam có nghe không ?
Rồi, cột mốc biên giới Việt Trung cũng được Xuất khẩu hàng ngàn cây số trên bộ, hàng chục ngàn cây số trên biển dưới chiêu bài Ðảng gọi là “ổn định lâu dài và hướng tới tương lai”. Nghe đâu Vịnh Cam Ranh, một hải cảng có tầm chiến lược sinh tử của cả nước Việt Nam, nay cũng đang ngã giá với Tàu để Xuất khẩu. Chẳng biết Vùng trời tổ quốc Việt Nam chừng nào xuất khẩu đây ??
Với chính sách dùng tôn giáo để mị dân, thì cả dân tộc và tôn giáo đều trở thành nạn nhân của Cộng sản. Người có tôn giáo thì ngoài cái khổ công dân còn chồng thêm cái khổ tín ngưỡng. Rừng Trường Sơn bao nhiêu lá, thì cũng ngần ấy lần người dân có đạo phải chịu tang thương vì ách nạn Cộng sản.
Sách Trắng về Nhân Quyền của nhà nước CHXHCN Việt Nam vừa công bố, thực chất là cuốn Sổ Tang của tôn giáo, qua đó ghi dấu nỗi tang thương của 80 triệu người dân có đạo. Dấu tích tội ác Cộng sản với tôn giáo, không nói đâu xa, chỉ cần một lần về tỉnh Quảng Ngãi, ghé thăm Chùa Hội Phước sẽ thấy trên vách chùa còn ghi rõ lời tố cáo qua bút tích của Ðức Tăng Thống Thích Huyền Quang :
Chính quyền hỡi, Huyền-Quang Hội-Phước không can chi cả, chính quyền nỡ dạ giam cầm !
Bấy nhiêu đó đủ cho thấy :
Trống Mác-Lê lung lay bóng nguyệt,
Khói Mao-Minh mờ mịt thức mây
Việt Nam đen tối đêm ngày
Tang thương đến cả cỏ nầy hoa kia.
Trước cảnh ngộ thương tâm của Dân Tộc và Tôn giáo trình bày sơ lược trên đây ; trước hoàn cảnh “tù không tội” của Ðại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một người Thầy 86 tuổi đời, 26 tuổi tù, Ngài cũng là vị Thầy tôn quí của tôi ; cho nên tôi không thể ngồi im hơi, lặng tiếng trước cảnh ngộ nầy. Do đó, nay tôi đạo đạt lên chư tôn Hòa Thượng cùng các cấp Nhà nước Cộng sản Việt Nam Ðơn Tường Trình nầy, xin được ở “tù không tội” tại Tu Viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Ðịnh thay cho bậc Thầy lãnh đạo tinh thần của tôi là Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để Ngài được vào Sài Gòn chữa bệnh. Xin hãy giúp tôi làm tròn ước nguyện Tôn Sư Trọng Ðạo trên đây.
Chánh Ðại Diện
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh An Giang
Trụ trì Chùa Tây Huê Phường núi Sam, thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang
(Ký tên)
Thượng Tọa Thích Chơn Tâm
(1) Ðại lễ kỷ niệm 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho Tự do tôn giáo, Nhân quyền và Dân chủ sẽ tổ chức vào lúc 11 giờ sáng Chủ nhật 18.12.2005 tại Chùa Diệu Pháp, trụ sở Trung ương Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ.
Ðịa chỉ : 311 E Mission Road – San Gabriel, CA. 91776 – Ðiện thoại : (626) 614-0566