Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Hòa thượng Thích Quảng Độ đoạt giải Nhân quyền Quốc tế Rafto năm 2006

Hòa thượng Thích Quảng Độ đoạt giải Nhân quyền Quốc tế Rafto năm 2006

Download PDF

PARIS, ngày 21.9.2006 (PTTPGQT) – Bản Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố về tình trạng tôn giáo trên thế giới vào cuối tuần lễ trước đây cho biết Nhà cầm quyền Hà Nội từ chối phục hồi quyển sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo.

Người cùng một nước chẳng thừa nhận nhau, lại ra tay đàn áp, khủng bố. Tệ hơn, hành xử ấy giáng xuống một nền đạo lý lâu đời của dân tộc, là Phật giáo. Trong khi công luận thế giới, chính giới quốc tế cũng như các Quốc hội Âu Mỹ không ngừng lên tiếng hậu thuẫn yêu sách chính đáng cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Thêm một bằng cớ hiển nhiên vừa xẩy ra sáng hôm nay, ngày 21.9.2006, vào lúc 10 giờ, Qũy tài trợ Rafto mở cuộc họp báo tại thành phố Bergen ở Na Uy công bố trao Giải Rafto năm 2006 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, một Giải Nhân quyền đầy uy thế và sáng giá của Bắc Âu.

Từ trước năm 1975 cho đến lâu sau, các nước Bắc Âu vốn có cảm tình với nhà cầm quyền Hà Nội, vì lầm tưởng rằng người Cộng sản Việt Nam đấu tranh cho hòa bình dân tộc và dân chủ. Nhưng nay, càng ngày họ càng nhận rõ bộ mặt thật của Hà Nội, vừa độc tài toàn trị, vừa khủng bố dân lành. Vì vậy, 31 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, người dân Việt vẫn chưa có tự do, no ấm.

Lời công bố sáng nay của Hội đồng Chỉ đạo Qũy Tài trợ Rafto là một nhận định chính trị về chế độ XHCNVN hiện nay : “Kinh tế được tự do mở rộng, nhưng đất nước vẫn sống dưới chế độ độc đoán. Nhà nước độc đảng không chấp nhận bất đồng chính kiến hay sự phê phán thông qua cơ quan truyền thông, đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo hoặc các công đoàn, mặc dù Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”.

Còn nhận định về Hòa thượng Thích Quảng Độ, thì “Hội đồng Chỉ đạo Qũy Tài trợ Rafto quyết định tặng thưởng năm 2006 Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto cho một trong những người Việt Nam lỗi lạc nhất đã không ngừng bảo vệ dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền : Hòa thượng Thích Quảng Độ. Đoạt giải này, vì suốt ba mươi năm qua Hòa thượng dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc. Hòa thượng Thích Quảng Độ, một sĩ phu lãnh đạo và là thế lực kết hợp nơi quê hương ngài.”

Một nhận định chính xác và sâu sắc. Quả đúng như vậy. Mơ ước và yêu sách cho nhân quyền và dân chủ, thì toàn dân đồng tình. Nhưng có những thời điểm vì công an khủng bố, vì chính sách bao vây kinh tế, khiến người dân sợ hãi. Nếu có ai dám nói, thì cũng chỉ đề xuất đại cương những điều khái quát về nhân quyền và dân chủ.

Nhưng tháng 2 năm 2001, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã bức phá sự sợ hãi, khi tung ra “Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam” với một chương trình thực hiện chính trị 8 điểm. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ vận động, Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã thu được ba trăm tám nghìn hai mươi bảy (308.027) chữ ký hỗ trợ của đồng bào Việt Nam các giới và hàng trăm chữ ký của nhân sĩ quốc tế, Giải Nobel, dân biểu, thượng nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu, để công bố tại khóa họp Ủy ban Nhân quyền LHQ ở Genève. Kể từ đó, dân chủ không khát quát nữa, mà có một kế hoạch, một chương trình 8 điểm. Cũng kể từ đó, và thông qua 26 năm chứng thực bằng sự dũng cảm và kiên cường, Hòa thượng làm sáng lên tinh thần Vô Úy – không sợ hãi – đem lại niềm tin mới cho quần chúng.

Tết Ất Dậu, 2005, Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi tiếp “Thư Chúc Xuân” đến chư vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào các giới trong và ngoài nước, kêu gọi hãy đồng tâm kết hợp cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam với mô thức ba đảng. Tiếng vọng đáp lại một lần nữa bùng lên trong và ngoài nước, đến từ mọi giới. Đặc biệt lần đầu tiên, giới sĩ phu Bắc Hà góp tiếng hoan nghênh và hậu thuẫn.

Hai bước ngoặt lớn năm 2001 và 2005 nói trên đã xô đẩy thời cuộc, đây đó khắp nơi khởi sự đứng lên công khai đòi hỏi dân chủ bằng cách này hay cách khác.

Từ thực tế ấy, một tổ chức nhân quyền quốc tế ở Bắc Âu đã bắt đúng tâm mạch Việt Nam, nên quyết định trao Giải Rafto năm 2006 cho Hòa thượng. Những ai ít theo dõi sinh hoạt nhân quyền ở Châu Âu, có thể chưa biết Giải Rafto là gì. Theo cuộc họp báo sáng nay tại Na Uy cho hay, thì :

“Giải Rafto ra đời sau khi Giáo sư Thorolf Rafto mất vào năm 1986, nhằm tri ân công trình dài hơi của Giáo sư đã không ngừng cứu giúp những ai bị đàn áp, khủng bố, và để cho công trình của Giáo sư tiếp tục thể hiện. Mỗi năm, Qũy Rafto tặng thưởng Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto (gọi là Giải Rafto). Đây là giải nhân quyền giành cho những người có địa vị quốc tế, một số trong những người đoạt giải Rafto, như Aung San Suu Kyi, Josè Ramos-Horta, Kim Dae-jung và Shirin Ebadi, sau đó lại được lãnh Giải Nobel Hòa bình. Giải Rafto góp phần định hình các tiêu điểm vi phạm nhân quyền và những người hay những cộng đồng cần thiết được thế giới chú tâm. Năm nay Qũy Rafto đánh dấu 20 năm hoạt động cho nhân quyền. Nhân dịp này, tất cả các vị đoạt giải Rafto trong quá khứ sẽ được mời đến thành phố Bergen tham dự”.

Sau đây, chúng tôi xin đăng nguyên văn bản công bố trao Giải Rafto cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, dịch từ tiếng Na Uy, phân phát hôm nay, 21.9.2006, tại cuộc họp báo của Hội đồng Chỉ đạo Qũy Tài trợ Rafto vào lúc 10 giờ ở thành phố Bergen, Na Uy :

“Giải Rafto năm 2006 trao cho Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam

“Hội đồng Chỉ đạo Qũy Tài trợ Rafto quyết định tặng thưởng năm 2006 Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto cho một trong những người Việt Nam lỗi lạc nhất đã không ngừng bảo vệ dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền : Hòa thượng Thích Quảng Độ. Đoạt giải này, vì suốt ba mươi năm qua Hòa thượng dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc.

“Hòa thượng Thích Quảng Độ, một sĩ phu lãnh đạo và là thế lực kết hợp nơi quê hương ngài. Là một Tăng sĩ Phật giáo, học giả và nhà văn, Hòa thượng đem suốt đời mình phục vụ tận tụy cho công lý thăng tiến cũng như tiếp nối truyền thống Phật giáo bất bạo động, khoan dung và từ bi. Thông qua các kiến nghị chính trị, Hòa thượng Thích Quảng Độ mời gọi Nhà cầm quyền tham gia cuộc đối thoại nhằm cải cách dân chủ, tính đa nguyên, tự do tôn giáo, nhân quyền và hòa giải dân tộc. Đây là điều đã tạo nên sức mạnh và phương hướng cho phong trào dân chủ. Vì sự dấn thân này mà Hoà thượng phải trả một giá quá đắt. Tiêu phí mất 25 năm tù đày và hiện nay, vào năm 77 tuổi, Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn còn bị quản chế. Nhưng cũng từ nơi quản chế ấy, Hòa thượng tiếp tục cuộc đấu tranh. Là Viện trưởng Viện Hóa Đạo của một Giáo hội bị cấm đoán là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Quảng Độ được quần chúng Phật tử Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ. Hòa thượng cũng được sự hậu thuẫn rộng rãi của những cộng đồng tôn giáo khác và những cựu đảng viên Cộng sản. Hòa thượng đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc hòa hợp những nhà ly khai từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam.

“Qua cuộc tặng thưởng hôm nay, Qũy Rafto mong ước nói lên sự hỗ trợ tất cả những người Việt Nam đang đấu tranh để chuyển hóa ôn hòa sang nền dân chủ. Kể từ tháng tư vừa qua, trên 2000 công dân đã ký tên vào những bản kiến nghị “Kêu gọi cho quyền Tự do lập Đảng” và “Tuyên ngôn cho Tự do Dân chủ Việt Nam”. Các bản kiến nghị này đòi hỏi tôn trọng các quyền tự do cơ bản, đa nguyên chính trị, tự do tôn giáo và tự do lập hội. Đây là lần đầu tiên trong những năm qua có nhiều người ký tên vào các kiến nghị công khai. Những kiến nghị được ký tên trên bình diện rộng rãi, đến từ các Linh mục Công giáo, các Tăng sĩ Phật giáo, cựu tù nhân chính trị, cựu viên chức Cộng sản, cựu đảng viên, giáo sư đại học, giáo viên, y tá, kỹ sư, nhà văn, nhà kinh doanh và nhiều thường dân khác. Ở Việt Nam, riêng sự kiện ký tên vào các tài liệu như thế là đã chuốc vào thân sự sách nhiễu, bị bắt bớ và nhiều khi bị cầm tù.

“Việt Nam phấn đấu không ngừng để đạt địa vị chính thống trên trường quốc tế và đệ đơn xin làm thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới. Kinh tế được tự do mở rộng, nhưng đất nước vẫn sống dưới chế độ độc đoán. Nhà nước độc đảng không chấp nhận bất đồng chính kiến hay sự phê phán thông qua cơ quan truyền thông, đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo hoặc các công đoàn, mặc dù Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Hàng trăm tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo vẫn còn bị cấm cố. Điều kiện giam giữ tù nhân vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế và nhiều bằng chứng cho thấy sự tra tấn và hành hạ người tù. Tù nhân sống cách ly trong những ca sô chật chội, tối tăm, dơ bẩn. Nhiều phúc trình cho biết tù nhân bị đánh, đá, và quất bằng dùi cui điện. Bắt bớ không giấy phép là chuyện thường tình, và chế độ chính trị tạo áp lực lên hệ thống pháp lý. Các bị cáo thường không được luật sư độc lập bảo vệ. Các phiên tòa xử kín, không cho quần chúng và báo chí tham dự, nhiều khi ngăn cấm cả thân nhân bị cáo.

“Gần đây, tân Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, lên tiếng hứa hẹn gia tăng không gian cải cách, nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền và cam kết dân chủ. Ngay lúc này đây, lời hứa hẹn ấy cần thể hiện cụ thể qua hành động. Qũy Rafto kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt mọi sự tấn công vào giới bất đồng chính kiến và mở ngay cuộc đối thoại cải cách với các nhà dân chủ chống đối, để cùng tham gia hợp tác và tôn trọng nhân quyền, tự do tín ngưỡng và tự do chính trị tại Việt Nam.

“Giải Rafto năm 2006 trao tặng thưởng tại Hí viện Quốc gia ở thành phố Bergen ngày thứ bảy 4.11.2006 vào lúc 13 giờ.

“Giải Rafto ra đời sau khi Giáo sư Thorolf Rafto mất vào năm 1986, nhằm tri ân công trình dài hơi của Giáo sư đã không ngừng cứu giúp những ai bị đàn áp, khủng bố, và để cho công trình của Giáo sư tiếp tục thể hiện. Mỗi năm, Qũy Rafto tặng thưởng Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto (gọi là Giải Rafto). Đây là giải nhân quyền giành cho những người có địa vị quốc tế, một số trong những người đoạt giải Rafto, như Aung San Suu Kyi, Josè Ramos-Horta, Kim Dae-jung và Shirin Ebadi, sau đó lại được lãnh Giải Nobel Hòa bình. Giải Rafto góp phần định hình các tiêu điểm vi phạm nhân quyền và những người hay những cộng đồng cần thiết được thế giới chú tâm. Năm nay Qũy Rafto đánh dấu 20 năm hoạt động cho nhân quyền. Nhân dịp này, tất cả các vị đoạt giải Rafto trong quá khứ sẽ được mời đến thành phố Bergen tham dự”.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *