Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa trực thuộc Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, vừa công bố hôm qua, 8.1.2003, Quyết nghị 8 điểm của Ðại hội Văn hóa Phật giáo Việt Nam tổ chức tại San Diego, bang California, Hoa Kỳ, hôm 4.1.2003.
Quyết nghị nhận thức rằng “Trong quá khứ lịch sử 2000 năm qua, từ cuộc xâm lăng đến từ phương Bắc rồi phương Tây, nền Văn hóa Phật giáo do tính chất trí tuệ và sự đóng góp hòa hài, hỗ tương với nền văn hóa dân tộc, nên luôn luôn bị các thế lực ngoại lai dìm đè, hãm hại, tiêu diệt, qua nỗ lực đồng hóa và nô dịch hóa nếp sống con người Việt vào với nền văn hóa ngoại xâm của chúng. Ngày nay, mối hiểm nguy của nền văn hóa ngoại lai Mác – Lê đang hoành phá truyền thống văn minh Việt Nam, thui chột tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam. Nền văn hóa ngoại lai Mác – Lê này chủ trương đấu tranh giai cấp, gây kỳ thị, chia rẽ con người và xã hội, dựng lên hai đẳng cấp thống trị và bị trị, bạn và thù xung đột cố tín trong đời sống quốc gia”.
Quyết nghị đề cao sự “bảo tồn trong ý thức dung hóa, phát huy trong nỗ lực tiến bộ và sáng tạo nền Văn hóa Việt Nam và Phật giáo trong sinh hoạt cộng đồng người Việt ở hải ngoại đồng thời với cuộc giao lưu văn hóa toàn cầu”. Và ” Bằng những sinh hoạt văn hóa sống động và thường xuyên, giới thiệu nền Văn hóa Phật giáo cho giới trẻ trong và ngoài nước, là lớp người chịu nhiều thiệt thòi về mặt kiến thức do hậu quả chiến tranh kéo dài qua nhiều thập kỷ”.
Những dự án cụ thể là thiết lập trong thời gian tới một “Giải thưởng Văn hóa Phật giáo Việt Nam” để khuyến khích và trao cho những sáng tác phẩm độc đáo qua các bộ môn thơ, văn, sử, triết, khảo cứu, nhạc, họa, điêu khắc một “Quỹ Văn hóa” nhằm giúp đỡ văn thi nghệ sĩ, học giả ở trong và ngoài nước hiện lâm cảnh tù đày, nghèo túng hay bệnh tật tổ chức “Ngày Văn hóa Việt Nam” hằng năm để tưởng niệm những Văn thi nghệ sĩ tiền bối, đồng lúc giới thiệu cho thế hệ trẻ công lao văn hóa của tiền nhân cũng như tiến hành phiên dịch và ấn hành Ðại Tạng Kinh.
Quyết nghị trên đây là kết quả của sau hai phiên họp Tiền Ðại hội hôm 3.1.03, ngày Ðại hội hôm 4.1.03, và cuộc họp đúc kết của Tổng vụ Văn hóa sau ngày Ðại hội. Xin xem toàn văn Quyết nghị dưới đây.
Ðại hội Văn hóa Phật giáo Việt Nam đã được Tổng vụ Văn hóa tổ chức tại San Diego hôm thứ bảy 4.1.2003, quy tụ đông đảo giới học giả và văn thi nghệ sĩ Phật giáo cùng với sự tham dự đông đảo của các vị đại diện tôn giáo, đoàn thể bạn trong cộng đồng. Ba đề tài tham luận, Văn học Phật giáo Việt Nam, Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam, Âm nhạc Phật giáo Việt Nam, đã được các diễn giả trình bày theo thứ tự sau đây : TT. Thích Giác Ðẳng, Triết gia Phạm Công Thiện, Giáo sư Võ Văn Ái, Giáo sư Bùi Ngọc Ðường, TT. Thích Quảng Thanh, Giáo sư Lê Phục Thủy, Họa sĩ Nguyễn Văn Mộch và Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong. Vì công tác bất ngờ ở Ðại học, Giáo sư Phong không đến được nhưng đã gửi tham luận nhờ Ðại hội tuyên đọc.
Ðặc biệt nhất là từ trong nước TT. Thích Tuệ Sỹ và TT. Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã gửi ra hai bài tham luận xuất sắc. Thượng tọa Tuệ Sỹ trình bày đề tài “Văn minh tiểu phẩm” qua đó nói lên thảm nạn của nền Văn hóa Phật giáo từ quá khứ đến ngày hôm nay trước những thế lực ngoại lai xâm lăng đất Việt. Hiện tình của Phật giáo Việt Nam được Thượng tọa cô kết bằng hai hình ảnh nguy kịch : “Phật giáo tại miền Bắc chỉ tồn tại trên một hình thức như một tổ chức chính trị. Nói một cách tượng hình, nó chỉ hiện diện như một cái cúc áo cài trên bộ đại cán mỗi khi các lãnh đạo xuất hiện trước cộng đồng thế giới mà không bị “hở lưng”. (…) Những gì mà Phật giáo tại miền Nam đã làm được trong suốt thời kỳ chiến tranh và chia cắt, nay chỉ còn là những hoài niệm trong trí nhớ với nhiều tiếc nuối của thế hệ lớn tuổi. Tầng lớp trẻ hầu như không biết gì nhiều về quá khứ đó. Chỉ mới trong khoảng chưa đầy 30 năm thôi, mà một quá khứ đáng tự hào của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc đang bị quên lãng, và đang có nguy cơ biến mất. Với ý nghĩa biến mất, chúng ta muốn nói đến sự biến chất. Bởi vì, dưới phương châm “Ðạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội”, Phật giáo Việt Nam sẽ không tồn tại và trưởng thành như đã từng trong quá khứ”.
Thượng tọa Trí Siêu Lê Mạnh Thát, sử gia độc xuất của Việt Nam và Phật giáo, với bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam phát hành sau khi ra tù năm 1998, đã gây chấn động học giới. Lịch sử Việt Nam, lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như văn học, tư tưởng Phật giáo Việt Nam đã được Thượng tọa soi rọi và minh chứng từ thời Hai Bà Trưng đến nay. Chưa một sử gia Việt Nam hay Phật giáo nào thành công trước đó trong lĩnh vực sử học và tư tưởng học. Bài tham luận của Thượngtọa gửi đến Ðại hội nói về bài thơ “Vận Nước” của Thiền sư Pháp Thuận trước tác vào cuối thế kỷ thứ X. Thượng tọa nói lên bối cảnh “thù trong giặc ngoài” nguy kịch của đất nước ta ở thời Tiền Lê, và bài thơ của thiền sư Pháp Thuận là một chỉ đạo chính trị để giữ vững chủ quyền đất nước trước nạn ngoại xâm lãnh thổ cũng như văn hóa và tư tưởng. Thượng tọa kết luận : “Có người đã từng nói không có tư tưởng cách mạng thì không có vận động cách mạng. Cũng thế, đất nước ta vào những ngày tháng đấu tranh sống mái với kẻ thù để bảo vệ nền độc lập của tổ quốc, nếu không có một hệ tư tưởng chính trị chỉ đạo, thì không thể nào có những cuộc vận động chính trị thành công. Ðặc biệt là cuộc vận động chính trị để bảo vệ chủ quyền đất nước vào năm 980”.
Triết gia Phạm Công Thiện thì nhận xét chữ “Lòng Bồ đề” mà thi hào Nguyễn Du sử dụng và dịch chữ “Tâm Bồ đề” đã nói lên ý thức của Phật giáo Việt Nam. Các diễn giả khác đã đóng góp, trình bày về quá trình văn học, mỹ thuật, âm nhạc của Phật giáo Việt Nam. Liên hệ đến hiện tình là bài tham luận của Giáo sư Võ Văn Ái và lời phát biểu của Nư sĩ Ỷ Lan. Giáo sư Ái bình giảng vũ trụ và nhân sinh quan Phật giáo qua bài thơ Vịnh Nga giữa thiền sư Pháp Thuận và sứ Trung quốc Lý Giác vào năm 981, cũng như nói lên ý nghĩa của tư tưởng chính trị Việt Nam qua bài tứ tuyệt “Vận Nước” của thiền sư trước tác cuối thế kỷ X khi được vua Lê Ðại Hành hỏi kế về vận mệnh của đất nước. Bài này “không riêng việc mở ra con đường chính trị cho đất nước ta ở thế kỷ thứ X, mà vẫn còn giá trị tư tưởng và hành động cho Việt Nam ngày nay”. Cả hai bài thơ được giáo sư Ái xem như một “nền thi ca hiển lộ sự sống, nắm bắt sự sống, thương yêu, bảo vệ và hòa đồng con người đất nước, vũ trụ. Thơ là sự Lên Ðường Giác ngộ”. Theo giáo sư Ái, dòng Thơ Lên Ðường này khác xa với thi ca nước ta 60 năm qua : “Văn học nước ta sáu mươi năm qua có khi diễm lệ, lãng mạn, khi yểu điệu hay hùng tráng, khi thì bạo lực, giết người… Nhưng nền văn học ấy còn trong dạng thức ra đi. Ra đi nhưng chưa Lên Ðường. Ra đi trong mơ ước cách mạng mơ hồ của Dũng trong Ðoạn tuyệt, ra đi thui thủi như Thâm Tâm trong “Ly khách, ly khách, con đường nhỏ, Chí lớn không về bàn tay không”. Hay ra đi với quyết tâm làm cuộc cách mạng đổ máu của Tố Hữu và các đồng chí của ông :
Ta đã đi là ta quyết đi !
Ðạp bằng trở lực vượt gian nguy
Ngực còn thoi thóp tim còn đập
Còn nghiến răng giương thẳng nghĩa kỳ !
“Thế nhưng tất cả những cuộc ra đi ấy, dù bằng hư cấu, bằng ước vọng, hoặc bằng thực thể dấn thân, đều không đưa tới đích nào cho kẻ ra đi, hay quần chúng đông đảo mà họ đòi dẫn dắc ra đi. Vì mọi cuộc ra đi ấy đều không có đích thăng hoa, không phương hướng dân tộc, phi văn hóa và phủ định con người. Nhất là những cuộc ra đi này nằm trong chi lưu của nền văn hóa Mác Lê. Một nền văn hóa chủ xúy đấu tranh giai cấp, chia rõ bạn thù, mà trận tuyến giăng ra yêu sách phải có kẻ thắng người thua. Kẻ thắng đóng vai đồ tể, người thua xếp hàng đi vào lò sát sinh. Nền văn hóa Mác Lê đang nô dịch hóa Việt Nam, vì chỉ lo nhào nặn tri thức ngoại lai, nhưng xao lãng, nếu không là tiêu diệt, tinh thần dân tộc và sự thanh cao của con người văn hóa Việt.
“Trong khi ấy, bằng những thiện ngữ vi diệu ở thế gian (xem kinh Tăng nhất A hàm) nền văn hóa Phật giáo vừa khai mở trí tuệ vừa un đúc tình nghĩa dân tộc và bảo vệ Con Người. Ðích thị là nền văn hóa Giác ngộ, một nền văn hóa không đòi hỏi kẻ thắng người thua, mà tiêu đích nhắm hiển bày Chân lý Giác ngộ cho mình và mọi người”.
Chị Ỷ Lan, một người Anh dấn thân đấu tranh cho nước Việt, đã gây xúc động cực kỳ trong hội trường với lời phát biểu chân thành bằng tiếng Việt. Chị nêu thắc mắc : “Ði thuyết trình đây đó trong cộng đồng người Việt hải ngoại, thỉnh thoảng tôi nghe có số người chủ trương rằng, bây giờ chỉ nên chuyên lo “tu học, tu hành”, chỉ nên “làm văn hóa” mà thôi, đừng “tranh đấu”, đừng “làm chính trị”. Tôi ngạc nhiên vì sao nền tư tưởng Bất Nhị của Ðông phương bỗng tha hóa thành lối suy nghĩ Nhị nguyên như thế ? Khi đọc sách và nghiên cứu về Việt Nam, tôi thấy suốt quá trình 2000 năm, những nhà Sư, những Cư sĩ Phật giáo luôn đứng đầu trên mọi trận tuyến bảo vệ nền độc lập dân tộc, phát triển xã hội và chiến đấu cho sự tự do, an lạc và no ấm của con người. Trong quá trình lịch sử ấy, tôi không hề thấy sự phân biệt giữa văn hóa với chính trị, giữa xã hội với tôn giáo, giữa đời và đạo”. Rồi chị giải thích rằng : Ðức Dalai Lama là hình ảnh đại diện của một nền Văn minh Ánh sáng Giác ngộ. Nghe Ngài nói chuyện, tôi không biết Ngài đang thuyết trình về một lập trường chính trị hay Ngài đang thuyết pháp ? Thế nhưng sự ăn nói của Ngài thuyết phục chúng ta và thế giới, vừa là một giải pháp chính trị cho toàn dân Tây Tạng, vừa là sự khai mở cho quê hương tâm linh nhân loại. Ðâu là biên giới giữa chính trị và tôn giáo ? giữa thế tục và tâm linh ? Tôi nghĩ rằng, phải chứng đắc Phật Pháp mới vượt qua khỏi mọi lằn ranh phân biệt làm thiệt hại cho hạnh nguyện Bồ tát cứu đời.
Cuối cùng chị kết luận bằng một hình ảnh thương đau của nước Việt và Phật giáo :
Ý nghĩ cuối cùng tôi xin được nêu ra làm lời kết luận. Ðó là hình ảnh của Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, vị lãnh đạo Viện Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và cũng là Bổn sư của tôi. Năm nay Ngài đang “kỷ niệm” năm tù đày thứ 20. Người ta dùng chữ kỷ niệm để nhắc những gì vui, ở đây tôi lại muốn kỷ niệm một chuyện buồn lòng của bậc Cao tăng mà cũng là chuyện bi thảm của người dân Việt. Những bậc Cao tăng giáo phẩm lâm hoàn cảnh tương tự, như Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, hay hai Thượng tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu Lê Mạnh Thát, thì nhờ cuộc đấu tranh của toàn thể Phật tử hải ngoại, trong đó có Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, tạo nên áp lực quốc tế mạnh mẽ, ba vị đã được ân xá năm 1998. Dù rằng, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, đã bị nhà cầm quyền cộng sản bắt cầm tù trở lại kể từ tháng sáu năm ngoái.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không là chuyện tù đày, là chuyện cơm bữa tại Việt Nam. Ðiều tôi muốn được quý liệt vị lưu tâm, là mấy mươi năm qua khi hàng giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo bị tù đày, thì mấy mươi năm ấy, nền Văn hóa Giác ngộ của đạo Phật cũng bị truy bức, bị xích xiềng. Xin quý vị thử nghĩ đến bao nhiêu năm chư vị Cao tăng bị quan chế, tù đày ấy, biết bao là tác phẩm văn học Phật giáo không được quyền trước tác, xuất hiện, lưu truyền, thì chúng ta sẽ hiểu ngay tấn bi kịch văn hóa và cuộc đại nạn của Phật giáo và quê hương Việt Nam ngày nay.
Nhân dịp Ðại hội, Thượng tọa Thích Nguyên Siêu cũng đã cho ra mắt cuốn sách của Thượng tọa viết về Thượng tọa Tuệ Sỹ : Ðạo sư, Thơ và Phương Trời Mộng. Sau đây là toàn văn Quyết Nghị 8 điểm của Ðại hội Văn hóa Phật giáo Việt Nam :