Genève, 8.5 (Reuters) – Hôm thứ sáu, người Việt tị nạn đang được Tổ chức Nhân quyền quốc tế hậu thuẫn tố cáo Việt Nam đàn áp những nhà bất đồng chính kiến và người sắc tộc, áp chế tự do báo chí và ngăn cấm sử dụng Internet.
Trong bản Phúc trình chung gửi đến Hội đồng Nhân quyền LHQ, tổ chức này yêu cầu trả tự do cho tù nhân chính trị bị bắt dưới những “điều khoản mơ hồ an ninh quốc gia” của luật pháp.
Việt Nam bị ngồi ở ghế bị cáo hôm thứ sáu trước 47 quốc gia thành viên tại diễn đàn Genève, là những thành viên sẽ xem xét quá trình nhân quyền như một bộ phận kiểm điểm của mọi thành viên LHQ.
“Quản chế hành chính, đàn áp tôn giáo, đàn áp các nhà đấu tranh cho nhân quyền, khóa miệng tự do báo chí, sử dụng bừa bãi án tử hình là những mối quan tâm đặc biệt,” theo đánh giá trong bản Phúc trình của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam.
Chính sách cưỡng ép kiểm soát sinh đẻ đưa Việt Nam vào danh sách một trong các quốc gia có nạn phá thai cao nhất thế giới, theo bản Phúc trình của hai tổ chức có trụ sở ở Paris mà Reuters thủ đắc. Đại sứ Việt Nam tại LHQ (2) Genève trước đây đã bác bỏ những phê phán của tổ chức nhân quyền nước ông là “vu khống và bóp méo.”
Đại sứ Vũ Dũng đã nói rằng những nhà hoạt động lưu vong không được phép phát biểu tại LHQ, và nhấn mạnh rằng Hà Nội thường xuyên thảo luận nhân quyền với Hoa Kỳ, Châu Âu, và các nước khác.
BUỘC TỘI GIÁN ĐIỆP
Bản Phúc trình trên nói rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thường buộc tội gián điệp để bắt giam “những nhà ly khai sử dụng Internet” nhằm phát biểu ý kiến họ trên Internet.
“Những tội này, chẳng phân biệt giữa những hành động bạo lực như khủng bố và những hành xử ôn hòa cho tự do ngôn luận, đã bị phạt tù nặng nề kể cả chung thân,” bản Phúc trình viết. Bảy loại tội đưa tới án tử hình.
Penelope Faulkner, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người, nói với Reuters rằng : “Có hàng nghìn tù nhân chính trị trên toàn quốc. Họ bị giam giữ theo nhiều cách, kể cả hình thức quản chế tại gia.” Bà cũng nói :
“Những nước kể cả Trung quốc và Cuba đang muốn bảo vệ Hà Nội tại khóa kiểm điểm này.” Có hàng trăm người Việt đã về Genève tham dự cuộc biểu tình lớn cùng ngày trước biến cố hiếm hoi khi LHQ xét duyệt chuyện nước họ.
Bản Phúc trình cho biết ở Việt Nam đội “Cyber-Công an” truy lùng những tư liệu bị cấm trên Internet, và ngăn chận vào các trang nhà nói đến nhân quyền và dân chủ.
Bản Phúc trình cũng nhắc tới một Pháp lệnh cho phép các viên chức cấp địa phương có quyền đưa các nhà bất đồng chính kiến hay tôn giáo vào nhà thương điên hoặc “trại cải huấn”.
Sau khi được trả tự do, bản Phúc trình cho biết rằng, các tù nhân chính trị tiếp tục bị tù treo, tức quản chế tại gia và bị công an theo dõi trong vòng 5 năm.
Bà Faulkner cho biết mỗi năm Việt Nam kết án tử hình khoảng 100 người chiếu theo 29 tội phạm đi từ tội giết người đến tội phạm kinh tế và phản quốc.
Đàn áp tôn giáo cũng được bản Phúc trình cho biết là rất phổ biến, mặc dù tự do tôn giáo được Hiến pháp bảo đảm.
Giáo hội Phật giáo Vệt Nam Thống nhất bị đặt ngoài vòng pháp luật từ năm 1981, và sắc tộc người Thượng – đa số theo đạo Tin lành trên Tây nguyên và hỗ trợ cạnh quân lực Hoa Kỳ thời chiến tranh – là những nạn nhân chính yếu, bản Phúc trình cho biết.