Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Các đoàn thể, đảng phái trong nước gửi lời chào mừng Hòa thượng Thích Quảng Độ đoạt Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto 2006

Các đoàn thể, đảng phái trong nước gửi lời chào mừng Hòa thượng Thích Quảng Độ đoạt Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto 2006

Download PDF

PARIS, ngày 25.10.2006 (PTTPGQT) – Từ ngày 21.9.2006, khi Hội đồng chấm giải thuộc Sáng hội Rafto công bố trao Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto 2006 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, công luận thế giới và cộng đồng người Việt khắp năm châu tỏ lời hoan nghênh sự quan tâm quốc tế đối với phong trào dân chủ đang bùng lên trên quê hương Việt Nam trước bao thách đố, lăng nhục và đàn áp của Nhà cầm quyền Hà Nội. Phong trào dân chủ này đã được Châu Âu nhìn qua lăng kính biểu tượng của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Người đã cùng với Đức Tăng thống Thích Huyền Quang lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khởi động rất sớm phong trào quần chúng lớn rộng đòi hỏi cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.

Sự khởi động đấu tranh ấy có thể nhìn qua vài sự kiện tiêu biểu :

– Ngày 2.11.1975, mười hai (12) Tăng Ni tự thiêu tập thể tại Thiền viện Dược sư ở Cần Thơ phản đối chính sách đàn áp quy mô tôn giáo của Nhà cầm quyền Cộng sản. Từ đó đến nay tổng cộng đã có 22 Tăng Ni, Cư sĩ Phật giáo trong và ngoài nước tự thiêu cho lý tưởng nhân quyền và tự do tôn giáo ;

– Ngày 16.11.1978, Đức Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu yêu cầu Quốc hội Cộng sản trả tự do cho tất cả hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) bị bắt giam, và, đưa ra Tòa án xét xử những công an đã tra tấn đến chết Cố Hòa thượng Thiện Minh trong phòng thẩm vấn ở Saigon ;

– Ngày 8.2.1982, Đức Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu viết thư khước từ tham gia Giáo hội Phật giáo Nhà nước mà các vị chức sắc của giáo hội này tự ý ghi tên Đức Tăng thống vào chức vụ “Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Giáo hội Phật giáo Nhà nước” hòng đánh lừa dư luận quốc tế ;

– Ngày 14.7.1982, Đức Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu viết thư gửi Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Nhà nước, phản đối hành động phi pháp của Giáo hội này đến đoạt thủ trụ sở Trung ương của GHPGVNTN tại chùa Ấn Quang. Đức Đệ Tam Tăng thống cũng quy trách nhiệm cướp đoạt này cho Hòa thượng Trí Thủ khi viết rằng : “Ngay cả những vị Lãnh đạo hữu danh trên đất nước này, trong đó có Hòa thượng, đều đã xuất thân từ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT mà được hiển đạt như hôm nay. Do đó dù bất cứ ai, có sự xúc phạm đến sự tồn vong của GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT, thiết tưởng Hòa thượng cũng phải trực tiếp chịu phần trách nhiệm đối với Lịch sử, Dân tộc và Đạo pháp, huống nữa là hành động phi pháp và hoàn toàn trái ngược với Giới luật Phật chế của Ban Trị sự Thành hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước, PTTPGQT chú) thành phố Hồ Chí Minh như đã nói trên thì trách nhiệm của Hòa thượng lại càng lớn lao hơn nữa” ;

– Mặc dù Nhà cầm quyền Cộng sản thảm sát, bắt bớ, đày ải hàng giáo phẩm Viện Hóa Đạo, lùa vào Trại tập trung cải tạo hàng trăm nghìn Tăng tín đồ Phật giáo liền sau ngày 30.4.1975, chuẩn bị cho việc ra đời một Giáo hội Phật giáo Nhà nước phục vụ chính trị cho Đảng Cộng sản vào năm 1981. Nhưng ngày 24.5.1993, bốn mươi nghìn (40.000) Phật tử Huế xuống đường biểu tình yêu sách cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Cuộc biểu tình đông đảo xưa nay chưa từng có dưới chế độ Cộng sản Việt Nam ;

– Ngày 20.11.1993, Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang công bố “Tuyên cáo Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn” đưa ra 12 điểm nhận thức tình hình nguy kịch ở Việt Nam và 9 biện pháp trị liệu. Đặc biệt là yêu sách bỏ Điều 4 trên Hiến pháp, mọi thành phần dân tộc có quyền tự do ứng cử và bầu cử dưới quyền giám sát của LHQ để hình thành Quốc hội đa đảng đại diện toàn dân ;

– Ngày 25.4.2000, Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang viết thư đề nghị Đảng và Nhà nước CHXHCN lấy ngày 30.4 làm “Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc” để sám hối những sai lầm trọng đại của Đảng Cộng sản thông qua cuộc Cải cách Ruộng đất, Mậu Thân Huế, v.v…, giải quyết tình trạng bi thảm của những người tử vong, tàn tật qua hai cuộc chiến bất kể bộ đội miền Bắc hay quân sĩ Việt Nam Cộng hòa, và bảo đảm các quyền tự do căn bản của người dân – Nhân quyền cho người sống, Linh quyền cho người chết ;

– Ngày 21.2.2001, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, nhân danh GHPGVNTN công bố “Lời kêu gọi Dân chủ cho Việt Nam” với kế hoạch và chương trình chính trị 8 điểm nhằm dân chủ hóa xã hội Việt Nam, và kêu gọi hình thành Liên Minh Dân tộc hầu thúc đẩy tiến trình này. Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã đệ trình Lời Kêu gọi lên Ủy hội Nhân quyền LHQ họp tại Genève với 308,027 (ba trăm tám nghìn hai mươi bảy) chữ ký hậu thuẫn của người Việt trong và ngoài nước cùng hàng trăm chữ ký của các vị Nhân sĩ quốc tế, Thượng nghị sĩ, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu thu được qua chiến dịch vận động ký tên trong vòng 3 tuần lễ ;

– Ngày 2.4.2003, trong cuộc gặp gỡ hi hữu giữa một Thủ tướng, là ông Phan Văn Khải và một Người tù, là Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang tại Hà Nội. Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang yêu sách Nhà nước XHCNVN phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN và trả lại tất cả các tài sản của Giáo hội bị cưỡng chiếm sau năm 1975, đặc biệt là Đại học Vạn Hạnh. Sáu tháng sau đó, câu trả lời của Nhà nước Cộng sản là tung lưới bắt 11 vị giáo phẩm Giáo hội tại Lương Sơn vào ngày 9.10.2003 sau khi chư vị tham dự Đại hội bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, và trên đường về lại Saigon, trong đó có Nhị vị Hòa thượng lãnh đạo tối cao Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ ;

– Tháng 2 năm 2005, nhân Tết Ất Dậu, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, nhân danh GHPGVNTN gửi “Lời Chúc Xuân” đến các vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào các giới trong và ngoài nước kêu gọi kết hợp để khởi động tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Nhiều nhân sĩ, nhà văn, các phong trào, đoàn thể từ Bắc chí Nam, từ trong ra ngoài nước lên tiếng hoan nghênh. Đây là bước ngoặt lớn cho sự thống nhất lòng người Việt Nam. Đại hội lần thứ 4 Phong trào Dân chủ Thế giới họp tại thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ, thượng tuần tháng 4.2006 với trên 600 đại biểu từ 125 quốc gia khắp năm châu đã cảm nhận sâu sắc khi trao Giải Dũng khí Dân chủ (Democracy Courage Tribute) cho hai nhà dân chủ dũng cảm Việt Nam : Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo sư Hoàng Minh Chính, khi tuyên bố rằng Đại hội “vinh danh hai người, hai bộ mặt gây cảm hứng kỳ diệu, hai con người đấu tranh qua bao thập kỷ cho dân chủ và cải cách chính trị tại Việt Nam. Qua hai vị, chúng ta vinh danh tất cả những nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam. Hai vị là đại biểu cho hai vị thế khác nhau trong phong trào dân chủ Việt Nam : một vị ngoài thế gian, một vị là Tăng sĩ Phật giáo ; một vị ở miền Bắc, một vị ở miền Nam ; một vị là cựu cán bộ cao cấp của chế độ, một vị là giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang bị cấm hoạt động”.

Nay đến lượt Sáng hội Rafto ở Na Uy trao Giải Nhân quyền Quốc tế 2006 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ vào ngày 4.11 sắp tới, theo nhận định : “Hội đồng Chỉ đạo Qũy Tài trợ Rafto quyết định tặng thưởng năm 2006 Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto cho một trong những người Việt Nam lỗi lạc nhất đã không ngừng bảo vệ dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền : Hòa thượng Thích Quảng Độ. Đoạt giải này, vì suốt ba mươi năm qua Hòa thượng dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc. Hòa thượng Thích Quảng Độ, một sĩ phu lãnh đạo và là thế lực kết hợp nơi quê hương ngài.”.

Sáng hội Rafto cũng như Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã nhận được hàng nghìn điện văn, điện thoại hoặc E.mail của người Việt trong và ngoài nước ca ngợi sự xứng đáng của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Qua biểu tượng của vị Cao tăng Phật giáo, ai nấy đều cảm nhận đây cũng là niềm vinh hạnh hướng tới toàn dân Việt Nam đang đấu tranh cho dân chủ trong nước.

Trong số các điện văn gửi về, một nhân chứng ca ngợi phong cách vì dân của Hòa thượng Thích Quảng Độ ngay trong những ngày tan tác cuối tháng 4.1975. Nhà văn, nhà báo Quốc Tuệ viết như sau :

“Được tin Thầy Quảng Độ đoạt Giải Nhân quyền Quốc Tế. Tôi thiển nghĩ cũng nên nêu cao một thành tích thật cao cả, hiếm thấy. Vào khoảng tháng tư năm 1975, tôi thường đến gặp Thuợng Toa Thanh Long, Giám Đốc Tuyên Úy Phật Gíáo, để bàn với thày kế họach chạy ra nước ngoài.

“Thượng Tọa cho biết : Tòa Đại Sứ Mỹ đã yêu cầu lập danh sách di tản. Danh sách lập xong, nhưng Hòa Thượng Quảng Độ và chư Tăng đã quyết định phải ở lại làm Phật sự, nhà tù và thảm khốc sẽ xẩy ra, nhưng đây là lúc Tăng Ni phải có mặt cạnh quần chúng. Nên Hòa thượng Quảng Độ đã bước lên tháp chuông chùa Ấn Quang, thỉnh chuông cầu nguyện và đốt hết danh sách di tản. Đây cũng một sự kiện đáng ghi vào lịch sử. Nếu bỏ sót sẽ mắc tội với người đã khuất.

“Nhân tiện đây, lưu ý Giáo sư Ái. Từ năm 1950 đến 1953, Cộng Sản tiêu diệt hết Phật Giáo vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh, hết sức dã man. Đó là phong trào mà chúng gọi là Phật Gíáo Phản Động Liên Khu Bốn, do các Thượng Tọa Thích Mật Thể, Tuệ Quang, Tuệ Chiếu và Cụ Đặng văn Hướng… lãnh đạo. Rất tiếc, tôi đã gần 80, nhiều năm lao lý, may mắn lắm mới còn sống đến hôm nay, nên muốn đốt nén hương cho Qúy Thầy, cho Qúy Đồng Đạo mà không thể làm được.

“A Di Đà Phật
“Kính Giáo Sư.
“Quốc Tuệ”

Chúng tôi rất tiếc không thể đăng hết tất cả những lời trân trọng và hoan nghênh gửi về. Mong sẽ có ngày in thành tập sách.

Hôm nay xin đăng tải 4 bức thư tiêu biểu sau đây đại biểu cho các phong trào quần chúng Bắc, Trung, Nam theo thứ tự thời gian nhận được :

Điện chúc mừng của Giáo sư Hoàng Minh Chính, Tổng Thư ký Đảng Dân Chủ (XXI), viết từ Hà Nội ngày 25.9.2006 :

“Thưa Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tôn kính,

“Chúng tôi rất vui mừng vừa mới được bạn hữu tới thông báo hôm nay rằng : “Hội đồng Chỉ đạo Qũy Tài trợ Rafto quyết định tặng thưởng năm 2006 Giải thưởng Rafto cho một trong những người Việt Nam lỗi lạc nhất đã không ngừng bảo vệ dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền là Hòa thượng Thích Quảng Độ”. Tặng thưởng giải lớn Nhân Quyền Quốc tế Rafto năm 2006 được công bố tại cuộc họp báo ở thành phố Bergen ở Na Uy ngày 21-9-2006 hồi 10 giờ.

“Trước hết, chúng tôi xin nồng nhiệt chúc mừng Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ được vinh danh cao quí như vậy.

“Đồng thời chúng tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về ý nghĩa mà Giải lớn Nhân Quyền Quốc tế Rafto trong dịp kỷ niệm long trọng 20 Năm tồn tại của Giải (1986-2006) lại được Hôị Đồng Chỉ đạo Qũy Rafto quyết định “trao tặng cho Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam.”

“Chúng tôi thấy điều quan trọng nhất trong Lời Công bố về trao Giải năm 2006 của Hội đồng Chỉ đạo Giải Rafto là có nhãn quan sâu sắc về toàn cảnh chính trị rất nghiêm trọng của xã hội Việt Nam hiện nay và công cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ, phức tạp và kiên cường của các chiến sĩ dân chủ nhằm hòa bình giải thể chính thể độc tài toàn trị độc đảng CS thay thế bằng một nhà nước pháp quyền đa nguyên dân chủ tự do đích thực theo tiêu chuẩn chính trị LHQ và Công pháp Quốc tế.

“Tinh thần đó trong Lời Công bố Giải Rafto năm 2006 nhận xét như sau:

“Kinh tế được tự do mở rộng, nhưng đất nước vẫn dưới chế độ độc đoán. Nhà nước độc đảng không chấp nhận bất đồng chính kiến hay sự phê phán thông qua cơ quan truyền thông, đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo hoặc các công đoàn, mặc dù Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Hàng trăm tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo vẫn còn bị cấm cố… Nhiều phúc trình cho biết tù nhân bị đánh, đá, và quất bằng dùi cui điện. Bắt bớ không giấy phép và chế độ chính trị tạo áp lực lên hệ thống pháp lý…”

“Và trong bối cảnh xã hội bi thảm như vậy, Hội đồng Giải Rafto nhìn thấy “Hòa thượng Thích Quảng Độ, một Tăng sĩ Phật giáo, học giả và nhà văn, suốt đời phục vụ tận tụy cho công lý thăng tiến cũng như tiếp nối truyền thống Phật giáo bất bạo động, khoan dung và từ bi…

“Vì sự dấn thân mà Hòa thượng đã phí mất 25 năm tù đày và hiện nay 77 tuổi vẫn còn bị quản chế. Nhưng cũng từ nơi quản chế ấy, Hòa thượng tiếp tục cuộc đấu tranh. Thông qua các kiến nghị chính trị, Hòa thượng Thích Quảng Độ mời gọi Nhà cầm quyền tham gia cuộc đối thoại nhằm cải cách dân chủ, tính đa nguyên, tự do tôn giáo, nhân quyền và hòa giải dân tộc. Đây là điều đã tạo nên sức mạnh và phương hướng cho phong trào dân chủ. Hòa thượng đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc hòa hợp những nhà ly khai từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam…

“Đọat giải Rafto này, vì suốt 30 năm qua Hòa Thượng Thích Quảng Độ dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc.” (trích Công bố trao Giải Rafto ngày 21-9-2006).

“Bản Công bố Giải Rafto đã phản ánh khái quát tinh thần cơ bản “Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam” với một Chương trình thực hiện chính trị 8 điểm ngày 21-2-2001 của Hòa Thượng Thích Quảng Độ cùng “Thư Chúc Xuân” Tết Ất Dậu (09- 02-2005) của Hòa Thượng.

“Giải thưởng lớn Rafto năm 2006 chẳng những là sự vinh danh cao quí tấm gương đấu tranh bất khuất trước toàn dân của Hòa Thượng Thích Quảng Độ mà đồng thời là sự biểu dương và hỗ trợ vô giá sự nghiệp đấu tranh của Nhân dân Việt Nam vì Tự do Dân chủ Hóa đất nước.

“Sau hết, một lần nữa chúng tôi rất hân hoan, chân thành chúc mừng Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ có vinh dự được tặng thưởng Giải Rafto cao quí vì đã cống hiến suốt đời cho thiên chức “Đạo Phật cứu khổ muôn loài, Giải phóng con Người khòi vô minh, khỏi sự sợ hãi và nô lệ nhằm đưa Con Người vào Vị thế Trung tâm giữa trời đất để giải thóat tự thân và giải phóng tha nhân” (trích “Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam” của HT. Thích Quảng Độ) khỏi chủ nghĩa xã hội quỷ quái, phản dân tộc và chống nhân loại.

“XIN TRÂN TRỌNG CHÚC MỪNG !!!

“Kính
“Hoàng Minh Chính
“Tổng Thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam (XXI)
Thư chúc mừng của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Cao trào Nhân bản, viết từ Saigon ngày 26.9.2006 :

“Sàigon ngày 26 tháng 9 năm 2006

“Kính gửi Hoà Thượng Thích Quảng Độ
“Viện Trưởng Viện Hoá Đạo
“Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất

“Kính bạch Hoà Thượng:,

“Chúng tôi rất vui mừng và hãnh diện khi nhận được tin Qũy Rafto của Na Uy đã quyết định trao tặng Hòa Thượng gỉải Nhân Quyền Quốc Tế cao qúy nhất của năm 2006. Đây là một tuyên dương và ghi nhận những đóng góp lớn lao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng cho tự do, dân chủ và nhân quyền đặc biệt là cho quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam.

“Giải Nhân Quyền Rafto 2006 cũng làm sáng tỏ thêm chính nghĩa đấu tranh của dân tộc ta trên trường quốc tế, qua hình ảnh của ngài, một vị chân tu trong muôn vàn khó khăn, áp bức vẫn nguyện cứu khổ cho đạo pháp và cho dân tộc trong suốt hơn 30 năm qua.

“Chúng tôi xin đại diện cho toàn thể các thành viên của Cao Trào Nhân Bản xin được hân hoan chúc mừng Hoà Thượng và Giáo Hội trước tin vui lớn lao. Chúng tôi cũng xin nhân dịp này, một lần nữa bầy tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự hy sinh vì đại nghĩa của Hòa Thượng và xin kính chúc Hoà Thượng CÁT TƯỜNG VÔ LƯỢNG.

“Kính thư,
“Bs Nguyễn Đan Quế
“Cao Trào Nhân Bản
Thư Chúc mừng của Khối 8406 viết ngày 28.9.2006 :

“Khối 8406 Chúc Mừng Hòa Thượng Quảng Độ
“Đoạt Giải NQQT Rafto 2006
“Việt Nam, ngày 28 tháng 9 năm 2006
“Kính gửi : Hòa Thượng Thích Quảng Độ
“Viện Trưởng Viện Hóa Đạo
“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

“Kính thưa Ngài Hòa Thượng,

“Hòa niềm vui lớn chung với các Chiến sĩ Nhân quyền Dân chủ Hòa bình của cả Nước và của tất cả Đồng bào, cũng như của mọi người thiện chí toàn cầu đang thiết tha với nền Tự do Dân chủ đích thật cho Việt Nam, chúng tôi, Khối 8406, rất vui mừng nghe biết Quỹ Rafto của Na Uy đã quyết định trao tặng Hòa Thượng giải Nhân Quyền Quốc Tế năm 2006. Không những Hòa Thượng xứng đáng với sự tuyên dương này mà lẽ ra còn phải được cộng đồng Nhân loại tuyên dương hơn nữa vì những đóng góp lớn lao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng cho Nhân quyền, Tự do, Dân chủ và đặc biệt cho Quyền Tự do Tôn giáo ở Việt Nam.

“Làm sao giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có chung được một nhận thức chuẩn xác – để từ đó định hướng một thái độ hành xử sao cho thật hữu hiệu trước thảm nạn của Dân tộc – thật là muôn vàn khó khăn, nhưng Hòa Thượng đã thật sáng suốt và can đảm khi ngay từ những năm đầu tiên sau 1975, Hòa Thượng đã công khai mạnh mẽ kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam phải lấy ngày 30 tháng 4 hằng năm làm Ngày Toàn Dân Sám Hối. Vì vậy Giải Nhân Quyền Rafto 2006 đã giúp làm sáng tỏ thêm chính nghĩa đấu tranh của Giáo hội do Ngài lãnh đạo giữa Quốc Dân Đồng bào và Cộng đồng Quốc tế, qua hình ảnh một Vị Thiền sư quyết tâm kiên định tìm đường giải cứu cho Đạo pháp và cho Dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn không chỉ từ phía đối phương mà còn ngay giữa lòng Giáo hội Phật giáo của Ngài trong suốt hơn 30 năm qua.

“Chúng tôi xin hân hoan chúc mừng Hòa Thượng và Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đồng thời rất ngưỡng mộ sự hy sinh vì đại nghĩa của Ngài.

“Nguyện xin Hồn Thiêng Dân tộc luôn phù trợ Hòa Thượng được bình an và ngày càng thuận đạt trong Sự nghiệp Dân chủ hoá Đất Nước sớm đến thành công.

“Kính thư,
“Đại diện lâm thời Khối 8406 trong và ngoài Nước :

“Đỗ Nam Hải, Kỹ sư, Sài Gòn.
“Trần Anh Kim, Cựu Sĩ quan, Thái Bình.
“Nguyễn Văn Lý, Linh mục Công giáo, Huế.
Thư Chúc mừng của Đảng Thăng tiến Việt Nam viết từ Huế ngày 3.10.2006 :

“Đảng Thăng Tiến Việt Nam Chúc Mừng
“Hòa Thượng Thích Quảng Độ
“đoạt giải Rafto của Tổ chức Nhân quyền Na Uy
“Huế, 03-10-2006
“Kính gửi : Hòa Thượng Thích Quảng Độ
“Viện Trưởng Viện Hóa Đạo

“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

“Kính thưa Hòa Thượng,

“Đảng Thăng Tiến Việt Nam rất vui mừng được tin Hòa Thượng đoạt giải Rafto năm nay, giải thưởng cao quí vinh danh một Chiến sĩ rất lỗi lạc đã không ngừng đấu tranh và bảo vệ Tự do Tôn giáo, Dân chủ, và Nhân quyền cho Quốc Dân Việt Nam.

“Đảng Thăng Tiến Việt Nam trân trọng chúc mừng Hòa Thượng và kính chúc Hòa Thượng luôn thân tâm an lạc để cùng toàn Dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh đẩy mạnh hơn nữa tiến trình dân chủ hóa Đất nước.

“Hòa Thượng không chỉ xứng đáng được Hội đồng Chỉ đạo Qũy Tài trợ Rafto tuyên dương mà lẽ ra còn đáng được cộng đồng Nhân loại vinh danh hơn nữa vì suốt ba mươi năm qua Hòa Thượng dũng cảm và kiên trì chống đối cách ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam, đã trở thành một trong những biểu tượng của cao trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc. Đảng Thăng Tiến Việt Nam ngưỡng mộ sự dấn thân của Hòa Thượng cho sự nghiệp đấu tranh đòi Tự do Tôn giáo, Dân chủ, Nhân quyền cho Quốc Dân Việt Nam.

“Thay mặt Đảng Thăng Tiến Việt Nam, chúng tôi xin hân hoan chúc mừng và nguyện xin Ơn Trên từ bi gia hộ cho Hòa Thượng luôn khỏe mạnh để dẫn dắt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đồng thời góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sớm đến thành công.

“Xin trân trọng kính chào Hòa Thượng.

“T.M. Ban Đại diện Thành Lập Đảng Thăng Tiến Việt Nam
“Trưởng Ban Đại diện Thành Lập
“Nguyễn Phong.”



Unicode


VNI


VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *