PARIS, ngà1.2.2008 (PTTPGQT) – Hôm qua thứ năm, 31 tháng Giêng 2008, là ngày Ủy ban Nobel Hòa bình tại thủ đô Oslo, NaUy, khóa sổ chấm dứt việc nhận đơn đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2008.
Năm nay Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã được hàng trăm nhân sĩ, trí thức quốc tế, giáo sư đại học từ Á châu sang Châu Âu, Châu Mỹ, hay các dân biểu thuộc nhiều Quốc hội tại Đông Âu, Bắc Âu, Tây Âu, Trung Đông, Hoa Kỳ, v.v… viết thư đề cử.
Tại Quốc hội Châu Âu đã có 60 Dân biểu ký tên hậu thuẫn. Những tên tuổi đáng chú ý là năm vị Phó chủ tịch Quốc hội Châu Âu : Edward Mc-Millian Scott (Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo), Diana Wallis (Đảng Xanh), Luigi Cocilovo (Đảng Tự do, Dân chủ và Cải cách Châu Âu), Gerard Onesta (Đảng Xanh), và Mario Mauro (Đảng Bình dân Châu Âu và Dân chủ Châu Âu). Ngoài ra còn có những Dân biểu nổi tiếng như ông Graham Watson (Chủ tịch Đảng Tự do, Dân chủ và Cải cách Châu Âu), ông Daniel Cohn-Bendit và bà Monica Frassoni (Đồng chủ tịch Đảng Xanh), ông Bronislaw Geremek (cựu Ngoại trưởng Ba Lan), ông Marco Pannella (Chủ tịch Đảng Cấp tiến Bất bạo động Liên quốc gia và Liên đảng), ông Marco Cappato (Báo cáo viên Nhân quyền tại Quốc hội Châu Âu), ông Charles Tannock (Anh quốc), ông Paulo Casaca (Bồ Đào Nha), ông Richard Czarnecki (Ba Lan), bà Pia Locatelli (Chủ tịch Quốc tế Phụ nữ thuộc Đảng Xã hội), bà Bá tước Sarah Ludford (Phó chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu), v.v…
Trong bản Thông cáo báo chí đánh đi từ Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Dân biểu Marco Cappato tuyên bố : “Đề cử Giải Nobel Hoà bình cho Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, chúng tôi không chỉ tôn vinh nhân cách xứng đáng và giá trị mà phần lớn cuộc đời Hoà thượng phải chịu vòng lao lý qua bao chế độ, mà chúng tôi còn thừa nhận giá trị chính trị với tính hiệu quả của phương pháp bất bạo động của Hoà thượng như con đường thiện hảo làm thăng tiến dân chủ và nhân quyền”.
67 Dân biểu Quốc hội Ý đủ mọi khuynh hướng từ tả sang hữu, kể cả Đảng Cộng sản, hậu thuẫn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Qua thông cáo báo chí đánh đi từ Roma, Dân biểu Bruno Mellano phát biểu : “Tự do tôn giáo là chìa khoá cho dân chủ tại Đông Nam Á. Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ là biểu tượng cho cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do tôn giáo và nhân quyền”.
Tại Pháp, rất nhiều điện thoại báo tin đã viết thư đề cử sang Na Uy, nhưng chúng tôi mới nhận được các bản sao của các Dân biểu Emile Blessig, Olivier Carré, Jacques Grosperrin, Laure de La Raudière, Noël Mamère, Jean-Marie Cavada, Françoise Hostalier. Bà Françoise Hostalier, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tuyên bố : “Viễn kiến dân chủ của Hòa thượng Thích Quảng Độ vượt khỏi biên giới Việt Nam. Tháng 9 năm 2007, Hòa thượng tỏ tình liên đới với nhân dân và chư Tăng Miến Điện biểu tình đòi hỏi dân chủ, đồng thời Hòa thượng kêu gọi LHQ có hành động ngăn chặn đàn áp bạo động. Nhà cầm quyền Việt Nam đã phản ứng bằng chiến dịch quy mô vu khống, mạ lỵ Hòa thượng”.
Tại Hoa Kỳ chúng tôi mới nhận được các bản sao thư đề cử của các vị Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ : Edward Royce (Cộng hoà), Zoe Lofgren (Dân chủ), Tom Davis (Cộng hoà.) và Loretta Sanchez (Dân chủ). Trong thư đề cử các vị Dân biểu viết rằng : “Sự đóng góp cho tự do của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ mang tầm vóc quy mô lịch sử xứng đáng được quý thành viên trong Ủy ban thừa nhận. (…) Giải Nobel Hòa bình không chỉ vinh danh cho sự dũng cảm đề xướng hòa bình, mà còn công nhận sự chiến đấu âm thầm cho những ai đang hy sinh thân xác hằng ngày nhằm bênh vực nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam hay bất cứ nơi nào khác”. Bà Loretta Sanchez thì viết : “Tôi đã được hân hạnh gặp Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ. Tối rất khâm phục sự tận tuỵ của Hoà thượng trong công cuộc đem lại dân chủ cho người công dân nước ngài. Dù kinh qua những giai đoạn tù đày, quản chế, và liên tục bị chính quyền sách nhiễu, Hoà thượng vẫn kiên trì thúc đẩy tự do cho dân tộc ngài. Hoà thượng là nguồn khởi hứng cho dân tộc Việt Nam, cho những người Việt sống ở hải ngoại, kể cả những người đang sống trong vùng do tôi làm đại biểu. Tôi tin quyết rằng dù chính quyền Việt Nam có đàn áp đến đâu, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục đấu tranh trong nước để mang lại dân chủ cho Việt Nam. Tôi nghĩ trách nhiệm của những người như chúng ta đang sống ngoài này phải tiếp tục hỗ trợ cho những nỗ lực của Hoà thượng”.
Ngoài ra còn nhiều nhân sĩ, trí thức quốc tế, giáo sư đại học viết thư đề cử Hoà thượng Thích Quảng Độ, như Tiến sĩ Paul Scott, Giáo sư ngành Á châu học tại Đại học Kansai Gaidai ở Kyoto, Nhật bản và cũng là Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Cao đẳng Thực hành tại Sorbonne ở Paris. Ông viết : “Ủy ban Nobel Hòa bình đã vinh danh cho tất cả chúng tôi khi trao giải cho Tiến sĩ Matin Luther King. Cảm nhận sâu đậm trong tôi là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, một Cao tăng Phật giáo, một nhà văn nổi danh, nhân vật lãnh đạo thứ hai trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đứng ngang hàng với Tiến sĩ Matin Luther King”.