Võ Văn Ái
Gửi cho BBC từ Paris, Pháp
Cho đến hôm nay, đầu tôi vẫn còn vang dội đài hiệu của đài Truyền hình Pháp TF1, thông báo tin tức Bộ đội Bắc Việt từng bước tiến chiếm Sài Gòn.
Lúc ấy tôi vừa trở lại Paris sau chuyến thuyết trình dài qua nhiều nước Âu – Mỹ trình bày quan điểm Hoà bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
Là chi bộ hải ngoại của Giáo hội, chúng tôi đại diện Viện Hoá Đạo ở nước ngoài để thông tin và bày tỏ lập trường của Giáo hội trong cuộc chiến tranh huynh đệ thừa sai.
Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam bằng quân sự là điều kinh sợ. Chúng tôi không thấy quy định bạo lực nào trong Hiệp định Paris năm 1973.
Một miền Nam trung lập, với chính phủ ba thành phần, và chủ trương hoà hợp, hoà giải dân tộc tan tành theo mây khói dưới xích chiến xa ủi sập Dinh Độc lập ở Sài Gòn.
Ước mộng trở về quê hương của tôi thành giấc mộng hờ, khi tôi nghe tin tức trong nước dồn dập đưa ra những chuyện chẳng lành, như chế độ tập trung cải tạo, kinh tế mới… Từ tháng 8 tháng 9-1975 trở đi, nhiều tượng Phật lộ thiên, hay trong các chùa viện ở các tỉnh Quảng Ngãi, Pleiku, Sóc Trăng, Phan Thiết, v.v… bị đập phá.
‘Chết vinh, sống nhục’
“Chưa có triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, mà khối lượng chư Tăng, Phật tử bị tù đày, vào trại Cải tạo hay quản chế tại gia đông đảo như dưới triều đại Hồ Chí Minh”
Ông Võ Văn Ái
Ngày 2-11-1975, dưới băng rôn “Thà chết vinh hơn sống nhục”, 12 Tăng Ni ở Thiền viện Dược Sư, Cần Thơ, tự thiêu tập thể phản đối chính quyền Cách Mạng với 7 yêu sách đòi hỏi nhân quyền, tự do tôn giáo, chấm dứt đàn áp GHPGVNTN.
Cuộc biểu dương phản đối trên đây mở đầu cuộc đối kháng chính sách đàn áp tôn giáo và tiêu diệt Phật giáo của Hà Nội, mà Giáo hội kiên trì tới 40 năm sau. Chủ trương đã được ông Trần Xuân Bách thiết kế thông qua Chỉ thị số 20 của Đảng và được ông Lê Duẩn ký từ năm 1960, khiến Phật giáo miền Bắc tiêu vong. Nay đem áp dụng tại Miền Nam.
Chưa có triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, mà khối lượng chư Tăng, Phật tử bị tù đày, vào trại Cải tạo hay quản chế tại gia đông đảo như dưới triều đại Hồ Chí Minh.
Giới Tăng lữ bị bắt hoàn tục, hay đưa sang chiến trường Kampuchia. Hàng giáo phẩm Viện Hoá Đạo bị bắt, như các Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ, Thiện Minh… Do áp lực quốc tế, hai ngài Huyền Quang, Quảng Độ bị xử 2 năm tù cuối năm 1977. Cố Hoà thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết ở Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn.
Sau đợt khủng bố, đàn áp thẳng tay trong vòng 5 năm, vẫn không thể tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà mạng lưới tổ chức của Giáo hội lan rộng từ thành thị đến nông thôn, với khối lượng đông đảo Phật tử hậu thuẫn. Ông Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân vận, giao cho ông Đỗ Trung Hiếu nhiệm vụ thống nhất Phật giáo. Ông nhận định rằng :
“Quan trọng là Đảng không bao giờ lãnh đạo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà ngược lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức có áp lực chính trị thường trực với Đảng và chính phủ Việt Nam”.
Đây là đầu mối cho “Hội Phật giáo Việt Nam” ra đời tại chùa Quán Sứ, Hà Nội ngày 4-11-1981, mà chủ yếu tập họp các hội Phật giáo yêu nước của Đảng, chứ không là một giáo hội của Tăng Ni, Phật tử hình thành. Hội là công cụ chính trị cho Đảng, làm công tác tuyên truyền đối ngoại cho chế độ.
‘Tổ chức bù nhìn’
Ông Đỗ Trung Hiếu, kiến trúc sư của tổ chức Phật giáo nhà nước này, đã phản tỉnh 13 năm sau, khi ông hồi ký công trình Đảng tóm thu Phật giáo. Trong tập sách “Thống Nhất Phật giáo”, ông Hiếu tiết lộ :
“Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Đảng. (…) Nội dung hoạt động là do cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội. Hội Phật Giáo Việt Nam ở trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tuân thủ luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Liền sau cuộc thống nhất nói trên, hai Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ bị giải về quê quán lưu đày ở tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Thái Bình đầu năm 1982 do Quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chứ không qua toà án xét xử.
Một nhân chứng đáng tin cậy về giai đoạn khủng bố Phật giáo này là Đức cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu. Năm Mậu thân, 1968, ngài bị cưỡng bức gánh lên rừng, rồi đưa ra Hà Nội như con tin của nhà nước, và được sử dụng như con bài tuyên truyền đối ngoại.
Ngài trở lại miền Nam với chức vụ đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc. Thế nhưng ngài đã viết đơn từ nhiệm mọi chức vụ, lại còn tố cáo chế độ đàn áp Phật giáo và thảm sát Hoà thượng Thích Thiện Minh. Trong băng thu âm, mà tạp chí Quê Mẹ phát hành tại Paris đăng tải, Ngài phơi bày cái gọi là “cách mạng giải phóng” miền Nam như sau :
“Tình đoàn kết, thương yêu, kính trọng trước kia, chỉ được 10 ngày ! Sau 10 ngày đó : tình đoàn kết xưa nay bây giờ rã hết ! Lòng yêu thương đổi thành ghét cay ghét đắng ! Sự kính trọng bây giờ người dân trở lại khinh đáo để !”
Lý do chống đối
Lý do nào mà Phật tử Việt Nam chống đối nhà cầm quyền Cộng sản ? Bản Thông bạch của Hoà thượng Huyền Quang phát hành năm 1994 cho biết :
“Phật giáo chúng ta đang trong cơn Pháp nạn II. Nhà nước Việt Nam đã đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng ta kể từ sau ngày 30-4-1975
“Chỉ vì lập trường của Giáo hội không chấp nhận làm công cụ cho bất cứ một thế lực chính trị nào, và Giáo hội chỉ yêu cầu để Phật giáo được sinh hoạt độc lập trong khuôn khổ tôn giáo và pháp luật”.
Không muốn làm công cụ cho chế độ, vì lịch sử Hai Nghìn năm Phật giáo, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, vui buồn theo vận nước, sát cánh cùng nhân dân chống xâm lăng, bảo vệ chủ quyền.
Nhiều Sư Bà, Nữ tướng Phật tử đã tham gia với Hai Bà Trưng trong cuộc kháng chiến vệ quốc đầu tiên của nước ta và nhiều bậc sư sãi, thiền sư khác cũng đã đóng góp cho các triều đại Việt Nam trong các thời đại dựng nước và giữ nước.
Cũng vì thế, mà Đức Đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, sống trong cảnh quản chế, vẫn không ngừng lên tiếng đưa ra Giải pháp dân chủ hoá Việt Nam từ tháng 2/2001 để cứu nguy tình thế.
Ngài đã tố cáo nạn Bô-xít Tây nguyên như tung đội thứ Năm của Bắc Kinh, tố cáo sự xâm lấn biển đảo của Trung quốc, mà biến cố dàn khoan Hải Dương 981 xảy ra năm ngoái là một trong các minh chứng.
Tiếp tục phát triển
“Hiện nay, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất chỉ tồn tại trong thực tế, chứ Nhà nước không công nhận. Tuy nhiên Giáo hội vẫn tiếp tục cuộc vận động đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, và tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ.”
Ông Võ Văn Ái
Hiện nay, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất chỉ tồn tại trong thực tế, chứ Nhà nước không công nhận. Tuy nhiên Giáo hội vẫn tiếp tục cuộc vận động đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, và tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ.
Hiện Giáo hội có 20 Ban Đại diện trong các tỉnh thành. Nhưng mọi sinh hoạt văn hoá, giáo dục, tín ngưỡng đều bị sách nhiễu và cấm đoán.
Vậy tương lai của Giáo hội sẽ ra sao ? Vẫn là tương lai của Phật giáo nói chung trên thế giới, đạo Phật tiếp tục truyền thừa và phát huy rực rỡ, hiện đang phát triển mạnh tại các nước Âu Mỹ sau gần ba nghìn năm khai đạo.
Trong khi ấy, các chế độ gian ác, độc tài đến đâu cũng chỉ có một thời.
Tương lai Phật giáo Việt Nam tuỳ thuộc một là Đảng Cộng sản chấp nhận tiến trình dân chủ hoá để hình thành thể chế dân chủ đa nguyên, hoặc một biến cố do nhân dân tự đứng lên thực hiện dân chủ.
Người xưa nói, chở thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước. Nước là nhân dân.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/04/150419_30april_phat_giao_vietnam