PARIS, ngày 27.10.2006 (PTTPGQT) – Âm hưởng của Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto 2006 đang vang động trên dư luận quốc tế cũng như trong Cộng đồng người Việt hải ngoại hay đồng bào trong nước. Vì tính chất chính trị quốc tế của Giải Rafto là nhằm thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa xã hội độc tài toàn trị Việt Nam hiện nay. Câu trả lời phỏng vấn Đài BBC hôm 24.9.2006 của ông Arne Liljedahl Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto nói lên tầm quan trọng quốc tế ấy. Ông Linngard tuyên bố với phóng viên đài BBC :
“Tôi nnghĩ rằng Giải Rafto sẽ tăng cường sự chú tâm của phương Tây vào các đề tài dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Tôi nghĩ thời điểm này rất tốt bởi vì sắp tới sẽ có Hội nghị APEC ở Việt Nam. Việt Nam cũng rất muốn tăng uy tín quốc tế của mình, và nhiều nhà lãnh đạo Phương Tây sẽ thăm Việt Nam, sẽ gặp và thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tôi nghĩ việc trao Giải thưởng Nhân quyền Rafto năm nay chính là cách nêu cao các vấn đề Quyền Con Người, và sẽ giúp cho việc đưa chúng lên cao trong nghị trình của những tuần, những tháng tới”.
Riêng đối với chính trường Na Uy, ông Linngård cho biết :
“Chúng tôi đã yêu cầu các chính trị gia Na Uy rằng khi đến Hà Nội, họ cần thảo luận về sự quan tâm của Cộng đồng Quốc tế vào các vấn đề nói trên. Chứ không chỉ nói về đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi muốn thấy sự thăng tiến trong cả việc tôn trọng nhân quyền và cải tổ làm sao để có một xã hội dân chủ tại Việt Nam”.
Trong cuộc trả lời ký giả Nhã Trân của Đài Á châu Tự do hôm 27.9.2006, ông Linngard còn nhấn mạnh :
“Chúng tôi rất muốn bày tỏ rằng thế giới đang theo dõi và ủng hộ những cố gắng của phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam, tán đồng đòi hỏi của phong trào này về một xã hội đa nguyên, một xã hội dân chủ hơn, một xã hội tôn trọng nhân quyền, cho phép đảng phái chính trị tổ chức một cách hợp lý, và cho phép sự tự do về truyền thông. Vì vậy đối với chúng tôi điều quan trọng là chúng tôi được nói với người dân Việt Nam, cũng như với nhà cầm quyền Việt Nam, là thế giới đang theo dõi, quan sát, và chúng tôi kỳ vọng sẽ có những thay đổi ở Việt Nam lúc này. Chúng tôi muốn chính phủ Việt Nam lắng nghe nhân dân, để biết rằng người dân muốn đất nước thay đổi và theo kịp các nước khác trên thế giới”.
Mặc dù có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Na Uy, đặc biệt là hôm 25.9.2006, bà Erna H. Solberg, nhân danh Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Na Uy đã đến Hà Nội gặp Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, nêu rõ trường hợp quản chế Hòa thượng Thích Quảng Độ và yêu cầu trả tự do cho Hòa thượng để ngài sang Na Uy lãnh Giải Rafto vào tháng 11.
Tuy cuộc gặp gỡ mang nhiều dấu hiệu tích cực, song cho đến hôm nay, Nhà cầm quyền Hà Nội vẫn chưa chính thức trả lời các đòi hỏi của chính quyền và Quốc hội Na Uy.
Ngày 1.10.2006, từ Saigon, Hòa thượng Thích Quảng Độ viết thư gửi Ông Arne Liljjedahn Lynngård, Chủ tịch Hội đồng Sáng hội Rafto cảm tạ sự trao giải cùng những quan tâm đối với phong trào Dân chủ đang bộc phát tại Việt Nam. Hòa thượng nêu lên việc bản thân Ngài hiện bị quản chế cũng như tình trạng nhà cầm quyền Cộng sản kiềm tỏa, đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đặc biệt mối lo ra đi không được trở về lại Việt Nam. Hòa thượng đưa ra hai lý do lịch sử khiến ngài “không tin chế độ Cộng sản”, không tin sự hứa lời rồi lại cướp lời của người Cộng sản. Nên Hòa thượng thông báo cho Hội đồng Sáng hội Rafto quyết định ủy quyền ông Võ Văn Ái thay Ngài lãnh giải hôm 4.11.2006, nếu từ đây đến đó Nhà cầm quyền Hà Nội không có sự thay đổi triệt để chấm dứt chính sách đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trả tự do cho toàn bộ hàng giáo phẩm lãnh đạo.
Bức thư trên đây Hòa thượng viết bằng Anh ngữ. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dịch toàn văn sang Việt ngữ và đăng tải dưới đây. Chúng tôi cũng cho đăng thư ủy quyền của Hòa thượng Thích Quảng Độ viết từ Saigon ngày 18.10.2006 gửi ông Võ Văn Ái nhờ thay Ngài sang Na Uy lãnh Giải Nhân quyền Rafto năm 2006 :
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P. Hồ Chí Minh
Phật lịch 2550 |
Số : /VHÐ/VT
|
Kính gửi Ông Arne Liljjedahn Lynngård
Chủ tịch Hội đồng Sáng hội Rafto
(Nhờ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris chuyển giúp)
Ngài Chủ tịch kính mến,
Tôi viết thư này nói lên lời cảm tạ chân thành và sâu xa việc chọn tôi lãnh Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorold Rafto năm 2006 dành cho những người bảo vệ nhân quyền. Thư hồi âm chậm trễ, xin ngài thông cảm và lượng tình. Ông Võ Văn Ái, người phát ngôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi loan báo tin này hôm 23.9.2006. Nhưng cùng thời gian ấy, Đức Tăng thống Thích Huyền Quang lâm trọng bệnh tại tỉnh Bình Định, là nơi Ngài bị quản chế. Khiến tôi âu lo và bận rộn tìm các phương tiện đưa Ngài về Saigon chữa trị. Tôi xin báo tin vui là Đức Tăng thống hiện nay đang được chăm sóc trong một bệnh viện tư ở thành phố Saigon, nơi ngài được tận tình chăm sóc, đông đảo Phật tử hằng ngày viếng thăm ngài. Dù Đức Tăng thống còn yếu mệt, nhưng tinh thần minh mẫn và sức khỏe dần dà hồi phục.
Riêng đối với tôi, Giải Rafto đến một cách quá bất ngờ, một vinh dự chẳng bao giờ tôi nghĩ tới hay ước mơ. Tôi xúc cảm đọc bản thông cáo báo chí của Ngài do đạo hữu Võ Văn Ái gửi về, qua đó Sáng hội Rafto chọn tôi như một “biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc”, và qua tôi, Ngài “mong ước nói lên sự hỗ trợ tất cả những người Việt Nam đang đấu tranh để chuyển hóa ôn hòa sang nền dân chủ”.
Là Tăng sĩ Phật giáo, tôi không mưu cầu quyền lợi hay danh vị. Nhưng tôi tin quyết vào phong trào dân chủ tại Việt Nam, và tôi cống hiến đời tôi cho công trình kết hợp mọi người Việt bất phân tôn giáo, bất phân chính kiến để cùng nhau đẩy mạnh tiến trình dân chủ. Vinh danh tôi như “thế lực kết hợp” là ngài đã thấy rõ động cơ sâu thẳm của đời tôi. Niềm thông cảm ấy không mang riêng vinh hạnh đến cho tôi, mà còn là nguồn hứng khởi và khích lệ. Ngài đặt lòng tôi vào cuộc đấu tranh ôn hòa, bền bỉ, và tôi sẽ kiên trì cho tới khi hoàn mãn. Ý nghĩa này rất lớn cho tôi, và cho tất cả những người Việt bảo vệ nhân quyền hay bất đồng chính kiến, để hiểu rằng Sáng hội Rafto đang hiện hữu, và ngài đang âu lo cho chúng tôi cũng như sẵn sàng tiếp vận tiếng nói của chúng tôi. Sáng hội Rafto vừa cho chúng tôi món quà trân quí, món quà mà chẳng bao giờ nhà cầm quyền cộng sản mang lại cho dân tộc họ – món quà huynh đệ và tương cảm. Tôi thực tình xúc động trước mối quan tâm của ngài, và trân bảo này sẽ được gìn giữ mãi hoài trong tâm khảm tôi.
Tiếc thay, tôi ngại ngùng thông báo qua thư này là không chắc gì tôi sang được Na Uy nhận giải vào thượng tuần tháng 11. Hy vọng ngài thông cảm cho tôi, rằng sự vắng mặt ấy không là dấu hiệu thờ ơ hay bội nghĩa. Thực tình tôi rất muốn đến thành phố Bergen để tự thân lên tiếng cảm tạ Sáng hội Rafto về sự quan tâm đối với dân tộc Việt Nam. Nhưng hoàn cảnh tôi hiện nay vô cùng khó. Như ngài biết, tôi đang bị quản chế, dù không hề được tuyên án hay buộc tội. Tôi cũng đứng ở vị thế thứ hai trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là giáo hội bị nhà nước Việt Nam cấm đoán. Hai nguyên do ấy biến tôi thành một công dân bất hợp pháp dưới mắt nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Họ có thể bắt bỏ tù tôi bất cứ lúc nào.
Do áp lực quốc tế của chính phủ nước ngài, hoặc để tranh thủ tín nhiệm nhân Thượng đỉnh APEC họp tại Hà Nội tháng 11 sắp tới, có thể Việt Nam sẽ cho tôi ra đi. Nhưng nếu họ để cho tôi đến Na Uy, chắc chi họ sẽ cho tôi về lại Việt Nam ? Tôi không bao giờ muốn bị kẹt nơi đất khách, nơi tôi chẳng làm được gì để cứu nguy cho đồng bào tôi vào những giây phút đồng bào tôi lâm lụy. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang nhìn tôi và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như cái gai phải nhổ. 31 năm qua, chính quyền này đã sử dụng đủ thứ phương tiện – lừa dối, áp đảo và bạo lực nhằm đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để ngăn cấm chúng tôi công khai đòi hỏi cải cách dân chủ và nhân quyền. Nếu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thành công ly cách tôi với phong trào đòi hỏi dân chủ và nhân quyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đó sẽ là gánh nặng nghìn cân được cất đi cho nhà nước XHCN. Tôi không thể nào chấp nhận nguy cơ ấy. Chỗ đứng của tôi là trên quê hương Việt, cạnh kề đồng bào tôi, tôi không bao giờ bỏ rơi đồng bào tôi cho đến ngày Việt Nam đạt tự do.
Tôi phải thành thực nói rằng, tôi không tin chế độ Cộng sản. Năm 1968, trong thời chiến tranh, Nhà cầm quyền Cộng sản Bắc Việt đề nghị hưu chiến với quân lực Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam để cùng nhau ăn Tết. Rồi người Cộng sản miền Bắc ăn Tết trước, để có thể mở đợt Tổng tấn công năm Mậu Thân tại miền Nam trong thời điểm hưu chiến, gây không biết cơ man nào là tàn phá và đau khổ cho nhân dân. Năm 1973, chính quyền Bắc Việt ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh với nhiều điều ước ngăn cấm sự trả thù giữa các bên lâm chiến để thực hiện công cuộc hòa hợp hòa giải dân tộc. Nhưng hai năm sau đó, bộ đội Bắc Việt cưỡng chiếm Saigon. Nếu một chính quyền vi phạm nghĩa vụ quốc tế đối với các cường quốc trong thế giới, thì thử hỏi lời hứa hẹn của chính quyền này đối với một cá nhân như tôi xem ra chẳng có trọng lượng gì. Cho nên, dù họ hứa cho tôi sang Na Uy, tôi chẳng an tâm chút nào.
Tuy nhiên, nếu nhà cầm quyền Việt Nam dám chân thật làm một bước tiến mới để tuyên bố phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và bảo đảm quyền tự do tôn giáo trước ngày trao Giải Rafto vào thượng tuần tháng 11 này, và với sự bảo đảm cho tôi đi rồi được trở về lại Việt Nam. Dĩ nhiên, tôi sẽ xét lại quyết định của tôi. Nếu không, tôi nhờ Phát ngôn nhân quốc tế của Giáo hội chúng tôi, là Đạo hữu Võ Văn Ái, sẽ thay tôi đến tham dự lễ trao giải và thay tôi nhận giúp Giải Rafto 2006.
Hy vọng một ngày nào đó, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý và tất cả hàng Giáo phẩm lãnh đạo được trả tự do, tôi sẽ có cơ hội đến thăm Ngài và Sáng hội Rafto tại thành phố Bergen.
Trân trọng,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(Ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Và sau đây là bức thư Hòa thượng Thích Quảng Độ ủy quyền ông Võ Văn Ái thay Ngài đến Na Uy nhận Giảo Rafto 2006 tại thành phố Bergen ngày 4.11 sắp tới :
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P. Hồ Chí Minh
Phật lịch 2550 |
Số : /VHÐ/VT
|
Kính gửi : Đạo hữu Võ văn Ái,
Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế
kiêm Phát ngôn nhân Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN.
Thưa Đạo hữu,
Ngày 21.9.2006 vừa qua, Hội đồng Chỉ đạo Sáng hội Rafto của Na Uy tặng giải Nhân quyền Rafto năm nay cho Giáo Hội, trong đó có sự vận động tích cực của Đạo hữu. Lý đáng tôi phải đại diện Giáo Hội đi nhận lãnh giải này vào ngày 4.11.2006, nhưng tôi rất ngại có thể chính quyền CSVN tìm cách ngăn chặn không cho tôi trở về nước. Như Đạo hữu đã biết, tôi không bao giờ muốn sống xa quê hương đất nước và đồng bào Phật tử, nhất là trong lúc này. Vậy nên tôi nhờ Đạo hữu thay tôi đến Na Uy ngỏ lời cảm tạ và xin lỗi về sự vắng mặt bất đắc dĩ của tôi và nhận lãnh giải này.
Cầu chúc Đạo hữu vô lượng an lạc, vạn sự như ý.
(Ấn ký)
Thích Quảng Độ