PARIS, ngày 9.10.2013 (QUÊ MẸ) – Nhân dịp Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) khai mạc tại Nam Dương và những cuộc đàn áp cùng biến động xẩy ra tại Việt Nam gần đây, nhật báo nổi tiếng Hoa Kỳ, Wall Street Journal, số ra sáng thứ ba 8.10.2013 đăng bài xã luận của ông Võ Văn Ái dưới tựa đề “Việt Nam giả vở cải cách”.
Chúng tôi xin dịch bản Việt ngữ dưới đây công hiến Bạn đọc, và bản Anh ngữ đăng tiếp sau đấy :
Những nỗ lực ngoại giao gần đây của Hà Nội trùng với cuộc trấn áp thô bạo tự do ngôn luận trong nước
Võ Văn Ái
Chỉ trong vòng bốn tháng qua, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã mở cuộc tấn công ngoại giao chưa hề thấy. Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bôn ba qua mười nước, từ Nga, Trung quốc, Hoa Kỳ, Liên Âu và các nước khác, để thắt chặt đối tác chiến lược, tạo liên minh và tìm mọi cơ hội thiết lập giao thương và đầu tư nhằm tăng cường nền kinh tế ốm yếu của một quốc gia độc đảng.
Tuy nhiên cùng lúc với cơn lốc ngoại giao cấp cao, một cuộc tấn kích khác lại diễn ra tại Việt Nam. Một trong những cuộc trấn áp bạo hành nhất từ suốt thế hệ qua nhắm vào tự do ngôn luận, các bloggers hoạt động cho dân chủ và các nhà báo trực tuyến bị hành hung, sách nhiễu, đưa vào bệnh viện tâm thần, bắt giam và kết án tù nặng nề cho tới chung thân vì họ dám biểu tỏ lời phê phán chế độ.
Từ đầu năm 2013, đã có 51 nhà bất đồng chính kiến bị bắt và danh sách còn tăng cao. Tháng tám vừa qua, ông Võ Thanh Tùng, nhà báo đoạt giải thưởng nhà nước đã viết bài tố cáo cán bộ tham những, nhưng lại bị bắt và bị tố điêu ông ăn hối lộ. Đây là điều nhất quán trong con đường chiến lược của Hà Nội, kết tội những ai phê phán chính quyền bằng những điều luật phi chính trị như tham nhũng, nhằm che giấu bản chất chính trị của những bản án. Ông Lê Quốc Quân, một luật gia nhân quyền và blogger nổi tiếng khác, bị kết án 30 tháng tù giam hôm 2 tháng 10 vì tội trốn thuế. Công an mật vụ thường xuyên sách nhiễu các bloggers và gia đình họ.
Ngày 1 tháng 9, Nghị định 72 bắt đầu có hiệu lực, áp đặt những kiểm soát khắc nghiệt về tự do ngôn luận. Nghị định mới này cấm hàng loạt các hoạt động trực tuyến được định nghĩa khá mơ hồ, bó buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet ngoại quốc phải thông tin về khách hàng của họ cho chính quyền, và cấm các bloggers đề cập tin tức thời sự trên blogs tư nhân hay mạng xã hội.
Cuộc đàn áp trong nước cho thấy mối mâu thuẫn với những thông điệp tích cực mà Hà Nội tung ra trên trường quốc tế. Nhưng các bloggers tại Việt Nam lại cho rằng hai cách hành xử này nối kết trong cùng một chủ trương mà thôi. Giới lãnh đạo Hà Nội thừa hiểu họ cần thiết minh chứng sự cởi mở ở quốc nội nhằm đạt các lợi thế quốc tế, như làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (một nỗ lực vận động cho cuộc đầu phiếu tháng 11 này tại New York). Họ cũng mong chờ Liên Âu phê chuẩn Hiệp ước đối tác ký kết năm ngoái.
Với những cuộc đàn áp tiếp diễn như thế, nhà cầm quyền lại vô liêm sỉ trình diễn trò “cải cách” chính trị, vốn chẳng gây nguy hại gì cho sự thống trị của đảng. Hãy nghe lời bình luận của Chủ tịch Sang trong chuyến viếng thăm Đan Mạch gần đây, là một trong những nước viện trợ lớn nhất cho Việt Nam. Tại đây, lần đầu tiên chủ tịch Sang công nhận những khuyết điểm của chế độ và hứa sẽ cải tổ chính trị.
Hà Nội tìm cách tránh các “sai lầm” gần đây. Chẳng hạn, chiến dịch được quảng cáo rầm rộ về việc sửa đồi Hiến Pháp thời gian vừa qua, mà Đảng muốn chiếu luồng sáng mới, đã gây kết quả trái với sự mong đợi, khi có hàng nghìn công dân lập kiến nghị trực tuyến kêu gọi bỏ Điều 4 trên Hiến Pháp, là điều cho phép Đảng độc quyền chính trị. Hà Nội chỉ muốn thực hiện “cải cách” chính trị theo yêu sách của các nước phương Tây, với điều kiện lãnh đạo Đảng cầm chắc quyền kiểm soát tiến trình cải cách.
Dường như Đảng có lý do lo ngại chuyện xẩy ra cho quyền hành của họ, một khi việc bàn thảo tự do được cho phép. Mặc dù những ngăn cấm đó đây, đã có trên 10 triệu người Việt sử dụng Facebook, và số lượng người thủ đắc điện thoại cầm tay lớn gần hai lần hơn dân số. Đặc biệt giới trẻ dùng blogs và tiểu blogs để lẩn tránh nạn kiểm duyệt truyền thông của nhà nước. Giới này nêu bật những vấn nạn khẩn cấp như việc cải cách luật đất đai, nạn tham những, đàn áp tôn giáo, môi sinh thoái hóa, tranh chấp đường biên giới với Trung quốc, dân chủ và nhân quyền, tất cả những vấn nạn Việt Nam phải xử trí nếu muốn đất nước được phồn thịnh. Và quyền lực đảng thì dính líu vào tất cả những vấn nạn nầy.
Gièm pha mọi phê phán để gọi là bọn “đấy tớ của thế lực xấu”, là cung cách của Hà Nội, nhưng sự gièm pha này chẳng làm giảm đi giá trị các lời phê phán. Đưa tới tình trạng Hà Nội trấn áp khủng khiếp nhưng mong rằng giới lãnh đạo Tây phương hoặc không để ý, hoặc chấp nhận những hứa hẹn cải cách suông của Hà Nội nên chẳng bận tâm tìm hiểu.
Một chiến thuật khác nhằm cho phép sự ra đời của những đảng chính trị “sử dụng nhất thời” hầu tạo ra thứ dân chủ đa đảng để trang trí. Hà Nội đã sử dụng chiến lược này năm 2006 thời Việt Nam trông chờ làm thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là nước chủ nhà tổ chức Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Hà Nội. Ba đảng chính trị không cộng sản đã ra đời trước Thượng đỉnh APEC. Nhưng liền tức khắc bị dẹp bỏ, các vị lãnh đạo đảng bị bắt giam trọn gói vào tháng Hai năm 2007 sau khi Hà Nội đạt các mục tiêu. Đảng Dân chủ Xã hội được ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên ly khai có tuổi đảng cao, cho ra đời trong mùa hè vừa qua biết đâu không lâm cùng cảnh ngộ.
Đây là những điều cực kỳ trầm trọng mà giới lãnh đạo thế giới chớ bị đánh lừa. Có nhiều dấu hiệu khích lệ, chẳng hạn như sự kiên trì của các Dân biểu Hoa Kỳ phê phán chế độ thông qua sự ngược đãi các nhà bất đồng chính kiến như ông Quân hay blogger Điếu Cày. Chế độ Hà Nội rất cần thế giới bên ngoài về mặt kinh tế cũng như chính trị để nâng cao buôn bán, đầu tư và tăng cường sự hậu thuẫn vào lúc Biển Đông trở thành điểm nóng chiến lược. Nhân dân Việt Nam thì cần thế giới bên ngoài đặt điều kiện hậu thuẫn nếu Việt Nam chịu cải cách thật sự.