PARIS, ngày 4.4.2013 (UBBVQLNVN) – Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam mạnh mẽ lên án cuộc xét xử bất minh đối với ông Đoàn Văn Vươn và gia đình kể từ ngày 2 cho đến 5.4.2013 tại tỉnh Hải phòng. Ông Vươn và 5 người thân trong gia đình gồm có : các ông Đoàn Văn Qúy, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ bị truy tố tội “giết người, chống người thi hành công vụ” chiếu điều 93 khoản 1(d) của Bộ luật Hình sự có thể đưa tới 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình, Nguyễn Thị Thương (vợ) và Phạm Thị Báu (em dâu) truy tố tội “hủy hoại tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có thể dẫn tới 7 năm tù.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam bình luận rằng : “Cuộc xét xử tại tòa án Hải phòng nêu bật tính cách đạo đức giả và lừa dối trên phương diện tư pháp cũng như chính trị. Không ai có thể biện minh cho sự bạo động, tuy nhiên những nông dân nuôi cá này chỉ bảo vệ quyền đất đai của họ. Hơn nữa, chỉ tại Việt Nam người ta mới thấy việc kết án người công dân “giết người” khi chưa có ai bị giết cả !”
Trường hợp ông Đoàn Văn Vươn và gia đình đã dùng mìn và súng hoa cải để bảo vệ đất đai trước sự cưỡng chiếm đất đai của hàng trăm công an và bộ đội huyện Tiên Lãng vùng phụ cận Hả Phòng ngày 5.1.2012 biểu trưng cho sự phẫn uất tận cùng của trùng trùng người nông dân Việt Nam bị nhà nước thu chiếm đất đai truyền thống của họ. Từ năm 1993, gia đình ông Vươn khổ nhọc lấn biển tạo nên đất bãi bồi nuôi trồng thủy sản. Qua năm 2009, nhà cầm quyền muốn thu hồi đất do công khó của gia đình ông Vươn tạo dựng mà chẳng có bồi thường tương xứng. Gia đình ông đã chống trả trước sức tấn công này khiến 4 sĩ quan và 2 bộ đội bị thương. Ông Đoàn Văn Vươn cùng ba người em bị bắt giam và không được gặp gỡ gia đình từ tháng giêng 2012.
Ông Võ Văn Ái đã nêu ra những điều bất thường trong cuộc xét xử và kêu gọi trả tự do tức khắc cho ông Vươn và những người thân :
1. Ông Đoàn Văn Vươn và 3 người em có thể bị kết án tử hình vì cáo buộc tội “giết người”. Thế nhưng chẳng có ai chết trong vụ xung đột này. Hôm 2.4.2013 Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết rằng Đoàn Văn Quý đã thể hiện mong muốn giết người qua lời nói: “Bắn chết mẹ chúng nó đi”. Hậu quả chết người chưa xảy ra, nằm ngoài ý muốn của các bị can. Như vậy, có đủ cơ sở xác định các bị can đã có hành vi đồng phạm tội giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
2. Tháng giêng năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với các quan chức Hải phòng và đưa ra kết luận trong vụ Đoàn Văn Vươn : “Các quyết định giao đất, thu hồi đất; việc thực hiện cưỡng chế sai luật”. Ông Dũng cũng chỉ đạo “Xử lý nghiêm minh” những lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo phá nhà anh Vươn, phải thu hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng, đình chỉ những quan chức vi phạm…”
3. Ban điều tra tội phạm được giao phó cho nhà cầm quyền Hải phòng và công an là những bô phận nhà nước bị kết án cưỡng chế sai luật. Nhằm xoa dịu dư luận, ngày 23/02/2912, Thành ủy Hải Phòng đã cách chức Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng của Lê Văn Hiền, kẻ đứng ra tổ chức cướp đất, cùng với người phụ tá Nguyễn Văn Khanh. Một số viên chức khác bị kỷ luật và 5 người trong họ chờ xét xử.
Do đó, ông Võ Văn Ái kêu gọi các vị thẩm phán bảo đảm cho công lý được thể hiện tại phiên tòa : “Hệ thống tư pháp không được độc lập tại Việt Nam. Tuy nhiên đây là cơ hội cho các vị thẩm phán minh chứng rằng họ không phải là công cụ của Đảng và Nhà nước. Họ có thể cư xử phù hợp với đạo đức và trách nhiệm tư pháp của họ để tuyên bố trắng án cho ông Đoàn Văn Vươn cùng các thân nhân vì gia đình ông Vươn chẳng làm chi khác hơn việc đấu tranh chống bất công và bảo vệ các quyền của họ”.
Trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn minh chứng cho chính sách cưỡng chiếm đất đai nông dân trong những năm qua. Dưới hệ thống XHCNVN “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, thế nhưng “do Nhà nước quản lý”. Qua đó, Nhà nước cho dân thuê đất với “Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất”. Hệ thống này thường đi đôi với nạn tham nhũng và lạm quyền đưa tới việc cướp quyền của nông dân. Đất đai cưỡng chiếm chẳng được bồi thường hoặc bồi thường không cân xứng, dùng xây các sân Gôn hay vùng nghỉ ngơi cho kẻ giàu có, bỏ rơi thành phần nông dân chiếm đến ba phần tư dân số sống trong nghèo hèn. Phụ nữ là giới nạn nhân của chính sách này, vì thường khi “Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất” đề tên chồng. Sau nhiều năm làm lụng trên đất đai của chồng, người phụ nữ bỗng nhiên thành kẻ vô gia cư, bị trục xuất không được bồi thường khi chồng chết. Thiếu “Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất” họ không thể vay mượn ngân hàng.
Trong những năm gần đây, đã nổ ra hàng loạt những cuộc biểu tình chống cưỡng chiếm đất đai, mà đa số là phụ nữ. Những người được gọi là Dân Oan. Hàng loạt người đến Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh khiếu kiện, ngủ đường hay cắm trại trước các cơ sở nhà nước hàng tháng ròng. Đã có hàng triệu đơn khiếu kiện không được nhà nước xử lý. Trái lại còn bị công an sách nhiễu, hành hung hay bắt giữ dù các cuộc biểu tình này thuần túy ôn hòa.