Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Bà Mairead Corrigan Maguire, Giải Nobel Hòa bình đề nghị trao Giải Nobel Hòa bình năm 2007 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ – Nhật báo Daily Telegraph ở Luân Đôn phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ – Ông Võ Văn Ái nhận định về CPC và APEC

Bà Mairead Corrigan Maguire, Giải Nobel Hòa bình đề nghị trao Giải Nobel Hòa bình năm 2007 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ – Nhật báo Daily Telegraph ở Luân Đôn phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ – Ông Võ Văn Ái nhận định về CPC và APEC

Download PDF

PARIS, ngày 4.1.2007 (PTTPGQT) – Dưới tiêu đề “Đề nghị Tăng sĩ Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh Giải Nobel Hòa bình năm 2007”, Văn phòng Bà Mairead Corrigan Maguire, Giải Nobel Hòa bình, người Ái Nhĩ Lan, vừa công bố bản Thông cáo báo chí vào đúng ngày Tết dương lịch, 1.1.2007, việc bà viết thư cho Ủy ban Nobel ở thủ đô Oslo, Na Uy, đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nguyên văn bản thông cáo báo chí viết như sau :

“Hòa thượng Thích Quảng Độ đã được Mairead Corrigan Maguire, Giải Nobel Hòa bình, đề cử lãnh Giải Nobel Hòa bình năm 2007. Hòa thượng là Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hiện bị ngăn cấm hoạt động. Trong bức thư gửi đến Ủy ban Nobel Hòa bình ở Oslo, bà viết :

“Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đem hết cuộc đời ngài phục vụ cuộc đấu tranh bất bạo động cho dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. 80% dân chúng trong dân số 83 triệu người Việt theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng hiện nay Giáo hội này bị đặt ngoài vòng pháp luật, hàng giáo phẩm bị đàn áp, sách nhiễu, giam cầm. Năm 1982, nhà cầm quyền Cộng sản đặt Giáo hội này ra ngoài vòng pháp luật, một hệ thống to rộng trên các lĩnh vực giáo dục học đường, đại học, bệnh xá, nhiều trung tâm văn hóa và từ thiện bị nhà cầm quyền tịch thu, hàng giáo phẩm bị bắt, giới cư sĩ bị sách nhiễu. Hòa thượng Viện trưởng Thích Quảng Độ, 77 tuổi, bị cấm cố gần 30 năm chỉ vì Hòa thượng ôn hòa bênh vực cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. Ngày nay, Hòa thượng là tù nhân ngay trong ngôi chùa của mình, bị giam cầm không lý do hay xét xử. Ngày mà Hòa thượng bị lưu đày về nơi sinh trưởng ở tỉnh Thái Bình, miền Bắc, công an Việt Nam chỉ nại cớ rằng “làm tôn giáo là làm chính trị”.

“Tôi tin rằng Hòa thượng Thích Quảng Độ là người xứng đáng lãnh Giải Nobel Hòa bình và là ứng viên đáng kính vì suốt cuộc đời hoạt động ngài tận tụy cho mục tiêu tự do và hòa bình. Mặt khác, tôi tin rằng vấn đề tự do tôn giáo là vấn đề sinh tử, mà ở lĩnh vực này, Hòa thượng là người đóng vai trò duy nhất. Phật giáo đứng ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, cho các quyền của nhân dân Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho phong trào dân chủ hóa Á châu, như đã minh chứng qua các hoạt động của Đức Dalai Lama và Bà Daw Aung San Suu Kyi.

“Bằng cuộc đàn áp Phật giáo, không những chính quyền Việt Nam vi phạm trầm trọng Nhân quyền, mà còn bóp nghẹt tiếng nói ôn hòa của một xã hội dân sự lớn rộng và hủy hoại tiến trình ôn hòa cho dân chủ. Gương Hòa thượng Thích Quảng Độ đấu tranh bất bạo động cho nhân quyền và dân chủ không mang ý nghĩa riêng cho đất nước Việt Nam, mà còn cho rất nhiều dân tộc trên thế giới. Vì vậy, Hòa thượng là biểu tượng cao cả của tâm linh và tâm từ trong hành động cho tự do và dân chủ tại Việt Nam”.

Belfast, Bắc Ái Nhĩ Lan, ngày 1.1.2007

(Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dịch từ bản Anh ngữ)

Nhật báo Daily Telegraph ở Luân Đôn phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ

Sau khi nghe Đài VOA loan tải tin Nhật báo Daily Telegraph phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ trong thời gian Thượng đỉnh APEC họp tại Hà Nội, nhiều độc giả điện thoại hoặc viết thư yêu cầu Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cung cấp toàn văn bài phỏng vấn ấy. Vậy hôm nay, chúng tôi xin dịch nguyên văn bài báo gửi đến Bạn đọc.

Cần nói thêm chi tiết, là trong thời gian Thượng đỉnh APEC tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 11 vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng bộ máy công an từ Bắc đến Nam ngăn cấm mọi cuộc tiếp xúc giữa giới bất đồng chính kiến với các phái đoàn chính phủ hoặc các ký giả cùng cơ quan truyền thông. Chủ nhật 19.11.2006, Trung tá Phạm Minh Tuấn, Trưởng Công an Phường 7, quận Bình Thạnh ở Saigon, đạt Giấy mời Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, đến Công an phường 7 “làm việc”. Mục đích bắt buộc Thượng tọa Thích Viên Định và chư Tăng giáo phẩm thuộc Giáo hội Việt Nam Thống nhất phải cam kết không được tiếp các phái đoàn ngoại quốc tham dự Thượng đỉnh APEC cũng như các nhà báo hay cơ quan truyền thông quốc tế trong thời gian ba ngày 19, 20 và 21.11.2006.

Dù vậy, hai ký giả Anh, ông Richard Lloyd-Parry của tờ Times và ông Sebastien Berger của nhật báo Daily Telegraph đã thành công gặp gỡ và phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện. Trong bài viết “Giới ly khai đối chiến với Nhà nước qua Internet” đăng trên báo Times phát hành tại Luân Đôn hôm 18.11.2006, ông Richard Lloyd -Parry gọi Hòa thượng Thích Quảng Độ là “nhà đối kháng xuất chúng và được kính trọng nhất ở Việt Nam”. Trong thư riêng cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, ông Lloyd-Parry cho biết cảm tưởng cuộc gặp gỡ Hòa thượng như sau : “Tôi từng phỏng vấn một số nhà ly khai và những người bị cô lập toàn diện, nhưng chưa hề gặp ai như Hòa thượng Thích Quảng Độ. Ngài vừa dũng cảm vừa phơi phới mà lại hóm hỉnh. Khởi đầu, tôi thương cảm cho hoàn cảnh Hòa thượng sống quạnh hiu nơi liêu thất trong chùa, không có thị giả, không có đệ tử để hoằng hóa. Nhưng qua câu chuyện, thấy ngài chẳng có chút tủi hờn, nên cuối cùng tôi bỗng cảm nhận niềm an lạc được cùng ngài trò chuyện. Thật là một con người phi thường”.

Riêng ký giả Evgeny Viskov thuộc Đài truyền hình Nga REN TV, dự tính đến quây hình phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện để giới thiệu Phật giáo Việt Nam cho khán thính giả Liên bang Nga. Nhưng ngay từ Hà Nội, ký giả Evgeny Viskov đã bị công an triệu tập và ra lệnh cấm không được quây hình bất cứ ngôi chùa nào trên toàn quốc Việt Nam và không được phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Sau đây là nguyên văn bài viết của ký giả Sebastien Berger đăng trên nhật báo Daily Telegraph phát hành tại Luân Đôn hôm 27.11.2006 :

“Nhà bất đồng chính kiến Việt Nam tố cáo Tổng thống Bush phản bội trong vấn đề Tự do tôn giáo”

Sebastien Berger
viết từ Thành phố Hồ Chí Minh

“Hôm qua, Nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến tố cáo Hoa Kỳ phản bội sau khi Hoa Thịnh Đốn rút tên Nhà nước Cộng sản ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm vì đàn áp tôn giáo.

“Hòa thượng Thích Quảng Độ, 77 tuổi, là nhà lãnh đạo số 2 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, giáo hội bị ngăn cấm hoạt động. Hòa thượng từng bị cầm tù hơn 16 năm sau khi Miền Nam Việt Nam thất thủ, và kể từ năm 1988, Hòa thượng bị “quản chế tại Chùa” (pagoda arrest) nơi tự viện của Hòa thượng ở thành phố Hồ Chí Minh. Vừa qua trong tháng này, Hòa thượng lãnh một giải sáng giá của Na Uy, tức Giải Nhân quyền Rafto. Trước đây, bốn người nhận giải này rồi sau đó được trao Giải Nobel Hòa bình.

“Vài ngày trước khi Tổng thống Bush sang Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách đen của những quốc gia đàn áp tôn giáo.

“Chúng tôi khá thất vọng, Hòa thượng Quảng Độ nói, rồi Hòa thượng dẫn gần như nguyên văn lời Tổng thống Bush tuyên bố trong diễn văn nhậm chức hồi tháng Giêng 2005 :

“Những ai đang sống dưới bạo quyền và trong niềm tuyệt vọng hãy nhớ rằng Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ không quên quý vị đang bị đàn áp hoặc tha thứ cho kẻ đàn áp quý vị. Khi quý vị tranh đấu cho Tự do, Hoa Kỳ đứng bên cạnh quý vị”, vị Tăng phát biểu trong cuộc phỏng vấn quy mô đầu tiên từ sáu năm qua. “Nhưng thực tại hôm nay trái ngược hẳn, Tổng thống không đến đây đứng vào hàng ngũ chúng tôi, những kẻ bị áp bức, mà lại đứng bên cạnh những kẻ đàn áp chúng tôi”.

“Hòa thượng Thích Quảng Độ bị khổ đau vì tín ngưỡng của ngài. Mỗi tháng chỉ được ra khỏi Thanh Minh Thiền viện một lần để tái khám – Hòa thượng bị tiểu đường và bệnh tim – điện thoại bị cắt, mật vụ theo dõi thường trực trong chùa một cách trắng trợn bất cứ ai đến thăm Hòa thượng.

“Nhưng Hòa thượng rất tự tại. “Họ bỏ tôi vào tù, họ có thể quản chế tôi, họ có thể làm bất cứ chi họ muốn, nhưng tôi không sợ. Tâm hồn tôi an lạc.”.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khước từ sự điều khiển của chính quyền. Nhà nước độc tài Cộng sản Việt Nam đã thiết lập một giáo phái Phật giáo để kiểm soát và áp đặt đủ thứ hạn chế lên giáo hội truyền thống. Trong khi ấy kinh tế được mở cửa, thị trường gia tăng, còn chính trị thì vẫn thắt chặt.

“Chúng tôi muốn tự do thờ Phật và hoằng dương giáo lý Ngài”, vị Tăng nói, người cũng từng bị chế độ miền Nam Việt Nam bắt bỏ tù. Hòa thượng nói thêm rằng các công ty phương Tây cần đặt những điều kiện khi bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam.

“Hòa thượng Thích Quảng Độ xuất gia năm 14 tuổi. Ba năm sau đó Hòa thượng chứng kiến cảnh Sư phụ ngài bị Cộng sản hành quyết sau một phiên tòa giả trá ngắn ngủi. Tay bị trói quặt sau lưng bằng dây kẽm, máu chảy ròng lên tấm biển treo trên cổ. Sư phụ ngài bị kết án là “kẻ phản bội”, tên “Việt gian bán nước”.

Trong cuốn hồi ký mỏng phát tại hôm trao Giải Rafto, Hòa thượng viết : “Kể từ giây phút ấy, lúc 10 giờ sáng ngày 19.8.1945, tôi có niềm tin vững chắc là chủ nghĩa Cộng sản không tồn tại lâu dài tại Việt Nam”.

“Ngay lúc ấy, tôi nguyện làm hết mọi sự để chống lại sự cuồng tín, bất bao dung và đem cuộc đời tôi phụng sự cho công lý theo giáo lý bất bạo động, từ bi, khoan hồng của Phật giáo. Tôi không bao giờ hối tiếc quyết định này”

“Với động thái nhanh nhẹ, cắt đứt bằng những tiếng cười khúc khích làm cho ta quên mất thảm cảnh của Hòa thượng. “Chẳng sao cả, chúng tôi đã chịu cảnh đàn áp từ 31 năm rồi”, Hòa thượng nói.

“Sớm hay muộn, họ (Đảng Cộng sản Việt Nam) phải chấp nhận dân chủ mà thôi. Họ không muốn nhưng làm sao đàn áp quần chúng mãi được.

“Hiện nay, chưa có dấu hiệu Đảng nới lỏng quyền bính. Điều khôi hài theo các nhà ngoại giao Tây phương, là dù nhân quyền vẫn là điều khẩn cấp quan tâm, nạn tham nhũng gia tăng, nhưng quần chúng còn hậu thuẫn Đảng. Có người miêu tả hoàn cảnh hiện nay “không hoàn hảo”, nhưng lại nói thêm rằng “Quần chúng không reo hò múa nhảy trên đường phố nhưng nói chung họ bằng lòng với cách cai trị hiện thời”.

Quan điểm của Hòa thượng Thích Quảng Độ thông qua bài báo nói trên, hoặc qua một bài phỏng vấn trên Đài Á châu Tự do cho thấy lập trường dứt khóat của đại khối Phật giáo đồ trong nước hiện nay không ỷ lại vào ngoại bang mà tin tưởng vào hành động lấp biển dời non của người dân Việt để thay đổi thời cơ. Đây cũng là lập trường mà ông Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, trả lời ký giả Christine Chaumeau trong bài phỏng vấn đăng trên nguyệt san Courier International số phát hành tại Paris ngày 23.11.2006.

Để hiểu thêm quan điểm của một người Phật tử Việt Nam, chúng tôi xin mời Bạn đọc nghe nhận định của ông Võ Văn Ái về sự kiện Việt Nam Cộng sản được rút tên khỏi danh sách CPC và về Thượng đỉnh APEC tại Hà Nội qua bài phỏng vấn của Đài Phật giáo Việt Nam ngày 22.12.2006 :

CPC và APEC

Xin mời quý thính giả Đài Phật giáo Việt Nam nghe Câu Chuyện Cuối Tuần với ông Võ Văn Ái về đề tài CPC và APEC.

Phóng viên : Thưa ông Võ Văn Ái, dư luận người Việt trong và ngoài nước còn xôn xao với hai sự kiện xẩy ra tháng trước. Một là trước khi Tổng thống Bush đến Hà Nội tham dự Thượng đỉnh APEC đã cho rút tên Việt Nam Cộng sản ra khỏi danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm, gọi là CPC. Rồi khi đến Hà Nội, các lời tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ không hề đả động đến nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo là những vấn đề nóng bỏng tại Việt Nam. Ông nghĩ sao về sự trạng ấy ?

Võ Văn Ái : Ở đây có hai vấn đề : một là CPC và hai là APEC. CPC là danh sách lập ra hằng năm của Hoa Kỳ để lưu ý thế giới về các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm. Cần quan tâm không theo nghĩa tố cáo suông, mà Hoa Kỳ sẽ áp dụng chính sách trừng phạt tài chính và kinh tế các quốc gia nào bị liệt kê vào danh sách, chiếu theo Đạo luật Tự do tôn giáo trên thế giới do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998. Nhờ cuộc vận động khẩn cấp và thông tin hữu hiệu của Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế mà thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã quan tâm đến vấn đề vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, mang tới thành quả Hoa Kỳ đặt Việt Nam cộng sản vào danh sách CPC hai năm trước đây.

Trên mặt CPC, chúng ta thu đạt thành công lớn. Thành công làm cho Hà Nội chùn bước, không còn tự thị và đàn áp thô bạo tôn giáo như trước kia.

Phóng viên : Khi khẳng định như thế, cụ thể ông có thể cho thính giả biết công cuộc vận động và thông tin của 2 tổ chức nói trên như thế nào để đạt thành quả như vậy ?

Võ Văn Ái : Kể hết thì không đủ thì giờ vì nhiều quá. Cuộc vận động và thông tin này chúng tôi tiến hành từ cuối năm 1975 đến nay. Vậy tôi chỉ nêu hai ví dụ cụ thể. Vào tháng 2 năm 2002, tôi được mời điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn về tình hình đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) trong nước. Sau khi trưng dẫn nhiều chứng cớ về chính sách đàn áp tôn giáo, đặc biệt đối với Phật giáo qua những cuộc đàn áp kể từ sau năm 1975, tôi đưa một số biện pháp yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ để chấm dứt thảm nạn tôn giáo. Một trong những yêu sách tôi đề ra là yêu cầu Hoa Kỳ đặt Việt Nam Cộng sản vào danh sách CPC. Tôi là người đầu tiên đề xuất biện pháp ấy. Tiếp đó là cuộc vận động kiên trì của hai tổ chức nói trên cùng với Văn phòng II Viện Hóa Đạo, nên ngày 19.11.2003 Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết 427 tố cáo Hà Nội đàn áp tôn giáo nói chung và GHPGVNTN nói riêng. 24 tiếng đồng hồ sau, Quốc hội Châu Âu ra một Nghị quyết tương tự.

Nhờ vậy, tháng 9 năm 2004, Hoa Kỳ đặt Việt Nam cộng sản vào danh sách CPC. Năm nay, 2006, Tổng thống Hoa Kỳ cho rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách ấy. Chúng ta xem sự kiện phù động này đến từ chính sách đối ngoại theo từng giai đoạn, chứ không là chính sách trường kỳ của Hoa Kỳ :

Khi Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào danh sách CPC là thời điểm Hoa Kỳ lấy tôn giáo làm trọng, lấy lý tưởng tự do và dân chủ làm mục tiêu thế giới như các nhà lập quốc Hoa Kỳ đeo đuổi gần ba thế kỷ qua. Dù rằng chính sách đàn áp tôn giáo của Hà Nội chưa hề thay đổi, nhưng năm nay Hoa Kỳ rút tên Việt Nam Cộng sản ra khỏi CPC, là thời điểm Hoa Kỳ trở về với quan điểm chính trị đối ngoại có tính giai đoạn. Tức là bỏ vai trò tiên phong dân chủ để níu lấy chiếc phao cứu hộ lúc gió bão. Gió bão trên chính trường Hoa Kỳ hiện nay là Tổng thống Bush và đảng Cộng hòa của ông bị chỉ trích kịch liệt vì cuộc chiến sa lầy tại Irak, đưa tới hậu quả phe Cộng hòa mất ghế, phe dân chủ trở thành đa số tại Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa mùa. Mặt khác, sự đe dọa bành trướng Đại Hán của Bắc Kinh đang lớn mạnh trong vùng Châu Á – Thái bình dương, làm cho Hoa Kỳ phải tìm cách ngăn chận ảnh hưởng Trung quốc. Muốn thế phải mở rộng liên minh trong vùng, dù chỉ là liên minh giai đoạn với Hà Nội chẳng hạn.

Nhìn chung, có hai đường lối chính trị, một đường lối chính trị quốc tế và một đường lối chính trị dân tộc. Đường lối chính trị quốc tế tùy thuộc quyền lợi của các nước lớn trong hướng tranh giành ảnh hưởng của họ trên phạm vi khu vực. Đường lối chính trị dân tộc là con đường phục vụ no ấm, hạnh phúc, tự do của mỗi dân tộc mà chính quyền sở tại phải thực hiện. Khi chính quyền sở tại thiển cận, độc tài, bất cần dân, thì hiển nhiên quần chúng phải đứng lên, nhắc nhở, đòi hỏi. Đòi hỏi không được thì ra tay hành động, để bảo vệ Quyền Sống cho toàn dân. Người xưa so sánh dân như nước, triều chính như thuyền, đỡ thuyền là nước mà lật thuyền cũng là nước. Xử lý chính trị của một dân tộc là cung cách dung hợp, dung hóa giữa hai phạm trù chính trị nói trên để mang lợi lộc cho quê hương, nòi giống. Thay vì thẳng tay đàn áp dân lành, hoặc bất động và tiêu cực theo tâm lý than trách, dỗi hờn, tố cáo suông. Trước một con bệnh, nhiệm vụ chúng ta là tìm thuốc chữa trị. Đàn áp hay than thân trách phận chưa bao giờ là phương cách trị liệu.

Phóng viên : Ông vừa giải thích vấn đề CPC, còn vấn đề thứ hai là APEC thì ông nghĩ sao, thưa ông ?

Võ Văn Ái : APEC là từ viết tắt của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Như vậy thượng đỉnh vừa qua tại Hà Nội là hội nghị chuyên biệt trên vấn đề làm ăn, kinh tế. Nói cho bình dân và dễ hiểu, thì đây là một buổi chợ phiên, một cuộc họp chợ. Không ai đem vấn đề đạo lý hay đạo đức học ra bàn cãi giữa chợ búa. Người Việt đang bị đàn áp, hiển nhiên bất bình, trách cứ, phê phán các nguyên thủ Âu Mỹ Á không chịu đề cập vấn đề thiết cốt mà chúng ta quan tâm, như nhân quyền, dân chủ, tôn giáo… Phê phán như thế là đứng từ quan điểm đạo lý, đạo đức học phê phán chính trị. Chứ không từ quan điểm chính trị phê bình chính trị. Còn hai mươi mấy vị nguyên thủ kia họ chỉ ưu tư cho việc khoanh vùng ảnh hưởng chính trị và theo đuổi nền kinh tế thủ lợi.

Nhưng dù sao đi nữa, thì các tổ chức kinh tế quốc tế, như APEC và WTO, là chiếc rọ giam nhốt chế độ độc tài cộng sản, bắt chế độ này từ bỏ quán tính múa gậy vườn hoang để học đòi vũ điệu mới theo trào lưu kinh tế thị trường.

Phóng viên : Như vậy thì ông đồng tình với lối tuyên bố hay xử sự của hai mươi mấy nguyên thủ tham dự thượng đỉnh APEC hay sao ? Đặc biệt là cung cách phớt lờ lý tưởng dân chủ và tôn giáo của Tổng thống Bush hay bà Ngoại trưởng Condoleezza Rice chẳng hạn ?

Võ Văn Ái : Đồng tình sao được. Trên kia tôi chỉ phân tích hiện trạng thế giới giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đạo đức, mong người nghe bớt bồn chồn, phẫn nộ, hầu có một lối nhìn tự tại mới mong tìm ra hướng hoạt động thích hợp và hữu hiệu cho mục tiêu phúc lợi của 83 triệu dân Việt đang nghèo khó, mất tự do. Người xưa nói biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Đất nước ta chìm đắm quá lâu trong chiến tranh và tranh chấp. Hoàn cảnh lịch sử ấy chỉ nẩy sinh thứ tâm lý vừa ỷ lại vừa thụ động, biểu hiện qua than oán, chỉ trích hay hờn dỗi. Đây là tâm lý bình thường của kẻ yếu, kẻ bị lăng nhục. Loại văn học châm biếm hay thi ca dèm bỉu thường phát sinh nơi các dân tộc bị trị. Nó là vũ khí ngạo chê kẻ ác, kẻ xấu. Nhưng chưa đủ hùng tâm và kế hoạch cho cuộc phản công hay dẫn dắt đấu tranh đến thắng lợi. Tâm lý nói trên thiếu phần xây dựng để hình thành “giải pháp thay thế” nhằm giải quyết tận gốc các quan điểm lỗi thời hay cố tín trên lĩnh vực chính trị, kinh tế và đạo lý.

Phóng viên : Nhưng nếu các nhà lãnh đạo chính trị thế giới không bênh vực cho dân chủ và tự do tôn giáo, thì làm sao giải quyết vấn đề Việt Nam, nơi có 83 triệu người khắc khoải chờ mong giải cứu ? Đặc biệt là vấn đề dân chủ hóa toàn cầu ?

Võ Văn Ái : Trong cuộc hội luận bốn ngày vừa qua, từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 12, tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels qua đề tài “Con đường thăng tiến Dân chủ của Châu Âu”, được mời phát biểu cho trường hợp Việt Nam, sau khi trình bày hiện trạng chính trị tha hóa, độc tài, tôi lên tiếng kêu gọi “Toàn cầu hóa kinh tế” và “Toàn cầu hóa dân chủ” phải sóng đôi, như con người phải đi trên hai chân, chứ không thể nhảy cò cò. Những điều tôi giải thích trên đây cho chúng ta thấy rằng, chính trị trong thế giới ngày nay tùy thuộc vào quyền lợi kinh tế và ảnh hưởng khoanh vùng của các cường quốc.

Nếu các cường quốc chỉ nghĩ đến quyền lợi kinh tế và tranh giành ảnh hưởng trong các khu vực, thì vô tình họ góp tay, nếu không nói đồng lõa, giúp các chế độ độc tài, phát xít phát triển.

Còn các tôn giáo, các nền nhân văn và đạo lý thì đặt trọng tâm vào con người xã hội nhằm thăng tiến tinh thần, tâm linh hay linh hồn, tùy theo quan điểm tín ngưỡng. Ở vị trí ấy, các tôn giáo và các nền nhân văn giữ vai trò đối trọng, điều chỉnh sao cho các nền chính trị khỏi sa đà vào nếp sống đặc quyền đặc lợi, đánh mất trách vụ cứu người.

Con đường chính trị có lúc tiến lúc thoái, có khi đi ngang đi dọc, nếu không nói là đi lung tung, mà mục tiêu duy nhất là phục vụ quyền lợi và ảnh hưởng cho mỗi bè phái riêng lẻ hay cho mỗi quốc gia. Còn tôn giáo và đạo lý thì chỉ đi tới, đôi khi đứng khựng, chứ không hề thối lui. Người có tín ngưỡng hay đạo lý phải đạt cho được cái thiện, cái chân lý giác ngộ, hay nơi chốn thiên đàng. Đích ấy là tiền đề cho sự giải phóng cá nhân và xã hội, là lý tưởng và mục tiêu của tôn giáo. Người đấu tranh thấm nhuần tinh thần đạo lý, trường hợp chúng ta là người theo đạo Phật, thì hẳn nhiên không có việc thối bước hay đi ngang dọc lung tung như chính trị. Hơn thế còn phải khế cơ, khế lý, để lèo lái nền chính trị thế giới đi vào con đường đạo đức chính trị, thay vì bị khống chế hay nghiêng ngửa theo con đường chính trị thủ lợi và phi nhân.

Cho nên đừng thấy chính trị thay đổi mà buồn chán, hay thấy chính trị bưng bốc, hỗ trợ mình mà hãnh tiến. Cả hai lối đều tạm bợ, nhất thời. Lỗi tại ta nếu sự trạng ấy xẩy ra.

Vấn đề chính yếu là đạo lý phải dẫn dắt chính trị bằng con đường riêng và đặc thù của mình. Nếu chúng ta có đạo đức và khôn khéo, thì chính trị sẽ theo ta, hậu thuẫn ta. Bằng không, ngồi chờ sung rụng, chỉ trích suông, hay hờn dỗi bâng quơ, tất chính trị thế giới bỏ rơi ta.

Sau cuộc cưỡng chiếm miền Nam của bộ đội Bắc Việt năm 1975, các cường quốc Âu Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa. Ngay chúng ta cũng bỏ rơi chúng ta, vì toàn dân đâu có đứng lên chiến đấu ? Nhưng năm nay, 2006, thì không ai có thể phủ nhận rằng lý tưởng dân chủ, yêu sách tự do tôn giáo của người Việt dân tộc đang bước vào thế thượng phong, vì được công luận thế giới hậu thuẫn và lương tri nhân lọai lắng nghe. Công luận cũng như các Nghị quyết hậu thuẫn chúng ta liên tục ra đời tại Quốc hội Hoa Kỳ, Quốc hội Châu Âu, và mới đây, nước Na Uy ở Bắc Âu trao Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto cho Hòa thượng Thích Quảng Độ với lý do Hòa thượng dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam suốt ba mươi năm qua, nay trở thành thế lực kết hợp, trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc Việt Nam, là những chứng cớ hiển nhiên.

Còn việc Hoa Kỳ đưa vào hay rút tên Việt Nam cộng sản ra khỏi danh sách CPC chỉ là món hàng trao qua bán lại giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội trong cuộc cờ ngăn chận ảnh hưởng Bắc Kinh tại vùng Đông Nam Á mà thôi. Nay mai Hoa Kỳ tìm ra con đường tiến thủ, hoặc ngã giá với Bắc Kinh về việc chia vùng ảnh hưởng hay quyền lợi kinh tế, thì lúc ấy các anh cộng sản ở Hà Nội sẽ là con chốt thí. Y hệt như Miền Nam của các ông Thiệu – Kỳ sau chuyến Kissinger công du Thượng Hải năm 1972, đưa tới việc Tổng thống Nixon kết thân với Mao Trạch Đông sau đó. Nguyên nhân cho Hoa Kỳ bỏ miền Nam, nói cho đúng là bỏ rơi một cứ điểm quân sự chiến lược không còn cần thiết. Người Việt “quốc gia” chửi Hoa Kỳ phản bội. Nhưng thực tế, Hoa Kỳ chỉ âu lo cho đất nước họ, như bất cứ quốc gia nào trên địa cầu, tức phục vụ vị trí chiến lược của nước họ trên bản đồ thế giới. Hoa Kỳ dùng Việt Nam như một vị trí địa lý chính trị tùy theo chính sách đối ngoại giai đoạn. Các nước lớn chơi với các nước lớn trên đầu các nước nhỏ. Các nước nhỏ không lo kết hợp lòng dân thành lực lượng bảo vệ tổ quốc, đồng thời với việc len lỏi vào bàn cờ quốc tế gây thế lực phản công thì cảnh cá lớn nuốt cá bé còn tiếp diễn mãi.

Cần biết rằng từ cơ bản, chính sách đàn áp tôn giáo của chủ nghĩa Cộng sản là động cơ giành giật quần chúng. Nhìn vào thực tế, Cộng sản Việt Nam đàn áp GHPGVNTN từ năm 1975 và liên tục cho tới hôm nay, chứ đâu có bắt đầu từ năm 2004 và chấm dứt năm 2006 theo cái CPC kia ? Tuy nhiên, sự kiện Hoa Kỳ đưa Hà Nội vào danh sách CPC năm 2004 là một biến cố chính trị quốc tế, có nghĩa là thế giới xác nhận có đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, xác nhận lời tố cáo của dân Việt. Chúng ta hoan nghênh sự xác nhận trung thực của Hoa Kỳ như một đánh giá khách quan của công luận quốc tế. Và giá trị của nó cũng chỉ ở phạm vi quốc tế hóa ngưỡng vọng quần chúng Việt mà thôi. Không thấy rõ như thế, tất lầm lẫn giữa chủ thể hành động là ta, người Việt Nam, với khách thể viện lực là quốc tế, ở đây là Hoa Kỳ.

Phóng viên : Trước hiện trạng như ông giải thích, cuộc tranh đấu của người Việt sẽ ra sao ?

Võ Văn Ái : Tranh đấu cũng như chữa bệnh hay nấu ăn. Cứ phải tiến hành cho tới lúc thành công với sự khôn khéo và sáng tạo để đáp ứng từng tình hình thời thế, từng vật liệu có trong tay, gọi là tùy thuận, hoặc tùy duyên nhưng bất biến. Hiển nhiên không thể xu thời để đầu hàng, thỏa hiệp hay chồn chân.

Phóng viên : Nhưng cụ thể phải làm gì ?

Võ Văn Ái : Mọi trở lực, mọi sự trái ý là một lần đánh thức tính tự mãn và cầu an trong tâm chúng ta, nhằm khai sơn phá thạch cho con đường cứu dân, cứu quê hương ngày càng thênh rộng và thu đạt thành công.

Phóng viên : Thế thì ông không xem việc CPC hay APEC vừa qua Cộng sản Hà Nội đã thành công và là sự thất bại của người Việt dân tộc, thất bại cho tư trào dân chủ Việt Nam ?

Võ Văn Ái : Một trăm lần không. Như đã nói, tôi quan niệm APEC là cuộc họp chợ, ở đó ta không trông chờ giới tài phiệt thay ta nói lên ước vọng của dân ta. Tuy nhiên, nếu quyết tâm tranh đấu, ta có thể vận dụng quan điểm kinh tế tri thức, kinh tế thoáng để vạch trần nền kinh tế ảo, kinh tế đóng của Đảng Cộng sản mà mục tiêu nhắm thu vét viện trợ các nước lớn cho đặc quyền đặc lợi giới lãnh đạo cộng sản. Nhưng lại bỏ rơi 80% quần chúng nông dân và thợ thuyền đói rách. Làm được vậy, chúng ta sẽ thuyết phục các quốc gia dân chủ viện trợ có điều kiện. Điều kiện này là nới rộng tự do và thăng tiến xã hội Việt Nam trên đà dân chủ hóa.

Còn việc tố cáo đàn áp tôn giáo được ghi vào danh sách CPC, thì đó đã là thành công lớn của các tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt GHPGVNTN. Đây là cái vốn tiếp liệu cho giai kỳ đấu tranh mới. Chúng ta có mất gì đâu. Chính lãnh đạo Cộng sản Hà Nội mới là kẻ mất mặt và lúng ta lúng túng suốt hai năm ròng, từ 2004 đến 2006. Chúng ta thắng lợi đấy chứ, bước thắng lợi đang dẫn tới thành công. Nghĩ lại xem, từ con số không sau ngày 30.4.1975, nay chúng ta nâng tầm đối kháng làm cho chế độ lo âu, khiếp sợ, ăn ngủ không yên. Đó là nhờ các tôn giáo, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà tương quan lực lượng hình thành, giúp nhân dân thoát ly sợ hãi và khởi sinh các phong trào dân chủ trong nước. Tôi nhấn mạnh đến các phong trào dân chủ thực tâm và dân tộc, chứ không là các loại hình dân chủ tay sai, dân chủ trá hình làm công cụ chính trị giai đoạn cho Nhà nước Cộng sản. Vì vậy, chúng ta chớ tự khinh rẽ mình hay thối chí. Đây là một thắng lợi.

Vấn đề là phải biết đầu tư thắng lợi.

Phóng viên : Nghĩa là ông trông chờ một biến động mới, qua đó thế giới sẽ ủng hộ chúng ta trong tiến trình dân chủ hóa đất nước ?

Võ Văn Ái : Tôi không ngây thơ và cũng không trông chờ. Chẳng ai dọn cỗ cho mình ăn. Cũng không có chuyện bạo chúa nhường ngai cho chúng ta. Tôi chỉ tự tin và tôi hành động. Tôi tin rằng, nếu người Việt thoát ly nạn đảng tranh, nạn kỳ thị tôn giáo, để kết hợp thành nguyên khối làm cuộc tấn công cuối cùng vào dinh lũy độc tài. Thắng lợi sẽ hiện ra. Đồng thời, công cuộc kết hợp toàn dân này sẽ gây niềm tin mới cho lực lượng dân chủ thế giới đang ủng hộ chúng ta. Nhờ vậy mới biến thế giới thành hậu phương vững chãi, thành viện lực hậu cần.

Thử hỏi các cường quốc kinh tế kia làm ăn với một chính thể độc tài, phi pháp luật, tuy thu đạt lợi nhuận nhưng thấp và bấp bênh. Nay họ chân nhận ra lực lượng mới của chúng ta như một giải pháp thay thế, thừa khả năng thúc đẩy tiến trình dân chủ và hình thành một nhà nước pháp quyền, tất nhiên họ sẽ hậu thuẫn chúng ta để công cuộc làm ăn của họ sớm thu đạt lợi nhuận cao và vững chãi.

Cho nên vấn đề sinh tử của chúng ta ngày nay là kết hợp toàn dân thành khối, thành lực có khả năng giải quyết ở thế tương quan lực lượng. Tôi gọi đây là cuộc kết hợp hàng ngang, xuất phát từ cơ sở quần chúng, từ ý lực cấp cứu. Chứ không như xưa nay, kết hợp hàng dọc sau lưng một lãnh tụ, một đoàn thể, một đảng phái hay tôn giáo, mà thành quả đem lại chỉ là sự chia ăn, chia ghế trên chính trường cho những bè đảng thiểu số muốn thống trị thay vì phục vụ lương dân.

Một chế độ độc tài phát xít mà có thể chễm chệ trên đầu dân suốt 31 năm ròng, thì việc quy kết tội lỗi lên đầu chế độ ấy như lâu nay, là thái độ khinh suất, tự tôn hão nếu không nói là tự ti. Đã đến lúc phải nhìn ra sự yếu hèn, mất phương hướng của phe dân tộc để chớp lấy vận hội mới.

Phóng viên : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *