PARIS – Viện Hóa Ðạo trong nước vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến 3 bản Quyết định mang các số 12, 13 và 14/VHÐ/QÐ/VT do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), ký chung trong ngày 10.3.2006 chuẩn y ba Ban Ðại diện GHPGVNTN tại ba quận ở thành phố Saigon. Quyết định 12/VHÐ/QÐ/VT bổ nhiệm Thượng tọa Thích Quảng Huệ làm Chánh Đại diện Quận 4 thuộc Miền Quảng Đức ; Quyết định 13/VHÐ/QÐ/VT bổ nhiệm Thượng tọa Thích Minh Không làm Chánh đại diện Quận Bình Thạnh thuộc Miền Quảng Đức ; và Quyết định 14/VHÐ/QÐ/VT bổ nhiệm Thượng tọa Thích Quảng Tôn làm Chánh Đại diện Quận 11 thuộc Miền Quảng Đức (tức Saigon và Gia Định) (1).
Ðây là 13 Ban Ðại diện Giáo hội ra đời trong khoảng thời gian tám tháng vừa qua : Ban Ðại diện GHPGVNTN Quảng Nam – Ðà Nẵng (8.7.2005) ; Ban Ðại diện GHPGVNTN Thừa thiên – Huế (18.7.2005) ; Ban Ðại diện tỉnh Bình Ðịnh (9.8.2005) ; Ban Ðại diện tỉnh Khánh Hòa (27.8.2005) ; Ban Ðại diện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (19.9.2005) ; Ban Đại diện tỉnh Đồng Nai (20.10.2005) ; Ban Đại Miền Quảng Đức (1) (5.11.2005) ; Ban Đại diện Miền Khánh Anh (1) (5.11.2005) ; Ban Đại diện tỉnh An Giang (5.11.2005) ; Ban Đại diện tỉnh Bạc Liêu (21.12.2005) ; (xin xem chi tiết qua các bản Thông cáo báo chí trên Trang nhà : http://www.queme.net ; và nay thêm 3 Ban Ðại diện tại 3 Quận ở Saigon.
Bản sao nguyên văn và ấn ký 3 Quyết định trên đây đã được gửi đến : Chư Tôn đức giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện, – Văn phòng II VHÐ GHPGVNTN Hải ngoại – Quý Ban Ðại diện các Miền, Thành phố, Tỉnh, Quận, Huyện trong nước “để kính tường và liên lạc hỗ trợ Phật sự” – Qúy Ủy ban Nhân dân các Quận 4, Bình Thạnh và 11 “để trình việc” – Qúy Thượng tọa Chánh Đại diện Thích Quảng Huệ, Thích Minh Không, Thích Quảng Tôn “để chiếu hành” – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris “để phổ biến”, và VP VHÐ lưu.
Ðồng bào Phật tử trong và ngoài nước đã vô cùng phấn khởi trước tin tức phục hồi trên thực tế các sinh hoạt tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các tỉnh cơ sở kể từ Ðại hội Bất thường của Giáo hội tổ chức ở Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh, ngày 1.10.2003, mặc dù nhà cầm quyền cộng sản còn quản chế hàng Giáo phẩm cao cấp, còn liên tục ngăn cấm, sách nhiễu, đàn áp, có khi áp lực nhân dân đấu tố các thành viên trong Ban Đại diện hoặc trục xuất các thành viên ra khỏi chùa như trường hợp vừa xẩy ra cho Sư cô Thích Nữ Thông Mẫn tại Khánh Hòa.
Mặc bao áp lực quy mô và dữ dội, các Ban Đại diện được thiết lập vẫn đứng vững, tỏ thái độ bất khuất và một lòng bảo vệ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) là Giáo hội dân lập, truyền thống có lịch sử hai nghìn năm Phật giáo tại Việt Nam.
Gần đây, trong các văn thư của Nhà cầm quyền Cộng sản cấm cản GHPGVNTN sinh hoạt tôn giáo và tuyên bố các Ban Đại diện Giáo hội là “bất hợp pháp”, nhà cầm quyền luôn nại cớ là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vi phạm Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tức Giáo hội do Đảng và Nhà nước đẻ ra năm 1981.
Luận điểm “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” không hợp tình hợp lý lại vừa phi pháp vừa vi hiến. Không thể nào trách cứ một Giáo hội dân lập có truyền thống lịch sử, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất “vi phạm Hiến chương” của một tổ chức khác là Giáo hội Phật giáo sinh sau đẻ muộn do Đảng và Nhà nước Cộng sản thành lập năm 1981 để làm công cụ chính trị, chứ không để phục vụ quần chúng Phật tử. Một Giáo hội có 2000 tuổi thọ với một Giáo hội 25 tuổi niên thiếu !
Từ Huế, hôm 11.3.2006, Thượng tọa Thích Thái Hòa, Phó Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa thiên – Huế, cho phổ biến bài viết “Tăng trưởng tâm Bồ Đề” đề cập đến xuất xứ của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước ra đời năm 1981). Thượng tọa xác định lời của Hòa thượng Thích Mật Hiển, tức Ôn Trúc Lâm, Trưởng tiểu ban soạn thảo Hiến chương năm 1981 rằng : “Tôi không hề soạn Hiến chương ấy, Hiến chương ấy do Ban Tôn giáo Chính phủ, và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tự biên, tự diễn, rồi họ mượn danh của tôi đặt vào”.
Thượng tọa Thích Thái Hòa cũng cho biết tại chùa Từ Đàm, Huế, ngày 8.7,1992, với tư cách đại diện Tăng chúng và Phật tử chùa Phước Duyên, tham dự buổi hội thảo để đóng góp ý kiến cho việc tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN, tức Giáo hội Nhà nước). Tại đây, Thượng tọa Thích Thái Hòa đã yêu cầu tu chỉnh 4 điều : Thứ nhất là bỏ vế “Xã hội Chủ nghĩa” trong phương châm hoạt động của GHPGVN : “Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa” ; thứ hai là phải chấp nhận Đạo kỳ Phật giáo bị hủy bỏ trong Hiến chương GHPGVN ; thứ ba là phải công nhận tổ chức Gia Đình Phật tử bị hủy bỏ trong Hiến chương GHPGVN ; và thứ tư là hủy bỏ vai trò “thành viên đáng tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, vốn là vai trò chính trị phản chống với cương vị tôn giáo của Đạo Phật.
Dưới đây, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn bài viết của Thượng tọa Thích Thái Hòa :
Chiều ngày 08 tháng 07 năm Nhâm Thân (1992), tại giảng đường chùa Từ Đàm-Huế có buổi hội thảo của Tăng Ni Thừa Thiên, để đóng góp cho việc tu chỉnh Hiến chương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), trong hội nghị nầy, tôi tham gia với tư cách đại diện Tăng chúng và Phật tử chùa Phước Duyên, và đã phát biểu về nhận định của mình đối với Hiến chương của GHPGVN như sau:
1. Phương châm hoạt động của GHPGVN là: “Đạo pháp-Dân tộc-Xã hội chủ nghĩa”.
Tôi đề nghị, nên bỏ vế “Xã hội chủ nghĩa” trong phương châm hoạt động của Giáo hội. Tại sao? Tại vì Tăng Ni Phật tử chúng ta không thể nào gặp người Cọng sản ở nơi Xã hội Chủ nghĩa, và người Cọng sản cũng không thể nào gặp Tăng Ni Phật tử chúng ta ở nơi Đạo Pháp. Nếu chúng ta có gặp nhau chăng, là gặp nhau ở nơi lý tưởng phụng sự dân tộc.
Tăng Ni Phật tử Việt Nam chúng ta nỗ lực học hỏi, tu tập để rút được những tinh hoa của Đạo Pháp, nhằm phụng sự dân tộc, nơi mà chúng ta đã có nhân duyên sinh ra và lớn lên.
Và người Cọng sản cũng nên rút tỉa những tinh hoa của chủ nghĩa Mác-Lê để phụng sự dân tộc, bởi vì không một ai trong người Việt Nam chúng ta không là gốc rễ Việt Nam trước khi trở thành người Cọng sản, hay trở thành tín đồ của các Tôn giáo.
Vì vậy, Tăng Ni Phật tử Việt Nam chúng ta, chỉ hoạt động trong phạm vi Đạo Pháp và Dân tộc, còn Xã hội chủ nghĩa là để cho những người Cọng sản hoạt động.
Do đó, trong Hiến chương Giáo hội, nên chấm dứt cái đuôi “Xã hội chủ nghĩa” theo sau.
2. Trong Hiến chương của GHPGVN, không có Đạo kỳ. Tại sao ? Năm 1963, chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm, chỉ vì ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo vào ngày 8/04/Âm lịch, nên đã đưa đến nhiều hậu quả nghiêm trọng và cuối cùng dẫn đến sự cáo chung của nền Đệ nhất Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam.
Trong Hiến chương GHPGVN không công nhận giáo kỳ, là Giáo hội ấy tự phủ nhận công lao của Tăng Ni Phật tử Việt Nam trong một giai đoạn tất yếu của lịch sử.
3. Tổ chức Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo, để góp phần xây dựng đất nước. Tại sao trong Hiến chương GHPGVN không có ? Làm thế nào mà chúng ta lại có thể triệt hạ mầm móng của chúng ta ngay trong pháp lý hoạt động.
4. Tổ chức mang danh nghĩa Phật giáo là để phụng sự con người và nhân loại theo hướng trí tuệ và từ bi, mà không phải phục vụ cho một cá nhân, một tập thể, một triều đại hay một chủ nghĩa nào.
Do đó, GHPGVN không nên là “thành viên đáng tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ là một tổ chức chính trị, mục đích là để tuyên truyền đường lối chính sách, chủ trương của Đảng Cọng sản Việt Nam.
Trái lại, tổ chức Phật giáo, mục đích là để kế thừa và hoằng truyền chánh pháp của Đức Phật, lịch đại Tổ sư qua các thời đại để giúp đời, nên hai tổ chức ấy không thể gắn liền với nhau, và không thể lầm lẫn mục đích của nhau.
Bản Hiến chương của GHPGVN ra đời năm 1981, sau khi đọc xong, tôi có đến đảnh lễ Hòa Thượng Thích Mật Hiển (tức là Ôn Hòa Thượng Trúc Lâm) và trình bày với Hòa Thượng rằng:
“Bạch Ôn! Ôn là Trưởng tiểu ban soạn thảo Hiến chương của Giáo hội, sao Ôn lại viết Giáo hội hoạt động theo phương châm : Đạo pháp-Dân tộc-Xã hội chủ nghĩa ; sao trong Hiến chương không có giáo kỳ; không có tổ chức Gia Đình Phật tử và tại sao Giáo hội lại là thành viên đáng tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ?”.
Ôn dạy : “Tôi không hề soạn Hiến chương ấy, Hiến chương ấy do Ban Tôn giáo Chính phủ, và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tự biên, tự diễn, rồi họ mượn danh của tôi đặt vào”.
Nghe Ôn dạy: Tôi cúi đầu đảnh lễ, và không biết ăn nói làm sao nữa, ôm nỗi đau ấy trong lòng, cho đến 14 giờ chiều 08/07/năm Nhâm Thân (1992), tại giảng đường chùa Từ Đàm, trước đông đảo Tăng Ni Thừa Thiên-Huế, tôi chỉ nói lên được một vài điều như đã trình bày. Nỗi đau ấy vẫn liên lỉ tiếp tục cho đến nay, và không biết đến khi nào mới chấm dứt.
Bấy giờ, trước khi nói, tôi đã biết chắc chắn rằng, mọi khó khăn sẽ đến với tôi, nhưng tôi đã sẵn sàng chấp nhận những khó khăn ấy, như là những chất liệu bổ dưỡng để tăng trưởng tâm Bồ đề của mình.
Thích Thái Hòa
(1) Miền Quảng Ðức thuộc Saigon và Gia Ðịnh, Miền Khánh Anh thuộc vùng Hậu Giang. Chiếu theo Hiến chương GHPGVNTN, bản tu chỉnh ngày 12.12.1973 tại Ðại hội khóa 5, thì điều 23 ghi rằng : “Ðể đôn đốc và thanh tra Phật sự tại các tỉnh, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo bổ nhiệm Ðại diện tại 8 Miền sau khi Ban Chỉ đạo VHÐ chấp thuận. Tám Miền lấy pháp hiệu của 8 vị Cao tăng Việt Nam như sau : Vạn Hạnh (Bắc Trung nguyên Trung phần), Liễu Quán (Nam Trung nguyên Trung phần), Khuông Việt (Cao nguyên Trung phần), Khánh Hòa (Ðông Nam phần), Khánh Anh (Hậu Giang Nam phần), Vĩnh Nghiêm (Phật tử Miền Bắc), và Quảng Ðức (Ðô thành Saigon Gia Ðịnh)” (PTTPGQT chú).