Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Bằng đàn áp, bạo động và tù đày, nhà cầm quyền tìm mọi cách dập tắt tiếng nói của nhân dân. Nhưng họ không thể dập tắt ý dân. Bởi ý dân là ý trời… Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động. Chúng tôi không ngừng đấu tranh cho đến ngày các ngưỡng vọng dân chủ được hình thành trên mảnh đất Việt Nam : Thông điệp của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ gửi Ủy hội Nhân quyền LHQ nhân khóa họp lần thứ 61 tại Genève

Bằng đàn áp, bạo động và tù đày, nhà cầm quyền tìm mọi cách dập tắt tiếng nói của nhân dân. Nhưng họ không thể dập tắt ý dân. Bởi ý dân là ý trời… Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động. Chúng tôi không ngừng đấu tranh cho đến ngày các ngưỡng vọng dân chủ được hình thành trên mảnh đất Việt Nam : Thông điệp của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ gửi Ủy hội Nhân quyền LHQ nhân khóa họp lần thứ 61 tại Genève

Download PDF

GENEVE, ngày 8.4.2005 (VCHR) – Cuộc hội luận về “Tự do tôn giáo tại Á châu bị bách hại” đã được tổ chức tại khóa họp thường niên lần thứ 61 của Ủy hội Nhân quyền LHQ đang diễn ra ở Ðiện Quốc liên, Genève, với sự tham dự phát biểu của các đại biểu Lào, Trung quốc và Việt Nam. Khai mạc cuộc hội luận là Thông điệp của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ Saigon gửi đến. Thông điệp phát biểu bằng tiếng Anh của Hòa thượng đã gây xúc động lớn trong hội trường. Nhiều phái đoàn Âu Mỹ và một số các vị Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ đã đến gặp Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin băng ghi âm để nghiên cứu nội dung thông điệp qua tiếng nói đầy uy lực của vị Cao tăng Phật giáo đến từ Việt Nam. Các hãng thông tấn và báo chí quốc tế cũng đã loan tải rộng rãi với cảm tình sâu rộng.

Theo Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, để khai mở tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, cần thi hành ba biện pháp cụ thể : Một là “phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các Giáo hội không được công nhận”. Hai là “quyền phát hành một tờ báo độc lập tại Việt Nam, làm diễn đàn thảo luận dân chủ”. Và ba là “trả tự do cho tất cả những ai bị giam cầm vì chính kiến hay tín ngưỡng tôn giáo”.

Thoạt đầu Hòa thượng dự tính gửi thông điệp sang LHQ bằng băng video. Nhưng công an ở Saigon đã chận bắt Ðại đức Thích Nguyên Phương và tịch thu băng hình này hôm 29.3.2005. Ðại đức đã bị sách nhiễu, thẩm vấn, ép cung suốt hai ngày. May thay, với tinh thần quả cảm và vô úy, giới Phật tử Saigon đã thu lại thông điệp và gửi băng ghi âm đến LHQ kịp thời trước giờ khai mạc cuộc hội luận “Tự do tôn giáo tại Á châu bị bách hại”. Dưới đây là toàn văn bản Thông điệp do chúng tôi dịch ra tiếng Việt :

“Thưa quý Liệt vị,

“Tôi hân hạnh và hân hoan được góp tiếng hôm nay với quý vị để cùng gia công xây dựng một thế giới tự do và nhân quyền.

“Nhân quyền là quyền dành cho mọi người được sống trong tự do, được tôn trọng như những thành viên trong xã hội. Nhưng ở Việt Nam ngày nay chúng tôi không có tự do. Chúng tôi bị tù đày ngay trên quê hương của mình, chúng tôi bị tù đày ngay trong chùa viện, trong nhà cửa của chính mình. Chúng tôi là tù nhân của một chế độ có toàn quyền quyết định ai được ăn nói, ai phải im lặng, ai được tự do, ai bị bắt giam. Chúng tôi là tù nhân của một chế độ, mà dù chiến tranh đã chấm dứt từ 30 năm qua, nhưng chế độ ấy vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại nhân dân của mình, ngăn cấm không cho toàn dân hưởng các nhân quyền cơ bản.

“Ba mươi năm qua, nhà cầm quyền Cộng sản tìm đủ cách dập tắt mọi tiếng nói độc lập. Hiện tại, chẳng có đảng phái đối lập, không có báo chí độc lập, không có nghiệp đoàn tự do, xã hội dân sự cũng mất quyền hiện hữu. Tôn giáo nào không theo chính quyền đều bị ngăn cấm. Công dân nào lên tiếng đòi cải cách chính trị, đòi hỏi dân chủ hay nhân quyền đều có nguy cơ bị bắt.

“Vì không chấp nhận sự trạng ấy, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp một cách có hệ thống. Giáo hội bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, hàng giáo phẩm bị bắt bớ, Phật giáo đồ bị sách nhiễu.

“Trên 25 năm qua, Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và tôi bị tù đày, chỉ vì lên tiếng đòi hỏi nhân quyền cho quần chúng. Vào lúc thu âm lời phát biểu này, tôi vẫn còn sống trong tình trạng quản chế tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Công an canh gác tôi suốt ngày đêm. Ðường dây điện thoại của tôi bị cắt, mọi liên lạc bị theo dõi, quyền tự do đi lại bị cấm đoán. Bức thông điệp hôm nay thu âm trong hoàn cảnh bí mật, và các tín hữu Phật tử phải chấp nhận rủi ro nguy hiểm để tìm cách gửi sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, là những tổ chức tiếp tay cho thông điệp đến tai quý vị.

“Nhà cầm quyền Cộng sản quả quyết rằng chúng tôi không cần có tự do, họ cho rằng mở cửa thị trường là đủ đáp ứng mọi nhu cầu của quần chúng. Nhưng chính sách đổi mới kinh tế dưới sự kiểm soát độc đoán, là một thất bại thê thảm, làm phát sinh tình trạng chính trị và xã hội có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Tham nhũng nơi thượng tầng quốc gia, thao túng quyền hành, bất công xã hội, nạn bóc lột lao động tràn lan. Khoảng cách giàu nghèo tăng vọt, tệ nạn xã hội như thiếu niên phạm pháp, nạn ma túy, SIDA, nạn mại dâm thiếu nhi và buôn bán phụ nữ lan tràn. Trong một xã hội không tôn trọng pháp quyền, ngành tư pháp không độc lập, nhân dân chẳng biết trông cậy vào ai để chống lại sự lạm quyền, nên phải sống thường trực trong bất an, khổ sở và sợ hãi.

“Chúng ta làm gì đây để mang lại sự ổn định, hạnh phúc và phát triển cho nhân dân Việt Nam ? Qua thời gian dài sống trong tù ngục, tôi lắng lòng suy nghĩ và đi đến kết luận, là không còn con đường nào khác ngoài chuyện Việt Nam phải thực sự có tự do và dân chủ. Ðây là giải pháp duy nhất. Phải có dân chủ đa nguyên, quyền tự do bầu cử, quyền chọn lựa thể chế chính trị, được hưởng các quyền tự do, dân chủ – nói tóm, quyền định hướng cho tương lai của mình, định hướng cho vận mệnh dân tộc mình. Thiếu dân chủ đa nguyên, chúng tôi không thể chiến đấu chống nghèo khó và bất công, cũng không thể đem lại sự phát triển thực sự và tiến bộ cho dân tộc chúng tôi. Không có dân chủ đa nguyên, nhân quyền không được bảo đảm, bởi vì muốn bảo vệ nhân quyền, phải có các thiết chế dân chủ và pháp quyền che chở.

“Dân chủ đa nguyên vừa cần thiết vừa là sự sống còn cho các phong trào tôn giáo, cũng như cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các cuộc đàn áp tôn giáo sẽ chấm dứt khi tiến trình dân chủ khởi động. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có tài nguyên dồi dào về nhân lực, và có thể đóng góp rất nhiều cho sự phát triển đất nước nếu chúng tôi được tự do.

“Các nhà lãnh đạo cộng sản rất sợ hãi dân chủ, họ sợ dân chủ sẽ làm cho họ mất chính quyền. Nhưng điều gì quan trọng đây ? Khư khư nắm giữ quyền lực hay xây dựng một nước Việt Nam tự do và thịnh vượng ? Nhân danh chủ nghĩa dân tộc, độc lập hay phát triển kinh tế, chế độ cộng sản biện minh cho sự hiện hữu của họ. Nhưng trong thực tế, nắm chặt quyền hành mới là mối quan tâm hàng đầu của họ. Nắm chặt quyền hành và đặc quyền đặc lợi cho một thiểu số 2 triệu đảng viên cai trị trên đầu tuyệt đại đa số 80 triệu dân. Ðây chính là bi kịch của nước Việt Nam – với chủ trương nắm giữ quyền hành bằng mọi giá, nhà cầm quyền Hà Nội tàn phá đất nước và tiêu hủy bản sắc văn hóa Việt Nam.

“Chính vì lẽ đó, mà Phật giáo đồ chúng tôi và nhân dân Việt Nam thuộc mọi giai tầng xã hội cất lời kêu gọi khẩn thiết cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Bằng đàn áp, bạo động và tù đày, nhà cầm quyền tìm mọi cách dập tắt tiếng nói của nhân dân. Nhưng họ không thể dập tắt ý dân. Bởi ý dân là ý trời. Họ cũng không thể nào dập tắt mãi được. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động. Chúng tôi không ngừng đấu tranh cho đến ngày các ngưỡng vọng dân chủ được hình thành trên mảnh đất Việt Nam.

“Thông điệp này kêu gọi quý vị hãy giúp cho tiếng nói của chúng tôi lan truyền ra thế giới. Mỗi ngày, các nhà dân chủ Việt Nam phải đối diện với bao hiểm nguy để giữ cho ý chí tự do hiện hữu. Chúng tôi không sợ hãi, nhưng chúng tôi biết rằng không thể thắng trận một mình. Chúng tôi cần được cộng đồng quốc tế hậu thuẫn, chúng tôi cần các nhà dân chủ trên toàn thế gới hậu thuẫn.

“Yêu sách của chúng tôi thật vô cùng đơn giản : Chúng tôi kêu gọi cho sự phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các giáo hội không được công nhận. Ðược như thế chúng tôi mới có thể đóng góp cho nhân dân thịnh vượng. Chúng tôi đòi hỏi quyền phát hành một tờ báo độc lập tại Việt Nam, làm diễn đàn thảo luận dân chủ. Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho tất cả những ai bị giam cầm vì chính kiến hay tín ngưỡng tôn giáo. Ba biện pháp cụ thể này phải được xem như bước đầu khai mở tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

“Những mục tiêu này có thể hoàn tất, tôi tin chắc như vậy. Năm nay đánh dấu 30 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, mà cũng là “30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ”. Tôi hy vọng với sự hậu thuẫn của quý vị, năm nay sẽ là mốc đầu cho năm thứ nhất của tiến trình dân chủ nhằm đem lại hòa bình bền vững và tự do cho dân tộc Việt Nam.

“Xin quý vị nhận nơi đây lời cảm tạ và lòng biết ơn của tôi”.

Saigon, Thanh Minh Thiền viện
Sa môn Thích Quảng Ðộ

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *