Home / Tài liệu / PTTPGQT : BẢN TRÌNH BÀY QUAN ÐIỂM
Kính gửi Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Ủy Ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam để kính nhờ phổ biến

PTTPGQT : BẢN TRÌNH BÀY QUAN ÐIỂM
Kính gửi Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Ủy Ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam để kính nhờ phổ biến

Download PDF

Dưới sự lãnh đạo của Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ trong công cuộc đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo, với đại nghĩa phục hồi quyền sinh hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – một Giáo hội truyền thống xứng đáng kế thừa hai nghìn năm lịch sử đất nước Việt Nam đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật và đàn áp thô bạo kể từ khi họ cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam vào năm 1975. Cùng với chư tôn Giáo phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở trong và ngoài nước, chúng tôi đã trải qua bao nỗi thăng trầm vinh nhục, nếm đủ mùi cay đắng tù đày dưới ách cai trị hà khắc Cộng sản Việt Nam. Mười mấy năm qua, nay tôi thật sự được hít thở không khí tự do dân chủ trên đất nước Thụy Ðiển thanh bình, ở đây quyền con người được tôn trọng triệt để.

Có được sự an lành như hôm nay, từ đáy lòng mình, tôi chân thành cảm ơn Cao ủy Nhân quyền LHQ, Cao ủy Tị nạn LHQ, cùng các Tổ chức bảo vệ quyền con người trên thế giới, trong đó có Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Tổ chức Ân Xá Quốc tế, , Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, v.v… Tôi chân tình biết ơn các ngài Dân biểu Quốc hội và Chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, đặc biệt tôi vô cùng tri ân Chính phủ Vương quốc Thụy Ðiển, một trong các nước vùng Bắc Âu, đã dang rộng vòng tay đón nhận bao nhiêu người Việt lánh nạn Cộng sản để tìm tự do, mọi người nhận nơi đây làm quê hương thứ hai. Rồi hôm nay, đất nước này đã cưu mang tôi sau những đêm dài tăm tối trong ngục tù Cộng sản Việt Nam.

Con xin khắc cốt ghi tâm cảm niệm đại ân đức của Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ, cùng Chư tôn Giáo phẩm trong Hội đồng Lưỡng viện, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở trong và ngoài nước. Con xin thành tâm vọng bái đê đầu đỉnh lễ quý ngài, khánh chúc quý ngài pháp thể khinh an, để lèo lái con thuyền Giáo hội ở quê nhà qua cơn sóng gió. Dù hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa, con vẫn quyết một lòng nối gót quý ngài để tiếp tục phục vụ Giáo hội.

Sau khi mãn hạn ba mươi tháng tù và năm năm quản thúc, chỉ vì tham gia đoàn cứu trợ đồng bào lâm cảnh lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long năm 1994, chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục ngược đãi và chà đạp quyền sống của tôi, mọi sinh hoạt đều bị kiểm soát nghiêm ngặt, để rồi tôi không còn sự lựa chọn nào khác, đành phải tìm đường vượt biên giới sang xứ Chùa Tháp lánh nạn vào ngày 19.4.2002. Ðiều 14 bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã được Ðại hội đồng LHQ thông qua và công bố vào ngày 10.12.1948, rằng : “Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tị nạn và tìm sự dung thân tại các quốc gia khác”.

Mặc dù đã được Cao ủy Tị nạn LHQ bảo vệ quyền tị nạn chính trị của tôi tại Cam Bốt từ ngày 28.6.2002, thế nhưng mật vụ chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn ngang nhiên bắt cóc tôi giữa thủ đô Nam Vang rồi đưa về Việt Nam biệt giam suốt mười mấy tháng trời biệt vô âm tín. Cộng sản Việt Nam đã xem thường luật pháp quốc tế mà chính họ đã tham gia ký kết. Mỉa mai thay ! Bắt cóc phi pháp một người tị nạn trên lãnh thổ một nước láng giềng rồi đem về giam giữ nghiêm ngặt trong nhà tù, thế mà trước dư luận quốc tế, họ không dám nhìn nhận việc bắt bớ này, lại còn chối quanh quất, đặt điều này nọ.

Trước khi đưa tôi ra xét xử, đã nhiều lần các viên chức Bộ Công an đến trại giam để đàm phán. Họ yêu cầu tôi đừng nói lên sự việc bị bắt cóc tại Nam Vang, chịu thừa nhận là vi phạm pháp luật – trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Ðổi lại, họ sẽ trả tự do cho tôi ngay phiên tòa, mặc dầu khung hình phạt được ghi trong cáo trạng là phạt tù từ 3 đến 12 năm. Tôi thật buồn cười và chưa hề thấy chính quyền nào lại đi đàm phán với bị cáo trước khi đưa vụ án ra xét xử.

Theo tôi nghĩ, chính quyền Cộng sản Việt Nam một khi đã bắt cóc tôi về giam giữ, họ quyết dành cho tôi một bản án hết sức nặng nề không chút nương tay. Thế nhưng, trước sự lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ của các tổ chức bảo vệ nhân quyền, đồng loạt lên án Cộng sản Việt Nam vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, họ đành phải trả tự do cho tôi bằng một bản án 20 tháng tù, hợp thức hóa việc giam giữ phi pháp.

Tháng 3 năm 2004, Cao ủy Tị nạn LHQ điều đình với chính phủ Vương quốc Thụy Ðiển chấp thuận cho tôi được đi định cư theo quy chế tị nạn được công nhận ngày 28.6.2002 vẫn còn hiệu lực. Nay chính quyền Cộng sản Việt Nam không thể không tuân thủ các Công ước Quốc tế nên họ đành phải cấp hộ chiếu cho tôi rời khỏi đất nước. Ðây là một việc chẳng đặng đừng. Cũng nên nói thêm, trước khi ra đi, buộc tôi phải viết cam kết, rằng sau khi định cư ở nước ngoài, cam kết không hoạt động nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Giờ này, tôi đã đặt chân lên miền đất tự do, tôi sẽ tiếp tục phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dù tôi không còn sống đời sống Tăng sĩ. Tôi sẽ tiếp tục hoạt động đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền. Hà Nội phải trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương thức bị cầm tù chỉ vì các vị này trình bày quan điểm chính trị một cách ôn hòa. Theo quan điểm của tôi, việc làm này không đồng nghĩa chống phá lại quyền lợi của Ðảng Cộng sản đương quyền, đây không phải là làm chính trị hay tranh lợi đoạt quyền như một số người cố tình xuyên tạc, mà chúng tôi chỉ đòi hỏi lại những gì đã bị chính quyền Cộng sản Việt Nam tước đoạt một cách phi pháp bất công.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một Giáo hội truyền thừa của chư vị Tổ sư trải qua các đời. Ðây là một Giáo hội dân lập không phụ thuộc với bất cứ chính quyền nào, Giáo hội này gắn bó với dân tộc Việt Nam như một thực thể không bao giờ tách rời, được hình thành do tâm nguyện của toàn thể Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam. Tôi nguyện sẽ tiếp tục đi trên con đường chính nghĩa mà mình đã chọn lựa.

Tinh thần Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bất diệt.

Nay xin trân trọng tuyên bố quan điểm của tôi trước dư luận ở trong và ngoài nước.

Thành kính đảnh lễ Chư tôn Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Chân thành cảm ơn liệt quý vị.

Thụy Ðiển ngày 6 tháng 7 năm 2004
Nay kính
(ký tên)
Phạm Văn Tưởng
Pháp danh Tâm Nguyện, tự Trí Lực
Thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất



Unicode

VNI

VPS

VIQR

Check Also

Bản Hiến chương GHPGVNTN tu chỉnh lần cuối ngày 4 tháng 12 năm 2015

  HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT Bản tu chỉnh thông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *