THÔNG CÁO BÁO CHÍ CHUNG
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH)
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR)
Liên đới Thiên Chúa giáo Toàn Cầu (CSW)
Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness)
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR), Liên đới Thiên Chúa giáo Toàn Cầu (Christian Solidarity Worldwide (CSW) và Nhân chứng Tòan cầu (Global Witness) mới nộp đơn khiếu nại lên bộ thương mại của Ủy ban Châu Âu, cho rằng việc Hà Nội đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền đang hoạt động về sự phát triển bền vững đã vi phạm Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA).
BRUSSELS, PARIS, ngày 4 tháng 2 năm 2025 –: Trong đơn khiếu nại gửi Điểm Tiếp Nhận Đơn (Single Entry Point) của Ủy ban Châu Âu, FIDH, VCHR, CSW và Global Witness đã phác thảo việc chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các tổ chức và các nhà đấu tranh bảo vệ sự phát triển bền vững đã vi phạm trầm trọng hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020.
“Chính phủ Việt Nam đang giam cầm những cá nhân bày tỏ quan ngại chính đáng về việc bảo vệ môi trường, các vi phạm quyền lao động và quyền đất đai, cũng như tác động xã hội-kinh tế của các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư. Cuộc đàn áp này không thể chấp nhận được và còn làm suy yếu việc giám sát hiệu quả các điều khoản phát triển bền vững của EVFTA”, bà Gaëlle Dusepulchre, Phó Giám đốc Ban Kinh doanh, Nhân quyền và Môi trường của FIDH cho biết.
“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam trả tự do tức khắc cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện vì đã vận động ôn hòa đòi hỏi nhân quyền, và yêu sách Hà nội tạo ra môi trường thuận lợi cho xã hội dân sự. Việt Nam đã cam kết duy trì các quyền này khi phê chuẩn EVFTA, nhưng không bao giờ tôn trọng lời hứa. Đã đến lúc Liên Âu bó buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm trắng trợn hiệp định thương mại. Các nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam phải được an toàn và tự do khi họ yêu cầu chính quyềo trách nhiệm giải trình, và đứng lên bảo vệ cộng đồng mình”, bàỶ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR phát biểu.
Một đặc điểm của các hiệp định thương mại hiện đại của Liên Âu là một chương về “thương mại và phát triển bền vững,” bó buộc các đối tác phải phê chuẩn và thực thi các công ước quốc tế về quyền lao động và môi trường, đồng thời cam kết bảo đảm sự tham gia của xã hội dân sự độc lập, bảo đảm tự do hiệp hội và quyền tiếp cận thông tin.
Nếu các quốc gia thành viên Liên Âu hoặc đại diện xã hội dân sự cho rằng những cam kết này đang bị vi phạm, họ có thể nộp đơn khiếu nại để Ủy ban Châu Âu xem xét và có hành động thích hợp. Các biện pháp áp dụng có thể dẫn đến việc ngăn chặn một số lợi ích kinh tế nhất định mà Việt Nam được hưởng theo EVFTA, hoặc đình chỉ toàn bộ Hiệp định.
“Liên Âu cần phải cứng rắn hơn trong việc yêu cầu các quốc gia tuân thủ những cam kết và nghĩa vụ trong các thỏa thuận thương mại sông phương – trong trường hợp của Việt Nam, Liên Âu phải đòi hỏi thực thi các điều khoản liệt kê trong chương Thương mại và Phát triển Bền vững của EVFTA. Tôn trọng các điều khoản này là phù hợp với cả lợi ích và giá trị của Liên Âu, trong đó có cả nhân quyền – một điều rất cần thiết vào thời điểm mà nhân quyền đang bị đe dọa nghiêm trọng tại Việt Nam”, ông Jonathan de Leyser, Chuyên gia Cấp cao về Liên Âu tại CSW nhận định.
Một cuộc tấn công toàn diện vào quyền lao động, đất đai và môi trường
Trong nhiều năm qua, chính phủ Việt Nam đã tăng cường vi phạm nhân quyền, trấn áp những tiếng nói đối lập nhằm bịt miệng mọi hình thức bất đồng chính kiến ôn hòa. Như Đơn Khiếu nại chứng minh, cuộc đàn áp này không phù hợp với các cam kết của Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế cũng như hiệp định EVFTA.
Kể từ năm 2021, Việt Nam đã mở rộng danh mục tội phạm để bắt bớ các nhà bảo vệ nhân quyền. Bên cạnh việc sử dụng các điều khoản mơ hồ về “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự, các cáo buộc mang động cơ chính trị về “trốn thuế” hoặc tiết lộ “thông tin mật” đã được sử dụng để bắt giữ các nhà lãnh đạo đấu tranh về biến đổi khí hậu và cải cách lao động. Chính quyền còn thông qua nhiều đạo luật hạn chế việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, như Nghị định 126/2024/NĐ-CP, đồng thời cản trở việc thành lập các công đoàn độc lập, và từ chối tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Theo các tổ chức nộp Đơn Khiếu nại, có rất nhiều người bảo vệ quyền môi trường, đất đai và lao động hiện đang bị giam giữ một cách tùy tiện tại Việt Nam. Đơn Khiếu nại ghi lại khoảng 40 trường hợp tiêu biểu về nam giới và phụ nữ đang phải chịu án tù từ ba năm rưỡi đến 20 năm vì hành động ủng hộ sự phát triển bền vững.
Một số các nhà đấu tranh bi giam giữ do chính những họat động trực tiếp với EVFTA. Năm 2019, Việt Nam bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng chỉ hai ngày sau khi ông gửi một tin nhắn video tới Quốc hội Châu Âu kêu gọi hoãn Hiệp định để chờ tiến bộ cụ thể về nhân quyền tại Việt Nam. Ông bị kết án 15 năm tù. Luật sư môi trường Đặng Đình Bách đã tích cực vận động cho xã hội dân sự tham gia vào Nhóm Tư vấn trong Nước (DAG), cơ quan có nhiệm vụ thảo luận và tư vấn về việc thực thi hiệp định EVFTA. Năm 2022, ông Bách bị kết án 5 năm tù.
“Chúng tôi cực lực lên án việc bắt giữ và bỏ tù những người bảo vệ đất đai và môi trường ở Việt Nam, dường như nằm trong một mô hình hình sự hóa rộng rãi đáng lo ngại, nhằm trừng phạt các nhà bảo vệ môi trường và nhân quyền. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt mọi hành vi đe dọa và quấy rối các nhà hoạt động, và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người còn bị giam giữ. Liên Âu phải đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền và môi trường cao nhất trong giao dịch với các đối tác thương mại toàn cầu, và phải có biến pháp mạnh mẽ và tức khắc đối với các đối tác không tuân thủ các tiêu chuẩn này”, Beate Beller, Nhà vận động tại Global Witness nhấn mạnh.
Ghi chú :
Bà Gaëlle Dusepulchre, Phó Giám đốc Ban Kinh doanh, Nhân quyền và Môi trường của FIDH, sẵn sàng phỏng vấn.
Liên lạc truyền thông :
FIDH: Lucia Posteraro | lposteraro@fidh.org | +33 7 81 21 26 05
VCHR: Penelope Faulkner | penelope.faulkner@gmail.com | +33 6 11 89 86 81
CSW: Jonathan de Leyser | jonathan@csw.org.uk | +32 4 56 16 95 61
Nhân chứng toàn cầu: Paul Hallows | phallows@globalwitness.org | +32 487 80 31 61