Năm 2016 là kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thường được gọi là Phật Giáo Quốc Doanh. Ngày 10/11/2016, Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức buổi kỷ niệm với tựa đề “Học Viện PGVN – 35 năm hội tụ và lan tỏa.” Trong buổi lễ kỷ niệm, HT Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường Trực Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nhắc nhở Giáo hội “phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.”
Có lẽ để một phần đáp ứng mục tiêu “chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” đó mà Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh đã khánh thành bốn Học Viện Phật Giáo trong 35 năm qua. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội là một trong bốn Học viện Phật giáo (Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Nam tông Khơ me tại Cần Thơ) trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra còn có 8 lớp Cao đẳng Phật học và 28 trường Trung cấp Phật học ở các tỉnh thành khác nhau trên cả nước.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn gần đây đăng thông báo tuyển sinh thạc sĩ Phật học khóa 2 dự kiến tổ chức vào tháng 3/2017. “Ba môn thi gồm : Phật học, Triết học Phật giáo và Mác-Lênin, Ngoại ngữ (Anh văn hoặc Hoa văn) trình độ B,” thông báo ghi. Thông báo nầy gây sự chú ý vì việc đem một lý thuyết chính trị duy vật vào chương trình thi cử của một học viện Phật Giáo. Thật ra, việc giảng dạy lý thuyết cộng sản trong giáo trình đào tạo tu sĩ Phật Giáo ở Việt Nam không phải là mới mẻ. Theo Đại đức Thích Quang Thạnh, Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện và cũng là người ký thông báo, “Trong đợt tuyển sinh thạc sĩ Phật học lần trước [năm 2012] có môn Mác-Lênin mà không thấy ai phản ứng gì.”
Trong chương trình Cử nhân Phật học, gần 10% chương trình học (6 tín chỉ) là dành cho triết lý Mác-Lênin. Ngoài ra còn có 33 tín chỉ là tiếng Anh (Conversations, Grammar and Exercises, Terminology), gần 50% chương trình dạy. Chương trình Anh ngữ nhấn mạnh vào cách phát âm, đối thoại và văn phạm, không liên quan đến Phật pháp. Đặc biệt, chương trình dạy còn có các môn Tâm Lý Học/Xã Hội Học (3 tín chỉ) và Quản Lý Hành Chánh (3 tín chỉ) cũng như Thuật Diễn Thuyết và Xướng Ngôn (3 tín chỉ). Tổng cộng các môn không liên quan trực tiếp đến Phật Giáo chiếm 62.5% của chương trình. Chúng tôi không có tài liệu cho các chương trình dạy cấp thạc sĩ hay tiến sĩ. Rất có thể là với thành phần ưu tú hơn, tỉ lệ giáo dục các “ngoại môn” cũng tăng lên.
Như vậy một tu sĩ với bằng cử nhân Phật giáo là một người có khả năng về Anh ngữ, biết về tâm lý và xã hội và có kiến thức về quản lý. Đây là mô hình của một người cán bộ tuyên huấn với lý thuyết cộng sản bổ sung với kiến thức Phật pháp, không phải là của một tu sĩ Phật giáo đạo đức và vị tha. Người cán bộ tuyên huấn này có đủ rèn luyện để đáp ứng mục tiêu “chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” do Mặt Trận Tổ Quốc chỉ đạo.
Cũng xin công bằng mà thưa rằng việc được (bị) giáo dục triết lý Mác-Lênin không khiến người đó thành cộng sản. Vì được đào tạo ở một học viện Phật giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có nghĩa là người tu sĩ Phật giáo đó không có căn cơ với đạo. Ở đây, chúng tôi chỉ bàn luận chi tiết của sự huấn luyện tăng ni do sự chỉ đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Cũng xin nêu ra ở đây một vấn đề để chúng ta suy nghĩ. Sau hơn 40 năm, cộng đồng Việt Nam khắp nơi thi nhau xây hàng trăm ngôi chùa. Tại sao chúng ta không xây ít nhất là một Học viện Phật giáo làm nơi tu học và đào tạo những bậc lãnh đạo tinh thần cho các chùa ? Chúng ta có là vô can chăng trong hoàn cảnh hiện tại ?
Để kết thúc, chúng tôi xin trích một đoạn trong Giáo trình Triết học Mác – Lênin được dùng trong các trường đại học, cao đẳng, trong đó có các học viện Phật Giáo, phát hành bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo :
“Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta “Đạo” được xem như quốc hồn, quốc tuý, được biến thành biểu tượng của truyền thống yêu nước, thương nòi. Yêu “đạo” được xem là yêu nước, vì đạo mà chiến đấu, mà hy sinh. Đã có biết bao tấm gương tử vì đạo, tức là hy sinh để bảo vệ độc lập cho đất nước. Nhưng vì “đạo” đó là thế giới quan cũ, không giúp hiểu được xu thế của thời đại, không hiểu rõ được kẻ thù của dân tộc, không chỉ ra được con đường hữu hiệu để cứu nước, vì vậy lúc bấy giờ yêu “đạo” bao nhiêu thì càng ngậm ngùi bấy nhiêu. Vấn đề đặt ra cho thời kỳ này là phải có một “đạo” khác ngang tầm với thời đại. Đó là một trong những điều kiện để chủ nghĩa Mác – Lênin du nhập vào Việt Nam.”
Tóm lại, chủ nghĩa Mác-Lênin mới chính là “đạo ngang tầm với thời đại” để các cán bộ tuyên giáo này “hoằng dương”, chứ không phải là đạo Phật hay một tôn giáo nào khác.
Xuân Hàn
————————-
Tài Liệu Nghiên Cứu
1. http://www.vbu.edu.vn/subjects/SP-134/Triet-hoc-Mac-Lenin.html
2. Chương Trình Giảng Dạy Khóa IX (2011 – 2013), Học Viện Phật Giáo tại TP Hồ Chí Minh
3. Giáo trình Triết học Mác – Lênin (Dùng trong các trường đại học, cao đẳng), Tái bản lần thứ ba có sửa chữa, bổ sung. Bộ giáo dục và đào tạo.