PARIS, ngày 11.5.2206 (PTTPGQT) – Nhiều tháng qua cho đến hôm nay, các thành viên thuộc 13 Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) mới ra đời tại các tỉnh miền Trung và miền Nam đều bị sách nhiễu, hăm dọa. Đây cũng là trường hợp xẩy ra cho Thượng tọa Thích Không Tánh, Chánh Ðại diện GHPGVNTN Miền Quảng Ðức (tức Saigon – Gia Định) kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội, Viện Hóa Đạo. Ngôi chùa Liên Trì là nơi Thượng tọa trụ trì luôn bị công an canh gác, mọi cuộc đi đứng ra ngoài chùa đều bị theo dõi, đường dây điện thoại bị cắt từ 3 tuần lễ qua.
Hôm 9.5.2006, Thượng tọa nhận được Giấy Mời lần thứ 3 đến làm việc với Đội An Ninh Nhân dân tại Công an Quận 2 vào lúc 14 giờ ngày 10.5.2006. Giấy mời do Thượng tá Lâm Dũng Nam, Phó trưởng Công an Quận ký. Lý do được nêu trong giấy mời là “Làm việc về việc tham gia và thành lập tổ chức bất hợp pháp”.
Do phản đối cung cách công an hách dịch, thiếu dân chủ, nên Thượng tọa Thích Không Tánh khước từ hai lần triệu tập trước đây. Lần thứ ba này, Thượng tọa cũng phản đối không đến trình diện và đã viết đơn khiếu nại trả lời như sau :
“Kính gởi : Thượng tá Lâm Dũng Nam
Phó trưởng Công an Quận 2 – Hồi đáp Giấy Mời lần 3
“Kính Ông Phó trưởng ban Công an,
“Đã nhiều năm và nhiều lần tôi cực lực phản đối việc Nhà nước CHXHCNVN đàn áp, khủng bố và muốn tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi. Và tôi cũng có công bố : Khi nào Nhà nước Việt Nam không còn đàn áp và để Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phục hoạt, tự do hành đạo thì chúng tôi mới tiếp xúc, làm việc với Nhà nước – Công an.
“Thế nhưng quý Cơ quan Công an Quận 2 quý ông cứ gởi giấy mời hoài ! Trong thư mời lại không nói rõ tôi tham gia và thành lập tổ chức nào ? Và tổ chức nào là bất hợp pháp ? !
“Theo tôi biết Việt Nam là một thành viên của Liên Hiệp Quốc và là nước tự do, dân chủ thì làm gì có tổ chức nào bất hợp pháp. Chỉ những nước độc tài, không tự do, dân chủ, chống lại các quyền tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do ngôn luận… thì mới có tổ chức bất hợp pháp.
“Chúng tôi khiếu kiện việc này lên Chính phủ và Thế giới và kính xin Ông tôn trọng và thực thi Hiến pháp cùng các Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
Nguyên đơn,
ấn ký
Thích Không Tánh (Phan Ngọc Ấn)”
-Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo “để kính thẩm tường”
-Thủ tướng CHXHCNVN
-Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (Paris)
-Quý Tổ chức Nhân quyền – Tôn giáo quốc tế
“để xin can thiệp, giúp đỡ”
-Quý Tự viện “để biết”
Tại Huế, đại lễ Phật Đản năm nay, Phật lịch 2550, theo Thông bạch của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) Thừa thiên – Huế, cho biết sẽ tổ chức tại tại Tổ đình Quốc Ân, đường Ðặng Huy Trứ, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế vào lúc 7 giờ, ngày Rằm tháng Tư, năm Bính Tuất (12/05/2006). Tuy nhiên đại lễ kéo dài suốt một tuần lễ tụng kinh Pháp Hoa, bắt đầu từ ngày 08/04/Bính Tuất (05/05/2006).
Thông bạch kêu gọi toàn thể Tăng tín đồ Phật tử Thừa thiên – Huế thực hiện các điểm :
1. Thực hành Giới – Ðịnh – Tuệ để trang nghiêm bản thân, gia đình và xã hội, phát nguyện ăn chay suốt tuần lễ Phật Ðản, để thể hiện hạnh Từ bi của người con Phật đối với muôn loài.
2. Các tự viện, các khuôn Giáo hội khai kinh và luân phiên tụng niệm suốt tuần lễ Phật Ðản để cầu nguyện quốc thái dân an, tưởng niệm chư anh linh Thánh tử đạo, hồi hướng công đức đến các bậc Tiền bối hữu công đối với đạo pháp và các Chiến sĩ đã bỏ mình vì đại nghĩa dân tộc. Nhất là cầu nguyện cho GHPGVNTN sớm được phục hoạt một cách bình thường, để Giáo hội tiếp tục thực hiện và đóng góp lý tưởng hòa bình của Phật giáo cho dân tộc và nhân loại.
3. Cung thỉnh một Phái đoàn Tăng – Ni Phật tử đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm tại đài Thánh tử đạo, đường Lê Lợi – thành phố Huế.
4. Trong tuần lễ Phật Ðản, Tăng – Ni Phật tử nhịn ăn một bữa để cùng nhau gởi tấm lòng Từ bi và phẩm vật đến với những người bất hạnh, nhằm làm vơi bớt những khổ đau của họ, v.v…
Từ nơi bị quản thúc ở chùa Báo Quốc, Huế, nhân lễ Phật Đản, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Đại diện GHPGVNTN tại Thừa thiên – Huế kiêm Chánh Thư ký Viện Tăng thống, cho phổ biến bài viết mang tựa đề “Ý nghĩa Ngày Đản sanh” nói lên yếu tính của đạo Phật và chí nguyện của Phật giáo đồ Việt Nam. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin trích những đoạn quan trọng sau đây :
“Một cách khách quan để thấy rằng, sự ra đời của đức Thích Ca đã mở đầu cho một cuộc cách mạng con người toàn diện. Một cuộc cách mạng vô cùng vĩ đại, trong những cuộc cách mạng có ý nghĩa nhất của lịch sử loài người. Cuộc cách mạng mà phương tiện không làm bằng máu xương và vũ khí, vượt ra ngoài không gian và thời gian để trở nên một việc làm vô tiền khoáng hậu. Cuộc cách mạng của đức Phật, không mang những ý nghĩa thường tình mà vượt lên trên những ý nghĩa đó, vì trước hết, nó là một cuộc cách mạng tâm linh ở mỗi cá nhân con người.
“(…) Lý Duyên khởi của Ðạo Phật là con đường đưa tri thức nhân loại thoát khỏi những “hý luận vô ích khởi cạnh tranh”. Từ đó con người từ bỏ những kiến chấp mê lầm, là nguyên nhân của mọi mối khổ đau. Mọi xung đột từ bao giờ đến bây giờ, dưới những hình thức nóng lạnh đã diễn ra trên thế giới cũng đều do từ kiến chấp mê lầm nầy. Nhân loại đã không chọn đúng con đường Trung đạo của đức Phật. Nhân loại chưa đủ sáng suốt để nhận ra sự tương quan duyên khởi giữa vạn vật. Con người đã nhận lầm bóng dáng của tri thức giả tưởng và chấp chặt vào đó làm căn cứ địa cho mọi lối suy tư phân biệt. (…) Từ muôn vàn sai thù nầy, mỗi con người là một thế giới đóng khung sai biệt. Mỗi người sẽ làm chủ một thế giới cách biệt và đòi quyền làm chủ trên kẻ khác. Từ đó cuộc tương tranh là một chuỗi tranh chấp không phương thức cứu chữa, đưa tới sự xung khắc không tìm ra ngõ thoát. Sự xung khắc đi từ mỗi cá nhân con người, giai cấp xã hội, đến từng chủ nghĩa, dẫn khởi bằng những ý thức hệ đối kháng. Tình trạng sẽ kéo theo những sách lược đấu tranh bằng mọi phương tiện bạo động và vũ khí. Ðiều tất yếu trong cuộc tranh chấp là hậu quả vô cùng tai hại sẽ đến với thế giới con người. Những thế lực đối kháng sẽ tiêu diệt lẫn nhau.
“Sự ra đời của đức Phật do đó là để mang lại những pháp thức giải quyết mọi xung đột gây nên những hậu quả khốc liệt đó bằng con đường từ bi và trí tuệ đại hùng. Ðức Phật đã vén mở cho nhân loại thấy được cảnh trí bình đẳng vô ngại của thế giới. Con người không còn thấy có một tự ngã nào của mình và của kẻ khác ; không còn một sở hữu nào thuộc về chính mình và thuộc về tha nhân. Mỗi cá nhân không còn là một tinh cầu xa lạ và một mục đích tranh chấp của nhau. Con người sẽ xa dần những hình thức phân biệt đối đãi giữa thế giới hình sắc danh tướng. Từ đó, những tranh chấp cấu xé nhau sẽ không còn và nhân loại sẽ sống an bình trong pháp thức xã hội lục hòa của Phật giáo. Mọi xung đột bằng bạo động và vũ lực, mọi khủng bố bằng bạo động và cơ tâm sẽ chấm dứt, bởi vì mỗi cá nhân đã chấm dứt ngòi tranh chấp và thực hiện sự hoà bình ngay từ tự tâm chân thật của chính mình. Cá nhân thôi không còn những thế giới cách biệt, mà loài người đều ở trong một sự hỗ tương sinh tồn vi diệu. Viễn cảnh của một nền hòa bình chân thật trên thế giới sẽ mở ra từ đó. (…) Những vị lãnh đạo, các Nguyên thủ quốc gia trên thế giới, chưa ai có được một hành vi thức tỉnh sáng suốt đáng kính phục như một Asoka Ðại đế, sau trận chiến Kalinga, của xứ Ấn Ðộ thuở trước.
“(…) Trong tình cảnh bất an của thế giới ngày nay, hận thù khủng bố, bạo loạn và vũ khí hạch nhân đang đe doạ sự an bình và mạng sống sinh dân thế giới ; và Việt Nam trong tình trạng độc tài đảng trị ngày nay, nạn quan liêu, óc bè phái, họa tham nhũng, tranh chấp quyền lực, bất công và áp bức, thiếu mọi thứ tự do và mất tình đoàn kết, đang là thảm họa làm thui chột ý chí dân tộc, có nguy cơ làm băng hoại giá trị tinh thân truyền thống của một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến, và đưa đất nước đến nghèo nàn tụt hậu. Sự ra đời của đức Phật lại càng mang nhiều ý nghĩa cao cả hơn.
“Trước viễn cảnh không mấy trong sáng hiện nay của Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện Trưởng Viện Hoá Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đầu xuân Ất Dậu (2005) đã có thư gởi đến nhân sĩ, trí thức, các văn nhân nghệ sĩ và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, vận động Dân chủ đa nguyên cho Việt Nam. Ðây là một giải pháp thức thời sáng suốt và đúng đắn, phát xuất từ tấm lòng chân thật yêu nước, mến đạo thương dân của một nhà tu hành vô sản, tạo tiền đề hoá giải dân tộc, mở ra lối đi cho Việt Nam thoát khỏi những bế tắc hiện nay, để vươn lên sánh vai cùng bè bạn thế giới. Thư vận động của Hòa thượng lập tức được các nhà lãnh đạo Tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức, các văn nghệ sĩ, các nhà lão thành cách mạng và đông đảo Tăng ni Phật tử trong và ngoài nước đồng tình hưởng ứng tích cực và xem đây như là một sinh lộ của Việt Nam ngày nay.
“Không những vậy, trong Thông điệp Phật đản năm qua, Phật lịch 2549, từ Tu viện Nguyên Thiều, Bình Ðịnh Việt Nam, nơi đang bị quản chế khắc nghiệt, đức Ðệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, cũng đã có lời ân cần khuyến thỉnh :
“…Như lời Trúc Lâm đại Sa Môn khuyên bảo vua Trần Thái Tông : “trong núi không có Phật, Phật ở tại tâm… Phàm là đấng Quân vương, hãy lấy ước muốn của thiên hạ làm ước muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình… xin Bệ hạ chớ quên điều ấy”. Bằng lời khuyên khẩn thiết của vị sư già sống lẻ loi giữa núi rừng u tịch, một triều đại mới được xác lập, tiếp tục viết thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Xin chư vị lãnh đạo nước nhà hôm nay, hãy can đảm nhìn vào sự thật của tình hình đất nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử ; hãy đặt quyền lợi của dân tộc, và sự phát triển của quốc gia lên trên hết, chư vị hãy lắng nghe ý kiến, tôn trọng và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của hơn tám mươi triệu dân, để có thể chung sức xây dựng đất nước, sớm đưa toàn dân thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu, chận đứng được sự băng hoại về tinh thần và đạo đức trong xã hội mà công luận và các bậc thức giả đã nhiều lần cảnh báo”.
“Rồi trong Thông điệp Phật đản năm nay, Phật lịch 2550, đức Tăng Thống lại ân cần nhắc nhở : “… Cúng dường Phật đản năm nay, Tăng ni, tín đồ còn phải ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình trước tiền đồ đạo pháp và dân tộc, loại bỏ dị kiến, đoàn kết bên nhau, kiên trì “bản thể độ sanh” ; khó khăn không chùn bước, danh lợi chẳng màng, không khuất phục bạo lực. Chúng ta nhất tâm cầu nguyện chư Phật, chư Tổ, chư Hộ pháp thiện thần gia hộ cho chúng ta đầy đủ nghị lực ; cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Việt Nam đầy đủ sáng suốt, can đảm phản tỉnh để hoàn thành nhiệm vụ trước lịch sử dân tộc và đạo pháp, nghiêm chỉnh trả lại pháp lý sinh hoạt cho GHPGVNTN, thực hiện chính sách tự do tôn giáo thực sự đối với các tôn giáo khác ; nhất là thiết lập một chế độ tự do dân chủ cho xã hội như mọi người hằng mong ước”.
“Ba mươi năm chinh chiến, nghĩ lại chẳng có ý nghĩa gì ngoài khổ đau, huynh đệ tương tàn, mất mát và tủi nhục cho một dân tộc nhược tiểu ! Rồi 31 năm cai trị độc tài, bóc lột áp bức, hận thù và bất công, sinh dân hai miền Nam Bắc Việt Nam vẫn chưa được độc lập, tự do thật sự, vẫn nghèo nàn lạc hậu, vẫn chưa có cơ may nào hàn gắn vết thương cốt nhục tương tàn, để cùng nhau chung sức dựng xây quê hương giàu mạnh ! Tại sao ? Ngần ấy tháng năm, các thế hệ con dân Việt Nam 83 triệu đã phải sống cảnh điêu linh, khốn đốn, bị áp bức, bị rình rập, bị theo dõi, bị tước đoạt đất đai của tổ tiên và mọi thứ quyền dân sự… chẳng lẽ bấy nhiều thời gian vẫn chưa đủ nữa sao !
“Tưởng đã đến lúc con người phải tự vấn lương tri, phải được soi sáng bằng tuệ giác của đức Phật để can đảm chấp nhận tình thương thay vì hận thù ; chấp nhận trí tuệ đại hùng thay vì tâm thức vọng động chấp thủ ; nhìn thẳng vào thực tại Việt Nam, lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của quốc dân, để cùng nhau hàn gắn vết thương lòng dân tộc, xây dựng quê hương tân tiến giàu mạnh.
“Mùa hoa Vô Ưu một lần nữa đang trở về trên quê hương và thế giới. Mỗi người con dân Việt Nam, mỗi người Phật tử Việt Nam và thế giới, hãy là những sứ giả mang thông điệp tình thương yêu và trí tuệ đại hùng của đức Phật, đến với mọi người, thắp sáng lối đi, hoá giải hận thù, xây dựng lại tình yêu thương, để cùng nhau đưa đất nước đi lên cùng bè bạn. Ðó là ý nghĩa đích thực của ngày Phật đản năm nay Phật lịch 2550”.