PARIS, ngày 5.7.2008 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế kính xin khấp báo đến chư Tôn đức Tăng, Ni, dồng bào Phật tử và đồng bào các giới Cáo Bạch sau đây của Hội đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng thống và Viện Hoá Đạo) Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất :
Môn đồ pháp quyến cùng Tăng chúng Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định
ĐAU BUỒN KHẨN BÁO :
Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Viện Tăng thống
Ban chỉ đạo Viện hóa đạo GHPGVNTN
Văn Phòng II Viện Hoá Đạo GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ và các Châu lục
Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni
Cùng toàn thể Phật tử các giới trong và ngoài nước
Đức Đại lão Hòa thượng thượng HUYỀN hạ QUANG, đệ tứ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ; Viện chủ Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định. Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dầu đã được các y, bác sĩ, Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN, Môn đồ pháp quyến tận tình chăm sóc, chữa trị nhưng vì tuổi cao, sức yếu, Đức Tăng thống đã xả báo thân lúc 13 giờ 00 ngày 05 tháng 07 năm 2008 , tức mùng 03 tháng 06 năm Mậu Tý, trụ thế 89 năm, pháp lạp 69.
Lễ nhập Kim quan lúc 08 giờ 00, ngày 06-07-2008 (mùng 04 tháng 06 năm Mậu Tý) tại Tu viện Nguyên Thiều, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Lễ cung nghinh Kim quan nhập Bảo Tháp lúc 07 giờ 00 ngày 11- 07- 2008 (mùng 09 tháng 06 năm Mậu Tý) trong khuôn viên Tu viện Nguyên Thiều.
Thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện cùng Môn đồ pháp quyến, chúng tôi trân trọng cáo bạch đến chư tôn giáo phẩm, chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, toàn thể Phật tử các giới trong và ngoài nước được biết và nguyện cầu giác linh Đức đệ tứ Tăng Thống CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC.
TM Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN
và Môn Đồ Pháp Quyến
Viện Trưởng Viện Hóa Đạo
GHPGVNTN
(ần ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Sau đây Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin cung cấp bản tiểu sử rút ngắn và sơ bộ của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang. Trong buổi Lễ Thọ tang do Văn phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức trong vài ngày tới đây, chúng tôi sẽ cung cấp Tập Kỷ Yếu về Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, qua đó bản tiểu sử đầy đủ cùng những văn kiện chính yếu mà Đức Tăng thống đã viết ra trong thời gian 33 năm của cuộc vận động dân tộc đòi phục hồi Quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN, và dân chủ, nhân quyền cho quê hương, kèm theo “Bản Tự thuật” do chính Ngài viết ra và gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến.
ĐỨC ĐỆ TỨ TĂNG THỐNG THÍCH HUYỀN QUANG
Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đệ tứ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thế danh Lê Đình Nhàn, sinh ngày 8 tháng 8 Canh Thân, tức 19 tháng 9 năm 1920, tại làng Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, con thứ tư của cụ Lê Vỵ và bà Ngô Thị Tư cùng ở làng Háo Đức.
Gia đình Ngài có truyền thống Nho học ba đời. Ông nội là một nhà Nho dạy học, thân sinh ngài cũng là một nhà Nho chữ đẹp nổi tiếng trong làng. Gia đình vào bực trung lưu. Ngài có một người chị thứ ba và ba người em (đều chết trẻ).
Ngài thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế Chánh Tông.
Thừa hưởng truyền thống cư Nho mộ Thích, năm lên 13 tuổi, cụ thân sinh cho Ngài đến chùa học thuốc Đông y với Hòa Thượng Chí Tâm, vị Đông y sĩ nổi tiếng, trú trì chùa Vĩnh Khánh. Hòa thượng thấy Ngài giỏi chữ nho, thông tuệ khác thường nên không dạy thuốc mà dạy kinh luật, rồi xuống tóc xuất gia cho ngài.
Năm 1925-1932 : Ngài học chữ Nho tại nhà.
Năm 1932-1935 : Ngài thụ giáo với Hòa thượng Vĩnh Khánh, được ban pháp danh Như An, pháp tự Giải Hòa. Thọ sa-di giới năm 1935, thủ khoa trong tập chúng. Cũng năm này Hòa thượng Vĩnh Khánh viên tịch (30.9.1935).
Năm 1935-1937 : Ngài đầu giáo Hòa thượng Bích Liên và được phú pháp hiệu Huyền Quang, pháp danh Ngọc Tân, pháp tự Tịnh Bạch.
Do tư chất đặc biệt xuất chúng, mà Ngài được đặc cách miễn tuổi để thọ Tam đàn Cụ túc và Bồ tát giới vào năm 17 tuổi (1937) tại giới đàn chùa Hưng Khánh, thuộc quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định, do Hòa thượng Chí Bảo làm Đàn đầu. Từ đó tới nay Ngài lấy pháp hiệu Huyền Quang. Kỳ sát hạch này Ngài cũng đậu thủ khoa.
Trong vòng bảy năm, từ năm 1938 đến 1945, Ngài tầm sư học đạo qua các nơi : Học đạo với Hòa thượng Bích Liên ; học đạo với Hòa thượng Minh Tịnh, Bạch Sa ở chùa Long Khánh, Quy Nhơn ; sau khi học xong ở Phật học đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh, Ngài ra đất Thần kinh Huế tòng học tại Phật học đường Báo Quốc cùng với các Pháp hữu Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thiện Siêu, Trí Quang, Thiện Minh, v.v… Mùa hè năm 1945, Ngài về quê nghỉ hè, dự tính sau rằm tháng bảy ra Huế học tiếp thì bị kẹt vì chiến tranh. Lúc ấy, Nhật đe dọa đổ bộ ở Sa Huỳnh nên không đi được.
Tháng 8 năm 1945, Ngài tham gia kháng chiến chống Pháp giành độc lập dân tộc và thành lập Phật giáo Cứu quốc ở Liên khu 5, giữ chức vụ Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phật giáo Liên khu 5, trụ sở đặt tại tỉnh Bình Định. Lúc bấy giờ, Phật giáo được tổ chức thành hàng ngũ quy mô. Ở cơ sở hạ tầng, phật tử chia ra từng nhóm 3 người đến 12 người, tổ chức thành Vức Hội ở cấp thôn, Khuôn Hội ở cấp xã, Chi Hội ở cấp huyện, lên đến Tỉnh. Do tổ chức quy mô và quản lý chặt chẽ như thế nên bị chính quyền cách mạng lâm thời nghi kỵ và theo dõi ngài.
Đầu năm 1951, Ủy ban Kháng chiến liên khu 5 mở cuộc họp do Mặt trận Liên Việt chủ trì. Tại cuộc họp này, ông Chủ tịch Mặt trận tuyên bố : “Sinh hoạt Phật giáo phải theo mô thức một Hội đoàn như các hội đoàn thanh niên, phụ nữ, lão thành, từ mẫu, nông dân, v.v…”. Ngài liền lên tiếng phản đối : “Phật giáo chúng tôi là một tôn giáo quy tụ đủ mọi thành phần trí thức, nông dân, nam, phụ, lão, ấu. Sinh hoạt theo hệ thống tôn giáo với mục đích hoằng dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh. Như vậy, thì làm sao ông Chủ tịch lại phân hóa tôn giáo chúng tôi thành những hội đoàn nhỏ bé ?”. Kể từ sau lần phát biểu ấy, chính quyền theo dõi Ngài chặt chẽ. Sau đó ngài bị bắt, bị an trí ở nhà dân tại Phù Mỹ một thời gian, rồi đưa ra an trí ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, tổng cộng 4 năm trời. Công an Liên khu 5 bắt ngài đi an trí xong, Mặt trận Liên Việt triệu tập Tăng, Ni, Phật tử, tu sĩ, giáo dân các tôn giáo khác cùng nhân dân các tỉnh, thành, quận, huyện đến các cơ quan tố Ngài đủ thứ tội, kể cả tội Ngài “làm tay sai cho thực dân Pháp” (sic). Một tháng trước ngày đình chiến theo Hiệp định Genève (20.7.1954) Ngài được trả tự do. Giấy phóng thích ghi “Sự an trí không cần thiết nữa, nay cho đương sự về quê quán sinh hoạt bình thường…”, nhưng không kê các tội danh vi phạm như tội “làm tay sai cho thực dân Pháp”.
Thời gian từ 1955 đến 1957, Ngài hướng dẫn đoàn Tăng sinh Bình Định gồm 12 vị, là quý Thầy Đồng Thiện, Đổng Minh, Đổng Quán, Đồng Từ, Tâm Hiện, Liễu Không, Nguyên Trạch, Ngưỡng Quang, Từ Hạnh, Thiện Nhơn, Thiện Duyên, Tâm Lâm và đạo hữu Như Bửu vào Nha Trang theo học tại Phật học đường Nhatrang do Ngài làm Giám đốc, tiền thân của Phật học Viện Trung phần.
Năm 1958 cùng với chư Tăng, Ngài khai sáng Tu viện Nguyên Thiều, thành lập Phật học viện Nguyên Thiều do Ngài làm Giám viện cho đến ngày hôm nay.
Từ 1958 đến 1962, Ngài giữ chức Phó Hội trưởng Hội Phật học Trung phần kiêm Hội trưởng Hội Phật giáo Thừa thiên – Huế, văn phòng đặt tại chùa Từ Đàm.
Năm 1962, Ngài làm Hội Trưởng Hội Phật Giáo Bình Định.
Do sự kiện chế độ nhà Ngô kỳ thị và đàn áp Phật giáo, năm 1963 Ngài tham gia cuộc vận động giải trừ Pháp nạn và yêu sách xóa bỏ Dụ số 10. Dụ số 10 ban hành dưới thời Pháp thuộc, liệt một tôn giáo lớn có hai nghìn năm lịch sử như Phật giáo vào quy chế sinh hoạt như một Hiệp hội thế tục. Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra đời lãnh đạo cuộc đấu tranh, đặt dưới sự lãnh đạo tối cao của Đức cố Đệ nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết và do Hòa Thượng Thích Tâm Châu làm Chủ tịch, cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm Phó chủ tịch, Ngài làm Tổng thư ký kiêm Trưởng khối soạn thảo tài liệu đấu tranh và phổ biến ra toàn quốc. Tình hình đấu tranh lên cao điểm, nhất là sau cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức hôm 11.6.1963 gây chấn động thế giới, Tổng thống Ngô Đình Diệm đành nhượng bộ thương thuyết trong ba ngày tại Hội trường Diên Hồng vào trung tuần tháng 6.1963 giữa hai bên chính quyền và Phật giáo. Ủy ban Liên Bộ phía chính quyền do Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ cầm đầu cùng với hai ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Phủ Tổng thống và Bùi Văn Lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Phái đoàn thuộc Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo do Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh làm Trưởng phái đoàn, Ngài làm Thư ký cùng với nhị vị Hòa thượng Thích Tâm Châu và Thích Thiện Hoa làm đoàn viên. Sau ba ngày hội họp, một bản Thông cáo chung ra đời ngày 16.6.1963. Nhưng Thông cáo chung này chỉ là kế hoãn binh giúp chính quyền thoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng Phật giáo để tiếp tục cuộc đàn áp quy mô hơn.
Vào nửa đêm 20.8.1963, Chính quyền Ngô Đình Diệm tung “Kế hoạch Nước lũ” bố ráp Tăng, Ni trên toàn quốc, tập trung đặc biệt vào hai thành phố Saigon và Huế, Ngài bị bắt cùng với hàng nghìn Tăng Ni. Sau chính biến 1.11.1963, Ngài mới được trả tự do.
Cuộc đấu tranh hoàn tất, Đại hội Phật giáo toàn quốc tổ chức tại Saigon từ 31.12.63 đến 4.1.64, và do Dụ số 10 bị hủy bỏ trên nguyên tắc, nên danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được ra đời, kế tục công cuộc truyền thừa Chánh pháp của “Giáo hội Dân lập” từ xưa và “Tổng hội Phật giáo Việt Nam” trước đây, một tổng hội thống nhất Phật giáo ba miền Bắc Nam Trung tại đại hội ở chùa Từ Đàm, Huế, năm 1951. Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Tổng thư ký Viện Hóa Đạo kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ.
Năm 1964, Ngài đi Thái Lan tiếp xúc và liên lạc các chùa Việt ở thủ đô Bangkok đồng thời hành hương các thánh tích, thắng cảnh Phật giáo Thái.
Năm 1970, Ngài đại diện Viện Hóa Đạo tham dự Đại hội các Tôn giáo Thế giới vì Hòa bình lần thứ nhất tại Nhật Bản. Đại hội này do các tôn giáo lớn như Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, v.v… chủ trì.
Năm 1971, Ngài đi hành hương Ấn Độ, chiêm bái các Phật tích : Đản Sanh, Rừng Khổ Hạnh, Sông Ni Liên, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật Thành Đạo, Vườn Lộc Uyển ở Ba La Nại, nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, Sala Song Thọ nơi Phật nhập Niết Bàn. Ngài cũng viếng sông Hằng, sông Hindu và đến chân núi Hy Mã Lạp Sơn thăm cổ thành Ca Tỳ La Vệ ở Népal, quê hương Đức Phật, cùng nhiều thánh tích khác như Xá Vệ, Kỳ Viên, Vương Xá, Linh Sơn, Trúc Lâm, Tháp Ca Diếp, thành Tần Bà Sala nơi A Xà Thế giam cha, làng Ngài Xá Lợi và Ngài Mục Kiền Liên. Thời gian chiêm bái ấy, Ngài tạm trú tại Trường Đại học Nalanda, nơi xưa kia ngài Trần Huyền Trang Đời Đường đến học đạo. Khi đến thành Ba la nại Ngài tạm trú ở chùa Trung Hoa và được Hòa thượng trụ trì Thích Quảng Thanh cúng dường Xá Lợi Đức Phật cho Tu Viện Nguyên Thiều. Ngài cũng tham quan thủ đô New Delhi và thăm Vườn Lâm Tỳ Ni do chính phủ Ấn đang xây cất, đảnh lễ Tháp Hòa Bình và Tượng Phật Thuyết Pháp do Nhật Bản thiết lập gần thành Vương xá, gặp các vị Hội Trưởng Ma Ha Bồ Đề ở Varanasi và Calcutta. Cuộc hành hương này do cố Hoà thượng Huyền Vi, người gốc Phù Cát, hướng dẫn. Trong trường kỳ lịch sử, do ngoại đạo phá hoại các Phật tích, ngày nay được chính phủ Ấn và Hội Ma ha Bồ đề trùng tu. Ngài ngậm ngùi nhận xét : “Trong khi danh lam thắng cảnh Phật giáo ở Nhật bản được trân trọng bảo tồn bao nhiêu, thì tại Ấn độ bị phá hoại bấy nhiêu. Kể thật buồn cho quê hương Đức Bổn sư ! Phật giáo tại Ấn độ suy tàn bao nhiêu, thì các quốc gia khác như Miến điện, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Đài Loan, Hương cảng, Nam Hàn, v.v… lại được phát huy rực rỡ bấy nhiêu”.
Năm 1972, Ngài sang Genève tham dự Đại Hội đồng Tôn giáo Thế giới ở Thụy Sỹ. Hội Đồng này do Tin Lành giáo Thế giới chủ trì. Đại Hội bàn việc hòa bình cho Việt Nam và cứu trợ nạn nhân chiến tranh. Nhân dịp này, Ngài viếng Điện Quốc liên là trụ sở Liên Hiệp Quốc, vào thăm phòng hội nghị ký Hiệp định đình chiến Geneve năm 1954. Sau đấy, Ngài sang thăm các nước Pháp, Hòa Lan, Ý, Vatican, Bỉ.
Năm 1973, Ngài đi Thái Lan gặp đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải Ngoại để bàn việc tái thiết Việt Nam sau khi hòa Bình lập lại. Trở về Việt Nam là Tết Quí Sửu. Sau đó Giáo hội thành lập Ủy Ban Tái thiết Hậu chiến.
Năm 1974, Ngài cùng cố Hòa thượng Thích Thiện Minh sang thủ đô Bruxelles ở Bỉ dự lần thứ 2 Đại hội các Tôn giáo Thế giới vì Hòa Bình do các tôn giáo lớn như Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, v.v… chủ trì. Phái đoàn mang theo 200 tập tài liệu in thành sách dày 300 trang về hiện tình Việt Nam với một giải pháp hòa bình phi chiến tranh và phi cộng sản của Phật giáo. Trên đường về Ngài cùng cố Hoả thượng Thích Thiện Minh ghé Paris thăm một số chùa, chư Tăng và Phật tử, đặc biệt gặp Đạo hữu Võ Văn Ái mời về nước giúp Giáo hội vào năm tới, 1975, nhưng thời cuộc đã đổi khác khiến Giáo hội rơi vào pháp nạn mới. Rời Paris Ngài đến thăm hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Miến Điện trước khi về Việt Nam.
Tại Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kỳ 6 tổ chức tại Saigon ngày 27.12.1974, Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo.
Sau năm 1975, do chính sách đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thông qua việc chiếm dụng tất cả các cơ sở của Giáo hội, từ Viện Đại học Vạn Hạnh, các trường Trung và tiểu học thuộc hệ thống Trường Bồ Đề, cho đến chùa viện, cơ sở văn hóa và xã hội từ thiện, khiến 12 Tăng Ni tự thiêu tập thể để phản đối vào ngày 2.11.1975 tại Thiền viện Dược sư, ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Ngài cử Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, dẫn đầu phái đoàn về Cần Thơ lập hồ sơ. Nhưng toàn bộ hồ sơ gồm các chứng liệu, băng từ ghi 7 lời thỉnh nguyện của Đại đức Thích Huệ Hiền trước khi tự thiêu, hình chụp và phim quay tại hiện trường đều bị công an tịch thu. Ngày 3.3.1977, nhà nước tiến thêm một bước chiếm dụng Cô Nhi viện Quách Thị Trang ở Saigon, Ngài cùng với Hòa thượng Thích Quảng Độ và chư tôn đức Tăng, Ni, Phật tử phát động cao trào đòi hỏi Nhà nước cộng sản hoàn trả tài sản của Giáo hội. Cuộc đấu tranh gay go và bị Nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp.
Ngày 6.4.1977, Ngài bị bắt và bị biệt giam tại Nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, Quận Bình Thạnh ở Sàigòn do Bộ Nội vụ quản lý, cùng với cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Quảng Độ, v.v… Do áp lực quốc tế và sự phản đối của đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, nên sau 18 tháng tù giam, ngày 10.12.1978 Nhà cầm quyền cộng sản đưa ngài ra Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử, kêu án 2 năm tù treo và quản chế tại chỗ.
Năm 1978, hai Giải Nobel Hòa bình người Ái Nhĩ Lan là bà Mairead Corrigan và bà Betty Williams viết thư cho Viện Nobel đề nghị Ngài và Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình.
Thời gian này, một mặt Đảng và Nhà nước ngăn cấm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sinh hoạt, mặt khác cho thành lập Ủy ban Vận động Thống nhất Phật giáo để công khai hóa vào đầu tháng 11 năm 1981 một Giáo hội Phật giáo làm công cụ chính trị phục vụ Đảng và làm chia rẽ nền Phật giáo dân tộc. Ngài cùng Hòa thượng Thích Quảng Độ và toàn Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo phản đối việc chính trị hóa và công cụ hóa Phật giáo này, nên Ngài bị Nhà cầm quyền bắt ngày 25.2.1982, trục xuất khỏi thành phố Saigon, cho xe công quyền chở về Bình Định mấy tuần lễ rồi sau đó đưa Ngài ra quản chế tại chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi. Quyết định số 71/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lưu đày Ngài khỏi Saigon không thông qua một tòa án nào cả, chỉ căn cứ vào Quyết định số 123/CP ngày 8.7.1968 của Hội đồng Chính phủ “về việc cấm những phần tử có thể gây nguy hại cho trật tự an ninh cư trú ở những khu vực quan trọng”. Tại Quảng Ngãi, Ngài nhận lệnh Công an : cấm hành nghề Tôn giáo, cấm phiên dịch và các nghề nghiệp khác. Thời gian ấy Ngài trải qua những tháng ngày bị chính quyền đối xử tồi tệ nhất.
Trong vòng 16 năm tù hãm này, đặc biệt từ 1983 đến 1995, Ngài chí thành đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh.
Kể từ năm 1990, các Nhóm Ân xá Quốc tế thuộc 5 quốc gia Vương quốc Bỉ, Canada, Pháp, Áo, Hoà Lan và Hoa Kỳ ghi danh Ngài như Người tù vì lương thức để bênh vực bằng cách gửi liên tục hàng chục nghìn bức thư cho nhà cầm quyền Hà Nội đòi hỏi trả tự do cho Ngài.
Năm 1992, cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Đệ Tam Tăng Thống Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đau nặng, sắp ra đi về cõi Phật. Đức Tăng thống cho người vào Quảng Ngãi báo cho Ngài biết sẽ có Di chúc cung thỉnh Ngài vào chức vụ Xử lý Hội đồng Lưỡng viện kiêm Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, để hướng dẫn việc đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như tìm thuận duyên tổ chức Đại hội Giáo hội kỳ VIII nhằm bổ sung nhân sự và phát triển Phật sự sau khi Đức Đệ Tam Tăng thống viên tịch.
Ngày 21 tháng 3 Nhâm Thân, nhằm ngày 23.4.1992, Đức Đệ Tam Tăng thống viên tịch tại chùa Linh Mụ. Ngài xin ra Huế dự đám tang, nhưng chính quyền Quảng Ngãi không cho đi. Ngài tuyên bố : “Nếu chính quyền Quảng Ngãi ngăn cấm tôi ra Huế dự tang lễ, tôi sẽ tuyệt thực vô thời hạn, và sẵn sàng cúng dường thân này lên Chư Phật và tạ lỗi với Cố Đại Lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, bởi vì tôi đã không làm tròn nhiệm vụ mà Hòa Thượng giao phó”. Sau hai ngày tuyệt thực, chính quyền đành phải để cho Ngài ra Huế.
Tại tang lễ, Hòa thượng Thích Nhật Liên, là Trưởng tử của Môn đồ pháp quyến Đức Đệ Tam Tăng thống, trao lại cho Ngài ấn tín Giáo hội và Di chúc của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Ngài dâng lời Tác bạch trước kim quan Đức Đệ Tam Tăng thống với lời hứa linh thiêng : “Dầu sẽ có muôn ngàn khó khăn, tôi không bao giờ chồn bước, quyết vận động đòi hỏi Nhà cầm quyền Cộng sản phải để cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý như trước năm 1975”. Ngài cũng dõng dạc tuyên bố vị trí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước Giác linh Đức Đệ Tam Tăng thống, mà cũng là lời đoan quyết sắc son nhắn nhủ quần chúng Phật tử : “Pháp lý của Giáo hội là 2000 năm dựng Văn mở Đạo trên dải đất Việt Nam này. Địa vị của Giáo hội là 80% dân chúng già, trẻ, lớn, bé. Cơ sở của Giáo hội là nông thôn, thành thị, cao nguyên và hải đảo”. Lời tuyên bố đầy hùng lực ấy lan tràn khắp nước và ra khắp năm châu thế giới, là tiếng kêu thức Phật giáo đồ trước hiện tình suy vong của Phật giáo do Nhà cầm quyền Cộng sản đàn áp quy mô, mở đầu giai kỳ mới cho Giáo hội thu phục lại chủ quyền.
Ngày 25.6.1992, Ngài viết Yêu sách 9 điểm, dài 9 trang, gửi 6 cơ quan lãnh đạo Nhà nước nói lên thảm trạng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị kỳ thị và đàn áp trong suốt 18 năm ròng rã, tố giác việc tù đày, khủng bố hàng giáo phẩm như cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Quảng Độ, v.v… , tố giác Đảng và Nhà nước dựng lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm công cụ chính trị cho Đảng với manh tâm chia rẽ khối Phật giáo dân tộc và tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Qua văn kiện này, Ngài yêu cầu Nhà nước chấm dứt ngay cuộc đàn áp Phật giáo. Yêu sách 9 điểm mở đầu cuộc vận động Giải trừ Pháp nạn.
Ngày 15.11.1992, Ngài viết “Đơn bổ túc Đơn đề ngày 25.6.1992 trình bày các việc liên hệ Mặt trận Tổ quốc”. Văn kiện này gửi Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc và Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Viện trưởng Tối cao Pháp viện. Ngài nhắc đến các lần ngài bị bắt và bị tố khổ. Đầu những năm 50, Mặt trận Liên Việt tại Liên khu 5 tố khổ ngài làm “tay sai cho thực dân Pháp” ; rồi đến năm 1977, Mặt trận Tổ quốc tố khổ ngài cùng với Hòa thượng Thích Quảng Độ và 5 vị giáo phẩm thuộc Viện Hóa Đạo là “tay sai CIA và đế quốc xâm lược Mỹ”. Ngài yêu cầu trưng bằng cớ và đưa ngài ra xét xử công khai trước tòa án nếu Ngài có tội, và “để cho tôn giáo sinh hoạt bình thường, đừng buộc tôn giáo làm chính trị thời đại”. Ngài nhận thức rằng “ở Việt Nam, Nhân quyền là thứ quốc cấm, còn nghèo ngặt hơn ma túy và thuộc phiện”, Ngài tố cáo Mặt trận Tổ quốc chỉ là “cơ quan chính trị ngoại vi của đảng Cộng sản Việt Nam”, chỉ là “trụ sở của Công an trá hình” chuyên xử tội và kết án dân lành chẳng cần thông qua sự xét xử trước tòa án.
Ngày 17.8.1992, từ Hà Nội, Ông Phan Văn Tánh, Trưởng ban Dân vận Trung ương gửi cho các Ban Dân vận, các Tỉnh ủy và Thành ủy một tài liệu “Mật” mang số 125/TUDV “về việc Huyền Quang và số phần tử hoạt động chống đối”, nhằm chỉ thị cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam (của Nhà nước) tố cáo Ngài, và chỉ thị cho công an địa phương, đặc biệt ở Quảng Ngãi, theo dõi quan hệ trong và ngoài nước của Ngài, kiểm soát và “đấu tranh mạnh mẽ hơn” đối với Ngài. Chỉ thị các cấp báo cáo đầy đủ theo từng diễn biến và hứa rằng “một số ngành hữu quan cấp trên sẽ có hướng dẫn nghiệp vụ”.
Ngày 18.8.1992, một tài liệu “Tuyệt mật” mang số 106/PA 15-16 của Bộ Nội vụ “Báo cáo về tình hình và kế hoạch đấu tranh với số đối tượng cực đoan âm mưu phục hồi Phật giáo Ấn Quang” nhằm “thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Bộ Nội vụ chủ trương đồng loạt đấu tranh vạch mặt, hạ uy thế bọn phản động trong Phật giáo Ấn Quang cũ và tay chân của chúng”. Tài liệu cũng dự kiến “Việc đấu tranh với số phản động cực đoan trong giáo phái Ấn Quang cũ sẽ động chạm đến tâm tư tình cảm của nhiều tín đồ Phật tử”. Vì vậy, “Cuộc đấu tranh này sẽ diễn biến phức tạp, do đó phải đặt dưới sự lãnh chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy và có sự tham gia tích cực, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp”. Thời gian đấu tranh mà tài liệu đề ra là “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, chủ trương của Bộ Nội vụ là tập trung lực lượng tấn công đồng loạt từ nay cho đến tháng 10.1992 (trước kỳ III Đại hội Phật giáo toàn quốc, tức Giáo hội Phật giáo Nhà nước) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị”. Biện pháp đấu tranh gồm 5 bước : “1. Phân hóa cao hàng ngũ giáo sĩ ; 2. tranh thủ số có xu hướng tiến bộ, lôi kéo số lưng chừng, răn đe những đối tượng có biểu hiện tiêu cực ; 3. đối với số cực đoan chống đối phải cắt đứt chân tay, lấy giáo luật, pháp luật đấu tranh, không cho chúng co cụm chống phá ta ; và 4. thúc đẩy phong trào cách mạng trong vùng giáo, củng cố được nòng cốt, cốt cán của ta đặc biệt trong Tăng tín đồ Phật giáo (mà sau này họ gọi là “đặc tình”, tình báo làm công tác đặc biệt)”. Trọng tâm tài liệu nhắm vào Ngài và đông đảo chư Tăng được nêu rõ tên.
Ngày 4.8.1993, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi mời Ngài đến trụ sở Ủy ban nhận bức thư của ông Vũ Quang nhân danh Thủ tướng và Ban Tôn giáo chính phủ viết ngày 27.7.1993, nêu ra 6 điều kết tội Ngài, đồng thời cấm Ngài không được sử dụng chức vụ Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, không được sử dụng chùa Hội Phước làm trụ sở Văn phòng Lưu vong Viện Hóa Đạo, và bắt phải giao nộp khuôn dấu Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho chính quyền. Ngài phản bác lối hành xử phi luật pháp, và vi phạm các quyền tự do cơ bản, qua “Thư biện minh và chất chính 6 điểm sai trái trong công văn số 248/CV/TGCP đề ngày 27.7.93 của Ban Tôn giáo Chính phủ”. Đặc biệt phản bác lập luận tuyên truyền của Nhà nước cố kết việc hàng giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất “đã sáp nhập” vào Giáo hội Nhà nước, Ngài xác định rằng các Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh, v.v… tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách cá nhân, chứ không thể đại diện hay nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Sự việc Nhà nước công bố rằng Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu được Đại hội kỳ I (tháng 11.1981 tại Hà Nội) suy cử làm Phó Pháp chủ kiêm Giám luật là không đúng sự thật. Vì Hòa thượng không tham dự Đại hội kỳ I này, khi nghe tin được đại hội công cử vắng mặt, Hòa thượng viết bức thư hôm 8.2.1982 gửi Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ khước các chức vụ ấy.
Ngày 20.11.1993, Ngài viết “Tuyên cáo Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn”, theo lý luận quốc nạn chưa giải trừ thì pháp nạn không thể giải quyết. Ngài đưa ra 12 điểm phê phán khách quan về sự bế tắc của tình hình Việt Nam do Nhà nước cộng sản tạo ra. Rồi ngài đề xuất 9 biện pháp trị liệu. Ngài kêu gọi Đảng và Nhà nước “Sám hối với người chết trong tinh thần hứa lo cho người sống được sống người”. Người chết nói đây là hàng triệu binh sĩ hai miền Nam Bắc chết trận trong các cuộc chiến vừa qua. Ngài đòi hỏi phải tôn trọng Linh quyền. Ngài kêu gọi “bỏ điều 4 trên Hiến pháp” và tổ chức “bầu lại Quốc hội với sự tự do tham gia ứng cử của toàn dân không phân biệt chính kiến, đảng phái, tôn giáo dưới sự giám sát của LHQ”. Ngài kêu gọi Đảng và Nhà nước chớ sợ hãi “Diễn biến Hòa bình”, vì ngài nói “Thử nghĩ xem, có phải “Diễn biến Hòa bình” vẫn hơn là “Diễn biến Chiến tranh” không ?” Ngài xác định rằng “Chủ nghĩa và chế độ XHCN đang trên đà hoại diệt tại Việt Nam vì những lý do nội tại trong nội bộ Đảng, chứ không do ai hay thế lực nào khác. Nếu sáng suốt và hành động kịp thời, Đảng và Nhà nước sẽ tránh khỏi một cuộc trả thù ghê gớm của nhân dân. Bởi vì Đảng và Nhà nước đã gây quá nhiều khổ đau tang tóc cho đông đảo quần chúng từ bốn mươi năm hơn. Muốn thế, Đảng và Nhà nước phải gây nhân lành từ bây giờ. Nhân lành ấy là để cho Phật giáo và các tôn giáo lớn tự do sinh hoạt tôn giáo hầu chận đứng sự phát triển thù hận và suy thoái đạo đức đang nổi dậy trong mọi tầng lớp xã hội Việt Nam ngày nay. Không có lực lượng HÓA GIẢI hận thù nào khác tại Việt Nam ngoài các tôn giáo”.
Ngày 5.11.1994, Hòa thượng Thích Quảng Độ dẫn đầu Phái đoàn Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đi cứu trợ nạn nhân bão lụt tại các tỉnh miền Tây ở đồng bằng sông Cửu Long, bị Nhà nước bắt và tịch thu hết tiền bạc và phẩm vật, lấy lý do việc cứu trợ phải thông qua các cơ quan Nhà nước. Dù rằng nửa triệu đồng bào nam phụ lão ấu lúc ấy lâm cảnh màn trời chiếu đất. Tăng Ni và Phật Tử tham gia phái đoàn đều bị bắt giam. Một năm sau, 1995, đưa ra tòa án nhân dân xét xử tại Saigon, Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh án 5 năm tù. Các Thượng tọa, Đại đức, Phật tử : Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực, Nhật Thường, Đồng Ngọc bị kêu án từ 4 năm đến 18 tháng tù. Thời gian phái đoàn bị bắt, Ngài cũng bị chính quyền địa phương dọa sẽ đem Ngài ra xét xử vì tội đồng lõa cứu trợ.
Sang đầu năm 1995, tuy không đem Ngài ra xét xử nhưng lại di chuyển nơi quản chế ngài ở chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi, đến chùa Phước Quang, huyện Nghĩa Hành xa xôi, hẻo lánh giữa đồng không mông quạnh. Trước mặt chùa có bót công an canh gác cẩn mật. Việc quản thúc khắc khe và ngặt nghèo hơn trước. Trong thời gian ở chùa Phước Quang, Ngài đã soạn và hoàn tất sách “Pháp Sự Khoa Nghi”.
Tuy Ngài và Hòa thượng Thích Quảng Độ đều bị giam cầm và quản thúc khắc khe, nhưng phong trào đòi phục hưng Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của Tăng Ni, Phật Tử mỗi ngày mỗi lên cao từ trong ra ngoài nước. Uy tín Giáo hội ngày càng tăng cường trên thế giới, sự hậu thuẫn Giáo hội trên công luận quốc tế ngày càng lan rộng khắp năm châu. Trên 20 năm tù đày đã được Ngài biến nhà tù thành nơi nhập thất để đọc Đại Tạng Kinh và viết Pháp Sự Khoa Nghi. Hiển nhiên, nếu không bị tù đày, áp bức, thì công cuộc hoằng hóa lợi sanh và trước tác của Ngài còn sung mãn xiết bao.
Thời gian này công luận quốc tế cực kỳ sôi động. Khắp nơi lên tiếng phản đối việc kết án Hòa thượng Thích Quảng Độ và quản chế khắt khe Ngài chỉ vì Giáo hội cưu mang cứu trợ nạn dân bị lũ lụt. Qua sự vận động của Cơ sở Quê Mẹ, bốn Giải Nobel Hòa bình gồm có Đức Dalai Lama (Tây Tạng), Bà Mairead Maguire (Ái Nhĩ Lan), Nhà Bác học François Jacob (Pháp) và Luật sư José Ramos-Horta (Đông Timor) thành lập “Ủy ban các Nhà lãnh giải Nobel Vận động trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ”, và viết thư chung gửi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải yêu sách trả tự do cho hai Ngài và 5 Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, Thích Trí Tựu, Thích Không Tánh và Thích Nhật Ban. Thư viết vào đúng ngày Phật đản 2542 (10.5.1998). Bốn tháng sau, Hòa thượng Thích Quảng Độ và nhị vị Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu được trả tự do.
Ngày 12.12.1999, ông David Young, Tham tán Chính trị tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội vào Quảng Ngãi vấn an Ngài. Đây là người Tây phương đầu tiên được viếng thăm Ngài và hỏi han tình hình Phật giáo sau 17 năm Ngài bị cấm cố, mở đầu cho những tiếp xúc khác với Tây phương sau này.
Trước hiện tình suy vong của đất nước, ngày 21.4.2000, Ngài viết bức thư dài gửi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch Quốc hội Nông Dức Mạnh. Ngài đề nghị Đảng và Nhà nước lấy ngày 30 tháng Tư làm “Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc”. Sám hối trước sự chết chóc qua các chiến cuộc của hàng triệu Bộ đội miền Bắc và Binh sĩ miền Nam, hàng trăm nghìn nạn nhân chết trong cuộc Cải cách Ruộng đất, Tổng tiến công Tết Mậu Thân tại Huế, và các cuộc hành quyết trong các Trại Cải tạo sau năm 1975. Sám hối với người chết và Chúc sinh người sống, trong nghĩa Linh quyền cho người chết và Nhân quyền cho người sống. Ngài đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trả tự do cho tất cả tù nhân vì lương thức, và bãi bỏ Nghị định quản chế hành chính 31/CP. Hoàn cảnh đất nước được Ngài miêu tả qua các thực trạng : “Dân biết, dân câm họng, Đảng biết, đảng bỏ tù” ; “Nền Phật giáo Nước nhà biến thành nền Phật giáo Nhà nước”. “Con người Việt ở đầu thế kỷ 21 chỉ còn hai chọn lựa : vào nhà tù hay vào guồng máy Ðảng. Khổ thay khi vào guồng máy Ðảng, con người chẳng còn được hiện hữu theo cá tính tự do của họ. Có miệng không được nói, có đầu óc không được suy nghĩ, có trái tim không được thương yêu nòi giống và quê hương theo quan điểm riêng biệt.
“Còn vào nhà tù hay trại cải tạo thì được tự do suy nghĩ một mình, tự do ăn nói một mình. Song tự do như thế là tự do di động trong mồ sống, chẳng ai biết chẳng ai hay, vô tích sự với xã hội, nhân quần. Tự do theo kiểu này, khi nhân phẩm đã bị giải thể, có khác chi thứ tự do của loài trùn quằn quại trong lòng đất ?”
Ngài đề xuất : “Chúng tôi xin trả lại “chiếc mũ phản động”, “chiếc mũ phá hoại”, “chiếc mũ vu cáo chống đối” cho những ai chụp lên đầu chúng tôi. Đạo Phật là đạo thực hành sự Giác ngộ và Cứu khổ. Đạo Phật là đạo xây dựng một cõi người nhân ái và huynh đệ. Đạo Phật không chống đối những tư tưởng thời đại, vì những tư tưởng ấy sẽ theo thời đại qua đi. Đạo Phật lấy Chánh Kiến soi sáng các thiên kiến, tà kiến mà thôi”. Cá nhân Ngài cũng là trường hợp đại biểu cho toàn thể chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử qua câu viết đánh giá của Ngài : “Là Tăng sĩ Phật giáo, với 83 tuổi đời, tôi không được sống và hoằng dương giáo lý Từ Bi của Đức Phật. Từ dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, tôi chỉ biết mùi vị của nhà tù. Bởi cớ gì một công dân, một người tôn giáo như tôi không được sống trong cảnh tự do ? (…) Câu hỏi tôi đặt ra đây không là sự oán hận cá nhân hay lời than phiền của một tôn giáo. Mà là lời tra vấn thống thiết về tiền đồ của nền văn hiến Việt, và sự sinh tử cho mỗi con người. Là nạn nhân và chứng nhân lịch sử 35 năm qua, tôi muốn được thấy đất nước đổi thay trong khi mình còn sống. Chứ không muốn từ giả cõi đời với hình ảnh của một chính thể bất biến trong chủ trương kỳ thị và đàn áp tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội cùng mọi quyền tự do căn bản của nhân quyền”.
Tháng 4 năm 2001 do Tổ Hành động chống Bắt bớ trái phép của LHQ (UN Working Group on Arbitrary Detention) phúc trình, Uỷ hội Nhân quyền LHQ tuyên bố Quan điểm số tham chiếu 4/2001 công nhận Ngài và Hoà thượng Thích Quang Độ là hai tù nhân tôn giáo bị bắt bớ trái phép. Do nhà cầm quyền Hà Nội hồi âm thư LHQ nói hai ngài vẫn được “tự do” trái với sự thực, nên bốn năm sau, ngày 25.5.2005, Uỷ hội Nhân quyền LHQ lại một lần nữa xác nhận Ngài và Hoà thượng Thích Quang Độ là hai tù nhân tôn giáo bị bắt bớ trái phép (Quan điểm số tham chiếu 18/2005).
Ngày 11.2.2003, Ủy viên Đối ngoại của Hội đồng Châu Âu, ông Chis Patten tuyên bố : “Hội đồng Châu Âu và các Quốc gia thành viên kêu gọi Nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ. Hội đồng Châu Âu nhận định rằng chẳng có tội gì có thể viện dẫn để giam cầm hay quản chế hai ngài, chưa kể điều phải quan tâm đến tuổi già của hai ngài”. Ông Chris Patten cũng cho biết đã chính thức yêu cầu Hà Nội để cho các nhà ngoại giao thuộc phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam đến thăm viếng hai Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo. Ông Chris Patten còn nói lên nỗi bất mãn của Liên hiệp Châu Âu trước sự thụt lùi của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền : “Hội đồng Châu Âu quá rõ sự kiện Việt Nam chưa tham gia toàn vẹn các công ước nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, và sự thi hành những công ước mà Việt Nam tham gia ký kết chưa được thỏa mãn chút nào”. Cũng như “Tình hình tự do ngôn luận tại Việt Nam trong năm 2002 chưa được cải tiến”. Liên hiệp Châu Âu là một trong những quốc gia viện trợ quan trọng cho Việt Nam, với ngân sách hợp tác viện trợ 162 triệu Euros cho tài khóa 2002-2006. Điều 1 trong Hiệp ước Hợp tác song phương Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam về viện trợ phát triển ký kết năm 1995 bó buộc Việt Nam phải “tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc dân chủ”.
Tháng 3 năm 2003, Ngài bị khối u gần mắt có nguy cơ ung thư, bệnh viện Quảng Ngãi không đủ phương tiện giải phẫu, Ngài muốn vào Saigon chữa trị. Nhưng bệnh viện Quy Nhơn và cơ quan công quyền tự ý tổ chức cho Ngài ra Hà Nội chữa trị. Thời gian điều trị ở bệnh viện K đường Quán Sứ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, viên chức cao cấp Tòa Đại sứ Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu đến vấn an Ngài bên giường bệnh.
Ngày 17.3.2003, lo sợ cho tính mạng của Ngài, 31 vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu viết thư cho Nhà cầm quyền Hà Nội yêu cầu để cho họ đến Việt Nam thăm bệnh Ngài và viếng thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ. Tiếp đó, sang đầu tháng tư, 37 Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ cũng viết thư yêu sách Hà Nội trả tự do cho Ngài và Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Trước mối quan tâm tha thiết của công luận quốc tế, chiều ngày 2.4.2003, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp Ngài tại Văn phòng Chính phủ. Lần đầu tiên có sự kiện một Thủ tướng Chính phủ tiếp một Người tù vì lương thức, đồng thời cũng là vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong câu chuyện, Ngài nói lên điều mà 28 năm qua Ngài không ngừng thao thức. Ngài hỏi Thủ tướng lý do Đảng và Nhà nước ngăn cấm một Giáo hội dân lập có truyền thống 2000 năm lịch sử, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoạt động ? Lý do bắt bớ Ngài từ dưới thời Việt Minh ở Liên khu V ? Lý do bắt giam Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng nhiều vị tôn túc Tăng Ni và Phật tử ? Rồi Ngài yêu cầu Thủ tướng giải quyết việc phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội bị ngăn cấm gần ba mươi năm qua. Thủ tướng Phan Văn Khải không trả lời dứt khoát, có khi đổ lỗi cho cán bộ thừa hành cấp dưới và tuyên bố : “Chúng tôi cũng biết có sai lầm, xin Hòa thượng từ bi hoan hỷ”. Tuy nhiên Thủ tướng xác nhận rằng : “Tôi biết Ngài có công với kháng chiến, Tổ quốc ghi nhớ lâu dài công lao của Ngài”.
Chiều ngày 4.4.2003, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Raymond Burghardt, đến vấn an Ngài tại chùa Kim Liên là nơi Ngài tịnh dưỡng khi xuất viện. Ông Đại sứ hỏi han thân tình về tình hình của Giáo hội sau mấy mươi năm vắng bóng. Ngài cho biết Giáo hội vẫn còn nguyên như cũ. Đại sứ ngạc nhiên hỏi lại : Sao biết được còn nguyên ? Ngài đáp : “Người tới thăm tôi rất đông, người liên lạc với tôi mấy mươi năm qua rất đông. Tất cả giữ nguyên tấm lòng trung kiên với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Bề ngoài ra sao không biết, nhưng từ đáy thâm tâm, họ tự xem là người của Giáo hội chúng tôi, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép họ công khai bộc lộ”. Hỏi về chủ trương của Giáo hội, Ngài cho biết : “Chủ trương của Giáo hội luôn luôn là chủ trương cứu khổ và giác ngộ của đạo Phật, thể hiện suốt 2000 năm qua trên đất nước Việt Nam. Qua mọi triều đại, Phật giáo luôn luôn cùng với nhân dân bảo vệ lãnh thổ, xây dựng một quốc gia văn hiến, thái hòa, an vui, no ấm, hạnh phúc. Quá khứ gần đây, Phật giáo bị đàn áp, giáo phẩm bị tù tội. Nhưng cuộc gặp gỡ vừa qua với Thủ tướng Phan Văn Khải mang nhiều hứa hẹn đổi thay, vì thế mà chúng tôi mong được nhân dân Hoa Kỳ hậu thuẫn cho khát vọng chính đáng của Phật tử Việt Nam. Do ảnh hưởng của chính trị xen lấn nên trong một bộ phận nhỏ của Phật giáo không được hòa hợp. Chỉ khi nào có một quy chế tôn giáo thực sự cho Phật giáo thì lúc ấy mới thoát ly khỏi những áp lực chính trị”. Kết thúc cuộc gặp gỡ ông Đại sứ đã chụp chung tấm hình kỷ niệm Ngài. Ông hỏi tuổi Ngài rồi nói một câu khen tặng, tuy Ngài tuổi cao nhưng ý chí Ngài sắc bén và chắc chắn Ngài còn sống lâu lắm.
Ngày 5.4.2003, Đài Á châu Tự do phỏng vấn Nữ Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Loretta Sanchez về cảm nghĩ của bà khi hay tin cuộc gặp gỡ tại Hà Nội giữa Ngài với Thủ tướng Việt Nam, và khi nói về Ngài bà đã ca ngợi như sau : “Tôi muốn thưa với Đại lão Hòa thượng rằng : Trời không phân biên giới. Trời thấy dân khổ nên chọn người lãnh đạo ra tay thay đổi thời cơ. Tôi tin rằng Đại lão Hòa thượng là một trong những nhà lãnh đạo có khả năng thay đổi thời cơ. Bằng hành động và tiếng nói, Hòa thượng đang mang lại nhân quyền cho dân tộc Việt Nam. Cho nên, tâm tư tôi cũng như lời cầu nguyện của tôi theo sát Hòa thượng trên bước đường tranh đấu của ngài”.
Sáng ngày 7.4.2003, Ngài đáp chuyến xe lửa Hà Nội – Saigon xuôi Nam. Đến ga Huế vào lúc 10 giờ 13 phút. Dù Ngài không thông báo trước, nhưng có lẽ do thị giả Ngài tiết lộ vào đêm trước khi lên đường, nên vừa bước xuống tàu Ngài đã thấy 2000 Tôn đức Tăng Ni, Phật tử Huế cung nghênh tiếp đón giữa rừng người áo vàng, áo tràng lam, hàng trăm bó hoa khoe sắc vẫy cao, chen cùng cờ Phật giáo năm màu phấp phới. Phật tử cố đô bồng nổi Ngài trên vai, rước ngài ra khỏi sân ga. Có nhiều phái đoàn đại diện đến từ Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Trị… Đặc biệt chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức có chức vụ trong Giáo hội Nhà nước cũng ra nghênh đón Ngài với tất cả niềm cung kính chân thành. Tuy sức khỏe còn yếu, nhưng Ngài vẫn bước đi khoảng hai trăm thước giữa hai hàng Tăng, Ni, Phật tử và đoàn viên Gia Đình Phật tử Việt Nam đồng phục chỉnh tề. Không ai bảo ai, tất cả đồng loạt quỳ và rạp mình xuống đất đảnh lễ Ngài giữa cơn nóng nơi đất Thần kinh ở 35 độ dương. Cảm động nhất là Sư Bà Thích Nữ Diệu Trí, lãnh đạo Ni bộ Thừa Thiên, tuy tuổi đã 95, hướng dẫn phái đoàn chư Ni đến đảnh lễ Ngài. Tăng Đoàn Thừa Thiên – Huế dẫn đầu bằng một lẵng hoa tươi bên cạnh đỉnh trầm nghi ngút khói hương và hai chiếc lọng vàng đón Ngài. Ngày hôm sau, Ngài đến đảnh lễ trước tháp Đức cố Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu, rồi tháp cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, người bị thảm sát trong nhà tù năm 1978, rồi viếng thăm các Tổ đình ở đất Thần kinh, ân cần nhắn nhủ chư Tăng tại các Tổ Đình trên bước đường tu và hành đạo Phật.
Sau mấy ngày thăm viếng, Ngài xuôi Nam. Từ bỏ ngôi chùa quản thúc ở huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi, và chính thức về ở Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, mà Ngài khai sáng 45 năm trước đây. Đến hôm 21.4.2003, Ngài trở lại Huế dự lễ kỵ năm thứ mười Đức cố Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu tại chùa Linh Mụ. Tại đây, ba nghìn Phật tử và gần ba trăm chư Tăng Ni chờ đón. Phật tử hân hoan rước Ngài lên kiệu đưa từ bờ sông Hương lên tới chánh điện. Chưa có năm nào lễ kỵ Đức Đệ Tam Tăng Thống đông đảo và thân tình như năm ấy. Chỉ tiếc là xong lễ, Ban Tôn giáo Bình Định thúc hối Ngài phải lên đường về ngay. Trước sự phản đối của chư Tăng chùa Linh Mụ, hai ban Tôn giáo Bình Định và Thừa thiên thảo luận một hồi mới chịu để Ngài nghỉ qua đêm ở Huế. Huế là chiếc nôi Phật giáo cận đại, nên Nhà cầm quyền lo ngại sự tập họp của chư Tăng Ni quanh Ngài. Cũng tại đây, chưa xa lắm, 40.000 Phật tử Huế xuống đường ngày 25.5.1993 đòi tự do tôn giáo, nhân quyền và phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Cũng tại đây, tháng tư năm 1992, chư Tăng chùa Linh Mụ không khứng nhận cho Nhà nước tổ chức tang lễ Ôn Linh Mụ, tức Đức cố Đệ Tam Tăng thống, cũng như từ khước huy chương Hồ Chí Minh mà Nhà nước gắn cho Ôn để tuyên truyền.
Ngày 9.4.2003, bên phía trời Đông Âu, Ban Giám đốc Quỹ Cứu Người Lâm Nạn (People in Need) do cựu Tổng thống Vaclav Havel chủ trì, quyết định trao Giải Nhân quyền cho Ngài và Hòa thượng Thích Quảng Độ để biểu tỏ lòng kính trọng và sự hậu thuẫn hai Nhà đối kháng cho Dân chủ tại Việt Nam đang kiên trì bằng con đường bất bạo động Phật giáo nhằm chuyền hóa dân chủ trên đất nước họ. Giải này mang tên “Người cho Người” (Homo Homini), phát hằng năm cho những nhà đấu tranh nổi danh cho nhân quyền và dân chủ trong thế giới. Do hai ngài không thể rời Việt Nam sang nhận giải, nên Đạo hữu Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Phát ngôn nhân của Viện Hóa Đạo đã đến thủ đô Praha, Cộng hòa Tiệp, nhận giải thay và đọc lời cảm tạ Ban tổ chức.
Ngày 26.4.2003, Ngài sai thị giả là Đại đức Đồng Thọ mua vé tàu lửa từ Bình Định đi Saigon. Nhưng Ban Tôn giáo và công an Bình Định “khuyên” nên hoãn lại sau ngày 30.4, vì lễ lượt trong dịp này bất tiện cho việc đi lại, gặp gỡ. Ngài đành phải chấp nhận. Sáu giờ chiều ngày 1.5.2003, Ngài mua vé ở ga Diêu Trì đi Saigon. Thế nhưng Ban Tôn giáo và Công an Bình Định yêu cầu trả vé tàu để họ “hộ tống” Ngài về Saigon bằng xe hơi, với lý do “bảo vệ an ninh và sức khỏe cho Hòa thượng”. Mặc dù chư Tăng ở Saigon đưa xe ra rước Ngài nhưng đành phải “nhường Ban” Tôn giáo và công an. Xe rời Bình Định lúc 6 giờ sáng ngày 2.5.03, buổi trưa ngừng lại Nhatrang dùng ngọ tại Phật học viện Hải Đức.
Ngài dự tính về chùa riêng ở Saigon, nhưng Nhà cầm quyền “chỉ định” Ngài phải về tá túc chùa Ấn Quang và ra lệnh cho Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố đón tiếp Ngài. Không ai loan báo trước, nhưng trên một nghìn chư Tăng Ni, Phật tử đã tự động đến chùa Ấn Quang chờ đón từ lúc 3 giờ chiều, mãi đến 19 giờ 30 xe Ngài mới tới nơi. Cuộc tiếp rước trang nghiêm, vồn vã, hân hoan và cảm động từ phía Phật tử sau 21 năm xa cách bậc Cao Tăng ! Còn phía Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, cuộc tiếp rước cũng long trọng nhưng khi giới thiệu vị thượng khách là Ngài, chỉ nhắc đến pháp hiệu Ngài mà chẳng đề cập đến chức vụ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của Ngài. Trong thính chúng ở chánh điện chùa Ấn Quang có tiếng xầm xì : “Giới thiệu giống báo Nhân Dân quá !”.
Dù một ngày đường nhọc mệt, nhưng trong không khí đầy tôn kính, Ngài ngỏ lời tâm tình cùng Phật tử tối hôm ấy. Trọng tâm nói về giới đức của chư Tăng Ni, vấn đề truyền thừa mạng mạch của Chánh pháp và đào tạo Tăng Ni sinh. Vì hiện tình Phật giáo, theo Ngài, tuy có phát triển về việc trùng tu, kiến thiết, nhưng chỉ phát triển bề mặt. Phẩm chất Tăng Ni bị suy thoái, đa số Tăng Ni tốt nghiệp không được trọng dụng, không có nơi hoạt động. Tiếp đến, Ngài kể lại chuyến đi chữa bệnh vừa qua tại Hà Nội, những cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Đại sứ Hoa Kỳ và Đại diện Liên hiệp Châu Âu tại thủ đô. Riêng thời gian quản chế 21 năm qua tại Quảng Ngãi, Ngài cho biết hằng ngày bưng bát cơm ăn đều chú nguyện cho chúng sanh và đất nước, mỗi ngày đọc 30 trang kinh Đại tạng. Cuối cùng Ngài kết luận : “Chúng ta đang được nhân dân và các chính phủ trên thế giới ủng hộ, hậu thuẫn, ai cũng khâm phục quá trình 2000 năm của Phật giáo Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho Phật tử chúng ta ý thức đến vai trò của mình mà keo sơn gắn bó để phục vụ Đạo Pháp”.
Ngày hôm sau, 3.5.2003, Ngài đến Thanh Minh Thiền viện vấn an Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, đang bị nhà cầm quyền cách ly không cho tiếp xúc với bất cứ ai. Hai Ngài xa cách nhau bao nhiêu năm ròng vì án lệnh quản chế và tù đày. Qua ngày 4.5.2003, Ngài đến thăm và nói chuyện với chư Tăng tại Tu viện Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp và viếng thăm một số ngôi chùa trong thành phố và vài tỉnh ở phía Nam.
Hai mươi tám năm trời Ngài bị quản chế và lưu đày ngay trên chính quê hương mình, Giáo hội bị bức tử, nay có dịp cởi trói phần nào, Ngài mong muốn tìm hiểu sự tin tưởng của quần chúng và Tăng Ni Phật Tử đối với Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất còn mất ra sao. Không ngờ đi đến đâu, Ngài cũng được tiếp rước niềm nở. Tinh thần của Tăng Ni, Phật Tử vẫn một lòng một dạ vững tin vào Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dù Giáo hội bị cấm cản sinh hoạt.
Ngày 7.5.2003, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tiếp Ngài. Nhân dịp này, Ngài nói với ông Hải về quá trình bị đàn áp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, rồi đặt câu hỏi : “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có tội tình gì mà không cho hoạt động ?”. Ông Hải không trả lời, nên Ngài hỏi tiếp : “Thủ tướng Phan Văn Khải có hứa với tôi rằng mọi việc từ nay chính phủ sẽ giải quyết bằng lòng Từ bi. Nếu được như thế, chúng tôi cũng sẽ giải quyết bằng lòng Hỷ xả. Tuy nhiên vấn đề hiện nay là Phật giáo chúng tôi phải được quyền chỉnh đốn nội bộ để tiến đến việc thống nhất Phật giáo”. Ông Hải không phản đối khi phát biểu : “Việc thống nhất là chuyện nội bộ của quý Cụ, chúng tôi hoan nghênh”.
Sáng ngày 9.5.2003 Ngài lại đến Thanh Minh Thiền viện bàn Phật sự lần thứ hai với Hòa thượng Thích Quảng Độ. Hai Hòa thượng cùng đồng tình trên tổng quan việc chấn chỉnh nội bộ Giáo hội sau thời gian dài bị tê liệt vì ngoại chướng. Tuy nhiên nhị vị Hòa thượng quyết định chỉ tiến hành Phật sự vào tháng 6 dương lịch tới, sau khi Hòa thượng Thích Quảng Độ được giải chế theo nguyên tắc là vào ngày 1.6.2003.
Chiều hôm ấy, vào lúc 16 giờ, Bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon, Emi Lynn Yamauchi, đến vấn an Ngài. Cùng đi có ông Marc Forino, Cố vấn Chính trị, và bà Laura H. Kirkpatrick, Cố vấn Kinh tế. Ngoài việc hỏi thăm sức khỏe, bà Tổng lãnh sự xin Ngài cho biết ý nghĩa cuộc gặp gỡ Thủ tướng Phan Văn Khải ở Hà Nội và sinh hoạt tương lai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài ngỏ lời cám ơn tấm thịnh tình của bà Tổng lãnh sự, và nhờ bà đạo đạt lời cám ơn của Ngài đến Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã không ngừng hỗ trợ tiếng nói chân chính của Giáo hội cũng như can thiệp mạnh mẽ cho hàng giáo phẩm bị tù đày, quản chế. Về cuộc gặp gỡ tại Hà Nội với Thủ tướng Việt Nam, Ngài cho biết nội dung không để xin xỏ bất cứ điều gì. Cuộc gặp gỡ cốt nêu lên một câu hỏi chưa có lời đáp, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có tội gì mà bị đàn áp và cấm không cho sinh hoạt gần 30 năm qua ? Nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải không trả lời thẳng mà chỉ xác nhận công lao Ngài trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, và hứa từ nay Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề Phật giáo với tâm Từ bi. Tuy nhiên, Ngài cho biết, đây mới chỉ là bước đầu, còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ và cần giải quyết cụ thể. Giáo hội cũng cần thời gian để chấn chỉnh, để góp phần tích cực trên các lĩnh vực từ thiện, văn hóa, giáo dục. Nhưng quyết không để cho Phật giáo bị lôi cuốn hay làm công cụ cho bất cứ tổ chức hay đảng phái chính trị nào. Ngài cũng cho biết là sẽ yêu cầu Nhà nước hoàn trả lại Việt Nam Quốc tự, là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước năm 1975, và không cản trở việc hàng giáo phẩm trung ương của Giáo hội gặp gỡ, thảo bàn chuyện tương lai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Sáng ngày 12.5.2003, Ngài lại đến Thanh Minh Thiền viện lần thứ ba gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ để cùng đánh giá chuyến vào Saigon lần này và sắp đặt việc Phật sự tương lai.
Thành hội Phật giáo long trọng mời Ngài ở lại Saigon tham dự lễ Phật Đản, nhưng Ngài từ khước và trở về Tu Viện Nguyên Thiều vào ngày 14 tháng 4 Quý Mùi, 14.5.2003, cưu mang những dự án mới chấn chỉnh giáo hội. Ngài khởi công việc hoàn tất sách Trích lục Đại Tạng Kinh và dự tính đồ án xây cất một ngôi Đại học Phật giáo trên đất chùa ở Tu Viện Nguyên Thiều.
Ngày 18.9.2003, Hòa thượng Thích Quảng Độ ra Tu Viện Nguyên Thiều thăm Ngài và ở lại 3 tuần lễ. Thời gian này nhiều phái đoàn chư Tăng các tỉnh miền Trung và miền Nam nghe tin cũng tấp nập về Bình Định vấn an, thỉnh ý cho việc phục hưng Giáo hội. Nhân đó hai Ngài mới họp bàn việc bổ sung nhân sự vào Hội Đồng Lưỡng Viện trong Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như tại các cơ sở địa phương.
Ngày 1.10.2003, Ngài và Hòa thượng Thích Quảng Độ tổ chức Đại hội Bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều. Lần đầu tiên có sự tham dự đông đảo của 60 chư Tăng đại diện các tỉnh về dự. Từ Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kỳ VII tổ chức tại Saigon ngày 7.7.1977 cho đến nay, đây là lần đầu tiên có một đại hội tương đối đông đảo như thế. Mặc dù công an các tỉnh tìm cách ngăn chận các phái đoàn chư Tăng về họp. Nói tương đối là vì hoàn cảnh khách quan, chứ không vì ý lực nội bộ. Đại hội Bất thường thành công viên mãn với sự thỉnh cử 41 Hòa thượng, Thượng tọa vào hai Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo. Mấy lời ứng khẩu của Ngài trong lễ bế mạc Đại hội gây hưng phấn cho tất cả các đại biểu :
“Bao năm khó khăn quý vị biết rồi. Khó khăn từ cán bộ cao cấp cho đến cán bộ cơ sở. Nhưng mà thời gian đã gỡ rối các sự khó khăn đó cho chúng ta trong thời gian qua. Và trong tương lai, nếu còn gì khó khăn nữa, dù chúng ta không chờ cái đó, nhưng mà nếu cái đó không may xảy đến, thì chúng ta phải dạn dĩ chịu đựỉng và tiếp tục chịu đựng, để chúng ta có mặt với Giáo hội.
“Chúng ta làm thế nào cho đạo Phật phát triển hơn nữa, đạo Phật phát triển hơn nữa không giành quyền lợi của ai, không chiếm địa vị của ai, mà chỉ đem đạo Phật – đạo Từ Bi Hỷ Xả – giải thoát đau khổ cho chúng sinh nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.
“Mong rằng tất cả những khó khăn trong tương lai, sẽ còn có ít nhiều chứ không phải không có, nhưng chuyện đó đối với chúng ta, chúng ta đã dày dạn lắm rồi. Không có gì phải ngại, không có gì phải bỏ cuộc. Mong rằng Đại hội đem lại cho quý vị một Niềm Tin mới sau mấy mươi năm không hoạt động và đầy gian lao, đầy tù tội cùng khắp trên đất nước.
“Thưa quý vị, chúng ta là những người có thể nói rằng, chúng ta có thể bỏ danh, bỏ lợi, bỏ quyền, bỏ thế, thì chúng ta cũng chẳng ngại gì những khó khăn trong tương lai, nếu có. Trông mong quý vị nhất tâm và tích cực hơn nữa để giữ Giáo hội có mặt với dân tộc”.
Ngài ban Giáo chỉ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Đạo và Giáo hội tại các Châu tổ chức Đại hội để nối tiếp khai triển và kết thúc các công tác đề ra tại Tiền đại hội bất thường tổ chức trong nước ở Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định hôm 1.10.2003. Đại hội khai triển này đã khai mạc vào ngày 10 và kết thúc ngày 12.10.2003 tại Tu viện Quảng Đức ở thành phố Melbourne, Úc châu. Lễ bế mạc Đại hội trước một thính chúng uy nghi, nhiệt thành gồm 134 chư Tôn túc Tăng Ni và 5000 Phật tử, cũng là lễ suy tôn Ngài Huyền Quang lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chiếu theo tâm nguyện của Chư Tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống. Ngài nối tiếp nghiệp duyên hoằng hóa của ba vị Tăng Thống tiền nhiệm là cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, cố Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên và cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu.
Công việc đang tiến hành tốt đẹp, thì Hòa thượng Thích Quảng Độ bị công an làm khó dễ buộc phải rời Tu viện Nguyên Thiều về lại Sàigòn. Hòa thượng đành ra về ngày 8.10.2003. Nhân có xe của chư Tăng từ Saigon ra rước, Ngài cùng xuôi Nam với Hòa thượng Quảng Độ và chư Tăng giáo phẩm.
Năm giờ sáng ngày 8.10.2003, lúc xe vừa rời khỏi Tu viện Nguyên Thiều chừng hai trăm thước, thì công an và cảnh sát giao thông lái xe chắn ngang đường nơi dốc đồi Tu viện không cho đi và cũng không cho biết lý do. Sau đó công an điều động 20 người mặc thường phục đến bao quanh xe van nài Ngài : “Xin Hòa thượng đừng đi Saigon, hãy về chùa dịch kinh !”. Đến 8 giờ sáng, tình hình trở nên căng thẳng, nhất là nắng càng lúc càng thiêu đốt. Nhóm công an trá hình gọi là “nhân dân” tăng lên 40 người tìm cách đập vào lưng xe và cửa kính, kẻ thì mở van cho xì hơi bánh xe gây áp lực. Nhiều lần Tu viện Nguyên Thiều gọi cơ quan công lực đến can thiệp, nhưng chẳng ai đến. Trái lại, đường dây điện thoại Tu viện bị cắt. Suốt thời gian này, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris báo động các hãng thông tấn truyền thông quốc tế và chính giới Âu Mỹ về cuộc vây hãm này để tạo áp lực giải toả. Cứ mỗi vài giờ các hãng thông tấn quốc tế (AFP, Reuters, AP, DPA) đều loan tải ra khắp thế giới cuộc vây hãm tại Bình Định như họ đang có mặt tại hiện trường gây công phẫn và xôn xao dư luận quốc tế.
Vào lúc 13 giờ, có tin công an sẽ đến kéo xe đưa về Tu viện, nên 200 Tăng Ni và trên 1000 Phật tử ở huyện Tuy Phước kéo đến bảo vệ Ngài và chư Tăng đang ngồi an tọa trong xe. Ngài liền tuyên bố : “Kể từ giờ này tôi tuyệt thực để phản đối sự vi phạm tự do đi lại của chư Tăng Phật giáo. Tất cả chúng tôi sẽ ngồi trong xe này cho đến khi công an giải tỏa đường sá, chúng tôi không đi một nơi nào khác”. Chẳng làm gì được trước khối quần chúng đông đảo, ông Mai Tăng Thắng, Chủ tịch huyện, cùng hai ông trong Ban Tôn giáo Tỉnh đến thương thuyết. Ông Thắng chống chế rằng : “Sự cố xẩy ra chỉ vì địa phương quá mến mộ Hòa thượng Huyền Quang nên không muốn cho Hòa thượng vào Saigon, sợ Hòa thượng ở luôn trong đó. Dân chúng địa phương cũng mến mộ công tác dịch kinh của Hòa thượng nên mong Hòa thượng đừng rời Tu viện Nguyên Thiều”. Ngài bác bỏ luận điệu giả trá ấy.
Dưới áp lực của quần chúng và tin tức lan nhanh trên thế giới gây xôn xao, nên đến 15 giờ 15 công an đành trả lại giấy tờ và giải tỏa cho xe đi. Quần chúng địa phương reo hò mừng rỡ, hàng ngàn người đi theo sau xe tiễn Ngài cùng chư Đại Tăng trên khoảng đường bảy cây số.
Vào tới chùa Linh Sơn ở Vạn Giả, tỉnh Khánh Hòa, thì trời cũng vừa tối. Ngài cùng Hòa thượng Quảng Độ và chư Tăng ở lại đêm. Sáng hôm sau, 9.10.2003, tiếp tục lên đường, xe chạy đến Lương Sơn cách thành phố Nhatrang 40 cây số, thì chính những người công an chận xe ở Quy Nhơn đã chờ sẵn để chận bắt. Công an đưa từng vị Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại đức vào mỗi phòng khác nhau, tất cả mười vị và hai Phật Tử. Sáu công an và đại diện Mặt trận thay phiên nhau hỏi cung và khám xét thân thể Ngài một cách bất lịch sự trong vòng 8 tiếng đồng hồ, cho đến lúc Ngài đuối sức, khàn cả tiếng, họ mới cho lệnh dẫn độ Ngài về lại Tu viện Nguyên Thiều vào lúc 23 giờ 30 khuya. Lâm cùng tình trạng như thế, Hòa thượng Thích Quảng Độ bị dẫn độ về Thanh Minh Thiền viện, chư Thượng tọa Thích Viên Định, Thích Tuệ Sỹ, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý về Saigon. Người nhận Quyết định, người nhận khẩu lệnh quản chế hành chính hai năm. Đại đức Thích Đồng Thọ, thị giả từng theo Ngài ra Hà Nội và khắp các nơi khác cũng nhận Quyết định hai năm quản chế và lưu đày ra Phù Cát, không cho cận kề Ngài để hầu việc. Công an canh gác các chùa và cắt mọi đường dây điện thoại bàn cũng như điện thoại di động. Một không khí khủng bố lan tràn. Tất cả chư Tăng Ni Phật Tử tham gia vào Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ các tỉnh miền Trung vào đến Saigon đều bị theo dõi, nhận trát đòi đến ty công an hỏi cung, đe dọa, làm khó dễ đủ điều. Trong cuộc điện đàm riêng, Ngài cho Đạo hữu Võ Văn Ái ở Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris biết tình hình qua mấy câu nhận định : “Nhà nước hứa một đường làm một nẻo, không thực tâm sửa chữa các sai lầm, ngược đãi mấy mươi năm qua đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của chúng ta. Hiện nay họ cách ly Thầy với Thầy Quảng Độ là cốt cho việc sinh hoạt tôn giáo của Giáo hội không thể tự do thực hiện như tại các quốc gia văn minh, dân chủ. Kể từ nay, Thầy sẽ không tiếp các cơ quan công quyền ở Bình Định nữa, vì gặp gỡ nói chuyện với họ chỉ gây thêm phiền phức mà chẳng có lợi ích gì cho việc xây dựng đạo lý dân tộc và kiến thiết quốc gia”. Ngài cũng dạy Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế : “Phải theo dõi thường xuyên hoàn cảnh của Hòa thượng Quảng Độ để báo động và hỗ trợ, vì ở Bình Định không có cách chi liên lạc, mà Hòa thượng Quảng Độ rất cần được chăm sóc sau cuộc giải phẫu tim mạch hồi tháng 9 vừa qua”.
Ngày 10.10.2003, vì công luận thế giới chấn động trước cuộc bắt bớ hàng giáo phẩm Hội đồng Lưỡng viện, và sự chất vấn gay gắt của các báo chí và hãng thông tấn quốc tế có nhiệm sở tại Hà Nội, nhằm che giấu cuộc đàn áp Giáo hội, ông Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao tuyên bố : “Trong cuộc kiểm soát xe cộ trên xa lộ 1A, cảnh sát giao thông đã bắt được trong người ông Quảng Độ và ông Huyền Quang những chứng cớ về các hành động sai lầm kể cả những tài liệu bí mật Nhà nước”.
Ngày 21.10.2003, Giám đốc Công an Bình Định đến yêu cầu Ngài từ nhiệm mọi chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chấm dứt liên lạc với Hòa thượng Thích Quảng Độ, thì Nhà nước sẽ mời Ngài ra thăm Hà Nội trở lại để bàn tính việc hợp tác với Giáo hội Phật giáo Nhà nước và sẽ trao cho Ngài những chức vụ cao cấp. Ngài từ khước.
Trong khi ấy, rộng khắp từ trong nước ra đến hải ngoại và quốc tế, một phong trào phản đối nổi lên.
Tại Huế, ngày 18.10.2003, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh thư ký Viện Tăng thống, tuyên bố tuyệt thực vô hạn định kể từ ngày 19.10.2003 để phản kháng chính quyền Thừa thiên – Huế quản chế bằng miệng Hòa thượng, yêu sách trả tự do cho các thành viên Hội đồng Lưỡng Viện bị bắt, bị quản chế kể từ ngày 8.10.2003 và giải quyết thỏa đáng việc phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Sáu mươi Tăng sinh đến đảnh lễ xin Hòa thượng cho phép tháp tùng cuộc tuyệt thực, nhưng Hòa thượng không khứng. Chư Tăng Huế đến thỉnh cầu Hòa thượng ngưng tuyệt thực vì công cuộc vận động cho Giáo hội còn trường kỳ, Hòa thượng cũng không khứng nhận. Sau mười ngày tuyệt thực, sức khỏe Hòa thượng nguy ngập, nên sáng ngày 28.10.2003, Ngài Huyền Quang ra khẩu lệnh về Huế yêu cầu Hòa thượng Thích Thiện Hạnh ngưng tuyệt thực. Ngài dạy rằng : “Cuộc tranh đấu còn dài, còn nhiều cam go. Chư Tăng và Phật tử phải chọn Con Đường Sống để cứu Sự Sống. Phải thánh hóa cái sống cho Chánh pháp trường tồn”, nên Hòa thượng Thiện Hạnh mới tuân lệnh ngưng tuyệt thực.
Tại Hải ngoại, ngày 13.10.2003, Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Đạo, ra Thông tư kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử ở hải ngoại hãy hành động hết mình để cứu nguy chư Tôn Giáo phẩm quốc nội bằng cách tiếp xúc và thông tin đến các chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng như luân phiên tổ chức cầu an cho quốc nội. Ngày 22.10.2003, Hòa thượng lại ra Thông tư Khẩn kêu gọi Giáo hội tại Châu Âu, Châu Úc và Tân Tây Lan, Canada, cùng chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, Thiện hữu tri thức lãnh đạo các cấp Giáo hội, cùng toàn thể Phật tử khắp nơi tại hải ngoại “Vì sự sinh tồn của Đạo pháp, yêu cầu chư Liệt vị khẩn cấp đồng loạt tổ chức tuyệt thực phản kháng trước các tòa Đại sứ, Lãnh sự quán của Cộng sản Việt Nam liên tục trong 2 tuần lễ từ ngày 1.11 đến ngày 15.11.2003”. Tất cả các chùa viện ở hải ngoại đã đáp ứng, Gia Đình Phật tử tổ chức “Đêm Thắp Nến” cầu an tại chùa, trước các Công trường hay trước các Sứ quán, tòa Tổng lãnh sự của Hà Nội, và tuyên đọc Đạo từ của Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang và Đạo từ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, kêu gọi Phật tử trong và ngoài nước : “Đừng sợ nữa, hãy dõng mãnh và Vô úy đưa con thuyền Giáo hội lướt qua phong ba bão táp !”
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế kết hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Đạo mở cuộc vận động khẩn cấp và sâu rộng tại Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội châu Âu từ hạ tuần tháng 10.2003, đưa tới thành quả là ngày 19.11.2003 Hạ viện Hoa Kỳ thông qua với đa số áp đảo “Quyết nghị 427” tán thán sự kiên cường của hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một Giáo hội dân lập và có truyền thống 2000 năm lịch sử, và yêu sách Nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ và chư Hòa thượng, Thượng tọa giáo phẩm trong Hội động Lưỡng viện cũng như phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam. 24 giờ đồng hồ sau, ngày 20.11.2003, Quốc hội Châu Âu thông qua Quyết nghị tương tự với đa số tuyệt đối, tố cáo Nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, yêu sách trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, các Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng Viện, và đòi hỏi cho Việt Nam có Tự do tôn giáo.
Ngày 21.2.2004, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế kết hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Đạo tổ chức “Ngày Tri ân hai Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu lên tiếng hậu thuẫn cho Tự do Tôn giáo tại Việt Nam” tại Tu viện Hoa Nghiêm, thành phố Santa Ana, vùng Nam California, và ngày 22.2.2004, tại hai thành phố San Jose và Oakland, vùng Bắc California, Hoa Kỳ. Các vị Dân biểu đại diện Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu đã đến tham dự, nhận lãnh niềm tri ân, và phát biểu hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nhân dịp này, hai bản Quyết Nghị của hai Quốc hội đã được đăng tải nguyên văn với lời tri ân của Ngài và Hòa thượng Thích Quảng Độ trên một trang báo lớn trong hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ : San Jose Mercury News và San Francisco Chronicle.
Ngày 28.4.2004, vào lúc 10 giờ 50 sáng, ông Raymond Burghart, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng phu nhân đến Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định vấn an Ngài và hàn huyên thân mật trên một tiếng đồng hồ. Nhân dịp này, Ngài nhân danh Giáo hội ngỏ lời cám ơn ông Đại sứ, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ đã lưu tâm đến vấn đề tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt đã không ngừng lên tiếng bênh vực mỗi khi Ngài và Hòa thượng Thích Quảng Độ lâm nạn. Ngài cũng trình bày cho ông Đại sứ về hiện trạng khó khăn nguy kịch của Giáo hội, hàng giáo phẩm cao cấp bị quản chế khắc khe, Ngài không được tự do đi lại dù là ở trong tỉnh, đi đâu cũng phải xin phép và “làm báo cáo”. Ngài cũng nhắc đến ý muốn vào Saigon thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhưng cơ quan công quyền Bình Định hứa trình lên cấp trên ở Hà Nội rồi chẳng bao giờ hồi âm.
Ngày 15.9.2004, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin L. Powell công bố một danh sách 8 quốc gia đàn áp trong thế giới “cần đặc biệt quan tâm” (Countries of Particular Concern), trong đó có Việt Nam, vì các quốc gia này “dùng các biện pháp độc tài toàn trị hay độc đoán để kiểm soát những hoạt động tín ngưỡng và nghi thức tôn giáo”. Các nước bị liệt kê như thế sẽ bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài trên lĩnh vực kinh tế và tài chánh, nếu các quốc gia này không chịu thay đổi chính sách đàn áp tôn giáo. Được tin này Ngài mong mỏi Nhà nước Việt Nam chấm dứt đàn áp tôn giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng, để tránh các biện pháp chế tài gây thêm nghèo thiếu cho toàn dân. Sự kiện này chứng tỏ cuộc vận động cho tự do tôn giáo và nhân quyền của GHPGVNTN phát động liền sau ngày 30.4.1975 là cuộc vận động có chính nghĩa dân tộc và nhân loại vì đã được thế giới lắng nghe và hậu thuẫn. GHPGVNTN đã đi đầu trong những ngày sắt máu, khủng bố và bưng bít, mà biểu hiện quyết liệt thể hiện qua cuộc tự thiêu tập thể của 12 Tăng Ni tại Thiền viện Dược sư ở Cần Thơ ngày 2.11.1975, rồi từ đó dưới sự lãnh đạo bất khuất và kiên trì của Ngài và Hoà thượng Thích Quảng Độ.
Ngày 19.9.2004, Ngài ban Đạo từ cho Đại hội Khoáng đại kỳ III GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hoá Đạo và nhắc nhở : “Thấm thoát đã mười hai năm, kể từ ngày tôi thay mặt Hội đồng Lưỡng viện, ra Quyết định hôm 10.12.1992, ủy thác Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ thiết lập Văn phòng II Viện Hóa Đạo, đại diện Giáo hội nơi quê nhà góp mặt cùng thế giới và nói lên những ước vọng của Phật giáo đồ trong nước những khi hữu sự. Quí Liệt vị Giáo phẩm cao cấp, trung cấp, chư Tăng Ni cùng Cư sĩ Thiện tri thức, Phật tử các giới đã xiển dương Chánh Pháp ngày càng rực rỡ và hoàn thành những công tác vận động quốc tế to lớn, hiệu quả, làm vang xa tiếng nói chính nghĩa của Giáo hội và nhân dân thầm lặng trong nước. (…) Tôi cũng ngỏ lời tán dương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hải ngoại nói chung, và tại Hoa Kỳ nói riêng, luôn trung kiên giữ vững tinh thần và đường lối sinh hoạt trong những lúc Giáo hội nơi quê nhà gặp khó khăn, nguy biến. Thật đáng khen ngợi.
“Hiện tại, dù sống trong cảnh câu thúc, quản chế, tôi cũng như Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, cùng hàng giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng viện, vẫn trước sau như một với đặc tính nổi bật của Phật giáo Việt Nam, là luôn luôn gắn liền với vận mệnh Dân tộc. Là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đương nhiên Phật giáo đồ Hải ngoại cũng hướng tâm thể hiện sự nổi bật ấy để vượt thắng bao ly cách giữa các châu, và trước bao chủ trương ly gián, mê hoặc, làm phân hóa các đoàn thể và xói mòn Tăng thể lục hòa. Có như vậy, công cuộc vận động lương tri nhân loại hậu thuẫn cho việc phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới tăng cường ý nghĩa, đồng thời chuyển hóa dân trí nước ta thích nghi với xu thế tiến bộ và hòa bình của thế giới cũng như tác động vào các biến chuyển dồn dập của tình hình”.
Ngày 18.11.2004, Ngài bị xuất huyết dạ dày nặng nên chư Tăng ở Tu viện Nguyên Thiều chở ngài vào Bệnh viện Đa khoa ở Quy Nhơn cấp cứu. Sau khi Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế loan tin này ra thế giới, các nhân sĩ quốc tế và chính giới Âu Mỹ đã tới tấp gửi về hàng nghìn điện văn vấn an và cầu nguyện. Điển hình như bức điện tín của Giải Nobel Hòa bình, bà Mairead Corrigan Maguire, viết như sau :
“Quý Bằng hữu Phật tử thân mến,
“Cảm tạ những dòng tin các bạn gửi đến.
“Tôi thật tình âu lo cho sức khỏe trầm trọng của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang hiện đang phải nhập viện. Xin hoan hỷ chuyển trình Đức Tăng thống lời tôi cầu nguyện và cầu chúc ngài sớm bình phục.
“Tôi muốn được góp tiếng nói của tôi cùng với hàng triệu tiếng nói quanh địa cầu gửi tới Nhà cầm quyền Việt Nam, yêu cầu họ hãy tôn trọng tự do tôn giáo, nhân quyền và cải cách dân chủ tại Việt Nam, đặc biệt là tôn trọng các quyền của người Phật tử Việt Nam cũng như các truyền thống tín ngưỡng khác, để họ được tự do hành đạo mà không bị sách nhiễu hay đàn áp.
“Mairead Corrigan Maguire
“Giải Nobel Hòa bình”
Các chùa viện trong và ngoài nước đã đồng loạt làm lễ cầu an cho Ngài. Cảm động nhất là ở hải ngoại nhiều Phật tử đã mua chim, cá phóng sinh để cầu nguyện cho Ngài sớm bình phục.
Ngày 21.11.2004, Tân Đại sứ Hoa Kỳ, ông Michael W. Marine cùng với phu nhân từ Hà Nội vào bệnh viện Đa khoa ở Quy Nhơn thăm bệnh Ngài. Cùng ngày này, tại Saigon, Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đến vấn an Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Thanh Minh Thiền viện trong vòng hai tiếng đồng hồ. Phái đoàn do bà Elizabeth Dugan, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, dẫn đầu. Tháp tùng bà Trợ lý còn có hai nhân viên cao cấp Bộ Ngoại giao, ông Seth D. Winnick, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon cùng với ba viên chức cao cấp tòa Tổng lãnh sự.
Ngày 22.11.2004, Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng với phái đoàn Lưỡng viện gồm có Hòa thượng Thích Đức Chơn, Thượng tọa Thích Viên Định, Thượng tọa Thích Nguyên Thành cùng ba Đại đức thị giả Thích Nguyên Vương, Thích Như Chí, và Thích Đồng Minh theo hộ tống lên đường đi Bình Định thăm Ngài trong cơn thập tử nhất sinh. Nhưng công an đã chận xe tại quận Tân Bình khi vừa ra khỏi chùa Giác Hoa, lấy cớ là tài xế có vấn đề. Dân chúng quanh vùng kéo nhau đến rất đông, 50 Tăng sinh ở chùa Giác Hoa cũng kéo nhau ra chỗ chận xe để bảo vệ phái đoàn không cho công an lôi kéo xe đi. Thấy vậy, công an đành để cho xe lên đường qua Thanh Minh Thiền viện rước Hòa thượng Thích Quảng Độ, sau 4 giờ dằn co. Tại Thanh Minh Thiền viện, công an và hai vị Sư trong Mặt trận Tổ quốc đã có mặt và tìm cách yêu cầu Hòa thượng Thích Quảng Độ hoãn chuyến đi vì “theo họ” Bình Định đang có bão lớn, với lại Ủy ban Nhân dân Phú Nhuận đang muốn “làm việc” với Hòa thượng. Hòa thượng đáp : “Làm việc gì đợi tôi đi về hẵng hay. Đức Tăng Thống là bậc Thầy chúng tôi, chúng tôi là con cháu của Ngài. Vị cha già của chúng tôi hiện 87 tuổi, đang ở trong tình trạng thập tử nhứt sinh mà không đi thăm sao được, bão táp phong ba gì chúng tôi cũng cứ đi”. Nói rồi Hòa thượng đứng dậy ra xe. Nhưng khi xe đến Trảng Bom, cách Saigon 50 cây số, giữa rừng cao su vắng vẻ, công an giao thông lại chặn xe không cho phái đoàn đi, rồi xe công an cùng với trăm xe gắn máy, môtô áp tải phái đoàn về lại Saigon.
Ngày 31.11.2004, Ngài xuất viện về tịnh dưỡng tại Tu viện Nguyên Thiều, sức khỏe còn rất yếu nhưng đã thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Ngày 9.12.2004, Ngài viết thư cảm tạ các vị Y sĩ và Y tá chăm sóc ngài, và qua ngày 10.12.2004 viết thư cảm tạ các nhân sĩ quốc tế, chính giới Âu Mỹ và đồng bào các giới trong và ngoài nước đã quan tâm cầu nguyện cho Ngài trong thời gian lâm bệnh : “Tôi thật tình xúc động khi biết rằng trong thời gian tôi lâm trọng bệnh, chư Tôn đức Tăng Ni, quý Cư sĩ, Đồng bào các giới trong và ngoài nước cũng như quý Nhân sĩ, Chính giới quốc tế cùng các Cơ quan Truyền thông, Báo, Đài đã đặt biệt quan tâm, lo lắng và cầu an cho tôi sớm bình phục. Bức thư hôm nay, tôi xin được tỏ bày lòng cảm kích và tri ân chư Liệt vị đã biểu tỏ từ tâm và tình huynh đệ đối với cá nhân tôi trong cơn thập tử nhất sinh.
“Đã biết lẽ vô thường không trừ một ai, sanh lão bệnh tử không bỏ sót một chúng sanh nào. Đến đi là lẽ thường. Nhưng trong cơn ngặt nghèo, tôi có chút băn khoăn vì chưa làm xong bổn phận phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để trả ơn chư Lịch đại Tổ sư. Nhưng cũng là duyên nên trên có chư Phật hộ trì, dưới có sự chữa trị tận tâm của quý vị Y sĩ và Y tá. Sau thời gian gần hai tuần lễ, tôi đã xuất viện về tịnh dưỡng ở Tu viện Nguyên Thiều. Xuất viện từ hôm 19 âm lịch, tức cuối tháng 11 dương lịch, nhưng trong người còn rất yếu, lại không được khỏe. Nên hôm nay mới có thể ngồi viết đôi lời cảm tạ chư Liệt vị.
“Trong thời gian nằm bệnh tôi được Đạo hữu Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế liên lạc và chuyển gửi hàng nghìn điện văn thăm hỏi, cầu nguyện, đặc biệt rất nhiều bằng hữu quốc tế là những vị nhân sĩ, trí thức, Giải Nobel, Thượng nghị sĩ, Dân biểu, v.v… Tôi cảm kích mối thịnh tình trên bốn biển ấy. Tôi cũng cảm kích khi biết rằng nhiều chùa viện trong nước và ở hải ngoại làm lễ cầu an cho tôi, nhiều Phật tử mua chim, mua cá phóng sinh với niệm tình mong cho tôi bình phục. Các cơ quan Truyền thông, Báo chí cũng ân cần loan tin rộng rãi. Quý Liệt vị vì thương mến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà thương lây đến tôi. Tôi xin ngỏ lời tri ân qua bức thư hôm nay”.
Ngày 10.1.2005, Ngài viết Thông điệp Xuân Ất Dậu, nhấn mạnh đến ba điều quan yếu : Ngài ngợi khen nỗ lực cứu trợ của chư Tăng Ni, Phật tử thể hiện lòng từ và tình huynh đệ bốn biển với hàng trăm nghìn nạn nhân Sóng thần ở Đông Nam Á ; Ngài đặc biệt nói lên hiện trạng bị đàn áp, khủng bố của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suốt ba mươi năm qua ; và kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử : “Bao nhiêu năm tháng Gíáo hội chúng ta đã phải chịu nhiều áp bức gian khổ để giữ vững giềng mối của đạo ; tuy nhiên đến đây chưa hẳn đã hết, mà đôi khi còn lắm gian truân. Con đường “giải trừ pháp nạn” phía trước còn dài và lắm nhiêu khê. Tôi khuyên tất cả ai nấy rằng, càng gặp khó khăn chúng ta càng trưởng thành trong tinh thần “thủ chí phụng đạo” thì đạo ấy cao sâu. Càng gặp gian nan chúng ta càng tụng đọc và thực tập lời Phật dạy “hãy lấy ma quân làm đạo bạn, lấy nghịch cảnh làm phương tiện thành tựu sự nghiệp lợi sinh, xem lợi danh và ân sủng như đôi dép bỏ”. Hơn bao giờ hết chúng ta hãy mở rộng lòng thương yêu nhau, đùm bọc nhau, đoàn tụ bên nhau, kết thành khối Kim cương bất hoại, vượt thoát mọi trở lực ngoại tại, cùng nhau xây dựng lại ngôi nhà Phật giáo mà ngót 30 năm nay đã bị đánh phá tận gốc rễ, nhưng nhất định sẽ không bị xói mòn. (…) Hãy nỗ lực phụng sự đạo pháp và dân tộc bằng cách thể hiện tinh thần vô uý, kiên trì chịu đựng, không chùn bước trước mọi nguy nan thử thách, nêu cao công lý, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp để chứng minh cho lịch sử và thế giới loài người thấy rằng, cái chân cái thiện luôn luôn là cái tồn tại vĩnh hằng với loài ngươi tiến bộ, biết yêu chuộng công bằng và nhân phẩm”.
Ngày 21.2.2005, Ngài viết Thư Ngỏ gửi đến các ông : Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng, Trần Đức Lương, Chủ tịch Nước, Phan Văn Khải, Thủ tướng, và Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội. Qua Thư Ngỏ, Đức Tăng thống ngạc nhiên nhận định một điều mâu thuẫn đang xẩy ra hiện nay khi thấy Nhà nước tiếp tục đàn áp GHPGVNTN, nhưng lại đón tiếp phái đoàn Sư Ông Nhất Hạnh về Việt Nam : “Đảng và Nhà nước cho phép một phái đoàn Phật giáo nước ngoài hàng trăm người được tự do đi lại và ăn nói, trong khi ấy chư Tăng sống tại Việt Nam thuộc một Giáo hội dân lập và truyền thống, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì lại bị ngăn cấm quyền tự do đi lại và hoằng dương chánh pháp”. Ngài nhắc cuộc gặp gỡ Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hà Nội ngày 2.4.2004 nhân Ngài đi chữa bệnh ở Hà Nội : “Cuộc gặp gỡ hy hữu ấy đã đem lại nhiều hân hoan, hy vọng cho đồng bào Phật giáo trong và ngoài nước nói chung, các chính giới và bằng hữu quốc tế nói riêng. Hân hoan là vì chưa hề xẩy ra trên bất cứ quốc gia nào sự kiện một vị Thủ tướng tiếp một tù nhân tôn giáo như bản thân tôi vào thời điểm ấy”. Thế nhưng “sự kiện xẩy ra sáu tháng sau đó, đặc biệt là việc chận xe rồi bắt bớ chúng tôi tại Bình Định và Lương Sơn trong hai ngày 8 và 9.10.2003, làm cho tôi từ ngờ vực đi đến thất vọng về một chính sách bất bình đẳng tôn giáo bất di bất dịch của Đảng và Nhà Nước đối Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và đối với riêng bản thân tôi từ thời Kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 5, và nay dưới chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa”. Cuối thư Ngài đề xuất : “Xin Đảng và Nhà nước minh bạch hóa trường hợp quản chế tôi và Hòa thượng Thích Quảng Độ bằng khẩu lệnh kể từ vụ bắt bớ tùy tiện chúng tôi ngày 9.10.2003 tại Lương Sơn gần thành phố Nhatrang. Tôi có nghe Nhà nước tuyên bố với báo chí quốc tế là do tôi và Hòa thượng Thích Quảng Độ “tàng trữ bí mật Nhà nước”. Nếu quả thật chúng tôi mắc tội này, thì xin trưng bằng cớ và đưa chúng tôi ra tòa xét xử với quyền biện hộ phân minh. Chúng tôi sẽ chấp hành án lệnh sau phiên xử. Còn như lý do nêu ra không đúng sự thật, thì tuyên bố chấm dứt việc buộc tội vô căn cứ và trả chúng tôi về đời sống tự do, chứ không như hiện tại, từ trên một năm qua, chúng tôi phải sống trong cảnh quản chế gắt gao như một người tù tại Tu viện Nguyên Thiều và Thanh Minh Thiền viện”.
Ngày 20.3.2005, Ngài trực tiếp gọi điện thoại cho Ban Trị sự Giáo hội Nhà nước tỉnh Bình Định thông báo rằng Ngài không tiếp Sư Ông Nhất Hạnh và phái đoàn Tăng thân Làng Mai theo lời yêu cầu của Sư Ông ngỏ ý muốn đến Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định đảnh lễ Ngài.
Ngày 10.4.2005, Ngài viết Thông điệp Phật Đản 2549 đưa ra hai lời khuyến thỉnh, một cho Nhà nước và một cho chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử :
“1. Như lời Trúc Lâm Đại Sa môn khuyên bảo vua Trần Thái Tông : “Trong núi không có Phật, Phật ở tại tâm… Phàm là đấng quân vương, hãy lấy ước muốn của thiên hạ làm ước muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình… xin Bệ hạ chớ quên điều ấy.” (…) Xin chư vị Lãnh đạo nước nhà hôm nay, hãy can đảm nhìn thẳng vào sự thật của hiện tình đất nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử ; hãy đặt quyền lợi dân tộc và sự phát triển quốc gia lên trên hết ; chư vị hãy lắng nghe ý kiến, tôn trọng và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của hơn tám mươi triệu dân, để có thể chung sức xây dựng đất nước, sớm đưa toàn dân thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, chặn đứng sự băng hoại về tinh thần và đạo đức trong xã hội mà công luận và các bậc thức giả đã nhiều lần cảnh báo.
“2. Chư vị Tôn đức, Tăng Ni cùng toàn thể Phật tử hãy tinh cần tu học, nỗ lực quán chiếu để phát khởi tuệ giác Như thật nơi mỗi chúng ta để thấy rõ nẻo chánh đường tà, không để danh lợi phù phiếm, quyền lực thế gian chi phối đánh mất lý tưởng thượng cầu hạ hóa của người con Phật”.
Ngày 8.8.2005 nghe tin quân khủng bố đánh bom tại thủ đô Luân Đôn gây chết chóc thảm khốc cho nhân dân Anh, Ngài viết thư chia sẻ gửi Nữ hoàng Elisabeth Đệ nhị. Sang ngày 15.8, Nữ hoàng đã có thư cảm tạ gửi nhờ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chuyển trình lên Ngài.
Tình hình đàn áp các Ban Đại diện tại các tỉnh miền Trung gia tăng, ngăn cấm chư Tăng đến Bình Định bái tuế Ngài theo truyền thống thăm viếng, lạy Tổ, đảnh lễ chư vị trưởng lão tôn túc sau ngày Tự tứ, rằm tháng bảy. Ngày 18.8.2005, công an và Ban tôn giáo chính phủ đến Tu viện Nguyền Thiều “làm việc” với Ngài, cấm không cho Ngài tiếp các phái đoàn, đặc biệt không được tiếp ngài Quảng Độ. Ngài viết bức thư gửi Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo căn dặn việc Phật sự :
“Kính gửi Hòa Thượng Thích Quảng-Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo.
“Tôi gửi lời thăm Hòa thượng Viện trưởng, và thông báo cho Hòa thượng biết sáng nay, ngày 18/8/2005, Chánh quyền, Công an, Mặt trận, Ban Tôn giáo có đến Tu viện Nguyên Thiều nói rằng Hòa thượng Quảng Độ sắp ra đây đại hội nữa. Nhưng không được, vì Nhà nước không cho.
“Nay cũng sắp mãn nhiệm kỳ rồi (nhiệm kỳ 2 năm của VHĐ và các Ban Đại diện chiếu theo điều 27 Hiến chương, PTTPGQT chú), nhưng ở Tu viện Nguyên Thiều tổ chức không được thì chắc Sài gòn cũng không được.
“Vậy Hòa Thượng hãy tùy hoàn cảnh, điều kiện, mà thêm bớt, thay đổi, bổ sung, củng cố lại các thành viên trong Hội đồng Lưỡng viện sao cho phù hợp với tôn chỉ để bảo toàn Giáo hội là được, chứ hoàn cảnh bây giờ và nhiều năm sau này nữa cũng chưa tổ chức Đại hội được đâu. Có lẽ hết đời mình cũng chưa Đại hội được đâu.
“Nhưng chúng ta đừng lo. Chánh quyền nào cũng nói muôn năm nhưng có chánh quyền nào muôn năm đâu ? Còn Phật giáo đâu có nói muôn năm nhưng Phật giáo đã mấy ngàn năm rồi.
“Cầu chúc Hòa thượng và chư Tăng trong Hội đồng Lưỡng viện mạnh khỏe, Phật sự viên thành.
Huyền Quang”
Ngày 1.12.2005, Quốc hội Châu Âu ra Quyết nghị yêu cầu Việt Nam “chấm dứt mọi hình thức đàn áp các thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và chính thức công nhận quyền hiện hữu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như các Giáo hội chưa được thừa nhận tại Việt Nam ; và “trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tù nhân vì lương thức bị giam cầm vì đã biểu tỏ chính đáng và ôn hoà các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, đặc biệt là trả tự do cho nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, hai Hòa thượng đã được LHQ xác nhận là nạn nhân bị giam cầm trái phép (Quan điểm mang số tham chiếu 18/2005 ngày 26.5.2005 của Tổ Hành động Chống Bắt bớ trái phép của LHQ)”.
Ngày 16.2.2006, Phái đoàn hai Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo do Hòa thượng Thích Quảng Độ hướng dẫn, dự tính lấy chuyến xe lửa lúc 19 giờ ở ga Saigon đi Bình Định vấn an và Chúc thọ đức Tăng thống Thích Huyền Quang vào dịp đầu năm Bính Tuất, 2006. Phái đoàn gồm có 11 vị, trong số này có Hòa thượng Thích Đức Chơn, Thượng tọa Thích Viên Định, Thượng tọa Thích Không Tánh, Thượng tọa Thích Chơn Tâm, v.v… Nhưng khi đến ga Saigon, một trăm Công an mặc sắc phục và thường phục chờ sẵn, hành hung, xô xát, nên không một ai được ra đi dù đã mua vé sẵn từ trước.
Ngày 5.4.2006, Ngài viết Thông điệp Phật Đản 2550 kêu gọi chư Tăng Ni Phật tử tinh cần hành đạo và cảnh sách trước các âm mưu chia rẽ : “Con đường phía trước còn dài và nhiều khó khăn, nhưng chúng ta phải chu toàn sự nghiệp vận động phục hoạt GHPGVNTN cho đến khi thành tựu. Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước hãy tinh cần hành đạo, cảnh sách trước các âm mưu chia rẽ, trước những lời hứa hẹn hão huyền, không vì miếng mồi danh lợi phù du mà đánh mất bản chất và phẩm giá của người con Phật”. Bởi vì chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng sản vẫn chưa thay đổi : “Kỷ niệm Phật Đản, giữa lúc GHPGVNTN vẫn đang trong cơn pháp nạn, liên tục bị bức hại. Bản thân tôi và Hoà thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, cùng các vị trong Hội Đồng Lưỡng Viện, bị Nhà nước Việt Nam theo dõi, hăm doạ, cô lập, ngăn cấm không cho gặp nhau ; các thành viên Ban Đại Diện các tỉnh thành thì bị khủng bố, đàn áp. Vì thế mà Giáo hội chúng ta không thể hoạt động được. Cho nên, cúng dường Phật Đản năm nay, Tăng Ni, Tín đồ còn phải ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình trước tiền đồ đạo pháp và dân tộc, loại bỏ dị kiến, đoàn kết bên nhau, kiên trì “bản thệ độ sanh” và sẵn sàng chấp nhận hy sinh ; khó khăn không chùn bước, danh lợi chẳng màng, không khuất phục bạo lực”.
Ngày 21.9.2006, ông Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ Công an từ Hà Nội vào thăm Ngài. Ông ngỏ lời khuyên Ngài “nay tuổi đã già nên tịnh dưỡng, không nên nhọc công lo việc Giáo hội, để cho giới trẻ cáng đáng”. Ông Thứ trưởng Công an cũng khuyên “nếu ông Quảng Độ có ra thăm cũng không nên bàn chuyện Giáo hội”. Ngài liền đáp : “Chí nguyện suốt đời tôi là phục vụ dân tộc, phục vụ đạo pháp, phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho đến hơi thở cuối cùng. Không ai có thể ngăn cấm tôi và Hòa thượng Thích Quảng Độ bàn bạc chuyện Phật sự của Giáo hội”.
Ngày 22.9.2006, Đức Tăng Thống lâm bệnh, chóng mặt và khó thở. Đến ngày 25.9 thì tình hình khẩn cấp nên chư Tăng ở Tu viện Nguyên Thiều đưa ngài vào bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn lúc 16 giờ. Bác sĩ cho biết ngài bị suy tim và viêm phổi. Ban chỉ đạo Viện Hóa Đạo đã cấp tốc triệu tập buổi họp khẩn để lượng định tình hình và lấy quyết định thỉnh Đức Tăng thống vào Saigon chữa trị. Hòa thượng Thích Quảng Độ liên lạc với chư Tăng ở Tu viện Nguyên Thiều và cử hai Thượng tọa ra Bình Định sắp đặt việc rước ngài.
Ngày 27.9 Hòa thượng Thích Quảng Độ ra Thông bạch kêu gọi chư Tôn đức, các cấp Giáo hội và các chùa viện trong và ngoài nước tổ chức lễ Cầu an cho Đức Tăng thống, cầu nguyện cho Ngài thượng lộ bình an, tai qua nạn khỏi, việc chữa trị tại Saigon gặp thầy hay thuốc giỏi và Ngài sớm bình phục.
Ngày 28.9.2006, hai chiếc xe, một của bệnh viện, một của chư Tăng đã khởi hành lúc 8 giờ sáng đưa Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang vào Saigon chữa trị.
Ngày 29.9.2006, Phái đoàn Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, do Hòa thượng Thích Quảng Độ hướng dẫn đã đến bệnh viện Chợ Rẫy ở Chợ Lớn thăm bệnh Ngài trên một tiếng đồng hồ. Trên 20 chư Tăng tháp tùng gồm có HT. Thích Thiện Hạnh, TT. Thích Viên Định, TT. Thích Không Tánh, TT. Thích Chơn Tâm, TT. Thích Nguyên Lý, TT. Thích Quảng Tôn, TT. Thích Quảng Huệ, TT. Thích Chánh Niêm, TT. Thích Thanh Tịnh, TT. Thích Tâm Định, TT. Thích Huệ Đăng, TT. Thích Nguyên Thành, TT. Thích Nhật Hiển, và 6 Đại đức chùa Giác Hoa, v.v.. Ở hải ngoại, hàng trăm chùa viện tổ chức lễ Cầu an cho Đức Tăng thống sớm bình phục.
Ngày 1.10.2006, thể theo nguyện vọng của Phật tử Saigon và của Giáo hội mong cầu được tận tình ở bên Đức Tăng thống chăm sóc tại một bệnh viện tư cho tiện lợi. Nên Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng chư Tăng giáo phẩm trên 20 vị và đông đảo Phật tử đã đến bệnh viện Chợ Rẫy ruớc Ngài lúc 15 giờ 30 chở về điều trị ở bệnh viện Pháp Việt, tọa lạc tại số 6 đường Nguyễn Lương Bằng, Phường Tân Phú, thành phố Saigon. Tại đây các bác sĩ chuyên khoa tận tình chữa trị bệnh viêm phổi và suy tim. Sau đấy phát hiện căn bệnh mới, nên giải phẫu ở tuyến tiền liệt. Mọi sự diễn ra tốt đẹp và may mắn.
Ngày 16.10.2006, sau khi khám tổng quát, các bác sĩ ở bệnh viện Pháp Việt đồng ý để Đức Tăng thống xuất viện về tịnh dưỡng tại Chùa Giác Hoa ở Quận Bình Thạnh, Saigon. Một thời gian sau Ngài trở về Tu viện Nguyên Thiểu, tỉnh Bình Định, chờ ngày 30.12.2006 trở lại Saigon tái khám.
Ngày 2.1.2007, Phái đoàn Viện Hoá Đạo ra Bình Định rước Ngài, thì được Ngài cho biết : “”Công an tỉnh đã đến nói với tôi rằng : “Không cho tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh cũng như không cho Ông Quảng Độ ra Tu viện Nguyên Thìều thăm viếng tôi”. Ngài hỏi lý do : “Lệnh này đến từ đâu hoặc có chỉ thị gì không ?”, thì Công an đáp : “Không có chỉ thị gì cả. Nếu có cũng không cho ông biết làm gì”.
Ngày 15.4.2007, Ngài viết Thông điệp Phật Đản 2551. Qua Thông điệp này, Ngài nhắc lại ý thức “Cư trần lạc đạo” mà Ngài đã khai diễn qua Thông điệp Xuân Nhâm Ngọ, 2002, trong hoàn cảnh cụ thể Việt Nam : “Một trong những nguồn thiền nước ta là nguồn thiền Trúc Lâm Yên Tử, lấy “cư trần lạc đạo” làm tiêu chí. Từ nơi giam hãm, cô lập hiu quạnh, ở Tu Viện Nguyên Thiều, ở Thanh Minh Thiền Viện, tôi và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, vẫn đang “cư trần lạc đạo”, và xin kính gửi đến quý vị mong cùng đồng hành. Cư trần lạc đạo, có nghĩa là hiện diện nơi trần thế mà hành đạo, vui đạo, sống đạo, dựng đạo, hưng đạo chứ không xa lánh trần thế đầy khổ nhục, tìm thú riêng của bản thân.
“Hiện diện nơi trần thế, nói lên con đường hành đạo cứu nhân độ thế của Phật Giáo Việt Nam. Việc ấy đã thực hiện, đã chứng tỏ, suốt dòng lịch sử 2000 năm Phật giáo. Đặc biệt dưới các triều đại tự chủ và độc lập, từ thuở Hai Bà Trưng cho đến thời hiện đại. Sự thành bại không đáng quan tâm cho bằng ý chí kim cương bất hoại của người Phật Tử. Ý chí đó còn, đạo Phật còn. Đạo Phật còn, dân tộc sẽ trường tồn trong cường thịnh, vinh quang và thái hòa, nhân loại sẽ bước vào kỷ nguyên huynh đệ đại đồng”.
Ngày 5.5.2007, Báo An Ninh Thế giới của Bộ Công an số 651, phát hành ngày thứ bảy 5.5.2007, cho đăng ở trang nhất bài “Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng thăm Hòa thượng Thích Huyền Quang : Một cuộc gặp gỡ thân tình và cởi mở” nhân ngày kỷ niệm 30.4.2007.
Báo Công an viết : “Về những thông tin mà Võ Văn Ái, Chủ tịch cái gọi là “Ủy ban Nhân quyền cho Việt Nam”, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Hải ngoại, và ông Quảng Độ nói là Hòa thượng vẫn còn bị quản thúc, bị giam cầm, 20 năm gần đây không được đi khám chữa bệnh, không ai được đến thăm, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng khẳng định cụ muốn đi đâu, kể cả trong và ngoài nước, cụ không phải xin phép, bây giờ cụ có muốn ra thăm thủ đô Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh hay ra nước ngoài cụ cứ việc đi”.
(…) “Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng thẳng thắn cho cụ Huyền Quang biết : Ông Quảng Độ không phải là nhà tu hành thuần túy, ông ta luôn lợi dụng tôn giáo, để che đây mục đích hoạt động chính trị của cá nhân. Vừa qua, ông ta đã cấu kết với Võ Văn Ái và một số tên trong các tổ chức phản động lưu vong người Việt ở nước ngoài, với số đối tượng cơ hội chính trị, chống đối ở trong nước và với một số thế lực thù địch khác ở nước ngoài để hoạt động chống phá chính quyền. Ông Quảng Độ còn táo tợn làm giả cả di chúc của cụ (sic), với mục đích để cụ chuyển giao chức Tăng thống cho Quảng Độ (…) mới đây ông Quảng Độ còn lợi dụng danh nghĩa cụ soạn thảo Thông điệp Phật Đản Phật lịch 2551, với nội dung sai sự thật, kích động chống chính quyền”.
Sự thật có đúng như báo An Ninh Thế giới viết không ? – Cuộc điện đàm giữa Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ở Tu viện Nguyên Thiều với Cư sĩ Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế kiêm Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, ở Paris sáng ngày 8.5.2007 và được loan tải qua Thông cáo báo chí phát hành ngày 9.5, thì Đức Tăng thống cho biết :
“Thứ hai tuần trước, 30.4, ông Đại tá Chế Trường, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, gọi điện xin phép đưa Tướng Nguyễn Văn Hưởng đến thăm Thầy. Hỏi có việc gì không, thì phía Công an trả lời nhân đi công tác ghé thăm chứ không có việc gì khác. Thầy có tiếp họ chừng nửa giờ. Xã giao qua về, không có việc gì khác. Họ có tuyên bố Thầy muốn đi đâu cũng được không ai ngăn cấm. Trước đây, hai lần họ mời Thầy ra làm Trú trì chùa Sóc Sơn (ở miền Bắc). Nhưng Thầy không đi. Ra ngồi đó để ở tù như hồi ở Nghĩa Hành trước đây hay sao ?! Thầy không đi. Các điều in trên báo là họ đặt bày để phá mình. Ngoài đó đừng có tin. Anh Ái dặn quý Thầy và Phật tử đừng có tin”.
Đức Tăng thống và chư Tăng Tu viện Nguyên Thiều cũng cho biết thêm rằng : khi phái đoàn đến thăm ra về thì gặp Thượng tọa Thích Minh Tuấn. Đại tá Chế Trường nhắc Thượng tọa Thích Minh Tuấn rằng “Đưa Ôn đi đâu cũng được, nhưng không được đưa đi gặp ông Quảng Độ”. Thượng tọa Minh Tuấn liền hỏi : “Sao không được phép gặp Ngài Quảng Độ ?” Đại tá Chế Trường đáp : “Vì ông Quảng Độ bắt tay với Mỹ !” Lúc đó Đức Tăng thống Thích Huyền Quang đứng cạnh nghe vậy liền nói : “Nhà nước cũng bắt tay với Mỹ đó chớ, vậy là Nhà nước lúc bắt tay, lúc không à ?” Ông Chế Trường và cả phái đoàn công an không ai trả lời được.
Ngày 29.8.2007, Thiếu tướng Trần Tư, Cục trưởng Cục A41 (tức Cục An ninh xã hội theo dõi và kiểm soát các tổ chức tôn giáo) từ Hà Nội vào Bình Định gặp Ngài tại Tu viện Nguyên Thiều. Chuyến viếng thăm nhắm vào ba việc : thứ nhất, Thiếu tướng Công an Trần Tư ngỏ lời phản đối việc ủy lạo và cứu trợ Dân oan khiếu kiện của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ông ta cho rằng việc cứu trợ này làm “chính trị” vì nhắm “kích động dân đi biểu tình chống chính phủ”, tuy ông không đưa ra được bằng chứng nào về cái gọi là “kích động biểu tình”.
Thứ hai, Thiếu tướng Công an Trần Tư ra lệnh cấm Đức Tăng thống không được tổ chức Đại hội Phật giáo tại Tu viện Nguyên Thiều “để làm loạn”, nói rõ là cấm phái đoàn “ông Quảng Độ ra Bình Định âm mưu mở Đại hội”. Ông Chế Trường, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, tháp tùng tướng Trần Tư đã phát biểu trong lần gặp gỡ ấy rằng : “Bao lâu tôi còn làm giám đốc ở đây thì chuyện Đại hội năm 2003 sẽ không bao giờ xẩy ra một lần thứ hai”.
Thứ ba, Thiếu tướng Trần Tư ngỏ lời mời Đức Tăng thống ra Hà Nội thăm viếng, nhân dịp gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trần Tư đề cập tới Đại lễ Phật Đản 2008 do chính phủ tổ chức long trọng tại Hà Nội và xin mời Đức Tăng Thống ra tham dự. Ông Tư xác định : Cụ muốn đi lúc nào cũng được, tháng 10 tới đây, hay tháng 3, tháng 5 năm tới, ở chơi Hà Nội càng lâu càng tốt. Ông cũng đề cập tới Đại hội Phật giáo Nhà nước kỳ VI vào cuối năm nay và nói rằng : “Phật nào cũng Phật thôi, xin mời Cụ tham gia làm Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Do Đức Tăng thống thoái thác rằng hiện nay ngài già yếu, bệnh tật, không đi đâu cả, tướng Trần Tư liền lên giọng bảo đảm : “Sẽ có máy bay đưa Cụ đi, có bác sĩ và y tá tháp tùng chăm sóc, nếu ra Hà Nội không khỏe thì có bệnh viện chữa trị tại chỗ”. Nghe vậy, một Thầy ở Bình Định nhận xét rằng : Vậy là một “Nhà Tù bay”, một “Nhà tù lưu động” đang mở cửa chờ Đức Tăng thống !”.
Ngày 8.9.2007, để đối phó với tình hình đàn áp, bức bách, bị nhà cầm quyền Cộng sản vu cáo trắng trợn và đe dọa thường trực trong bước tiến mới âm mưu tiêu diệt GHPGVNTN ; mặt khác, “một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đướng hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế”, Ngài ban hành Giáo chỉ số 09/VTT/GC/TT thay thế và huỷ bỏ Quyết định số 27 cũng do Ngài ký và ban hành ngày 10.12.1992. Sự khác nhau chỉ là Văn phòng II trực thuộc GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ chiếu theo Quyết định số 27, thì nay, Văn phòng II Viện Hoá Đạo trực thuộc Viện Hoá Đạo trong nước.
Ngày 4.2.2008, Đài Á Châu Tự do phát thanh Lời Chúc Tết của Ngài về Việt Nam trong chương trình 21 giờ tối thứ hai 4.2.2008. Nhân sự kiện Nhóm 65 thuộc tổ chức Ân Xá Quốc tế Canada vận động suốt 17 năm trời, thông qua 3500 bức thư và kiến nghị gửi đến các cấp Chính quyền Việt Nam cũng như Chính phủ Canada đòi trả tự do cho Người tù vì Lương thức là Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, phóng viên Ỷ Lan gọi điện thoại viễn liên về Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định, phỏng vấn Ngài. Qua cuộc phỏng vấn, Ngài tỏ lời tán thán và tri ân tổ chức Ân xá Quốc tế Canada cũng như Chính phủ Canada đã tiếp đón người Việt tị nạn. Nhân dịp Tết Mậu Tý – 2008, Ngài gửi lời Chúc Xuân đến Cộng đồng Người Việt hải ngoại nói chung và Cộng đồng Phật giáo hải ngoại nói riêng. Đặc biệt, Ngài gửi lời khen ngợi chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử “đã tận tình hoằng dương chánh pháp nơi các xứ sở xa xôi, đồng thời vẫn nhất tâm hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại quê nhà. Đặc biệt chư quý liệt vị đã chí thành khâm tuân và thi hành Giáo chỉ số 9 do tôi ban hành và các Thông tư, Thông bạch của Viện Hóa Đạo nhằm chấn chỉnh và phát huy Giáo hội trước tình thế mới, cũng như làm rạng danh hai nghìn năm Phật giáo Việt Nam, chư liệt vị Tổ sư, các Thánh tử đạo và những người đã hy sinh để bảo vệ dân tộc, bảo vệ lãnh thổ và bảo vệ chánh pháp”.
Lời Ngài nói đánh bạt mọi xuyên tạc của những kẻ cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại thi hành chiến dịch “trong đánh ra ngoài đánh vào” của thế quyền cộng sản nhằm gây hoang mang dư luận và phân hoá Phật giáo khi tung tin thất thiệt rằng “Giáo chỉ số 9 là giáo chỉ giả không do Ngài ban hành”.
Ngày 18.5.2008, nhân Đại lễ Phật Đản, Cộng đồng Người Việt Quốc gia tại thành phố Houston và vùng phụ cận, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, tổ chức Lễ Vinh danh Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ. Tại cuộc lễ, một trong những lời phát biểu đầy ý nghĩa là lời tôn vinh của Dân biểu Al Green. Dân biểu nói rằng :
“Những người thiện tâm quanh thế giới đều buồn thương ngày Mục sư Martin Luther King bị bắt giam vào nhà ngục Birmingham. Những người thiện tâm quanh thế giới đều buồn thương ngày Nelson Mandela bị bắt giam nửa thế kỷ trước đây. Việc cấm cố Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ hôm nay cũng gây buồn thương cho những người thiện tâm quanh thế giới.
“Bởi vì Mục sư Martin Luther King nhắc nhở chúng ta rằng, bất công ở bất cứ đâu đều đe doạ công lý cho khắp mọi nơi. Bất công đối với Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ hôm nay là mối đe doạ ngay cho đất nước Hoa Kỳ này.
“Chúng ta phải thấy rõ một điều, hễ nhắc tới nhân loại là chỉ còn một chủng tộc – chủng tộc của loài người. Nên chúng ta phải cùng nhau hành động để gìn giữ nhân loại cùng chung nòi giống ấy.
“Hoa Kỳ của chúng ta trong thế đại siêu cường của thế giới, phải khẳng định vấn nạn lớn của nhân sinh. Vấn nạn này không đòi hỏi chúng ta làm “sen đầm” quốc tế , mà là đem lại hoà bình cho thế giới. Đây là lý do vì sao Ngày lễ Phật Đản trở nên vô cùng quan trọng, vì đại lễ này nhắc chúng ta đặt trọng tâm vào sự sống của tha nhân, đem lại hạnh phúc và an lạc cho tha nhân, giúp đỡ tha nhân có cuộc sống yên hàn trên trái đất.
“Cử hành Đại lễ Phật Đản hôm nay, phải là mục tiêu để cho mọi người biến mỗi ngày trong đời sống thành một Ngày Phật Đản, ngày mà chúng ta mang lại an lạc và hoà điệu cho tha nhân, là điều nhân loại cần được hưởng trong một thế giới cộng sinh.
“Tôi vô cùng hân hạnh được hiện diện hôm nay, trong cương vị Dân biểu Liên bang đơn vị 9 Texas, đồng thời đại diện cho Quốc Hội Hoa Kỳ, trân trọng trao bằng tưởng lệ vinh danh Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ”.
Ngày 27.5.2008 vì bị yếu tim, dịch trong phổi nên Ngài phải vào bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn. Tuần lễ đầu có chiều khả quan. Nhưng sau một thời gian y sĩ phát hiện thêm bệnh gan, thận yếu, và bị suy dinh dưỡng nên phải chuyển Ngài vào phòng cấp cứu nhiều tuần lễ. Sau một tháng hơn nằm viện, bệnh tình Ngài không mấy thuyên giảm, nên Ngài tỏ ý muốn về Tu viện Nguyên Thiều cho được thanh tịnh và nghe công phu sớm chiều. Đây cũng là ước nguyện của hàng giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện và Môn đồ pháp quyến.
Về đến Tu Viện Nguyên Thiều lúc 15 giờ 30 chiều 4.7.2008 và được chư Tôn đức trong Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ và Hoà thượng Thích Thiện Hạnh dẫn đầu rước Đức Tăng Thống vào phương trượng.
Tám giờ sáng ngày 5.7.2008 Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN cùng chư Tăng tại Tu viện Nguyên Thiều Khai kinh Cầu An cho Ngài. Đến 12 giờ trưa thị giả vào báo cho hàng giáo phẩm Hội đồng Lưỡng viện biết Ngài khó thở. Chư Tăng liền đến phương trượng chí thành tụng niệm, ba mươi phút sau, lúc 13 giờ chiều cùng ngày Ngài xả báo thân, an tường thị tịch nơi phương trượng của Ngài tại Tu viện Nguyên Thiều do Ngài sáng lập 50 năm trước.
Lễ nhập Kim quan lúc 8 giờ sáng ngày 6.7.2008, tức mùng 4 tháng 6 Mậu Tý. Lễ rước Kim quang nhập Bảo Tháp lúc 7 giờ sáng ngày 11.7.2008, tức mùng 9 tháng 6 Mậu Tý. Ngài trụ thế 89 năm, pháp lạp 69.
Paris, 8.7.2008