PARIS, ngày 8.4.2008 (PTTPGQT) – Các thông cáo báo chí trước đây, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế loan báo việc Hoà thượng Thích Pháp Chiếu nhân danh Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN, tức Giáo hội Nhà nước) xuống lệnh bãi nhiệm Thượng toạ Thích Trí Khải chức trú trì chùa Giác Hải tại huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng và đòi chiếm ngôi chùa này, vốn là sở hữu chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) từ trước năm 1975.
Hôm nay, Thượng toạ Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN, nhưng với tư cách cá nhân của một người bạn đạo viết Thư Ngỏ gửi Hoà thượng Thích Pháp Chiếu nói lên nỗi lòng người con Phật cùng chung thờ Đức Thế tôn, cùng hoằng hoá giáo pháp Đức Phật, cùng phục vụ chúng sinh vô minh, đau khổ, nhưng lại không cưỡng được sự mê hoặc hay áp lực của thế quyền khiến cho đạo tình giữa Tăng giới lâm luỵ.
Lời viết chân tình nhưng ruột đau chín khúc, phải chăng không là tiếng kêu cảnh tỉnh chư vị Trưởng từ Như lai và những người con Phật giả từ sự sợ hãi thế quyền trở về nơi ngôi nhà của Chánh pháp vô thượng. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn bức Thư ngỏ dưới đây :
Kính gửi : Hòa thượng Thích Pháp Chiếu, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, Trú trì chùa Giác Nguyên huyện Đơn dương.
Kính bạch Hòa thượng,
Từ dạo lên Giác Nguyên thăm Hòa thượng, nay trải qua gần 30 năm không gặp lại, không biết Hòa thượng sức khỏe có an khang ? Nhớ lại lần đầu lên cao nguyên, được Hòa thượng hướng dẫn đi thăm các danh lam, thắng cảnh, lo cho nơi ăn, chỗ nghỉ, hàn huyên tâm sự, tình quê hương, đạo bạn mặn mà, đẹp đẽ biết bao.
Vừa rồi, nghe chuyện thầy Trí Khải nhận giấy bãi miễn trụ trì, bị trục xuất, do Hòa thượng Pháp Chiếu ký tên, đóng dấu. Giật mình, tôi không tin, nhưng hỏi kỷ lại, đó là sự thật. Có lẽ, Hòa thượng, người tôi quen biết, kính thương, nay đã khác xưa rồi. Hai vị đều là người thân của tôi, một bên là pháp huynh, một bên là pháp đệ, cùng đồng hương Bình định Tây sơn, cùng lên cao nguyên hành đạo, nay xảy ra chuyện, tôi thấy đau lòng, không biết nói sao.
Xem kỹ lại giấy tờ, lý do bị bãi miễn trú trì, trục xuất khỏi chùa, tôi thấy thầy Trí Khải không phá trai, phạm giới, cũng không a tòng quyền thế, theo bã lợi danh, Phật tử xa gần về qui hướng, ủng hộ rất đông, thầy lại có công tái tạo nên ngôi chùa Giác Hải khang trang, đẹp đẽ. Chùa Giác Hải được thành lập trước năm 1975, của GHPGVNTN, không phải của GHPGVN, được nhà cầm quyền áp đặt, dựng lên năm 1981. Nhà cầm quyền cộng sản chỉ là một tổ chức chính trị nhất thời, nay còn mai mất, như Liên xô, Đông Âu… cái nôi và thành trì của Xã hội chủ nghĩa, trong thời gian ngắn ngủi, đã tiêu tan, thì việc nhà cầm quyền công nhận hay không công nhận Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật giáo vẫn còn. Bỏ chân lý trường cửu, theo sức mạnh nhất thời, hành xử với đồng đạo mà dựa theo cái lý của cường quyền là không hay.
Nếu thầy Trí Khải nhiễm theo thế gian, đua đòi danh lợi, tham gia, tranh giành các chức vụ Dân biểu, Hội đồng, Mặt trận, trái với giới luật Phật chế, thì Hòa thượng có khiển trách cũng đành. Hoặc giả, thầy Trí Khải bị nghiệp chướng nặng nề, lỡ lầm, phá trai phạm giới, tội nặng, không còn ở chung trong tăng được, thì Hòa thượng có tẩn xuất để thanh tịnh tăng già cũng chẳng sao.
Đằng này, với lý do thầy Trí Khải không tham gia Mặt trận, không tranh cử Hội đồng, bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thành viên của Mặt trận tổ quốc, một tổ chức chánh trị, trở về với Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất, là một Giáo Hội dân lập, truyền thống, tu hành, lo cứu độ chúng sanh, không tham gia chánh trị, chỉ vì việc đó mà Hòa thượng nỡ nào hợp tác với thế quyền, tìm cách trục xuất thầy Trí Khải không chút xót thương ? Người thế gian cũng không nỡ huynh đệ tương tàn, xin Hòa thượng suy xét, chớ vội vàng hành xử, gây thêm cảnh đau lòng.
Có lẽ đây là hệ quả chủ nghĩa “tam vô” của học thuyết Mác-Lênin chăng ? Vô gia đình, nên cha con, vợ chồng, thầy trò đấu tố lẫn nhau ; Vô tổ quốc, không quê hương, cội nguồn nên người cùng xứ không giúp đỡ nhau ; Vô thần, nên không kính Phật Tổ, không biết thiện ác, không tin nhân quả, không sợ nghiệp báo …
Hòa thượng có còn nhớ mình từng theo học ở Phật học viện Huệ nghiêm, cái lò đào tạo tăng già của GHPGVNTN ? Giáo Hội mà Hòa thượng đã từng được hun đúc, dưỡng dục, đào luyện, mới được vị thế như ngày nay. Đã có quá khứ để tự hào, thì phải giữ gìn tương lai để hy vọng, chứ sao Hòa thượng lại vội vàng đổ xuống sông, xuống biển ?
Dù Hòa thượng, nay đã chọn con đường khác, thì xin hãy nhớ lời phát biểu của Hòa thượng Thích Quảng Độ, vị giáo thọ từng dạy ở Phật học viện Huệ Nghiêm, trong cuộc họp của Viện Hóa Đạo năm 1981 : “… kính thưa toàn thể quí vị, chắc quí vị cũng như tôi đều thấy rõ hiện nay con thuyền Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất đang lênh đênh giữa biển khơi và gặp sóng to gió lớn, chưa biết sẽ chìm lúc nào. Vậy, nếu những ai trong quí vị có mặt ở đây hôm nay cảm thấy nguy nan sợ hãi mà muốn bước sang thuyền khác để thoát thân, thì xin quí vị ấy cứ việc tự do, không ai ngăn cản cả. Nhưng tôi chỉ xin quí vị ấy một điều là : trước khi bước sang thuyền khác qúi vị cứ để mặc cho con thuyền Giáo hội lênh đênh trôi dạt trong sóng gió với những người còn ở lại trên đó, họ sẽ cố sức lèo lái, nếu may mắn vượt qua cơn nguy nan mà đến được bờ bình an thì họ sống, còn nếu chẳng may con thuyền chìm thì họ cũng sẽ sẵn sàng chết theo nó, chứ quí vị ấy đừng đang tâm nhận chìm con thuyền của mình mà có lần đã từng đưa quí vị đến bờ danh vọng, lợi lộc, trước khi bước sang thuyền khác. Tôi chỉ xin quí vị có thế thôi…”.
Thật ra đối với người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến những phương trời cao rộng, vì phục vụ cho đạo pháp, dân tộc và chúng sanh. Việc chùa chiền, còn mất, chỉ là vật ngoài thân, không có gì quan trọng. Chùa Địch Quang ở Ninh hòa của sư cô Thông Mẫn, chùa Tây Huê ở Châu đốc của Thượng tọa Chơn Tâm đã mất, quí thầy, quí cô vẫn vui vẽ, đâu có tiếc rẻ gì. Nay đến chùa Giác hải ở Lâm đồng của thầy Trí Khải, nếu có mất thì cũng điểm thêm vào trang sử Phật giáo, đất nước Việt Nam bị hậu quả tai hại của chủ thuyết Mác Lê vô thần. Các thầy cô có giữ gìn, vì muốn gìn giữ cái tinh ba, truyền thống văn hóa nhân ái, nhu hòa của đạo pháp và dân tộc mà thôi.
Với tình quê hương, pháp lữ, tôi không nỡ thấy Hòa thượng, vì lý do gì hoặc hoàn cảnh nào ? đã thay đổi khác xưa, mà không mạn phép góp ý, sẽ ân hận về sau. Vài lời tâm sự, không dám đa ngôn, Hòa thượng là bậc thông hiểu kinh điển, xin hãy mở lòng, đắn đo, cẩn thận.
Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ.
Thích Viên Định