Trong buổi họp Trù bị tổ chức Ðại hội Khoáng đại kỳ III, Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó viện trưởng Viện Hóa Ðạo kiêm Chủ tịch Hội đồng Ðiều hành GHPGVNTNHN-HK – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, đã nhấn mạnh đến hai điều chính yếu phải quan tâm trong kỳ Ðại hội này : Nhân sự và tu chính Quy chế.
Ðặt vấn đề nhân sự làm trọng tâm, tức ý thức cấp thiết đến việc kế thừa truyền thống có từ gần ba nghìn năm trước. Hành động đầu tiên sau ngày Ðức Phật Thành Ðạo là gì ? – Ngài rời Bồ Ðề Ðạo tràng đi về thành Ba La Nại tìm lại nhóm ông Kiều Trần Như, tức năm hiền giả từng theo Phật tu khổ hạnh, nhưng sau đấy thối chí rẽ theo đường khác. Hành động ban đầu ấy của Ðức Phật nhằm thu tập và đào luyện nhân sự cho công cuộc mở mắt giác ngộ nơi trần thế. Từ nhân sự năm người ấy, mà Giáo đoàn được dựng lập để truyền thừa Chánh Pháp ra tới hằng trăm triệu người trên trái đất hôm nay.
Ngày nay, trong hay ngoài nước, vấn đề nhân sự càng khẩn thiết hơn bao giờ. Khẩn thiết vì hoàn cảnh khách quan đang lũng đoạn Tăng đoàn và ly gián giới Cư sĩ. Trong nước, hoàn cảnh khách quan đến từ một Ðảng cầm quyền phi Phật giáo. Ngoài nước, thì hoàn cảnh khách quan là sự phân cách địa lý và môi trường ly hương của cộng đồng ba triệu người Việt tị nạn.
Làm gì và làm ra sao nhằm biến hoàn cảnh khách quan đầy trở lực kia thành thuận duyên hoằng pháp ? Ðể cho trong nước, đạo Phật được tự do hành đạo hầu chận đứng sự suy thoái đạo đức và các tệ nạn xã hội, người theo đạo Phật được bình đẳng tham gia việc tái thiết quê hương trên mọi lĩnh vực của đời sống ; ngoài nước, thì đạo Phật Việt Nam hiện diện với thế giới trong xu thế từ bi, khai phóng và an lạc, như các cộng đồng Phật giáo Trung quốc, Nhật Bản, Tây Tạng từng thực hiện. Hẳn chúng ta còn nhớ vào đầu thế kỷ XX các Hội Phật học liên tục ra đời tại các nước Tây phương nhờ công đức hoằng hóa của Ngài Thái Hư, tiếp đến các trước tác, dịch thuật cùng sự dựng lập nhiều thiền trường của các Thiền sư Nhật Bản, và gần đây là công trình hoằng hóa vừa lan rộng vừa thâm sâu giáo lý của Ðức Ðạt Lai La Ma.
Sau hai mươi chín năm có mặt và xây dựng cộng đồng, đã đến lúc Ðạo Phật Việt Nam đem sắc thái đặc thù kinh trải hai nghìn năm của mình đóng góp vào nền văn minh tổng hợp của nhân loại. Ðưa con đường hóa giải và thực chứng của Phật giáo Việt Nam du nhập phương Tây, như lời nhắn nhủ và kêu gọi của Ðức Tăng Thống Thích Huyền Quang qua bức Thông điệp Phật Ðản 2548 năm nay : “Tôi xin kêu gọi Tứ chúng nhất tâm KHOAN HÒA và ÐỒNG NHẤT trước mối mâu thuẫn tranh chấp của thế nhân, như sự hiến cúng có ý nghĩa nhất trong ngày Phật Ðản. Vì từ sự hiến cúng này, mà con đường Hoằng dương Chánh pháp mới sẽ khai lộ từ quê hương Việt sang tới phương Tây. Do vậy, cần ý thức đến hiện trạng vong thân và vong quốc, hầu hiển lộ Pháp tánh giác ngộ và cứu khổ. Nhờ tính chất giác ngộ và cứu khổ mà Ðạo Phật vượt trên mọi biên thùy, vượt ngoài các dị biệt văn hóa, mở ra phương trời giải thoát cho mọi loài chúng sinh nơi tam thiên đại thiên thế giới”.
Làm gì và làm sao ?
Muốn làm gì và làm sao, tất phải có nhân sự thù ứng, vấn đề mà Ðại hội Khoáng đại kỳ III sẽ phải đặt ra và giải quyết, làm bước ngoặt mới cho Phật giáo Việt Nam trên thế giới. Ở xứ sở bức bách, nhân sự cần mang tinh thần vô úy, bất khuất. Ở đất tự do nhưng phồn tạp các món lợi dưỡng, thì nhân sự đòi hỏi sự bền gan và trí tuệ.
Từ nhân sự đến tu chính Quy chế, tuy hai hướng tiếp cận nhưng vẫn quy về một mối. Có nhân sự mà không có quy chế, nhân sự mất định hướng chỉ đạo. Có quy chế mà không có nhân sự, thì chẳng có ai thi hành công cuộc khế cơ khế lý vào thời đại.
Do đó, sự tham gia đông đảo Ðại hội Khoáng đại kỳ III của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo là nhiệm vụ xông xáo hàng đầu của người Phật tử hải ngoại. Tham gia đông đảo bằng số lượng các đơn vị, cơ sở, tổ chức, vùng miền, mà còn phải tham gia đông đảo bằng ý kiến, tài năng và tâm lực.
Ngoài vấn đề nhân sự và tu chính quy chế, chư Ðại Tăng và các Cư sĩ tham gia cuộc họp Trù bị tổ chức Ðại hội Khoáng đại kỳ III còn nêu ra một số vấn đề cấp thiết cần giải quyết trong kỳ Ðại hội này :
– Công cuộc vận động quốc tế rất thành công mang lại nhiều thành quả lớn, song cần có nội lực hậu phương, tức tổ chức cơ sở của Giáo hội ở hải ngoại, để tăng bội các thành quả kia ;
– Ðối đầu với một cộng đồng phân hóa, bị ly gián, cần một Giáo hội lành mạnh, hợp nhất để thực hiện cuộc trị liệu ;
– Năng động hóa Giáo hội, trẻ trung hóa tổ chức, như phương liệu xóa bỏ sự thờ ơ, rã rời trong cuộc sống mới bị bứng gốc ;
– Cách tân và mở rộng sinh hoạt thực tiễn của các Tổng vụ ;
– Ðẩy mạnh việc đòi hỏi phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành hiện thực trong nước ;
– Gia tăng hoạt động quốc tế đòi trả tự do cho Nhị vị lãnh đạo Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ cũng như hàng giáo phẩm cao cấp thuộc Hội đồng Lưỡng viện đang bị quản chế ;
– Hoạt trình khai thông các bế tắc xã hội của giới Cư sĩ.
Nhìn chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng và tình hình Phật giáo trong nước nói chung, đang bước qua một thời đại mới, đang từ trong bóng tối của sự đàn áp, truy diệt, bước sang sự hiện hữu khai thông. Lý do nội tại đến từ sự kiên cường đấu trí của hàng lãnh đạo ưu việt Giáo hội, nhưng phần giải tỏa quan trọng khác đến từ tình hình thế giới biến chuyển trên hai lĩnh vực ý thức hệ và cuộc sống mới. Ý thức hệ thì phong trào bạo lực cộng sản bị phá sản sau biến cố bức tường Bá Linh và đế quốc Liên Xô tan vỡ đầu thập niên 90, khiến cho chiến tranh lạnh chấm dứt, lưỡng cực phân tranh suy tàn. Cuộc sống mới thì nhờ công cuộc Toàn cầu hóa Kinh tế đang phá tan những rào cản phân chia, cố tín, tiến tới cuộc cộng tác quốc tế, vô hình trung dẫn tới công cuộc Toàn cầu hóa Dân chủ. Ðây chính là hậu phương chiến lược cho cuộc đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Ðiển hình cho tiền đồ mới ấy, người Phật tử Việt Nam chứng kiến hai sự kiện lịch sử trong cũng như ngoài nước. Trong nước, thì tháng 4 năm 2003, Thủ tướng Phan Văn Khải, cầm đầu một chính quyền độc đảng, tiếp Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, cầm đầu một Giáo hội Dân lập và truyền thống là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà chính quyền Cộng sản không ngừng ra sức tiêu diệt sau năm 1975. Dù sau sự kiện lịch sử ấy, biến cố Nguyên Thiều tháng 10.2003 dẫn đến sự đàn áp quy mô hàng giáo phẩm cao cấp của Giáo hội cho tới ngày hôm nay vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên sự kiện lịch sử nói trên cho khách bàng quang nhận ra một thực tại lịch sử : Nhà cầm quyền Cộng sản thất bại trong âm mưu tiêu diệt nền Phật giáo dân tộc. Bằng cách này hay cách khác, đã đến lúc nhà cầm quyền Cộng sản không thể gạt phăng yếu tố Phật giáo (của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) trong bài toán gỡ rối thảm trạng đất nước thông qua các liên hệ quốc dân cũng như quốc tế. Bởi vì, đối với dân tộc và thế giới, đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay như kẻ cụt tay đứng trước núi vàng.
Trên mặt quốc tế, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã tạo dựng được cuộc hậu thuẫn toàn cầu. Ðiển hình là hai Quyết nghị của Hạ viện Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu. Chỉ cách nhau trong một ngày, ngày 19.11.2003, Hạ viện Hoa kỳ thông qua Nghị quyết 427 với đa số áp đảo, sang ngày 20.11.2003 với đa số tuyệt đối Quốc hội Âu châu thông qua Quyết nghị về Tự do tôn giáo tại Việt Nam. Nội dung tương đồng giữa hai bản Quyết Nghị. Cả hai bản đều công nhận và hậu thuẫn triệt để Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có truyền thống 2000 năm, cả hai bản đều tố cáo quyết liệt chính sách đàn áp Phật giáo của Hà Nội. Cả hai bản đều yêu sách cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như các Giáo hội không được thừa nhận được phục hồi quyền sinh hoạt và có quy chế pháp lý bảo đảm, cũng như yêu sách trả tự do tức khắc cho nhị vị lãnh đạo Phật giáo : Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, cũng như các Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý, Ðại đức Thích Ðồng Thọ, v.v…
Muốn hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của hai Quyết nghị này, chúng ta có thể nhìn qua phản ứng của nhà cầm quyền cộng sản suốt mấy tháng sau đó. Xưa nay phản ứng ấy chỉ thông qua một lần phát ngôn phản bác của Bộ Ngoại giao Hà Nội. Nhưng lần này, thì người ta thấy Quốc hội được huy động, các vị chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Nhà nước bị đẩy ra tiền trường lên tiếng thay cho Ðảng hoặc viết văn thư phản bác hai Quốc hội Hoa Kỳ và Âu châu, hằng nghìn Tăng Ni và Phật tử được đổ xuống đường biểu tình phản đối, hằng trăm cuộc học tập phường khóm từ Bắc đến Nam tố cáo hai Quyết Nghị nói trên.
Khi nhà cầm quyền bó tay, thì phong trào quần chúng bù nhìn được đẩy ra đỡ đạn.
Sự lên tiếng đồng loạt bằng Nghị quyết của hai trung tâm quyền lực lớn nhất thế giới, Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu, mang lại cho chúng ta một ý nghĩa căn bản có tính chiến lược :
Trên và trước hết, đây là công luận thế giới chống lại ngụy luận khủng bố : 680 triệu tiếng nói chống lại 2 triệu đảng viên Cộng sản, đại biểu cho chính sách bất nhân và phi nhân. 680 triệu tiếng nói làm thành công luận thế giới, phát xuất từ 300 triệu công dân Hoa Kỳ thể hiện qua cơ quan đại biểu, vừa phát ngôn vừa lập pháp, là Quốc hội Hoa Kỳ, cộng với 380 triệu công dân thuộc 15 quốc gia thành viên của Liên hiệp Âu châu, mà cơ quan đại biểu, vừa phát ngôn vừa lập pháp, là Quốc hội Âu châu.
Chống lại công luận thế giới là Ðảng Cộng sản Việt Nam với lượng số 2 triệu đảng viên. Tuy nhiên, con số 2 triệu này lại không đồng nhất như 680 triệu người kia : con số trong các chế độ độc tài toàn trị chỉ là con số kế toán ; trái lại, con số trong các xã hội văn minh, dân chủ, là cứ liệu nhân văn. Cứ liệu nhân văn phổ biến trong các quốc gia tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và truyền thông thì chẳng mấy chốc nhân thành công luận toàn cầu, thành hậu thuẫn quốc tế, thành cuộc thanh viện tương lai.
Ấy là chưa nói đến một sự kiện vô cùng quan trọng vừa xẩy ra : Trong cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Ðốn hôm 15.9.2004, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin L. Powell công bố một danh sách 8 quốc gia trong thế giới cần đặc biệt quan tâm (Countries of particular concern, CPC) vì lý do đàn áp tôn giáo không ngừng tại các nước này. Việt Nam cộng sản bị liệt chung với Arabie Saoudite, Erythrée, Miến Ðiện, Trung quốc, Iran, Bắc Triều tiên và Soudan, là những nước “dùng các biện pháp độc tài toàn trị hay độc đoán để kiểm soát những hoạt động tín ngưỡng và nghi thức tôn giáo”. Ðây là lần đầu tiên Việt Nam bị liệt kê vào danh sách đen. Thế là, áp dụng Ðạo luật Tự do Tôn giáo trên toàn Thế giới (International Religious Freedom Act, IRFA) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998, kể từ đây Chính phủ Hoa Kỳ có thể sử dụng các biện pháp chế tài để phản đối những vi phạm tự do tôn giáo đồng thời thăng tiến bao dung tôn giáo trong thế giới đối với các nước bị liệt kê vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC). Những biện pháp này đi từ lên tiếng tố cáo công khai đến hạn chế sự đi lại của du khách (Hoa Kỳ), hoặc áp dụng những trừng phạt trên phạm vi tài chánh và kinh tế.
Từ hai sự kiện lịch sử nói trên cho thấy tiền đồ Phật giáo không còn tăm tối như trước nữa.
Vấn đề còn lại nằm trong tầm tay của người Phật tử Việt Nam : Chúng ta có biết, có chịu ÐẦU TƯ những thắng lợi lịch sử nói trên cho tiến trình giải trừ Pháp nạn và Quốc nạn hay không ?