GENEVE – Khóa họp thường niên lần thứ 61 của Ủy hội Nhân quyền LHQ đang diễn ra tại Ðiện Quốc liên ở Genève cho đến ngày 22.4.2005, quy tụ đại diện 164 quốc gia ở cấp ngoại trưởng và 149 tổ chức phi chính phủ có quy chế tham vấn tại LHQ. Tổng cộng gần 2500 đại biểu phó hội
Năm nay Phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đến Genève để theo dõi các khóa họp và thông tin về hiện trạng tôn giáo ở Việt Nam. Phái đoàn do Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Ðiều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo (GHPGVNTNHN-HK – VP II VHÐ) cầm đầu. Cùng đi có Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng Thư ký GHPGVNTNHN-HK – VP II VHÐ, Thượng tọa Thích Giác Ðẳng, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Truyền Thông GHPGVNTNHN-HK – VP II VHÐ, Ðạo hữu Võ Văn Ái, Tổng vụ trưởng Ngoại vụ GHPGVNTNHN-HK – VP II VHÐ kiêm Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, và Ðạo hữu Penelope Faulkner, Ðặc trách Vụ Quốc tế của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.
Phái đoàn được mời tham dự cuộc Hội luận “Tự do tôn giáo bị bách hại tại Á châu” tổ chức ở Ðiện Quốc liên để trình bày hiện trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam bên cạnh các đại biểu Lào và Trung quốc. Cuộc hội luận đã vinh danh Việt Nam với Thông điệp mở đầu bằng Anh ngữ của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ từ Saigon gửi sang, gây xúc động hội trường. Nhiều phái đoàn Âu Mỹ và một số các vị Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ đã đến xin băng ghi âm để nghiên cứu nội dung thông điệp qua tiếng nói đầy uy lực của vị Cao tăng Phật giáo. Các hãng thông tấn và báo chí quốc tế cũng đã loan tải rộng rãi với cảm tình sâu rộng.
Thành quả hoạt động của Phái đoàn kỳ này, là tiếng nói của Giáo hội trong nước, thông qua các đại biểu ở hải ngoại, được chính thức nói lên trước hội trường LHQ. Ðặc biệt, lần đầu tiên Tài liệu Mật của Bộ Công an được tiết lộ và công bố trước LHQ. Tài liệu này là bằng chứng cho chủ trương đàn áp hoàn chỉnh, có kế hoạch, điều hành bằng một bộ máy Nhà nước tỏa rộng khắp nơi với mục tiêu duy nhất là hủy hoại sức sống dân tộc, mà tôn giáo đang là những xã hội dân sự còn sót lại. Một chủ trương biến tôn giáo thành “Tôn giáo theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, biến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành “Phật giáo theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tài liệu Mật này dày 602 trang do Viện Khoa học Công an ở Hà Nội phát hành một triệu bản, lưu hành nội bộ nhằm giáo dục và chỉ đạo đường hướng Mác-Lênin cho công an và bộ đội hoạt động trong các vùng tôn giáo.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nói lên sự kiện bị đàn áp là đủ, mà còn phải tìm những biện pháp gỡ rối, tức tiếp xúc các phái đoàn các chính phủ phó hội để thông tin và trao tài liệu. Ðặc biệt là gặp gỡ những cơ chế của LHQ có thể can thiệp hữu hiệu cho hàng giáo phẩm bị đàn áp trong nước. Cho nên, Phái đoàn đã hoạt động rất tích cực trên phương diện này. Ðiều quan trọng là Phái đoàn đã tiếp xúc Văn phòng bà Jiliani, Tổng thư ký đặc nhiệm LHQ chuyên lo bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới. Ðây là cơ chế mới nhất của LHQ, ra đời kể từ khi Ðại hội đồng LHQ quyết nghị thông qua, vào tháng 12 năm 1998, bản “Tuyên ngôn quốc tế Bảo vệ những Người đấu tranh cho Nhân quyền trên thế giới” nhân kỷ niệm 50 năm “Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền”. Quan trọng hơn nữa, là sự kiện bà Asma Jahangir, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo trên thế giới tiếp Phái đoàn Phật giáo để nghe phúc trình về tình hình tôn giáo nói chung tại Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp nói riêng. Phái đoàn Giáo hội đề xuất với cả hai cơ quan LHQ này đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên phải đến điều tra. Và đã được chấp nhận. Ðây chính là một thành quả khác mà Phái đoàn đã thu đạt tại LHQ ở Genève.
Ðây cũng là cung cách hoạt động mà Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã từng thực hiện, đưa tới việc năm 1994, Tổ hành động chống bắt bớ trái phép của LHQ do ông Chủ tịch Louis Joinet cầm đầu, và năm 1998, ông Afdelfattah Amor, vị tiền nhiệm của bà Asma Jahangir, đã về Việt Nam điều tra hệ thống luật pháp bắt giữ người, hệ thống quản lý tù nhân chính trị và điều hành các nhà tù cùng trại cải tạo, và đàn áp các tôn giáo. Nhà cầm quyền Hà Nội đã ngăn cản không cho ông Afdelfattah Amor gặp Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ. Nhưng ông đã vào Trại Z30D ở Xuân Lộc, Ðồng Nai, gặp và phỏng vấn hai Thượng tọa Thích Không Tánh và Thích Thiện Minh. Hai bản phúc trình tố cáo vào năm 1995 và 1999 của hai vị trước diễn đàn LHQ đã dự phần cho thế giới biết rõ tình hình đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam, từ đó tạo ra những áp lực mạnh mẽ trong chính giới Âu Mỹ và công luận thế giới.
– HAI ÐẠI ÐỨC THÍCH VIÊN PHƯƠNG VÀ THÍCH NGUYÊN VƯƠNG
– ÐƠN KHIẾU NẠI
– ÐƠN TỐ CÁO
– BẢN TƯỜNG THUẬT
gửi Ðơn Khiếu nại và Tố cáo đến Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Ngày 30.3 công an mật vụ mặc thường phục bắt cóc Ðại đức Thích Viên Phương tại Ngã tư Phú Nhuận đem đi thẩm vấn trong bí mật và khủng bố tinh thần suốt hai ngày ròng. Sáng ngày 11.4.2005, công an mật vụ mặc thường phục lại chận bắt Ðại đức Thích Nguyên Vương tại góc đường Nguyễn Văn Trỗi và Trần Huy Liệu, nhưng rất may là khi công an đưa về trụ sở công an phường nằm trước cổng Thanh Minh Thiền viện, thì Phật tử ở Thiền viện tuôn ra giải cứu đem Ðại đức vào Thiền viện bảo vệ. Mãi đến chiều tối, chư Tăng ở Quảng Hương Già Lam lên Thanh Minh Thiền viện giải thoát Ðại đức khỏi vòng vây công an mật vụ và đưa trở về Già Lam. (Xin bạn đọc vào Trang nhà Quê Mẹ & Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để rõ hơn chi tiết hai sự kiện nói trên qua các Thông cáo báo chí trước đây : http://www.queme.net)
Trong cả hai trường hợp, cách nhau 11 ngày, công an mật vụ xua cảnh sát giao thông chận bắt với lý do vi cảnh : Ðại đức Viên Phương không có kính chiếu hậu trên xe gắn máy Honda Dame, Ðại đức Nguyên Vương thì quên mang giấy lái xe Honda Dream. Trong cả hai trường hợp, sau khi cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chận bắt, thì công an mật vụ mặc thường phục ùa tới áp giải hai Ðại đức, không xuất trình lệnh bắt, không tuyên bố lý do phạm pháp. Ðây không còn hành xử theo luật pháp của một Nhà nước pháp quyền, mà là côn đồ bắt cóc lương dân.
Trong cả hai trường hợp, khởi phát sau khi hai Ðại đức đến vấn an Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Thanh Minh Thiền viện.
Trong cả hai trường hợp, công an mật vụ muốn tạo một không gian sợ hãi trong lòng Tăng Ni và Phật tử nhằm ngăn chặn đến thăm viếng Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Mục tiêu cốt cô lập ngài với quần chúng, với thế giới. Nhưng thực tế, là một minh chứng hùng hồn, rằng sau 25 năm lưu đày ngài ở Thái bình, giam tù ngài ở miền Nam rồi quản chế cách ly ngài mấy năm qua, chế độ công an trị của Nhà nước vẫn không cô lập được ngài với quần chúng Phật tử, với đồng bào toàn quốc và nhân loại văn minh trên thế giới.
Trong cả hai trường hợp bắt cóc và vây bắt hai Ðại đức trong thời gian 11 ngày qua, đang hé lên một tín hiệu mà những ai quan tâm cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo không thể không mừng rỡ : Ðó là sự SỢ HÃI kinh hồn của Nhà nước độc tài. Sợ hãi Tiếng Nói của nhân dân, sợ hãi Tiếng nói của sự thật vượt biên chuyên chế để uy dũng cất lên trên thế giới văn minh và dân chủ của nhân loại. Người ta đã bắt cóc, tịch thu băng video ghi tiếng nói của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ hôm 30.3, tức vi phạm điều 19 trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ, mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982. Ðiều 19 quy định mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới. Rồi người ta lại vây bắt hôm 11.4 như muốn bủa vây ánh sáng bằng mảnh lưới thô lậu.
Thế nhưng, Tiếng Nói của sự thật, của ngưỡng vọng nhân dân mong cầu tự do và dân chủ đã được Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cất lên giữa Hội trường LHQ nhân khóa họp Nhân quyền LHQ lần thứ 61 tại Genève.
Thật hoài công cho những ai muốn dùng gươm chém nước !
Xin mời bạn đọc đi sâu vào hai sự việc nói trên qua hai lá đơn Khiếu nại và Tố cáo của hai Ðại đức Thích Viên Phương và Thích Nguyên Vương. Chúng tôi cũng trình bày chi tiết cung cách làm việc phi pháp luật của công an mật vụ ép cung Ðại đức Viên Phương qua Bản tường thuật chi tiết ở cuối bản thông cáo báo chí.
Ðộc lập-Tự do-Hạnh phúc
ÐƠN KHIẾU NẠI
Kính gởi : Ông Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi tên : Thích Viên Phương, thế danh : Nguyễn Thành Thọ ; Sinh ngày 04 tháng 07 năm 1972, tại Tiên Hội, Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Ðịnh. Thường trú tại Tổ đình Thập Tháp, Vạn Thuận, Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Ðịnh. Tạm trú tại chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long, P.7, Q. Bình thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
Tôi là một tu sĩ Phật giáo, có đầy đủ quyền như những công dân khác. Nhưng chuyện xảy ra trong mấy ngày qua (như Bản Tường Thuật đã đính kèm) tôi không thể im lặng được. Vì vậy, tôi làm đơn này kính trình lên quý cấp xin được giải quyết năm vấn đề đã xảy ra từ ngày 30/03/2005 đến nay như sau :
1/ Xe honda Dame của tôi thiếu kiếng chiếu hậu, nên bị công an giao thông hỏi giấy tờ xe ; tôi không mang theo giấy tờ xe thì lập biên bản tại chỗ để giam xe, sao lại bắt ép đưa tôi về Phường giải quyết việc vi phạm giao thông này ?
2/ Theo điều 33 Bộ Luật Dân Sự của nước CHXHCNVN thì “không ai được xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Tại sao công an phao tin vu khống với người dân có mặt tại ngã tư Phú Nhuận rằng tôi đi xe gây ra tai nạn, giả dạng tu sĩ đi lừa đảo, v.v… công khai xúc phạm giới hạnh của tu sĩ Phật giáo ? Công khai chà đạp lên danh dự, nhân phẩm, uy tín của tôi ?
3/ Tôi bị công an bao vây bắt ép lên xe giữa đường mà không có giấy lệnh bắt, áp tải về trụ sở, không cho tôi liên lạc về chùa tôi đang ở. Quý thầy trong chùa Giác Hoa chia nhau tìm kiếm khắp các trụ sở công an phường cho đến công an quận, nhưng nơi nào cũng đều trả lời là không có bắt. Công an tổ chức bắt cóc như vậy không bị luật pháp trừng trị hay sao ?
4/ Mấy ngày làm việc tại Phường, tôi phải đối diện với những người không mặc sắc phục công an, không xưng tên, chức vụ, đang làm cơ quan nào. Những vật dụng cá nhân của tôi bị họ giựt lấy làm “tang vật”. Tôi không phạm pháp tại sao những vật dụng của tôi bị coi là “tang vật” ? Phải chăng trụ sở Công an Phường 3 đang chứa chấp tổ chức bắt cóc, cướp của, quấy nhiễu người dân ?
5/ Công an đã có “tang vật” và lời khai sự thật của tôi ; nếu thấy đủ bằng chứng để buộc tội tôi thì đưa ra tòa xét xử, còn không thì tôi vô tội. Tại sao ông Thi, ông Xuân, ông Tư, cố lấy lời khai theo lối suy diễn chủ quan để bức cung tôi phải chấp nhận việc thực hiện quay phim có tổ chức ? Vậy theo các ông tổ chức ở đây là ám chỉ tổ chức nào ? Việc bắt cóc, khủng bố tinh thần, bức cung người vô tội như thế là có âm mưu gì, do ai tổ chức, thừa lệnh của ai ?
Tôi yêu cầu các cơ quan hữu quan có thẩm quyền phải điều tra giải quyết các vấn đề trên để trả lại sự trong sạch cho tôi bằng văn bản cụ thể, để tôi trả lời cho chư tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử biết rõ sự thật.
Trong khi chờ đợi Viện Kiểm Sát giải quyết đơn khiếu nại này, tôi không làm việc với công an nữa.
Tôi chân thành cảm ơn.
Người khiếu nại
(đã ký)
Thích Viên Phương
Nơi nhận :
1/ Viện trưởng VKS ND Tp.HCM
(có bản tường thuật đính kèm).
2/ Trụ sở công an P.3, quận Phú Nhuận
Ðộc lập Tự do Hạnh phúc
Kính gởi Viện Kiểm sát Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh
131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Tp. HCM
V/v Công an Quận Phú Nhuận vào chùa cướp xe và bắt người trái phép
Tôi là Công dân Trần Minh Hoàng, Tu sỹ Phật giáo Ðạo hiệu Thích Nguyên Vương ; hiện trú tại chùa Già Lam, số 498/11 Lê Quang Ðịnh, Quận Gò Vấp, Saigon.
Sáng ngày 11/4/2005 tôi đến Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Quận Phú Nhuận để thăm viếng Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Vào 10 giờ tôi rời khỏi Thiền Viện và đang điều khiển xe gắn máy trên giao lộ Nguyễn Văn Trỗi và Trần Huy Liệu (cách Thanh Minh Thiền viện 500 mét) thì có ông Cảnh sát giao thông (mặc sắc phục, không đeo bảng tên) chạy xe theo và chặn xe của tôi lại, bảo tôi xuống xe và xuất trình Bằng Lái xe. Tôi nói, đã bỏ quên tại Thanh Minh Thiền viện, ông có thể chờ tôi vài phút để về Thiền viện lấy. Ông Cảnh sát nói : “Thôi được, anh về đi, nhưng hôm sau anh ra đường chạy xe nhớ mang theo bằng lái là được”. Nhưng lúc ấy, có một anh thanh niên đứng chung với một nhóm thanh niên trên 10 người, (nhóm thanh niên này là những gương mặt quen thuộc tôi thường gặp hằng ngày canh gác tại các cổng chùa Già Lam, chùa Giác Hoa và Thanh Minh Thiền viện) đứng cách xa xe tôi 10 mét, chạy xe đến ra lệnh cho ông cảnh sát phải giữ xe và dẫn tôi về đồn Cảnh sát giao thông. Ông cảnh sát này răm rắp phục tùng ngay, nên ông ấy quay sang tôi bảo : “Anh đã vi phạm giao thông, vì không có bằng lái, do vậy, anh lên xe tôi chở về đồn Cảnh sát giao thông để nhận giấy tạm giữ xe.” Tôi phản đối nói rằng : “Ông phải giải quyết tại hiện trường, nếu tôi đã vi phạm giao thông thì anh cứ lập biên bản và ghi biên nhận giữ xe của tôi là được, rồi ông muốn đưa xe của tôi đi đâu là tùy, chứ tôi không theo ông đi đâu hết.” Sau đó, một nhóm thanh niên trên 10 người ấy xông tới và la lên “bắt Ổng về đồn thôi”. Tôi nói với ông cảnh sát : “Ông không chịu viết biên nhận tạm giữ xe của tôi thì thôi, bây giờ tôi phải về để lấy bằng lái xe, giao xe của tôi cho ông đó.” Khi ấy, tôi liền đón Taxi và lên xe, tài xế Taxi vừa lăn bánh thì ông cảnh sát và nhóm thanh niên này chặn Taxi lại không cho chở tôi và buộc tôi phải lên Taxi của nhóm thanh niên này đã thuê sẵn. Tôi kháng cự không chịu lên Taxi ấy mà tôi lại sang một chiếc xe Honda ôm khác, nhưng ông cảnh sát và nhóm thanh niên ấy lại cũng chặn xe ôm không cho chở tôi. Sau đó, hai anh thanh niên trong nhóm lại ngang nhiên bẻ gãy khóa cổ xe của tôi và buộc tôi ngồi lên để họ chở tôi về đồn. Tôi nói rằng : “Nếu các ông muốn đưa tôi về đồn, tôi sẽ đi bằng xe gắn máy của tôi chứ không cần các ông chở.” Anh cảnh sát đồng ý và một anh thanh niên nhảy lên ngồi sau yên xe buộc tôi chở. Tôi lại xuống xe và phản đối : “Tôi không quen chở người, yêu cầu để tôi đi một mình.” Anh thanh niên mặc thường phục ra lệnh cho ông cảnh sát áp giải tôi về đồn cảnh sát trên đường Trần Huy Liệu nằm đối diện cổng Thanh Minh Thiền viện. Cuối cùng, anh cảnh sát cho tôi điều khiển xe của tôi mặc dù trong lúc tôi không mang theo bằng lái. Ðến cổng Thanh Minh Thiền viện tôi chạy xe vào chùa. nhưng bị một nhóm thanh niên khác đứng sẵn hàng ngang trong sân chùa và họ đạp vào xe, tôi té xuống, hai anh thanh niên khác xông tới kẹp nách cưỡng bức kéo lôi tôi ra khỏi cổng Thiền viện sang bên kia đường để đưa vào đồn cảnh sát, đồng thời khi ấy một ông cảnh sát giao thông khác lại vào sân chùa ngang nhiên dẫn xe của tôi về đồn. Nhân lúc tôi bị cưỡng bức lôi kéo qua đường, xung quanh tôi còn có trên 20 anh thanh niên làm hàng rào chắn, tôi lại vùng vẫy, mọi người đi đường thấy cảnh bất bình nên dừng xe lại xem và không ít người la lên rằng “Người ta tu hành mà các ông không chịu buông tha!” Người chứng kiến mỗi lúc một đông nên giao thông bị ách tắc, do đó anh thanh niên mặc thường phục ấy đã ra lệnh cho hai anh thanh niên buông thả tôi ra. Sau đó, tôi chạy vào Thanh Minh Thiền viện. Khi ấy quý Phật tử trong Thanh Minh Thiền viện ra đóng cổng và khóa chặt lại, vì sợ bọn cướp thừa cơ xông vào quấy phá.
Kính thưa Quý Viện.
Trong thời gian tôi ở tại Thiền viện, hiện bên ngoài có hàng chục công an mặc thường phục đã hành hung tôi trước đó đang bao vây Thiền viện và không cho bất cứ Taxi hoặc Honda ôm nào vào bên trong chùa. Mãi đến 4 giờ 30 chiều, nhờ rất đông quý thầy bên chùa Giác Hoa và Già Lam qua đón tôi về lại chùa Già Lam.
Qua sự việc như tôi đã trình bày trên, do đó tôi viết đơn này cực lực tố cáo :
1. Cảnh sát giao thông vào chùa tịch thu xe của tôi mà không lập biên bản, và cũng không cấp biên nhận giữ xe. Tôi không cố tình cáo buộc Cảnh sát giao thông làm như vậy là ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân.
2. Nhân viên công lực có nhiệm vụ duy trì trật tự công cộng lại để cho một nhóm người ngang nhiên hành hung công dân trên đường phố. Tôi không muốn nói nhóm người đó là Công an Nhân dân giả danh du đảng để uy hiếp công dân.
3. Ðể đảm bảo quyền đi lại của công dân, không bị nhân viên an ninh của Nhà nước lợi dụng chức quyền ngang nhiên áp bức công dân, đe dọa an ninh trong đời sống thường nhật của mọi người ; tôi có bổn phận tố giác các Cơ quan an ninh Nhà nước đã dung dưỡng các thành phần bất hảo, và đề nghị các Cơ quan giám sát pháp luật phải làm sáng tỏ vụ việc đã xảy ra.
(ký tên)
Làm tại Tu viện Quang Hương Già lam,
Ngày 12 tháng 4 năm 2005
Trần Minh Hoàng
(Thích Nguyên Vương)
Ðộc lập-Tự do-Hạnh phúc
Bản Tường thuật
V/v quay phim – Công an bắt cóc – điều tra
Kính gởi : Ông Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi tên : Thích Viên Phương, thế danh : Nguyễn Thành Thọ ; Sinh ngày 04 tháng 07 năm 1972, tại Tiên Hội, Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Ðịnh. Thường trú tại Tổ đình Thập Tháp, Vạn Thuận, Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Ðịnh. Tạm trú tại chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long, P.7, Q. Bình thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
Vào sáng ngày 29/03/2005, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, gọi tôi vào phòng khách bảo rằng : “Khi nào rảnh thì lên Thanh Minh Thiền viện để quay phim Hòa thượng Viện trưởng đọc thư gởi cho người thân”. Tôi hiểu ý của thầy nói và nhận lời rồi lui ra. Hôm sau (30/03/2005), tôi mượn máy quay phim nhỏ hiệu JVC của sư huynh, rồi đi mua một cuộn băng Video mini trên đường Ðinh Tiên Hoàng về bỏ vô để quay thử.
Khoảng 3 giờ chiều, tôi rời chùa Giác Hoa lên thẳng Thanh Minh Thiền viện. Vào gặp Hòa thượng, tôi chắp tay chào. Hòa thượng gật đầu và hỏi : “Lên quay phim hả ?”. Tôi trả lời : “Dạ”. Tôi lấy máy quay phim và máy ghi âm ra khỏi túi, chuẩn bị tư thế, chỗ đứng thực hiện. Chuẩn bị xong tôi quay lại nhìn Hòa thượng. Hòa thượng hỏi : “Chuẩn bị xong chưa ?”. Tôi nói : “Dạ xong rồi”. Hòa thượng liền vào mở tủ áo lấy thông y ra mặc, rồi ngồi vào bàn giấy, sau lưng có treo sẵn lá cờ Phật giáo. Hòa thượng lấy hai tờ giấy viết tay để ra giữa bàn. Tôi đi đặt máy ghi âm lên bàn Hòa thượng đang ngồi rồi lùi lại bật máy quay phim, điều chỉnh tư thế thích hợp. Tất cả đều đã sẵn sàng, tôi bắt đầu quay, thời gian quay khoảng hơn 10 phút. Quay xong, tôi trả phim trở lại và mở trực tiếp cho Hòa thượng xem thử. Hòa thượng nói : “Sao hình mờ và âm thanh nhỏ vậy ?”. Tôi thưa với Hòa thượng : “Dạ, con không rành máy này, để con mang về gắn vào Tivi xem lại và con sẽ cố gắng chỉnh cho âm thanh lớn hơn rồi sáng mai đem lên trình Hòa thượng”. Hòa thượng gật đầu đồng ý. Rồi tôi mở tiếp đoạn ghi âm cho Hòa thượng nghe. Hòa thượng gật đầu nói : Cái này nghe tốt. Tôi thu dọn máy bỏ vào túi xách rồi chào Hòa thượng ra về.
Khi dẫn xe ra khỏi Thiền viện, tôi thấy bên kia đường có một số Công an mặc thường phục đang ngồi canh gác. Họ đứng bật dậy rất khẩn trương, nhưng tôi vẫn mặc nhiên vì những công an này ngày nào cũng ngồi canh trước cổng chùa, đợi khi có người ra vào chùa thì hay đứng dậy ghi số xe, hoặc đi theo họ cho đến khi không còn theo được nữa. Tôi vẫn bình thản đạp xe Honda Dame cũ kỹ nổ máy và chạy chầm chậm về chùa Giác Hoa.
Khi tôi đến ngã tư Phú Nhuận, thì có một ông công an giao thông thổi còi chặn lại, chỉ tay ra dấu bảo đưa xe lên vỉa hè. Tôi dừng lại và từ từ dắt xe lên lề đường. Khi đó, tôi mới nhìn quanh thấy có rất nhiều công an mặc thường phục đứng sẵn ở đó. Công an giao thông đến gần tôi và nói xe không có kính chiếu hậu, yêu cầu trình giấy tờ. Tôi nói tôi không có mang theo giấy tờ. Công an liền dẫn xe băng qua bên kia đường dựng đó, rồi đi bộ trở lại mời tôi về Phường để làm việc. Tôi nói việc vi phạm giao thông phải giải quyết tại chỗ, tại sao lại về phường ? Hơn nữa, nếu vi phạm giao thông thì phạt tiền hoặc giữ phương tiện giao thông, sao lại giữ người ? Cho tôi giấy phạt, để tôi về chùa lấy giấy tờ lên nạp tiền phạt, chứ không lý gì mời tôi về Phường để làm việc này. Nhưng công an vẫn khăng khăng mời tôi về Phường giải quyết, chứ không chịu giải quyết tại đây. Tôi không chịu đi theo họ, và phải dùng hết mọi lý lẽ để từ chối “lời mời” này.
Chừng 20 phút tranh luận gay gắt, tôi nhìn lại thấy công an đủ mọi sắc phục càng lúc càng đông, có cả công an mang máy camera để quay phim. Họ cố vây quanh và áp sát vào, không cho đến gần người dân, cũng không cho người dân đến gần. Nhưng tôi cố lấn vào trước cửa nhà người dân, hay trước cửa hiệu ở gần đó để tránh nắng và xin nước uống cho đỡ khô miệng thì họ liền vào uy hiếp chủ nhà, chủ tiệm, khiến cho mọi người sợ hãi. Rồi họ đứng lấn, đẩy tôi ra ngoài vỉa hè. Tôi xin gọi điện thoại về chùa nhưng họ cũng không cho.
Hết người này tới “mời” đến người khác “mời”, họ dùng đủ mọi lý do để buộc tôi phải đi theo họ. Công an khu vực thì bảo tôi xuất trình giấy Chứng minh nhân dân. Tôi nói giữa đường sao lại bảo tôi xuất trình giấy này. Ông ta bảo là người công dân phải mang theo giấy Chứng minh nhân dân. Tôi trả lời : “Tôi không mang theo vì sợ rơi mất. Nếu cần thì cho tôi gọi điện về chùa nhờ quý thầy mang ra”. Nhưng công an chẳng để ý gì đến những lời tôi nói, mà chỉ một mực “mời” tôi về Phường làm việc. Hết công an này đến công an khác áp lại “mời” tôi về Phường với đủ kiểu lý do. Có công an lại bảo : Nghe người ta nói xe Honda của Thầy đã gây ra tai nạn, phải “mời” Thầy về Phường làm rõ sự việc. Tôi trả lời : “Người ta đồn đại như vậy mà các anh chận tôi được sao, phải có chứng cứ chứ ?” v.v… Tôi phải lấn ra ngoài đám người đang vây quanh để cố tránh bớt những “lời mời” vô lý ấy.
Không chỉ thế, có công an đứng ngoài nói thẳng với công an đang nói chuyện với tôi là “Không kêu Thầy gì hết, bắt nó về !”. Thậm tệ hơn là công an lấy cớ nghe người dân nói tôi giả dạng tu sĩ, lường gạt người khác, bây giờ phải theo công an về Phường. Còn những công an mặc thường phục thì tuyên truyền với người dân tại đó, hay với người qua đường đến xem rằng tôi giả dạng tu sĩ, trộm cắp, lường gạt, v.v… đủ mọi tội xấu để bôi nhọ, vu khống, chụp mũ đánh lừa dân. Họ tuyên truyền như thế, nhưng khi có người dân cố đứng lại xem thì họ lấy cớ công an đang làm việc để uy hiếp buộc dân phải bỏ đi.
Ðường phố dần dần đông xe cộ và người qua lại, trên vỉa hè cảnh tượng nhiều người vây quanh sách nhiễu một tu sĩ không khỏi khiến dân chúng hiếu kỳ ; bất chấp sự xua đuổi của công an, người dân tập trung lại càng lúc càng đông. Họ không tin sự lừa bịp qua lời vu khống của công an, nhưng họ đều lắc đầu vì không có cách nào giúp được tôi thoát khỏi cảnh vòng vây này. Tôi cố nhìn xem có tu sĩ nào đi đường không, hễ có bóng dáng tu sĩ là tôi thấy mừng và vẫy tay lại, nhưng có lẽ họ không để ý nên đã đi luôn.
May thay ! Tia hy vọng cuối cùng cũng lóe sáng. Một tu sĩ cùng độ tuổi như tôi đi ngang qua ngã tư này, thấy cảnh tượng đông người vây quanh một tu sĩ đang vẫy tay cầu cứu. Thấy tôi, Thầy ấy liền lái xe lên vỉa hè bất chấp sự cấm cản của công an không cho dừng xe. Thầy ấy dựng xuống rồi lại gần tôi hỏi đầu đuôi sự việc. Nghe tôi kể lý do bị chận ở đây xong. Thầy bất bình vì việc vô lý xẩy ra giữa thanh thiên bạch nhật, liền nói thẳng với công an là các ông làm trái luật, ép người ; Thầy quay ra ngoài đường kêu to để những người đứng xung quanh và người đi đường biết là : “Công an bắt cóc người ! Bắt cóc người !”. Rồi quay lại, Thầy kêu tôi đi xe ôm về đi ! Thúc giục tôi bỏ chạy đi ! Tôi không thể làm theo lời Thầy, công an tiếp tục xua đuổi không cho mọi người đến gần, không xe ôm nào dám dừng lại chở tôi. Tôi thấy sự việc phức tạp quá nên nhờ Thầy về báo chùa cho quý Thầy Giác Hoa biết để quý Thầy ra giúp. Nhưng vì phải kéo tôi ra khỏi tay của công an và kêu cứu nên Thầy không thể đi được.
Công an chận xe taxi đang chạy trên đường tấp vào lề, mở hai cửa ra và hai công an khác đến kẹp hai tay tôi đến tống vào taxi. Thấy vậy, Thầy ấy liền nhảy qua Honda Dream đang dựng giữa tôi và Thầy, chận đứng tôi lại không cho công an đẩy vào taxi và ôm tôi lùi lại phía sau. Trong lúc Thầy ấy đẩy lui một số công an, còn tôi thì vùng vẫy mới tuột khỏi sự kềm kẹp của các công an. Tôi lùi ra phía sau đi dọc vỉa hè để tránh đám công an và xa xe taxi. Nhưng liền khi đó, tôi bị những công an khác dang tay chận lại, số công an khác nữa thì chạy theo kéo tay tôi lại. Tôi đành phải bước xuống lòng đường chen vào giữa dòng xe cộ đông đúc để tránh sự vây bủa của công an. Tôi đưa tay xin đi quá giang, thì có một anh đi xe gắn máy dừng lại giữa đường. Tôi định leo lên thì bị một toán công an khác nhảy ra chận đầu xe, và sau lưng tôi có một công an khác đưa hai tay bóp hông tôi, đẩy tôi lên xe luôn. Tôi nhìn lại thấy Thầy kia đang xô đẩy với công an, và thấy người đang chở tôi bị công an uy hiếp bắt chạy xe về trụ sở. Công an áp tải tôi đến công an Phường 3, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh rồi xốc tôi lên lầu đẩy vào hội trường.
Trong hội trường của trụ sở công an lúc này có rất nhiều người, đủ dạng sắc phục, nét mặt hung dữ đang đợi sẵn. Tại đây, họ vẫn dùng luận điệu vi phạm giao thông và vu khống là giả dạng tu sĩ để bắt xuất trình giấy tờ. Tôi trả lời : “Tôi không có mang theo đây. Nếu các ông muốn xác minh tôi là tu sĩ thật hay giả thì hãy cho tôi gọi điện thoại về chùa để quý Thầy đem giấy tờ lên”. Họ nhất định không cho điện thoại về chùa mà vẫn cứ chăm chú vào túi xách, yêu cầu lấy hết tất cả trong đó ra cho họ xem, mà không có một lý do chính đáng nào cả. Hết công an này đến công an khác yêu cầu trình giấy tờ trong túi ra để xác minh là một tu sĩ thật. Có công an không lấy lý do nào, mà chỉ đòi lục soát, còn nhắc đi nhắc lại với giọng uy hiếp rằng : “Ở đây, tôi không coi ông là một tu sĩ, ông chỉ là một người dân, bắt ông phải đem hết giấy tờ trong túi xách để ra đây”. Công an không có lý do xác đáng nào để đưa ra buộc tôi trình giấy tờ. Tôi vẫn giữ chặt túi xách bất chấp sự uy hiếp của công an đứng xung quanh.
Tôi không chấp nhận yêu cầu của họ, công an phường liền ra lệnh dân quân tự vệ ở ngoài chạy vô đứng bao quanh phía sau tôi. Ngay lúc đó, một công an đứng bên cạnh giựt xách, còn các dân quân kia kéo tôi đứng dậy, rà soát trên người tôi từ trên xuống dưới và lấy ra mobile phone và tiền đi đường. Còn túi xách giựt được, họ quăng lên bàn cách xa tôi, và họ trút tất cả ra bàn. Trong túi xách gồm có một máy camera, một cuộn băng ghi hình, một máy chụp hình hiệu Sony, một máy ghi âm mp3, một cuốn sổ tay ghi địa chỉ và số điện thoại. Họ kêu thêm một số công an khác tới. Một số người loay hoay đem Tivi đặt giữa hội trường, tìm cách gắn máy camera vào để xem nội dung của đoạn băng ghi hình. Còn những vật dụng khác thì mỗi công an cầm mỗi cái, kiểm tra từng chi tiết một, người thì nghe máy ghi âm mp3, kẻ thì ghi hết số điện thoại, tin nhắn, cuộc gọi đi, gọi đến, gọi nhỡ trong máy điện thoại ra giấy. Sau đó, yêu cầu tôi ký lên những thứ mà họ đã ghi ra và ký tên lên từng trang giấy trong sổ địa chỉ v.v… Họ mở xem đi xem lại nhiều lần đoạn băng video. Việc thực hiện kiểm tra vật dụng và tra hỏi tôi đều được công an ghi hình đầy đủ và rất chi tiết.
Công an giao thông đã lập biên bản vi phạm trật tự an toàn giao thông ; còn công an phường thì lập biên bản phương tiện giao thông, lập biên bản phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, và biên bản quyết định tạm giữ vật dụng của tôi.
Công an yêu cầu tôi ngồi gần lại Tivi để xem cho kỹ cuộn băng và trả lời những câu hỏi của họ. Tôi ngồi vào đầu bàn, đối diện là một công an mặc thường phục cầm biên bản lấy lời khai và hỏi tên tuổi, nơi sinh, v.v… để ghi vào. Tranh thủ thời gian rỗi, tôi nhìn xung quanh hội trường thấy còn khoảng 13 công an mặc thường phục, lúc này không còn các công an đầu trâu mặt ngựa vây bắt tôi buổi chiều nữa, tiếng ồn ào không còn nhiều, vì tất cả đang tập trung tìm ghi bất kỳ những gì có trong các vật dụng mà tôi mang theo. Công an giao thông hết trách nhiệm nên không biết đi từ lúc nào. Công an phường thì đứng ngoài cửa nhìn vô. Mọi người ngồi kín hai hàng ghế hai bên của dãy bàn nằm giữa hội trường.
Viết xong phần lý lịch, đến phần hỏi và trả lời, công an ngồi đối diện yêu cầu tôi nói mục đích lên Thanh Minh Thiền viện để làm gì, việc quay phim đã chuẩn bị như thế nào, v.v… cho đến khi bị công an giao thông chận lại, tôi đã kể lại giống như ở trên.
Trong thời gian hỏi cung, công an ngồi đối diện cứ đi ra đi vô để hội ý, liên lạc điện thoại, v.v… Một số công an khác thì cầm những thứ thu được kiểm tra, ghi chép, hoặc có công an cầm camera của họ quay những vật dụng của tôi đang bị kiểm tra, và quay những gì tôi nói, v.v… Rồi thay phiên nhau ăn tối, uống nước, và liên tục thay nhau tới ngồi đối diện để tra hỏi không cho tôi lấy thời gian rảnh để nghỉ. Tất cả mọi người ở đây, tôi không biết họ là ai, chức vụ là gì, công an phường mặc sắc phục thì không còn ở đây nữa.
Nhân lúc công an lấy lời khai ngồi trước mặt đang viết, tôi hỏi tên của ông. Ông ta nói cho tôi biết tên là Xuân, nhưng không nói làm việc ở cơ quan nào, chức vụ là gì. Tôi không cảm thấy xa lạ, vì đã nghe tên ông Xuân lâu rồi, nay mới thấy mặt.
Khi lấy lời khai lần thứ nhất xong, ông Xuân đi ra đi vô mấy lần làm gì bên ngoài tôi không biết. Sau đó, ông Xuân mang vô mấy tờ giấy viết tay, rồi lại lấy tờ khai khác ra lập biên bản lấy lại lời khai tiếp lần thứ hai. Cũng như lần trước, song lần này có hỏi thêm nội dung của cuộn phim và trả lời của tôi đối với nội dung ấy. Ông Xuân hỏi, có hiểu nội dung bức thư của Hòa thượng Quảng Ðộ đọc không ? Tôi hiều nhưng không sâu sắc, nên trả lời : “Không hiểu”. Ông Xuân đọc lướt qua bản dịch bằng tiếng Việt và tóm tắt nội dung cho tôi nghe. Ông Xuân nói, Hòa thượng Quảng Ðộ cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,v.v… Ông Xuân lại hỏi tôi có nhận xét gì về những nhận định của Hòa thượng. Tôi liền trả lời, Hòa thượng đọc bằng tiếng Anh tôi không hiểu hết, và những gì Hòa thượng nói tôi không dám nhận xét. Ông Xuân chấp nhận câu trả lời ấy và ghi vào biên bản. Ông Xuân hỏi thêm tôi với mục đích nằm ngoài biên bản rằng, tôi có cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo ? Tôi cũng thẳng thắn nói với ông ta là Việt Nam không có tự do tôn giáo, tôi chính là nạn nhân trong đó và đưa ra các dẫn chứng, phân tích, v.v… Hai bên tranh luận với nhau gay gắt được năm, mười phút, thì trở lại vấn đề chính.
Ðến gần 24 giờ cùng ngày, công an làm việc và lập các biên bản khác một cách vội vã để thả tôi về. Trong các biên bản lấy lời khai là ông Xuân, nhưng ký tên người lập biên bản lại là công an phường 3. Cuối biên bản có lời đề nghị tôi 8 giờ sáng ngày 1/4/2005 đến trụ sở công an phường 3 quận Phú Nhuận để tiếp tục làm việc. Những vật dụng như camera, máy chụp hình kỹ thuật số, máy ghi âm mp3, điện thoại di động, sổ địa chỉ đều đưa vào hộp giấy niêm phong lại. Sau đó, thả tôi ra về.
Về đến chùa, gặp tôi, quý Thầy rất mừng vì đã trút được sự lo âu chờ ngóng tin tức từ chiều tới giờ. Tôi được quý Thầy đem mì gói ra chế nước sôi vào ăn thay cơm chiều. Vừa ăn vừa nghe quý Thầy kể chuyện ở chùa từ chiều tới giờ.
Quý Thầy kể vào khoảng 17 giờ 30, có một Thầy đến chùa nói có một thầy bị bắt trên Ngã tư Phú Nhuận nhưng không biết tên gì. Qua việc tả hình dáng quý Thầy trong chùa nghĩ rằng người đó là tôi, nên đem hình ra cho thầy đó xem, và thầy đó khẳng định đúng là tôi rồi, nhưng không biết công an bắt đem về phường nào. Quý Thầy bắt đầu chia nhau đi lên khu vực Ngã tư Phú Nhuận hỏi thăm công an, hỏi thăm những người xe ôm, rồi đến các trụ sở công an phường quanh ngã tư Phú Nhuận tìm hỏi mà không ai nói biết cả. Ngay trụ sở công an Phường 3 gần Ngã tư Phú Nhuận nơi tôi đang bị bắt giữ và hỏi cung cũng trả lời ở đây không có bắt thầy nào. Tất cả các trụ sở đều cho là không có thầy nào bị bắt. Tìm hoài không có mà chỉ nghe người dân xung quanh nói lại rằng, hồi chiều có một thầy bị công an bắt. Nghe công an nói vị đó giả dạng tu sĩ, lừ đảo người dân,v.v… Quý Thầy tìm không ra, đành phải về chùa chờ đợi.
Ðến ngày 1/4/2005, đúng 8 giờ sáng, tôi đến trụ sở công an Phường 3, vào hội trường thì gặp ông Xuân. Sau đó lần lượt có công an Tư, công an Tân và một công an lạ mặt khác vào. Nhân lúc công an lạ mặt đi ra ngoài, tôi hỏi ông Xuân về tên và chức vụ của ông ta, nhưng ông Xuân chỉ nói tên ông ta là Thi mà không nói chức vụ.
Trước khi bắt đầu làm việc, một anh công an phường 3 đem hộp niêm phong đồ tịch thu hôm trước ra để làm việc tiếp. Người ghi tên trong văn bản chứng kiến việc kiểm tra gói đồ đã niêm phong hoàn toàn nguyên vẹn là Trưởng công an Phường 3 nhưng lại không hiện diện để làm chứng.
Bắt đầu buổi làm việc ông Xuân ghi lại phần lý lịch vào biên bản, lấy lời khai xong, mời ông Thi bắt đầu hỏi. Ông ta quay sang bảo ông Xuân rằng, anh mời làm gì thì anh làm đi ! Suốt buổi ông ta chỉ ngồi nghe.
Như lần trước, ông Xuân hỏi để lấy lời khai kể lại từ việc mượn máy quay phim cho đến khi bị công an bắt. Lời khai cũng như trên. Song cách hỏi lần này ngấm ngầm đưa việc quay phim của một cá nhân thành quay phim có tổ chức với những từ được dùng trong biên bản như “chỉ đạo”, “chủ động”, v.v… Ðến khoảng 11 giờ 30 biên bản lấy lời khai mới làm xong, và thời gian làm việc đã hết. Ông Xuân nói với ông Thi 13 giờ 30 làm việc, thì ông Thi nói 14 giờ làm.
Buổi chiều, đúng 14 giờ, tôi đến làm việc tiếp. Buổi làm việc này ông Thi trực tiếp lập biên bản lấy lời khai. Ðầu tiên, ông Thi suy diễn quá trình quay phim phải được tổ chức, bàn thảo, trao đổi nội dung, cách quay, v.v… chứ không thể đơn giản chỉ nhận lời đi quay thôi. Ðặc biệt là khi tôi không thạo việc quay phim thì Hòa thượng Quảng Ðộ và Thầy Viên Ðịnh phải tham mưu trước cho tôi, v.v… Việc này nếu đúng như vậy thì tôi không việc gì phải né tránh, nhưng tôi không chấp nhận hỏi cung kiểu này được. Vậy mà công an vẫn ép tôi phải khai là quay phim có tổ chức mà tôi là người tham gia trong đó thì mới đúng sự thật. Nhưng không nói rõ là tổ chức gì.
Còn ông Tư ngồi bên xen vào nói rằng : Ông không thể không nghe hiểu những gì ông Quảng Ðộ đọc, bằng chứng là biết sử dụng tài liệu hướng dẫn camera và ngôn ngữ trong mobile phone bằng tiếng Anh. Ông Tư còn nói, “tôi chỉ coi phim bằng tiếng Anh có phụ đề mà hiểu được nội dung huống chi ông học mấy năm Anh văn mà nghe không hiểu”. Ông Tư hăm có dịp sẽ trắc nghiệm trình độ tiếng Anh của tôi. Tôi vẫn phủ nhận lời khẳng định ấy vì đây là lời khai có giá trị pháp lý, nên những gì tôi hiểu không sâu sắc cũng đồng nghĩa như không hiểu.
Thượng tọa Viên Ðịnh là huynh trrưởng của tôi, những gì Thượng tọa làm đều hợp với truyền thống Phật giáo Việt Nam. Tôi sống với Thầy gần 15 năm. Nên tôi có khả năng gì Thầy đều biết. Thượng tọa sai bảo làm việc gì thì làm việc đó như trong gia đình, không có chuyện phải bàn thảo như ngoài xã hội. Phải chăng công an đang vu khống chúng tôi ?
Lấy lời khai xong, các công an ra ngoài hội thảo gì đó rồi vô. Ông Thi ký lên biên bản chỗ người lấy lời khai rồi đưa cho tôi ký vào chỗ người khai. Biên bản làm xong khoảng 16 giờ 30 và cũng là lúc kết thúc buổi làm việc. Ông Thi nói, còn gì nữa thì sau này sẽ làm tiếp với ông Xuân, rồi đi ra. Lúc này công an Tân lủi thủi đem vật dụng của tôi bỏ vào hộp đựng rồi niêm phong. Ông Xuân nói với ông này : Mày giữ đi, Phường không chịu giữ nữa . Rồi ông Xuân đưa biên bản lấy lời khai vừa rồi cho tôi và yêu cầu viết thêm dòng chữ dưới chữ ký của mình là : Công an Phường yêu cầu 8 giờ sáng ngày 4/4/2005 đến làm việc tiếp. Tôi viết chưa xong thì ông Xuân hỏi : “Như vậy là chấp nhận hả ?”. Tôi ngước nhìn ông và nói : “Tôi không muốn đâu !”. Ông Xuân nói : “Nếu không chấp hành thì có biện pháp khác !”. Tôi dừng bút không ghi tiếp giờ hẹn, liền đứng dậy, tạm biệt ra về.
Kính thưa quý cấp, những lời tường thuật trên đây là đúng sự thật, nếu có điều gì sai tôi xin chịu trách nhiệm.
Người viết
(đã ký)
Thích Viên Phương