PARIS, ngày 30.10.2007 (PTTPGQT) – Phái đoàn của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới (US Commission on International Religious Freedom) đã đến Việt Nam điều tra về vấn đề tôn giáo từ ngày 21.10 vừa qua. Một mặt Ủy hội Hoa Kỳ gặp các cấp chính quyền Hà Nội. Mặt khác, gặp các nhà bất đồng chính kiến và các nhà lãnh đạo tôn giáo từ Hà Nội đến Saigon.
Riêng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thì phái đoàn đã có hai cuộc tiếp xúc tại Thanh Minh Thiền viện và tại chùa Bảo Quốc, Huế. Ở Huế Phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đã gặp Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng thống kiêm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa thiên – Huế, đồng thời với Thượng tọa Thích Chí Thắng, Đặc ủy Thanh Niên, và Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam, vào ngày thứ bảy 27.10.2007.
Tại Thanh Minh Thiền viện, Phái đoàn đến vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và tìm hiểu hiện tình GHPGVNTN hôm chiều thứ sáu 26.10.2007. Phái đoàn gồm có ông Michael Cromatie, Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ, ông David B. Dettoni, Phó Giám đốc Liên hệ Đối ngoại, bà Felice D. Gaer, Ủy ban Do Thái giáo Hoa Kỳ, ông Scott Flipse, Chuyên gia phân tích cao cấp của Ủy hội Hoa Kỳ, ông Tad Stankhe, thành viên Ủy hội Hoa Kỳ, và bà Katia Bennet, Tham tán Chính trị tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon.
Cuộc tráo đổi kéo dài từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 15 chiều. Phái đoàn Hoa kỳ thực sự quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn và bị bức hiếp hiện nay của GHPGVNTN và tìm hiểu qua rất nhiều câu hỏi về Phật giáo Việt Nam trong lịch sử Việt Nam nói chung và quá trình bị ngăn cấm từ sau năm 1975 nói riêng. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã giải thích tận tường các câu hỏi thông qua cuộc trải nghiệm của chính bản thân Hòa thượng và chư vị giáo phẩm trong Hội đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo).
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã cho ông Võ Văn Ái biết rõ nội dung cuộc trao đổi và đánh giá cao cuộc gặp gỡ thân tình và tích cực này. Tuy nhiên Hòa thượng căn dặn tạm thời khoan tiết lộ nội dung chi tiết.
Gần đây, các viên chức Hoa Kỳ cũng như Phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ quan tâm đến sự kiện Nhà cầm quyền Hà Nội cho phép các tổ chức tôn giáo đăng ký hoạt động. Một số vị xem như đây là một bước tiến trong việc cởi nới chính sách tôn giáo. Vấn đề cho phép đăng ký là một trong số lớn câu hỏi Ủy hội Hoa Kỳ đặt ra trong cuộc gặp gỡ.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã giải thích cho phái đoàn Hoa Kỳ hiểu về sự khác biệt của luật pháp tại các nước văn minh dân chủ so với luật pháp hiện hành tại Việt Nam. Luật pháp tại Việt Nam dùng để giải thích đối ngoại, phù hợp theo đòi hỏi cuộc hội nhập cộng đồng thế giới, nhưng không bảo vệ quyền con người tại Việt Nam. Chẳng hạn như cho phép các tổ chức tôn giáo được phép đăng ký hoạt động. Nhìn từ nhãn quan quốc tế, thì đây là một bước tiến trong chính sách tôn giáo. Nhưng từ thực tại nội địa và đối với các tổ chức tôn giáo thì quyền này chỉ có một nửa. Nghĩa là có quyền viết đơn đăng ký, nhưng Nhà nước lại toàn quyền không cho.
Trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Quảng Độ giải thích rằng Giáo hội hình thành từ thời Đinh trải dài cho tới nay. Giữa thế kỷ XX, sự thống nhất Phật giáo ba kỳ (Bắc Nam Trung) hình thành qua tên “Tổng hội Phật giáo Việt Nam”. Gọi Tổng hội vì dưới thời Pháp thuộc Phật giáo bị đối xử theo quy chế hiệp hội bằng Dụ số 10. Sau cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo năm 1963, Dụ số 10 mới bị hủy, nên sang năm 1964 Phật giáo lấy lại danh xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.
Ngày nay, dưới chế độ XHCN, vô hình trung Phật giáo lại bị đặt lại dưới quy chế Hiệp hội. Do vậy mà cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị Mặt trận Tổ quốc cai quản như một hiệp hội. Mặt khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ được dùng trong thể đối ngoại, chứ trong nước vẫn bị xem như một hội đoàn.
Vì sao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không xin đăng ký để có hoạt động hợp pháp, như lời phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ hỏi ? Hoặc như ông Đại sứ Hoa Kỳ gợi ý gần đây khi tiếp xúc với Cộng đồng Người Việt tại miền nam California ?
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đáp rằng : Chúng tôi có chủ quyền, chúng tôi có pháp lý từ lâu trước, cho đến nay chưa có một văn kiện nào của Nhà nước phủ nhận Giáo hội chúng tôi, thì tại sao chúng tôi lại tự đánh mất chủ quyền của chúng tôi qua hành động đăng ký ? Mặt khác đòi hỏi Giáo hội chúng tôi đăng ký là Nhà cầm quyền âm mưu giăng bẫy để giết chúng tôi. Đăng ký xong, Nhà nước không cho, mà cứ hoạt động là đưa đầu vào tròng bất hợp pháp. Lúc ấy còn quốc tế nào dám bênh vực cho chúng tôi nữa ?
Nhà báo Ỷ Lan đã làm cuộc phỏng vấn dài với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ về chuyện “đăng ký”, chuyện pháp lý và lịch sử GHPGVNTN, được Hòa thượng tiết lộ nhiều chi tiết chưa ai biết về sự “bắt cóc bỏ dĩa” ba vị giáo phẩm để hình thành Giáo hội Phật giáo của Nhà nước năm 1981. Chúng tôi sẽ chép lại và công bố ngày gần đây.
Sáng hôm nay, thứ ba 30.10.2007, ông Đại sứ Vương quốc Thụy Điển, Rols Bergman, cùng với bà Marie-Louise Thaning, Tham tán, Trưởng ban Chính trị và Thương mại cùng với một nhân viên Đại sứ quán từ Hà Nội đã vào Saigon và đến thăm Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện. Cuộc thăm viếng và trao đổi kéo dài từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 15. Ông Đại sứ rất quan tâm đến hiện tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như sức khỏe cùng đời sống của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Hiện chúng tôi chưa thể tiết lộ nội dung cuộc gặp gỡ và trao đổi này. Tuy nhiên Đại lão Hòa thượng cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế biết là cuộc gặp gỡ rất thân tình và tích cực.