PARIS, ngày 16.3.2007 (PTTPGQT) – Chiều ngày 14.3.2007, Phái đoàn Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Saigon gồm ba người và do ông Seth Winnick, Tổng lãnh sự, cầm đầu đã đến Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định vấn an Đức Tăng thống Thích Huyền Quang.
Ngoài việc viếng thăm sức khỏe, ông Tổng lãnh sự còn hỏi thăm về hiện tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ông Tổng lãnh sự cũng cho Đức Tăng thống biết đây là cuộc viếng thăm lần cuối để chúc cầu Đức Tăng thống trường thọ, vì ông sắp thay đổi nhiệm sở. Ông nói tuy sang làm công tác ở nước khác, nhưng ông luôn nhớ đến những người con Phật trên đất nước Việt Nam cũng như nhớ nghĩ đến Đức Tăng thống. Nhân dịp này, Đức Tăng thống cũng cho biết hoàn cảnh của ngài muốn vào Saigon tái khám bệnh và chữa trị, nhưng nhà cầm quyền ở Bình Định không cho đi và hiện đang sống trong cảnh quản chế khắc khe.
Đáp lời ông Tổng lãnh sự hỏi Đức Tăng thống cần Hoa Kỳ giúp gì không, Đức Tăng thống trả lời điều cần nhất là Hoa Kỳ thúc đẩy tiến trình Tự do, Dân chủ, Nhân quyền cho Việt Nam. Đức Tăng thống Thích Huyền Quang cũng trách thiện rằng, sao hồi Tổng thống George W. Bush đến Việt Nam không nhắc nhở gì nhiều đến Nhân quyền và Dân chủ ?
Đức Tăng thống cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế biết rằng cuộc gặp gỡ rất thân tình và cởi mở.
Nhân việc Công an bắt Bà Therese Jebsen tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon hôm 15.3, phóng viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do tìm hiểu biến cố bất nhân ấy qua cuộc phỏng vấn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Đài đã phát về Việt Nam trong chương trình 6 giờ 30 sáng nay. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin chép lại cuộc phỏng vấn ấy cống hiến Bạn đọc :
Dẫn nhập phỏng vấn : Bà Thérèse Jebsen thuộc Sáng hội Rafto ở Na Uy bị năm công an bắt tại Thanh Minh Thiền viện vào lúc 9 giờ sáng, giờ Việt Nam, khi bà đến vấn an Đại lão Hòa thuợng Thích Quảng Độ.
Bà Thérèse Jebsen đến Saigon chiều thứ ba, 13.3, dự tính đến Thanh Minh Thiền viện diện kiến Đại lão Hòa thượng, nhân thể trao tấm bằng Tưởng lệ Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto năm 2006. Theo lẽ thì Đại lão Hòa thượng sang Na Uy nhận giải hôm 4 tháng 11 năm ngoái, 2006. Nhưng nhà cầm quyền Hà Nội không cho ngài đi.
Ông Arne Lingård, Chủ tịch Sáng hội Rafto, làm đơn xin Hà Nội đến viếng thăm Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Saigon vào đầu tháng 3, đồng thời xin được gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tìm hiểu vấn đề nhân quyền và dân chủ, mà tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn khi lên nhậm chức. Nhưng Hà Nội khước từ. Tuần trước đây, Bộ Ngoại giao Na Uy lại gặp giới chức Việt Nam can thiệp cho ông Arne Lingård được đến Việt Nam. Nhưng Hà Nội vẫn quyết liệt từ khước.
Theo nguyên tắc, thì công dân Na Uy được tự do đến thăm Việt Nam mà không cần thông qua thủ tục xin chiếu khán nhập cảnh. Tuy nhiên ông Arne Lingård vẫn làm đơn xin, mà theo lời ông, để tỏ tinh thần xã giao và lịch sự. Vì vậy không đi được, nên Sáng hội Rafto quyết định gửi bà Thérèse Jebsen đi thay. Chuyến đi trôi lọt qua hải quan Saigon, nhưng lại bị chận đứng trước bức tường công an vây quanh Thanh Minh Thiền viện.
Qua đường dây viễn liên chúng tôi hỏi thăm Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ về sự kiện sáng nay và cảm tưởng của ngài. Xin mời quý thính giả nghe lời phát biểu sau đây của Đại lão Hòa thượng :
Ỷ Lan : Kính chào Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Chúng con nghe tin bà Thérèse Jebsen thuộc Sáng hội Rafto dự tính đến thăm Hòa thượng, nhưng đã bị công an chận bắt tại Thanh Minh Thiền viện sáng nay, thứ năm 15 tháng 3. Kính xin Hòa thượng cho biết sự việc xẩy ra như thế nào ?
HT. Thích Quảng Độ : Vâng, hôm qua tôi được tin là bà Thérèse Jebsen sẽ đến thăm tôi. Bà đến Saigon chiều hôm kia. Hẹn là sáng hôm nay thứ năm, 9 giờ đến Thanh Minh Thiền viện thăm tôi. Sáng nay, vừa rồi đây, đúng 9 giờ thì bà đến. Bà cùng đi với một người trong phái đoàn và một cô phụ nữ. Tôi ngồi dưới phòng tri khách dưới nhà để đón và đưa bà lên phòng khách trên lầu để tôi tiếp. Khi bà đến tôi có ra đón chào và có ý trao tặng bó hoa. Thế nhưng mà chưa kịp trao tặng, mới dẫn bà đi vào được 5 mét, thì là một toán công an, trong đó có một cảnh sát mặc sắc phục, còn 4 người công an thường phục, họ áp vào chặn chúng tôi lại và yêu cầu đưa bà ấy đi về trụ sở công an để có việc.
Tôi có nói, có vẻ năn nỉ nữa, tôi bảo bà là người ngoại quốc từ xa đến thăm tôi, thăm sức khỏe thế thôi, chứ không có việc gì. Tôi yêu cầu các ông tỏ ra mình là người hiếu khách với người nước ngoài một chút. Để tôi tiếp bà chừng ba mươi phút thôi. Sau đó các ông muốn đưa bà đi đâu thì đưa. Nhưng nhất định họ không chịu. Họ đòi đưa đi ngay.
Thế thì bà đứng đó bà cũng rất ngạc nhiên, lại e ngại nữa. Lần đầu tiên gặp người như thế, chỉ trong vài giây thôi, vài phút thôi, mà sao gây xúc động thế. Tội nghiệp quá. Bà cứ cố níu lấy… muốn được nói một vài câu chuyện. Tôi bảo bà cứ yên tâm. Đây là việc họ hỏi thôi chứ chắc không có gì trầm trọng. Tôi đã yêu cầu họ (để) tôi tiếp bà ba mươi phút, xong công việc bà đi với họ. Thế nhưng họ nhất định không chịu, đòi đưa đi ngay tức khắc.
Tôi mới hỏi bây giờ đưa bà đi đâu ? Người công an trả lời tôi, chúng tôi đưa ra phường đây thôi. Tôi hỏi thời gian kéo dài bao lâu ? Họ bảo là 15 phút. Họ nói như thế thì tôi nói lại với bà như thế. Nhưng trong thâm tâm tôi, tôi không tin tưởng vào lời nói đó. Không bao giờ người Cộng sản nói mà giữ lời hứa hết đâu. Tôi đã từng có nhiều kinh nghiệm với họ. Cho nên, nghĩ rằng mình nghĩ bụng thế thôi, nói cho bà yên tâm chứ bà là người lạ thì làm sao biết được gì.
Cho đến bây giờ, tôi cũng cứ ngồi đây. Đang ngóng đây. Nhưng ngóng chờ vậy chứ thực sự tôi không có hy vọng. Không hy vọng bà sẽ được trở lại đây nữa.
Ỷ Lan : Kính xin Hòa thượng cho biết cảm tưởng trước sự việc này ?
HT. Thích Quảng Độ : Về vấn đề này tôi chỉ tội nghiệp cho bà. Rất thương. Tôi buồn nhiều, mà tôi buồn ở chỗ tôi xấu hổ cho dân tộc tôi. Không có một chút gì là tính người, không còn một chút gì lịch sự, văn minh. Nó là một bọn người đầu trâu mặt ngựa thôi. Tôi chưa từng năn nỉ Cộng sản bao giờ mà ! Bản thân mình chịu tù, bị lưu đày, nhưng chưa bao giờ năn nỉ nó một lời, mà hôm nay tôi phải năn nỉ nó, là vì tôi thấy bà tội. Người đâu tiên người ta đến đây lạ nước lạ cái, mà đối xử người ta như thế. Cho nên trong cuộc phỏng vấn ở đài BBC với ông Lingård, họ có hỏi cái vụ mà người ta không cho ông đến Việt Nam thì ông cảm tưởng như thế nào ? Ông bảo rằng là do vụ này mà tôi có thể biết thêm được nhiều chuyện nữa. Thì đấy, cứ suy ra một người ngoại quốc người ta đến, mà công an cư xử như thế, thì phải hiểu cho 80 triệu dân Việt Nam đang sống dưới một chế độ như thế nào ?
Bởi vậy cho nên Dân chủ, Tự do nó là cái liều thuốc cứu mạng.
Người ta (trên) thế giới chỉ chăm chú vào kinh tế này khác, đưa tiền dồn dập của cải cho nó củng cố quyền lực của nó mà không đếm xỉa gì đến mạng sống của 80 triệu dân đang sống trong ngục tù, trong nhà giam rộng như vậy. Khổ lắm. Ôi trời ơi, xấu hổ. Đâu còn gì đâu là văn hóa. Văn hóa tối thiểu cũng không có. Tôi buồn nhiều. Buồn và tủi nữa. Là vì người ta là một người từ phương xa đến. Cuộc hành trình quá dài, đến thăm viếng nước mình mà cư xử như thế. Họ sẽ đánh giá về chính quyền Cộng sản ở Việt Nam như thế nào ? ! Do đó, do biến cố này, mà người ngoại quốc, người nước ngoài, nhất là các người đang làm ăn, phát triển kinh tế ở đây, giúp Cộng sản mở mang, củng cố quyền lực của họ, nên suy nghĩ cái điều đó. Làm sao mà cứu dân Việt Nam thoát được cái cảnh tù ngục như thế này. Một người ngoại quốc đến, mà người ta cũng không tha, và cư xử một cách rất tệ bạc, rất là… rất là độc ác. Như vậy thì đối với người Việt Nam họ còn coi ra gì ? ! Đó là cái tôi buồn và tôi tủi, xấu hổ cho cái văn hóa, cái phong tục, tập quán, cái đạo đức, tư tưởng, truyền thống của Việt Nam. Nó không còn một cái gì nữa !
Ỷ Lan : Xin cám ơn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Thượng tọa Thích Thiện Minh vừa gửi trình Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sự việc công an và nhà cầm quyền Cộng sản ở Bạc Liêu đập phá ngôi Tịnh thất của Thượng tọa đang xây cất dở dang trong vườn nhà người em tọa lạc tại 89/353 đường Cách Mạng, Khóm 10, Phường 1, Thị xã Bạc Liêu.
Thượng tọa Thiện Minh cũng gửi bản sao Tường trình khẩn nói trên sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhờ phổ biến. Theo tường trình, thì vào lúc 7 giờ 30 sáng, ngày 15.3.2007, nhà cầm quyền thị xã Bạc Liêu khởi sự việc đập phá ngôi Tịnh thất trong vườn nhà của người em Thượng tọa Thích Thiện Minh dưới sự chỉ huy của các ông : Nguyễn Minh Quân, Phó công an thị xã ; Võ Minh Hưởng, Phó phòng Quản Lý Đô thị ; Nguyễn Kim Đồng, Trưởng công an Phường 1 ; Bí Thư ; Chủ tịch ; Phó chủ tịch phường 1 ; Cảnh Sát Cơ Động (trang bị dùi cui, roi điện, súng ống, nón bảo hiểm) ; Cơ quan Thị đội, thị xã Bạc Liêu ; Cảnh sát Giao thông để giải tán đám đông dân chúng trên đường vào nhà ; Cơ quan dân phòng các phường trong thị xã Bạc Liêu ; Đoàn thể Phụ Nữ ; Công an PA38 An ninh chính trị Tỉnh ; Y sĩ, Y tá, xe cứu thương ; Đội bốc vác trên 30 người mang theo máy hàn, máy cắt sắt, hàn gió đá, búa đục các loại ; Các nhà báo, máy quay phim, đài truyền hình Bạc Liêu ; phối hợp cùng các ban ngành tổng số khoảng 500 người chật kín từ đầu đường đến nhà.
Từ sáng sớm cho đến đến 17 giờ 30 cùng ngày, ngôi Tịnh thất đang xây cất đã sụp đổ tan tành. Công an và nhà cầm quyền tưởng rằng gia đình Thượng tọa sẽ phản công dữ dội, nên các cơ quan đông đảo hợp đồng chuẩn bị đối phó bằng bạo lực. Nhưng Thượng tọa Thiện Minh dặn dò gia đình chớ đáp lại bằng bạo lực. Dùng bạo lực đối chọi với bạo lực, thì mình cũng sẽ trở thành kẻ bạo ác, xấu xa như họ mà thôi.
Việc đập phá ngôi tịnh thất ngày 15.3 phơi rõ bộ mặt gian ác, bất công của một chế độ độc tài toàn trị chà nghiến dân lành và bức hiếp người tu hành.
Sau 26 năm đi tù về, ngôi chùa Vĩnh Bình mà Thượng tọa làm trụ trì bị nhà nước chiếm dụng, phá bỏ để xây chợ và trường học. Thượng tọa Thích Thiện Minh đã viết đơn khiếu nại gửi khắp các cơ quan từ địa phương ra đến trung ương Hà Nội. Thoạt đầu được hứa hẹn cứu xét. Nhưng từ khi Thượng tọa tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là bắt đầu một chuỗi kỳ thị, sách nhiễu, đàn áp, hăm dọa. Thượng tọa từng ghi rõ trong các đơn khiếu nại rằng, người tu hành cần chốn trang nghiêm, thanh tịnh hầu tu dưỡng và hoằng đạo. Trái lại, cư trú nơi nhà dân thường, con cháu đông đúc, rất bất tiện cho đời sống tu hành.
Vì vậy, chờ đợi mãi không được nhà cầm quyền hoàn trả ngôi chùa cũ, cũng không chịu bồi thường cấp đất mới, nên Thượng tọa buộc lòng phải xây ngôi tịnh thất trong vườn nhà làm chốn đạo trường. Nhưng bao nhiêu ước vọng, đợi chờ, với công của tốn kém bỗng tan thành bụi gạch ngổn ngang sau ngày đập phá 15.3.
Có lần ông Trung tá Hai Quang, Trưởng Phòng an ninh chính trị PA38 nhờ người em trai Huỳnh Hữu Nhiều nhắn với Thượng tọa Thích Thiện Minh rằng : “Ông Huỳnh Văn Ba (thế danh của Thượng tọa) đừng xây dựng tịnh thất làm gì, hãy làm đơn xin gia nhập vào Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) thì chúng tôi sẽ đề nghị cấp cho một ngôi chùa tại tỉnh Bạc Liêu, chứ ông Ba xây tịnh thất để làm văn phòng Tổng Vụ Thanh Niên của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội bất hợp pháp, thì chúng tôi sẽ cấm”.
Nhưng Thượng tọa Thích Thiện Minh đã từ khước, vì người Tăng sĩ đạo Phật không thể chạy theo những món lợi dưỡng mà phản đạo, hại đời.