ULAANBAATOR, ngày 29.4.2013 (QUÊ MẸ) – Nhận lời mời của Chính phủ Mông Cổ, Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã đến thủ đô Ulaanbaator tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ VII của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ (VII Ministerial Conference of the Community of Democracies).
Khai mạc vào hôm 27.4, Phái đoàn các chính phủ cấp Bộ trưởng của gần 100 quốc gia cùng với 134 đại diện các tổ chức Phi chính phủ, Xã hội dân sự của 52 quốc gia (Á châu 19 nước, Trung đông 4 nước, Phi châu 10 nước, Đông Tây Âu 15 nước, Bắc và Nam Mỹ 4 nước) đã về thủ đô Ulaanbaator tham dự.
Hội nghị Cấp Bộ trưởng lần thứ VII của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tại thủ đô Untaanbaator, Mông Cổ
|
Hai sự kiện quan trọng cho các Xã hội dân sự trên năm châu, đặc biệt tại các quốc gia độc tài, là sự ra đời của “Mạng lưới Dân chủ Châu Á” bao gồm các tổ chức Phi chính phủ và xã hội dân sự nổi danh có quá trình hoạt động lâu đời trên thế giới. Và bản “Tuyên bố 19 điểm khuyến nghị của Ban Thường vụ quốc tế các tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ”.
Phái đoàn Quê Mẹ và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực cho hai sự kiện nói trên.
Mạng lưới Dân chủ Châu Á ra đời bổ khuyết những thiếu sót hay những công tác chưa hoàn thành trong quá khứ của các xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ hiện hữu. Đồng thời thích nghi với tình hình mới của thế giới và phong trào dân chủ đang lên tại Châu Á.
Mạng lưới Dân chủ Châu Á là sự họp thành và hoạt động của 4 cơ cấu : Nhóm chuyên gia cố vấn (Think-tank), Tổ chức Phi chính phủ / Xã hội dân sự, Giới chức chính quyền, và các đại biểu Quốc hội. Mọi hành động dân chủ tại các quốc gia dân chủ, dân chủ đang lập thành, hay còn độc tài, muốn được hữu hiệu đều phải nương tựa vào sự tương trợ của bốn thành phần nói trên hợp đồng.
Sự ra đời của Mạng lưới Dân chủ Châu Á đã chính thức qua cuộc gặp gỡ của Mạng lưới với đại diện chính phủ các nước chiều ngày 28.4, và được sự hoan nghênh, chào đón cũng như hỗ trợ của các quốc gia dân chủ trong thế giới. Sự hậu thuẫn của các chính phủ các châu nói lên ý nghĩa toàn cầu, với sự có mặt của các thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao các nước Mông Cổ (Tổng thống), Thái Lan, Hoa Kỳ (Thứ trưởng William J Burns), Czeck, Tunisia, Indonesia, Ba Lan, Hungary, Costa Rica (Phó Tổng thống), Nigeria (Phó tổng thống), Bhutan, Thụy Điển, El Savador, bà Katherine Aston, Ngoại trưởng Liên Âu, ông Kassim-Jomart Tokayeb Phó Tổng thư ký LHQ kiêm Tổng giám đốc LHQ trụ sở Genève, hai Giải khôi nguyên nobel Hòa bình Cô Tawakhol Karman và bà Aung Sang Suu Kyi, v.v…
Ông Võ Văn Ái tán thán Mạng Lưới Dân chủ Châu Á rằng :
“Sự ra đời của Mạng lưới độc nhất này vô cùng trọng yếu. Đối với nhân dân Việt Nam, đây là sự kiện hợp thời thời và đúng lúc. Ngày mai, là ngày 30 Tháng Tư, đáng dấu 38 năm kết thúc chiến tranh, nhưng cũng đồng thời Việt Nam thống nhất chui vào tròng ách độc tài Cộng sản. Gần bốn thập niên, nhân dân Việt Nam kêu gào cho dân chủ và các quyền cơ bản, nhưng đã có biết bao người hy sinh gục ngã trong cuộc đấu tranh. Hôm nay đây 32 bloggers và nhà báo trực tuyến, các nhà hoạt động dan chủ, đa số thuộc giới thanh niên, phải chịu những án tù khắc nghiệt lên tới 16 năm tù giam chỉ vì họ biểu tỏ lý tưởng dân chủ. Hà Nội vẫn tiếp tục trấn áp mặc bao nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam hứa hẹn.
Tôi tin rằng Mạng Lưới Dân chủ Châu Á sẽ đóng góp tích cực để hậu thuẫn và kiện toàn tiến trình dân chủ đang lên tại Việt Nam, và tôi sẽ hỗ trợ hết mình cho Mạng lưới mà tôi là thành viên để đóng góp hữu hiệu”.
Tại cuộc họp thảo bàn bản Tuyên ngôn khuyến nghị các chính phủ của Ban Thường vụ quốc tế các tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, mà ông Võ Văn Ái là Ủy viên, ông Ái đã trình bày tình trạng phi dân chủ tại Việt Nam cùng những vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với các bloggers, công dân mạng cũng như đàn áp các tôn giáo, đặc biệt đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và việc quản chế Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Bản tuyên ngôn 19 điểm khuyên thỉnh các chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, ngoài những vấn đề quốc tế bảo vệ xã hội dân sự toàn cầu, còn lưu tâm đến các sự trạng khu vực, trong đó có Việt Nam như :
– Yêu cầu tất cả các chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ công khai tố cáo những áp lực đè nặng trên các Xã hội dân sự đặc biệt tại Nga, Axerbaijan, Ethiopa, Iran, Việt Nam, Venezuela, Trung quốc, Barhain, Zimbabwe và Ai Cập, nơi các tổ chức Phi chính phủ bị chính quyền sách nhiễu và kết tội “đặc tình của nước ngoài”, “phá hoại an ninh quốc gia”. Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ phải tố cáo những ai chụp mũ và trấn áp các tổ chức Phi chính phủ hoạt động chính đáng cho nhân quyền và dân chủ khi lấy cớ những tổ chức này nhận được sự tài trợ của các đối tác quốc tế.
– Kêu gọi tất cả các chính phủ bảo trợ toàn triệt cho sự điều hành và an ninh của các xã hội dân sư độc lập, bởi vì xã hội dân sự không thể thiếu vắng trong chức năng dân chủ và quản lý quốc gia hoàn hảo.
– Kêu gọi Hội đồng điều hành Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ và các chính phủ trong Cộng đồng tỏ tình liên đới và dự phòng việc bảo vệ các nhà hoạt động xã hội dân sự bị đàn áp, cũng như xác nhận Quyết nghị ngày 21.3.2013 của Hội đồng Nhân quyền LHQ bảo vệ những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, qua đó kêu gọi sửa đổi các bộ luật quốc gia nhằm đàn áp các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, cũng như các điều luật hạn chế các tổ chức Phi chính phủ nhận sự tài trợ quốc tế.
– Khuyến khích công tác trọng yếu của Tổ hành động của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, đặc biệt trên vấn đề Giáo dục dân chủ, bình đẳng giới tính, khai thông và bảo vệ Xã hội dân sự, đồng thời kêu gọi sự thành lập các Tổ hành động cho vấn đề Tự do tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện tự do, Bầu cử, và Tự do tryền thông, kể cả truyền thông theo lệ thường hay trực tuyến.
Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ra đời năm 2000 do sáng kiến của hai vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ba Lan bà Madeleine Albright và ông Bronislav Geremek, mà trong diễn văn khai mạc hội nghị, bà Maria Lessner, cựu Đại sứ Thụy Điển về Dân chủ, đương kim Tổng thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, cả tụng hai người “là con đẻ của Thế chiến thứ hai, với sự trải nghiệm cá nhân qua những đàn áp, độc tài toàn trị, và những ý thức hệ diệt chủng. Họ thấy ra rằng để ngăn ngừa cơn ác mộng khủng bố cho thế hệ tương lai, các nhà dân chủ cần phải cùng nhau cộng tác, tương trợ lẫn nhau và trao đổi ý kiến để tiếp tục cuộc đấu tranh. Đây là lý do họ thành lập Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, giúp cho thiên kỷ mới học bài học quá khứ để soi sáng cho tương lai.
“Nhưng họ không chú tâm riêng cho cộng đồng các chính phủ. Dân chủ đan dệt từ nhiều sợi tơ và màu sắc khác nhau, đây là cơ sở cho sức mạnh và bền vững. Xã hội dân sự là một trong những sợi tơ này. Do vậy mà Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ bao gồm cả yếu tố của các tổ chức Phi chính phủ, tập họp quanh những nhà lãnh đạo xã hội dân sự quốc tế đại diện các khu vực trên thế giới”.
Bà Maria Lessner cũng nhận định tình hình hình Châu Á như sau :
“Dân chủ đang dâng lên ở Châu Á. Dân chủ đang thắng trận. Không với sự nổ bùng khởi nguyên, mà theo phương cách Á châu, bước từng bước một. Hội nghị cấp Bộ trưởng hôm nay đang chứng kiến sự xuất hiện của một Mạng lưới Châu Á của các Quốc gia Dân chủ, như bộ phận tương ứng của các xã hội dân sự, như một đóng góp của Mông Cổ hậu thuẫn cho sự lớn dậy của nền dân chủ Châu Á.
“Nhưng cũng có những đám mây đen. Cộng đồng các quốc gia không có tự do đang càng lúc càng mạnh, chia sẻ cho nhau cách hành xử đàn áp xã hội dân sự hay phối trí tấn công chống lại tự do Internet, tuy chưa rõ nét nhưng họ kiên định giảm thiểu sự tự do lập hội và tự do truyền thông. Các nhà báo càng lúc càng bị lâm nạn và bị tấn công hơn bao giờ. Lý do rất giản dị. Cộng đồng các quốc gia không có tự do chẳng có chung biểu giá trị, không có chung ý thức hệ, không theo tôn giáo. Họ buộc chung với nhau trong việc xâm chiếm lợi quyền và quyết không để cho quyền bính bị đánh mất. Họ chia chung kẻ thù với nhau. Kẻ thù của họ là bầu cử tự do, truyền thông phê phán, xã hội dân sự và cá nhân biểu tình trên đường phố. Toàn là những điều gây nguy hại cho bọn lãnh đạo không chấp nhận tự do.
“Chúng ta sẽ bàn thảo những điều này trong những ngày tới với các Bộ trưởng các chính phủ cùng với các đại biểu các xã hội dân sự, và Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm tự do lập hội. Chúng ta sẽ đề ra phương cách lật ngược xu hướng trên đây”.
Cố vấn Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Xã hội dân sự và các quốc gia dân chủ vừa xuất hiện, ông Tomicah Tilleman phát biểu trong lễ khai mạc cũng nhấn mạnh :
“Chúng ta đang đối diện trước sự đổi thay kỳ diệu. Và chúng ta sẽ có cơ hội trong những ngày tới bàn các phương cách thay đổi trong thế giới. Công trình và sự hy sinh của biết bao thế hệ dẫn dắt chúng ta tới đây. Nhân danh dân chủ chúng ta hãy vinh danh giây phút này. Nước chủ nhà Mông Cổ vừa cho chúng ta một cơ hội tối hậu. Bây giờ là lúc chúng ta bắt tay làm việc”.
Kết thúc lễ khai mạc, Chủ tịch Diễn Đàn Dân biểu các Quốc hội cho Dân chủ, ông Emanuelis Zingeris nói lên kinh nghiệm của những quốc gia từng sống khổ đau, mất nhân phẩm dưới chế độ Cộng sản :
“Tôi đến từ Lithuania. Chúng tôi đã phải sống năm, sáu chục năm dưới chế độ độc tài Cộng sản. Trong khoảng thời gian 50 năm ấy, chúng tôi hiểu ra rằng thực tại dưới chế độ độc tài không phải là thực tại của chúng tôi. Chúng tôi đã cố công đối kháng từng ngày để tự bảo với chúng tôi rằng, không, không thể tự biến mình thành thực tại của cộng sản. Cứ thế, chúng tôi đối kháng mỗi ngày.
“Lý do vì sao năm 1990, chúng tôi đã hủy bỏ nhanh chóng đảng Cộng sản để trở thành quốc gia dân chủ và gia nhập Liên Âu. Tôi hãnh diện nói rằng Lithuania trở thành Chủ tịch luân phiên của Liên Âu năm 2013. Tôi cũng tự hào để nói rằng Lithuania đã từng được chọn làm Chủ tọa Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ.
“Hôm nay chúng ta gặp nhau tại một nước dân chủ Châu Á, Mông Cổ, tôi kêu gọi các quốc gia dân chủ ở Châu Á hãy giúp đỡ cho các nước ở Châu Á đang phấn đấu để thiết lập dân chủ.
“Chúng tôi rất quan ngại cho tình hình Bắc Hàn, là ví dụ tiêu biểu của một chế độ độc tài Cộng sản bạo hành. Đồng lúc chúng tôi phấn khởi với nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi ở Miến Điện. Thật lạ thường khi thấy nhiều Dân biểu Quốc hội Miến tấp nập sang Brussels gặp gỡ chúng tôi tại Hội đồng Châu Âu. Họ không thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi mà thuộc đảng đa số đang cầm quyền. Nhưng chính bà Aung San Suu Kyi chứ không ai khác đã mở cánh cửa cho các thành phần khác trong xã hội đến tiếp cận chúng tôi. Đây là yếu tố vô cùng trọng đại, và chúng tôi kỳ vọng sẽ đến lượt Việt Nam nối gót theo”.
Ký giả Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do đã phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ, ông Luvusanvadan Bold, về vấn đề Việt Nam, và khi hỏi rằng Mông Cổ đã đóng góp như thế nào cho dân chủ, sự kế thừa cho dân chủ nói chung và cho dân chủ Châu Á nói riêng ? Ông đáp :
Ngoại trưởng Luvusanvadan Bold
|
Ngoại trưởng Luvusanvadan Bold : Là một quốc gia dân chủ mới, chúng tôi chuyển hóa từ chế độ độc tài toàn trị sang dân chủ. Đây là một trải nghiệm mà chúng tôi có thể chia sẻ với nhiều quốc gia khác có mặt trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ hôm nay. Sự kế thừa của chúng tôi là làm cho bất cứ ai mang trong mình mối hy vọng đều có thể trở thành một quốc gia dân chủ. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một quốc gia dân chủ, bất cứ ai đều có may mắn hoàn thành tiến trình dân chủ hóa. Chúng tôi tin rằng sự ra đời của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ rất quan trọng, bởi vì nó mang trong mình những giá trị toàn cầu, và chúng tôi có thể đem chia sẻ những giá trị này với mọi người.
Ỷ Lan : Cuộc phỏng vấn này sẽ được phát sóng về Việt Nam. Ngoại trưởng có thể nói gì về Việt Nam hôm nay ?
Ngoại trưởng Luvusanvadan Bold : Vâng, 23 năm trước đây, chúng tôi là thành viên của Cộng đồng các Quốc gia Cộng sản. Hôm nay, Mông Cổ là một thành phần trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ. Điều này không có nghĩa là tình hữu nghị Việt – Mông đã thay đổi. Chúng tôi vẫn còn hợp tác chặt chẽ với nhau. Thực tình tôi nghĩ rằng hai nước có thể cùng nhau học hỏi. Chúng tôi có thể chia sẻ với nhân dân Việt Nam những giá trị dân chủ mà chúng tôi đã tái tạo ở Mông Cổ. Dân chủ bao hàm nhân dân, trao cho nhân dân thực quyền. Dân chủ là trao cho nhân dân mọi quyền cơ bản mà họ phải được hưởng. Tôi nghĩ rằng sự tiến triển tại Việt Nam đang bước tới từng bước một, và tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ chấp nhận chia sẻ với chúng tôi những giá trị dân chủ.
Ỷ Lan : Ngoại trưởng có tin rằng một ngày nào đó Việt Nam sẽ là một nước dân chủ không ?
Ngoại trưởng Luvusanvadan Bold : Chắc chắn thế, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Ngoại trưởng.