Home / FoRB / Đài Á châu Tự do tường thuật tang lễ Hòa thượng Thích Đức Nhuận ở Saigon

Đài Á châu Tự do tường thuật tang lễ Hòa thượng Thích Đức Nhuận ở Saigon

Download PDF

Paris, 24.1.2002 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin hân hạnh giới thiệu dưới đây bài Tường thuật Tang lễ của Cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận tại Saigon sáng nay (24.1.02) của chị Ỷ Lan. Bài tường thuật đã được Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam trong chương trình tối hôm nay :

Sáng nay vào lúc 8 giờ 30 Lễ di quan cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã được cử hành trọng thể và thiêu tại Lò hỏa táng Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh, Saigon. Trên 2000 Tăng Ni và Phật tử đã đưa tiễn theo linh cửu, mặc dù có sự cấm đoán và ngăn chận của công an thành phố đối với giới Tăng sĩ và Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội không được nhà cầm quyền công nhận kể từ khi Đảng và Nhà nước cho thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, mà đa số Phật tử gọi là Giáo hội Nhà nước.

Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Cố vấn chỉ đạo Viện Hoá Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, qua đời vào lúc 16 giờ 53 ngày 21 tháng giêng dương lịch 2002 tại Saigon vì bị nhồi máu cơ tim. Hưởng thọ 79 tuổi đời và 58 tuổi đạo. Xuất gia từ năm 13 tuổi. Sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Hòa thượng vào Nam và giữ chức Chủ tịch Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại Miền Nam. Sau cuộc đấu tranh cho tự do tín ngưỡng năm 1963, Hòa thượng giữ chức Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Hòa thượng là nhà thơ, nhà văn hoá lớn, giáo sư đại học, nhà biên khảo của 11 cuốn sách. Đặc biệt sách “Đạo Phật và Dòng sử Việt”, dày 692 trang, xuất bản “chui” tại Saigon năm 1998. Bị bắt năm 1985 và đày đi trại cải tạo cho đến năm 1993. Trước phiên tòa trá hình tại Saigon cuối tháng 9 năm 1988, Hòa thượng khẳng khái nói lên quan điểm đấu tranh bất khuất của Phật giáo cho tự do, nhân quyền, dân chủ, và bác bỏ mọi lời buộc tội của tòa án cộng sản. Do áp lực quốc tế, Hòa thượng được trả tự do trước thời hạn vào đầu năm 1993. Ra khỏi tù, Hòa thượng liền viết thư cảnh cáo những Tăng sĩ cao cấp đang theo phục vụ chính trị cho đảng Cộng sản trong Giáo hội Nhà nước. Hòa thượng Thích Đức Nhuận viết : “Đau xót biết bao khi Phật giáo Việt Nam, từ con lạch nhỏ đã vùng thoát ra được đại dương, thì nay quý Hòa thượng lại tự bước vào một vũng ao tù”.

Bức thư cuối cùng Hòa thượng viết cho Đảng và nhà cầm quyền Hà Nội đề ngày 4 tháng 9 năm 2001, khi nghe tin Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam, Hồ Tấn Anh, tự thiêu tại Đà Nẵng vào đúng ngày Quốc khánh 2 tháng 9. Trong thư này, Hòa thượng nhấn mạnh : ” Nếu đảng Cộng sản Việt Nam không tự hối cải, thay đổi chính sách, không phải chỉ riêng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà là thay đổi toàn diện chính sách cai trị đất nước, thì tình hình sẽ rất tệ hại. Bạo lực chỉ có thể khuất phục những người khiếp nhược, nhưng không có ý nghĩa gì đối với những con người biết sống và chết cho xứng đáng với phẩm giá của con người”.

Chúng tôi tìm gặp ông Võ Văn Ái, là Phát ngôn nhân của Viện Hóa Đạo, để hỏi thêm chi tiết Lễ Di quan Cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận sáng nay tại Saigon .

Ỷ Lan : Thưa ông Ái, xin vui lòng cho thính giả Đài Á châu Tự do được biết tang lễ cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận xẩy ra sáng nay như thế nào ?

Võ Văn Ái : Xin cám ơn quý Đài và kính chào quý thính giả Đài Á châu Tự do tại Việt Nam. Mặc dù Công an thành phố ngăn chận không cho chư Tăng giáo phẩm và Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến tiễn đưa Giác linh Hòa thượng về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng đã có trên 2000 chư Tăng Ni và Phật tử bất chấp mọi cấm đoán và khủng bố để có mặt tại Lò Hỏa táng ở Bình Hưng Hòa. Trên 40 chư Tăng ở Huế và Quảng Trị do Hòa thượng Thích Thiện Hạnh cầm đầu đã có mặt trong tang lễ sáng nay. Từ nhiều ngày qua, cũng như sáng nay, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, muốn rời Thanh Minh Thiền viện đến tiễn đưa linh cữu, nhưng công an đã chận trước cửa chùa không cho đi.

Ỷ Lan : Phái đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gồm có những ai ? Có gì đáng chú ý trong tang lễ sáng nay không ?

Võ Văn Ái : Ngoài một vài vị sư đại diện cho Thành hội Phật giáo TP HCM, vài quan chức cấp thấp của nhà nước, hầu hết là chư Tăng Ni Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang có viết một Điếu văn gửi vào. Nhưng người cầm Điếu vãn đi đánh Fax ở Quảng Ngãi đã bị bắt và công an tịch thu Điếu văn ấy. Một vị sư thuộc Giáo hội Nhà nước đọc tiểu sử Hòa thượng Thích Đức Nhuận, nhưng lại chẳng dám nhắc nhở gì đến chức vụ, hành trạng hay sự thống thuộc của Hòa thượng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Hai điều lạ và đáng cho người Phật tử suy nghĩ, là thứ nhất, một vị Cao tăng của Phật giáo Việt Nam, thế mà khi sống bị tù đày rồi quản thúc, khi chết cũng không được đưa nhục thân từ bệnh viện trở về căn phòng tù hãm của mình. Công an đã ra lệnh niêm phong căn phòng của Hòa thượng khi vừa hay tin Hòa thượng viên tịch tại bệnh viện. Thế là con người tại Việt Nam dưới chế độ Cộng sản ngày nay, vừà mất Nhân quyền khi sống, vừa mất Linh quyền khi chết đi. Thứ hai, là môn đồ pháp quyến của Hòa thượng có làm đơn xin chôn cất, nhưng nhà cầm quyền không cho, bắt phải hỏa thiêu.

Ỷ Lan : Truyền thống Phật giáo thường hỏa thiêu khi mất, vậy sự cấm đoán này có vi phạm gì không ?

Võ Văn Ái : Vấn đề không ở đó. Vấn đề là nguyện ước của người dân khi sống cũng như lúc chết có được Nhà nước tôn trọng hay không ? Nhà nước này không tôn trọng quyền dân và quyền con người, chẳng có luật pháp gì cả. Và điều này cho thấy cái Đảng và Nhà nước rất sợ những Cao tăng Phật giáo, khi họ sống cũng như lúc họ chết. Bởi vì bất cứ ở đâu, trong rừng núi, làng mạc, trong ngôi chùa đổ nát, trong nhà tù, trong thành phố hay nơi nghĩa địa. Bất cứ ở đâu, họ cũng là một biểu tượng cho quần chúng về lòng Từ bi, tính bất khuất, không sợ hãi để hành động cứu người và cứu nước.

Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *