Cuộc lễ trao Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto năm 2006 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ không chỉ hạn chế vào trưa ngày 4 tháng 11 tại Hí viện Quốc gia, mà Lễ hội Rafto kéo dài trong vòng 4 ngày. Suốt ngày 2.11, ông Arne Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto, cùng với ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phát ngôn nhân của Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và chị Ỷ Lan, Phó chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ, đến Quốc hội và Bộ Ngoại giao Na Uy tại thủ đô Oslo để trình bày về hiện trạng nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Sự đón tiếp nồng hậu và thân tình tại hai cơ quan chính trị này chứng tỏ sự quan tâm khẩn thiết đến tình trạng nhân quyền và tôn giáo của Na Uy. Tại Quốc hội Na Uy, các Dân biểu thuộc ba đảng Bảo thủ, Xã hội và Lao động thuộc Ủy ban Thường trực Đối ngoại đón tiếp. Đặc biệt, bà Erna Solberg, Đệ nhất Phó chủ tịch Ủy ban, kể cho nghe chuyến viếng thăm Việt Nam và chi tiết cuộc gặp gỡ Bộ Ngoại giao và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam tại Hà Nội hôm 27.9 vừa qua để yêu sách trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ sang Na Uy nhận Giải Rafto. Bà cho biết Hà Nội rất bực mình và tỏ vẻ bất đồng.
Cũng trong sáng ngày 2.11, Đài Truyền hình TV2 đã đến phỏng vấn ông Võ Văn Ái tại khách sạn, rồi theo lấy hình khi phái đoàn tiến vào Quốc hội. Cuộc phỏng vấn này sẽ kết hợp với buỗi lễ trao giải tại thành phố Bergen hôm 4.11 để trình chiếu trên toàn quốc Na Uy.
Tại Bergen, sáng ngày 3.11 và suốt ngày hôm ấy, cuộc Hội luận mở ra trên ba đề tài “Hãy chấm dứt đàn áp chính trị tại Việt Nam”, “Nhân quyền thách thức trước thế giới toàn cầu hóa – Kỷ niệm 20 năm Giải Rafto” và “Hãy nhìn về phía trước – Nhân quyền thách thức và quyết định”, để sau đó vào buổi chiều, chia thành 4 nhóm hội thảo đúc kết các vấn đề : Việt Nam, bằng hữu kinh tế hay kẻ thù chính trị ? ; Đấu tranh bảo vệ những nhóm thiểu số và đấu tranh chống khủng bố ; Nhân quyền dưới các chế độ độc đoán ; Tội phạm có tổ chức và nạn buôn bán lậu.
Thuyết trình viên chính cho đề tài thứ nhất về vấn đề Việt Nam là : Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, người thay mặt Hòa thượng Thích Quảng Độ đến lãnh giải Rafto. Và hai khách thuyết trình đặc biệt, là ông Phạm Văn Tưởng, tức cựu Tăng sĩ Thích Trí Lực đến từ Thụy Điển, người bị Công an Việt Nam bắt cóc tại Nam Vang sau khi được Cao Ủy Tị nạn LHQ cấp thẻ tị nạn, ông Dan Hoàng Tứ Duy, Phó chủ tịch Ủy ban Vận động chính trị người Mỹ gốc Việt (VPAC) đến từ Hoa Kỳ. Đề tài thứ ba “Hãy nhìn về phía trước – Nhân quyền thách thức và quyết định” do bà Shirin Ebadi, Giải Nobel Hòa bình, thuyết trình.
Nhân dân Na Uy rất yêu chuộng thi ca, âm nhạc, hội họa và điêu khắc. Trên công trường, đường sá, vào các tư gia, cơ sở công quyền… tất thấy rõ sở thích này. Họ rất hãnh diện với thiên tài nhạc Edvard Grieg, kịch tác gia Henrik Ibsen… cả hai đều sinh trưởng tại thành phố Bergen, cả hai đều lừng danh ở Âu châu cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.
Trong tinh thần yêu thích thi nhạc ấy, mở đầu cuộc Hội luận sáng hôm 3.11, Ban tổ chức nhờ chị Ỷ Lan dịch và đọc bản Anh ngữ bài thơ Dân chủ Việt Nam mang tựa đề “Ánh đuốc bùng lên quê hương tôi” do thi sĩ Võ Văn Ái sáng tác theo yêu cầu của Sáng hội Rafto. Bài thơ này, cả hai bản Việt Anh, được in phát tại Hội luận, chúng tôi xin đăng nguyên văn ở cuối bài.
Tối thứ sáu, 3.11, trước ngày trao giải, ông Herman Friele, Đô trưởng thành phố Bergen, long trọng tổ chức Dạ Yến tại phòng khánh tiết Selskapslokaler nơi tòa đô sảnh mừng Hòa thượng Thích Quảng Độ. 11 vị đoạt giải Rafto và đông đảo thân hào nhân sĩ thành phố hiện diện đông đủ. Là khách mời danh dự, ông Võ Văn Ái ngồi bên phải ông Đô trưởng và bà Shirin Ebadi, Giải Rafto 2001 và Giải Nobel Hòa bình 2003, ngồi bên trái nơi bàn thượng khách. Khai mạc Dạ yến ông Đô trưởng chúc mừng và vinh danh công cuộc đấu tranh của Hòa thượng cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Ông Arne Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto đáp từ cảm tạ ông Đô trưởng đồng thời vinh danh Hòa thượng Thích Quảng Độ, rồi ông chấm dứt bằng một bài thơ mà ông nhấn mạnh đến ý nghĩa dấn thân quyết liệt của các nhà dân chủ Việt Nam, không từ khước một sự hy sinh nào. Đó là một bài thơ của thi sĩ Võ Văn Ái mà ông đọc được từ lâu trước :
Ước chi thù hận cuộc đời
thâu gồm trong viên đạn
Một viên đạn cuối cùng nằm yên trong súng
ngực tôi xin đón
như đưa tay hái quả úng cuối cùng trên chùm đào mơn mởn
Để cây đàn ngàn tiếng ngân ca.
Ông Võ Văn Ái cũng đáp từ cảm tạ, nói rằng : “Đêm nay, tôi trông ngóng xiết bao sự có mặt của Hòa thượng Thích Quảng Độ tại cuộc Dạ Yến. Nhưng Hòa thượng không đến được. Các bạn thừa biết vì sao. Văn hóa khủng hoảng, tranh chấp triền miên làm cho người Việt xa cách nhau, thù hận nhau, ganh ghét nhau, xa lánh nhau… Thế cho nên tôi cảm tạ nhân dân thành phố Bergen, cảm tạ Sáng hội Rafto quan tâm tới Việt Nam và vinh danh Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nhờ Giải Rafto năm 2006 mà Hòa thượng tìm được những bằng hữu Na Uy ở Bergen. Có được một bằng hữu trong đời là điều cao quý nhất, cao quý hơn cả trái đất nơi chúng ta cư ngụ”.
Lễ Trao giải Rafto tổ chức tại Hí viện Quốc gia vào trưa ngày 4.11, từ 12 giờ đến 13 giờ. Đến đây và chứng kiến, chúng tôi mới học được sự sắp đặt tân kỳ. Từ chương trình tổ chức khít khao, dồn dập, hứng khởi, không một giây chờ đợi. Dù là giờ khai mạc hay khi chuyển màn. Cho đến phẩm chất nghệ thuật của từng ca sĩ, nhạc công diễn tấu, diễn viên ngâm thơ, cũng như người giới thiệu chương trình vốn là một diễn viên kịch tài ba. Bà ăn nói lưu loát, ngắn gọn nhưng đầy đủ và duyên dáng. Các nghệ sĩ trình diễn nổi danh là : nghệ nhân Sebastian Dörfler, đệ nhất đàn xe-lô (Cello) của Dàn nhạc Đại hòa tấu Bergen, nữ ca sĩ và sáng tác nhạc Nathalie Nordnes, nữ ca sĩ nhạc Jazz Kristi Huke, nhạc công đàn xếp (accordeon) nổi danh tại Âu châu, Trung quốc, Nhật Bản về diễn tấu nhạc cổ điển Bach, Mozart, Grieg, Stravinsky… , nữ diễn viên kịch nghệ nổi tiếng Merete Armand ngâm bài thơ của thi sĩ Nhật Yuji Takahashi “Giống như con trâu nước”. Kết thúc phần văn nghệ, Đoàn Phượng Ca Oslo với quốc phục khăn đóng áo dài hòa tấu đàn tranh.
Sau phần văn nghệ là phần trao giải với bài Diễn văn tôn vinh Hòa thượng Thích Quảng Độ của ông Arne Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto, và ông Võ Văn Ái thay mặt Hòa thượng Đáp từ cảm tạ (xin xem chi tiết trong Thông cáo báo chí phát hành hôm 5.11.2006 hoặc vào xem trên Trang nhà Quê Mẹ : http://www.queme.net)
Điều mà chúng tôi chưa hề gặp tại các nước khác và điều này giới thiệu cho chúng tôi về phẩm chất giáo dục công dân, về tinh thần dân chủ cao. Toát lên một ý thức bình đẳng và vô ngã, mà người Phật tử Việt Nam được dạy dỗ cẩn thận, nhưng ít có cơ hội thực hành. Ông Chủ tịch Quốc hội Na Uy (đứng hàng quan trọng thứ hai sau Nhà Vua trong thứ bậc công quyền), nhiều vị Dân biểu và chính giới, các vị Viện trưởng, Khoa trưởng Đại học, cũng như ông Đô trưởng thành phố đến tham dự lễ trao giải. Chúng tôi không thấy các vị này ngồi ở hàng ghế đầu, như vẫn thấy tại Pháp, tại Hoa Kỳ, nhất là tại Việt Nam. Hỏi mãi mới biết dù được mời trang trọng, hoặc chính tự họ mua vé vào cửa, và số vé cắt đặt cho mọi người ngồi chung với mọi người, chẳng phân biệt riêng ai hay chức vụ cao cấp.
Đó là tinh thần bình đẳng tối cao trong một quốc gia dân chủ. Sách Phật gọi là “bình đẳng pháp”. Rồi cũng không thấy Ban tổ chức xướng danh giới thiệu, hoặc mời họ đứng lên ban ít lời “vàng ngọc” như lệ thường các nơi. Gặp trường hợp như thế ở các nước khác, chắc các nhân vật này đã đứng dậy bỏ ra về, không cằn nhằn cũng miệt thị hay thống trách dữ dội. Riêng ông Arne Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto, ngoại trừ lần đọc Diễn văn trao giải, không xuất hiện một lần nào khác, ông giao phó cho Ban tổ chức toàn quyền điều động, phát biểu. Khiêm tốn và từ hòa đến thế là cùng.
Đó chính là tinh thần “vô ngã” trong đạo Phật. Thấy ta trong người, nhìn người trong ta. Chứ không chỉ thấy riêng ta sừng sửng cao lừng như một thiên thu đại ngã. Trên 90% dân số Na Uy theo đạo Tin Lành. Họ không biết giáo lý đạo Phật là gì. Thế mà tinh thần “vô ngã” và “bình đẳng” lại được áp dụng tự nhiên như khí trời. Tuyệt vời thay tinh thần Dân chủ Bắc Âu.
Tinh thần dân chủ và nhân quyền cao độ khiến cho dân thành Bergen vui tươi tình nguyện tham gia giúp đỡ vào Ban tổ chức Lễ hội Rafto như chuyện nhà của họ. Ba mươi sinh viên đại học Bergen tình nguyện giúp Ban Tổ chức trong việc đưa đón khách mời quốc tế từ phi trường về khách sạn, từ khách sạn đến các hội trường, trang hoàng sân khấu, âm thanh, đèn đóm, bán vé vào cửa, vận động báo chí, truyền thông, gửi thư mời đến các cơ quan công quyền. 30 người quán xuyến hoàn hảo. Một hãng cho thuê xe hơi trong thành phố cho Ban tổ chức mượn 5 chiếc xe hơi bóng nhoáng không lấy tiền, để Ban tổ chức dùng đưa đón khách mời. Những cô cậu sinh viên đưa đón thân tình, chu đáo, lịch sự lại ân cần làm cho tình huynh đệ bốn phương càng thêm diệu vợi.
Tất cả mọi nhân viên trong Sáng hội Rafto, từ chủ tịch đến cố vấn, thư ký, sưu tập viên tài liệu, đều tự nguyện làm việc không ăn lương suốt 20 năm qua. Năm nay, 2006, do kỷ niệm 20 năm Giải Rafto, khách quốc tế đông và gánh nặng tổ chức quá lớn. Nên lần đầu tiên Sáng hội chi tiền thuê một cô thư ký làm việc nửa ngày, 3 tháng trước ngày trao giải.
Thảo nào mà theo công bố mấy ngày qua của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), thì chỉ số phát triển con người (Human Development Index, HDI) tính theo tiêu chí liên quan tuổi thọ, thành tựu giáo dục và thu nhập, Na Uy đứng hàng đầu thế giới trong số 10 nước đứng đầu : Na Uy, Iceland, Úc, Ireland, Thụy Điển, Canada, Nhật, Mỹ, Thụy sĩ và Hòa Lan. Còn Việt Nam Cộng sản được xếp thứ 109 trên tổng số 177 quốc gia.
Tối hôm ấy, 4.11, là đêm kỷ niệm 20 năm Giải Rafto đồng thời vinh danh Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Hội trường Grieg. Trên hai nghìn người tham dự, ngoại trừ một số ít khách mời, tất cả đều mua vé vào cửa. Các Ca sĩ, Nhạc công, đoàn múa nổi danh của Na Uy đều tự nguyện trình diễn không lấy tiền thù lao. Đoàn múa hát nổi danh Fargespill của thành phố Bergen là một công trình sáng tạo đầy tính quốc tế của một nhạc sĩ và một nữ vũ sư Na Uy. 200 thiếu niên thiếu nữ thuộc đủ giống dân Á, Phi, Nam Mỹ và Âu châu. Tất cả các bài hát hay vũ điệu năm châu thế giới và nhạc vũ dân ca Na Uy được hòa hài trình diễn trong một tổng thể liên đới mang tính quốc tế. Các em là những sắc dân khác biệt, từ y phục đến màu da, nhưng cùng nhau luân vũ qua các sắc nhạc năm châu. Thật là một ý kiến sáng tạo trong tinh thần tứ hải giai huynh đệ.
Mở đầu Đêm Văn nghệ tôn vinh, người giới thiệu chương trình nhắc lại hành trạng Hòa thượng Thích Quảng Độ và cuộc đấu tranh cho dân chủ của nhân dân Việt Nam. Ông cũng tóm gọn những điều cơ bản trong bài đáp từ cảm tạ của ông Võ Văn Ái lúc nhận giải hồi trưa. Đặc biệt ông Ái trích dẫn Kịch tác gia Henrik Ibsen, là người đã thể hiện từ xưa lý tưởng của Sáng hội Rafto ngày nay trong sứ mệnh bênh vực những tiếng nói bị đàn áp khắp nơi. Henrik Ibsen là người hậu thuẫn sự Tự do, chứ không là những thứ tự do. Cũng như Nhạc sĩ cổ điển thiên tài Edvard Grieg đã hủy bỏ chuyến diễn tấu nhạc tại Pháp để phản đối vụ án bất công đối với Dreyfus hồi đầu thế kỷ XX. Ông cũng nhắc tới danh từ “omertà” ít người biết mà ông Ái nhắc trong diễn văn khi khen ngợi Sáng hội Rafto đã can đảm phá tan màn im lặng phủ trùm đất nước Việt Nam. Ông nói omertà là bóp nghẹt tiếng nói, là bắt mọi người câm đi, không cho gióng lên ngững ngưỡng vọng thiết tha của con người.
Sau đó ông nhắc lại hành trạng can đảm đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ của 19 vị đoạt giải Rafto trong quá khứ. Rồi ông mời người thay mặt Hòa thượng Thích Quảng Độ đến lãnh giải, mà cũng là nhà thơ Võ Văn Ái, lên sân khấu đọc lại cho mọi người thưởng thức một lần nữa bài thơ Hòa bình mà ông Ái đọc khi kết thúc Đáp từ cảm tạ tại Hí viện Quốc gia hồi trưa :
Hòa bình là nụ hoa
nở giữa tình yêu và tiếng hát
Ôi cho tôi xin thêm muôn nghìn Đôi Mắt
để tôi khóc lớn Niềm Vui
và nhìn quanh
mong manh bông hoa nhỏ
chưa một lần ngưng nở
đã thiên thu
Sau đó là đoạn phim giới thiệu quá trình đấu tranh suốt đời của cố Giáo sư Thorolf Rafto. Trong thập niên 80 giáo sư đã xông xáo sang Đông Âu hậu thuẫn các cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ và có khi bị bắt bỏ tù dưới các thể chế độc tài cộng sản Đông Âu. Giáo sư ủng hộ triệt để cho phong trào Công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc) tại Ba Lan, phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc. Nhiều lần ông kín đáo mở những lớp Đại học bỏ túi để dạy cho những sinh viên Đông Âu mở rộng kiến thức. Sinh năm 1922, mất vào năm 64 tuổi vì bệnh u cát màng não. Suốt một đời tận tụy cho Quyền Con Người gây xúc động lớn, thành gương mẫu lý tưởng trong giới bằng hữu và học trò của ông. Những người này quyết không để cho lý tưởng ấy chết theo con người mà họ ngưỡng mộ, yêu kính. Nên họ đứng ra thành lập Sáng hội Rafto (Rafto Foundation) để tiếp nối công trình của cố Giáo sư Thorolf Rafto suốt 20 năm qua.
Xen lẫn với các màn hát, diễn tấu, hòa nhạc, Đêm Văn nghệ tôn vinh trình bày các đoạn phim về quá trình tranh đấu chống độc tài trên thế giới : Cuộc nổi dậy của nhân dân Hung Gia Lợi ở Budapest, mùa Xuân Tiêp Khắc ở Prague, Thiên An Môn ở Bắc kinh, v.v… và những cuộc tàn sát dân Armenia, dân Kurd, v.v…
Chúng tôi cực kỳ xúc động với sự trình diễn của nghệ sĩ Sivan Perwer, người Kurd. Anh bước lên sân khấu với áo quần và khăn quấn tóc các xứ Trung đông. Lâu nay, một người trang phục như thế trong đầu óc chúng ta ắt phải lăm le khẩu kalashnikov trong tay. Nhưng không. Anh cầm cây đàn tembûr khoan thai đến giữa sân khấu. Ngồi xuống nhìn cử tọa, tay gảy vào thớ dây bật lên những cung bậc gió lùa và cát nổi. Bỗng giữa tiếng đàn dồn dập như ngựa bay trên hoang sa, giọng hát cất lên ầm vọng thiết tha, có khi như tiếng khóc nức nở, như tiếng than oán níu trời tìm một đường thoát. Anh diễn tả trận càn mà Sadam Hussein ra lệnh giết sạch bé thơ, phụ nữ, người già và trai tráng ở thị trấn Halabja miền Bắc Irak. Gần năm trăm người bị thảm sát tức tưởi. Vì Sadam Hussein nghi dân làng ấy tham dự cuộc ám sát hụt ông ta. Từ đó anh cầm đàn tembûr đi khắp mặt địa cầu, hát bài hát sử thi tàn bạo làm chấn động lương tâm thế giới. Nhưng anh không được hát câu chuyện thảm sát rùng rợn này tại ba nước Turkey, Iran và Irak. Anh sống lưu đày tại Đức.
Một tiếng hát có khi xoáy động lòng người hơn những bài diễn văn chính trị. Vì nó chân thật, không mị dân, không dối gạt. Sivan Perwer gây thương tâm chúng tôi đồng thời cho chúng tôi trở về sống lại thời hoàng kim Ba Tư thơ mộng, từ hòa và văn hiến. Thời của những Omar Khayam. Làm quên đi chiến tranh khốc liệt và bạo tàn ở Trung đông hay nạn khủng bố tràn lan thế giới ngày nay.
Các nghệ sĩ Na Uy tham dự Đêm Văn nghệ tôn vinh gồm có : ca sĩ Kari Bremmes kiều diễm mà huyền bí, Julian Berntzen, đoàn vũ Carte Blanche và đoàn diễn tấu Håvard Gimse.
Ngày 5.11 chúng tôi được mời đi thăm ngôi nhà mà cũng là bảo tàng viện nhạc sĩ Na Uy Edvard Grieg nằm trong rừng, và nghe diễn tấu dương cầm các tác phẩm của ông. Sau đến thăm phân khoa đại học nơi cố giáo sư Thorolf Rafto dạy. Hiện có 3500 sinh viên theo học. Bước vào là cảm nhận không khí nhân đạo và nhân quyền mà Thorolf Rafto để lại. Ông Viện trưởng, các vị Khoa trưởng và nhiều giáo sư mở tiệc rượu đón chúng tôi. Nâng cốc mừng Hòa thượng Thích Quảng Độ, Giải Rafto 2006, ông Võ Văn Ái ngỏ lời cám ơn ngôi trường cũ còn lưu vết cố Giáo sư và nói : “Ở nước tôi, chỉ có giới lãnh đạo cầm quyền mới sống trong an nhàn, giàu sang, sung túc. 83 triệu nhân dân còn thoi thóp trong thiếu thốn và nghèo khó. Về đường tinh thần, chúng tôi chẳng có tự do, chẳng có nhân quyền. Chúng tôi đang sống đời sống âm u, đen tối. Giải Rafto 2006 vừa trao là ngọn đèn thứ nhất vừa thắp lên. Ánh sáng còn nhỏ nhưng giúp chúng tôi nhìn thấy mặt nhau. Tôi mong với tinh thần dấn thân Rafto, Na Uy còn mang lại cho chúng tôi nhiều ngọn đèn khác trên bước đường chập choạng hướng tới bình minh”.
Chiều ngày 6.11, Hội sinh viên Đại học Bergen tổ chức cho ông Võ Văn Ái thuyết trình đề tài : “Làm sao chấm dứt đàn áp tại Việt Nam”. Hiện nay, số lượng sinh viên đi du lịch Việt Nam rất đông. Qua phần thảo luận họ cho biết là họ không có nhiều thông tin về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Họ hoan nghênh những thông tin, phân tích và bình luận mà chúng tôi mang lại cho họ. Họ hứa sẽ tìm hiểu vấn đề Việt Nam và mở rộng mạng lưới thông tin tại Đại học.
Sau cuộc Lễ trao giải tại Hí viện Quốc gia, sau Đêm văn nghệ tôn vinh, những đoàn người dài đứng chờ bên ngoài để bắt tay ông Võ Văn Ái ca ngợi những thông tin mang lại. Mọi người đều nói lời như nhau : “Xin cám ơn ông đã mở mắt chúng tôi”, “Chúng tôi du lịch Việt Nam nhiều lần, nhưng chỉ nhìn thấy phong cảnh và tham quan thành phố, mà chẳng biết gì về đời sống bị chà đạp của người dân”, v.v…
Từ tối thứ sáu, 3.11, cho đến chiều thứ bảy, 4.11, đồng bào Việt Nam ở Na Uy thông qua các đoàn thể tôn giáo, chính trị, xã hội, đáp lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Na Uy tổ chức 3 cuộc biểu dương : Đêm thắp nến nguyện cầu và tuần hành trong thành phố Bergen. Dưới cơn mưa nặng hạt đồng bào Việt Nam với sự tham dự của nhiều người Na Uy cầm đuốc im lặng đi trong đêm. Vô cùng cảm động. Bergen là thành phố mưa. Mưa suốt chín tháng trong năm. Cầm dù chúng tôi lặng thầm đi theo các ngọn đuốc và nguyện cầu cho quê hương sớm thanh bình, đoàn tụ. Bỗng cảm nhận tình đồng bào tha thiết xiết bao.
Sáng thứ bảy, trước giờ khai mạc Lễ trao giải tại Hí viện Quốc gia, đồng bào lại mang biểu ngữ và cờ vàng ba sọc đỏ đến trước mặt tiền Hí viện im lặng cảm tạ Sáng hội Rafto và nhân dân Na Uy đã quan tâm tới Việt Nam và trao giải cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, mà không người Việt Nam nào không hãnh diện tán thán. Chiều ấy, vào lúc 15 giờ, đồng bào lại tổ chức Diễn đàn Dân chủ để vinh danh Hòa thượng Thích Quảng Độ và hội thảo chính trị.
Như đã nói ở trên, chúng tôi xin đăng tải bài thơ “Ánh đuốc bùng lên quê hương tôi” do Sáng hội Rafto yêu cầu nhà thơ Võ Văn Ái sáng tác để mở đầu Ngày Hội luận 3.11.2006 :
Trong bóng đêm chúng tôi đi
Trên đường ruộng chúng tôi đi
Trên rừng núi chúng tôi đi
Sáu mươi năm chập chùng xác chết
Máu nức nở màu mực
Hành trang tôi cây bút
Hành trang tôi nụ cười
trong gió bão, đêm đenSáu mươi năm tôi đi
ngọn cờ là mây trắng, tóc xanh
Người ta dạy tôi cầm súng
bắn vào người bên kia
Nhưng mẹ dạy tôi
hãy yêu thương người trước mắtSáu mươi năm tôi đi
cùng đất nước chiến tranh
dân lành không được sống
lối về là nghĩa địa
trang đời là mộ bia
giữa hai hàng bạch lạp
lệ sáp chảy không thôiRồi trong giấc ngủ đêm qua
Có ai lay tôi thức dậy
Có chân người rầm rập
Có tiếng người gọi tôi ơi ới
Tôi giật mình thức dậy
Một rừng mai nở trắng
giữa đêm đôngRừng mai trắng
hay bình minh trở lại ?
Hoa mặt trời
hay ngọn đuốc hân hoan ?Người gọi lay tôi
đứng trùng trùng trên núi
Họ còn sống
hay những người đã chết
Đứng bên nhau đều tóc trắng như hoa
Họ đứng đó hay vừa về trở lại
Cuộc hành trình sáu mươi năm khổ ảiRừng mai trắng
hay người già tóc trắng
Ước vọng đã luân sinh
thành hoa hương tiếng nóiNhững con người không sợ hãi
Nở môi cười và cất tiếng
Tiếng tự do
dân chủ
nhân quyền
Đem sức sống cho triệu hồn gục ngã
Đem tự do phá vỡ cửa lao tù
Đem nhân quyền chặt phá xiềng gông
Và dân chủ thổi khí trời vào phổiKhông chỉ có
những người Việt Nam đã chết
– hiện về
Không chỉ có
những người Việt Nam còn sống
– đứng lên
Có cả người Âu Á Mỹ Phi
Nam Bắc Mỹ
– một hành tinh nhân loại
đang góp tay toàn cầu hóa dân sinh
dân chủ
dân quyềnRừng mai nở là bình minh mới thắp
trên hoa thơm trên đuốc trên môi
Chim hót lạ báo hòa bình huynh đệ
Từ Na Uy sang tới Việt Nam.Võ Văn Ái
Nhân dịp Giải Rafto trao cho Hòa thượng Thích Quảng Độ
Bergen, 4.11.2006