Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Ðài Á châu Tự do phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh tại Huế và Thượng tọa Thích Thanh Quang tại Quảng Nam về sự công khai hóa hai Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hai tỉnh Miền Trung

Ðài Á châu Tự do phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh tại Huế và Thượng tọa Thích Thanh Quang tại Quảng Nam về sự công khai hóa hai Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hai tỉnh Miền Trung

Download PDF

PARIS – Trong hai chương trình phát thanh về Việt Nam sáng ngày thứ hai 25.7.2005 và sáng thứ tư 27.5.2005, Ðặc phái viên Ỷ Lan của Ðài Á châu Tự do đã phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh tại chùa Báo Quốc ở Huế và Thượng tọa Thích Thanh Quang tại chùa Giác Minh ở Ðà Nẵng về sự công khai hóa hai Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Thừa thiên – Huế và Quảng Nam – Ðà Nẵng. Chúng tôi xin chép lại hai cuộc phỏng vấn ấy để bạn đọc theo dõi ngưỡng vọng cùng nỗ lực tiến hành cuộc vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của chư Tăng Ni và Phật giáo đồ trong nước.

Phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh

Ỷ Lan giới thiệu : Trung tuần tháng 7 này, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, đã ký 2 Quyết định công nhận Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại 2 tỉnh Quảng Nam-Ðà Nẵng và Thừa thiên-Huế với số lượng nhân sự hùng hậu. 15 nhân sự tại Quảng Nam-Ðà Nẵng và 32 nhân sự tại Thừa thiên-Huế. Bản sao thông báo 2 Quyết định này không những gửi đến các cơ quan nội bộ của Giáo hội trong và ngoài nước, mà còn gửi đến Ủy ban Nhân dân hai tỉnh nói trên. Ðây là tín hiệu mới ở vào thời điểm Nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa chính thức phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Theo sự thăm dò của chúng tôi ở Viện Hóa Ðạo tại Saigon, thì cho đến nay chưa có phản ứng gì từ phía nhà cầm quyền Việt Nam trước hai Quyết định nói trên.

Do đó, chúng tôi đã làm cuộc phỏng vấn các vị Chánh Ðại diện để tìm hiểu hiện tình của Phật giáo trong nước. Hôm nay, qua điện thoại viễn liên, chúng tôi phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh là vị Chánh Ðại diện của Ban Ðại diện Lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên – Huế nhiệm kỳ 2005-2007, đồng thời Hòa thượng cũng là vị Chánh thư ký Viện Tăng thống.

Ỷ Lan : Kính chào Hòa thượng Thích Thiện Hạnh. Chúng tôi có đọc được bản Kiến nghị thư mà Hòa thượng viết gửi Thủ tướng Phan Văn Khải về vụ nhà cầm quyền ở Bình Ðịnh ngăn cấm không cho Phái đoàn Phật giáo Thừa thiên – Huế do Hòa thượng cầm đầu ghé Tu viện Nguyên Thiều vấn an Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang cuối tháng 6 vừa qua, và liền đó đã sách nhiễu và ngược đãi Phái đoàn trong cuộc làm việc tại Uỷ Ban Nhân Dân xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Xin Hòa thượng cho biết Thủ tướng Phan Văn Khải phản hồi ra sao bản Kiến nghị thư của Hòa thượng ?

Thích Thiện Hạnh : Dạ, xin kính chào chị Ỷ Lan và toàn thể thính giả Ðài Á châu Tự do. Về bản Kiến nghị mà tôi đã gửi Thủ tướng Phan Văn Khải, cho đến nay đã một tháng, nhưng tôi vẫn chưa nhận được một sự phản hồi nào cả. Không những riêng bản Kiến nghị thư này, mà trước đây tôi cũng đã từng gửi đến Thủ tướng nhiều Kiến nghị về nhiều vấn đề bức xúc của Phật giáo Thừa thiên – Huế. Nhưng cũng không nhận được bất cứ một hồi âm nào. Hoàn toàn im lặng. Thật là đáng buồn đó thưa chị.

Ỷ Lan : Hòa thượng nghĩ sao về sự im lặng này của Nhà nước Việt Nam ?

Thích Thiện Hạnh : Dạ thưa chị, theo tôi nghĩ thì sự im lặng này có hai lý do. Lý do thứ nhất, là có thể Thủ tướng Phan Văn Khải không nhận được Kiến nghị thư của tôi, vì các cán bộ cấp dưới không chuyển lên cho Thủ tướng, nên có sự im lặng này. Lý do thứ hai, nếu Thủ tướng đã nhận được mà im lặng, thì chúng tôi thấy theo tập quán của người Việt Nam, thì im lặng tức là đồng ý. Và nếu đồng ý, thì việc giải quyết Kiến nghị thư của chúng tôi như thế nào, thì chúng ta cũng còn phải đợi xem sao. Tôi không nghĩ rằng một Nhà nước luôn luôn nói “do dân, vì dân và của dân”, đặc biệt hạng nhất trong giai đoạn này, mà lại bỏ qua những đề nghị phản ảnh đúng đắn, trung thực của người dân.

Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, được biết là Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, ra Quyết định hôm 18.7 vừa qua chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại diện Lâm thời Thừa thiên – Huế nhiệm kỳ 2005-2007. Một Ban Ðại diện hùng hậu với 32 chư Tăng thành viên. Ðã từ lâu, ai cũng biết là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được nhà cầm quyền Việt Nam cho phép hoạt động, vậy sự kiện công khai hóa Ban Ðại diện Thừa thiên-Huế hôm nay mang ý nghĩa gì ?

Thích Thiện Hạnh : Dạ thưa chị cùng quý vị thính giả, đúng là Nhà cầm quyền Việt Nam không cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoạt động. Có lẽ ai cũng biết Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lê làm kim chỉ nam. Nhưng theo trào lưu phát triển của thời đại, thì chủ nghĩa Mác – Lê đã không đáp ứng được những nhu cầu phát triển, nên Liên Xô là thành trì của Chủ nghĩa Xã hội đã sụp đổ tận gốc rễ, các nước Ðông Âu cũng hoàn toàn thay đổi. Do đó, để tồn tại, dù muốn hay không, Nhà cầm quyền Việt Nam cũng phải có đổi thay để bắt kịp thời đại. Trong xu thế đó, việc chúng tôi công khai hóa Ban Ðại diện Lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên – Huế mang những ý nghĩa rất quan trọng.

Thứ nhất, đó là khẳng định sự tồn tại và tôn tại liên tục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trung ương đến dịa phương qua các thời kỳ. Thứ hai, để thực hiện một cách công khai Giáo chỉ của Ðức Tăng thống cũng như thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhằm đem lại nhiều lợi lạc cho người Phật tử Việt Nam nói riêng, và cho toàn dân Việt Nam nói chung.

Ỷ Lan : Hòa thượng có nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ để yên cho Ban Ðại diện hoạt động. Nếu không, thì phản ứng hay thái độ của Ban Ðại diện sẽ ra sao ?

Thích Thiện Hạnh : Dạ thưa chị, tôi nghĩ rằng trong chừng mực nào đó, thì Nhà cầm quyền Việt cũng phải để cho chúng tôi hoạt động thôi. Tôi nghĩ rằng đó là xu thế tất yếu, thưa chị. Và ngược lại, nếu Nhà cầm quyền Việt Nam không để yên, thì chúng tôi thấy sẽ là điều rất đáng tiếc, vì hành xử như vậy là không phù hợp với xu thế phát triển, không đem lại lợi ích gì cho ai hết, mà chỉ làm rối thêm tình huống đất nước ta hiện nay. Trong trường hợp đó, mọi việc đúng, việc phải, việc lợi ích cho người dân theo tinh thần Phật giáo, thì chúng tôi, là những người Phật tử, người con của Phật, chúng tôi phải làm như đã từng làm. Và ngược lại, những việc mà xét ra trái với đạo lý, không phù hợp những tín điều quy định trong Luật tạng, thì cho dù có được Nhà cầm quyền cho phép, thậm chí có được chính quyển ủng hộ đi nữa, chúng tôi cũng không làm.

Ỷ Lan : Xin Hòa thượng một câu hỏi chót : vì sao Ban Ðại diện còn Lâm thời ? Hòa thượng có điều gì nhắn gửi với Phật giáo đồ trong và ngoài nước không ?

Thích Thiện Hạnh : Dạ về vế thứ nhất, thì thưa chị, theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì khi muốn thành lập một Ban Ðại diện thì phải thông qua một kỳ Ðại hội khoáng đại gồm đại diện các quận, các huyện, các Niệm Phật đường, các Khuôn hội Giáo hội Phật giáo. Ở đây thì hoàn cảnh còn quá nhiều khó khăn, chúng tôi chưa có thể tổ chức một Ðại hội khoáng đại như vậy được, mà chỉ tổ chức một cuộc họp thu hẹp. Cho nên đã dùng hai chữ Lâm thời.

Dạ thưa chị, cũng nhân đây về vấn đề thứ hai, tôi xin gửi đến toàn thể Phật giáo đồ trong cũng như ngoài nước với một tâm nguyện rằng : Xin tất cả hãy vì Ðạo pháp và Dân tộc mà đoàn kết, thống nhất một lòng trong đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Hòa thượng Thích Huyền Quang, Ðệ tứ Tăng thống, và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, lãnh đạo. Và tôi cũng tha thiết mong ước chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni và các đoàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước, những người lâu nay đã và đang tham gia hành hoạt tích cực cùng Giáo hội hãy nỗ lực phát huy hơn nữa. Còn những người lâu nay đã và đang thầm lặng ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì nay hãy cùng nhau thể hiện bằng những việc làm cụ thể để chúng ta cùng chung sức cho sự nghiệp phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sớm được thành tựu.

Và sau hết, qua Ðài Á châu Tự do, chúng tôi xin kính lời thăm hỏi đến chư vị lãnh đạo các tôn giáo bạn, các nhân sĩ, sĩ phu, trí thức, các nhà hoạt động cho các phong trào dân chủ, xin cầu nguyện cho tất cả chúng ta ai nấy đều được dồi dào sức khỏe. Tôi xin hết. Kính chào chị, cảm ơn chị và chào chị Ỷ Lan cùng tất cả các thính giả của Ðài.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh.

Ỷ Lan, Phóng viên Ðài Á châu Tự do tại Paris


Phỏng vấn Thượng tọa Thích Thanh Quang

Ỷ Lan giới thiệu : Trung tuần tháng 7 này, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, đã ký 2 Quyết định công nhận Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại 2 tỉnh Quảng Nam-Ðà Nẵng và Thừa thiên-Huế với số lượng nhân sự hùng hậu. 15 nhân sự tại Quảng Nam-Ðà Nẵng và 32 nhân sự tại Thừa thiên-Huế. Bản sao thông báo 2 Quyết định này không những gửi đến các cơ quan nội bộ của Giáo hội trong và ngoài nước, mà còn gửi đến Ủy ban Nhân dân hai tỉnh nói trên. Ðây là tín hiệu mới ở vào thời điểm Nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa chính thức phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Theo sự thăm dò của chúng tôi ở Viện Hóa Ðạo tại Saigon, thì cho đến nay chưa có phản ứng gì từ phía nhà cầm quyền Việt Nam trước hai Quyết định nói trên.

Sau cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh ở Huế, hôm nay, chúng tôi làm cuộc phỏng vấn vị Chánh Ðại diện Quảng Nam – Ðà Nẵng, là Thượng tọa Thích Thanh Quang. Quảng Nam – Ðà Nẵng là nơi sinh hoạt Phật giáo sôi động từ mấy chục năm qua, đặc biệt là cuộc tự thiêu của Huynh trưởng Gia Ðình Phật tử, Hồ Tấn Anh, vào ngày 2 tháng 9 năm 2001 đã để lại nhiều cảm xúc và ngưỡng mộ trong giới Phật giáo đồ.

Ỷ Lan : Kính chào Thượng tọa Thích Thanh Quang, được biết là Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ra Quyết định hôm đầu tháng 7 này chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại diện Quảng Nam – Ðà Nẵng nhiệm kỳ 2005-2007. Một Ban Ðại diện đông đảo gồm 15 chư Thượng tọa, Ðại đức, và đặc biệt, là có sự tham gia của 9 thành viên Cư sĩ. Ðã từ lâu, ai cũng biết là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được nhà cầm quyền Việt Nam cho phép hoạt động, vậy sự kiện công khai hóa Ban Ðại diện Quảng Nam – Ðà Nẵng hôm nay mang ý nghĩa gì ?

Thích Thanh Quang : Dạ thưa cô, kính chào cô và quý vị thính giả của Ðài Á châu Tự do. Thưa quý vị, qua Quyết định của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã chuẩn y thành phần nhân sự của Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quảng Nam – Ðà Nẵng. Ðó là một điểm rất là quan trọng đối với Giáo hội của chúng tôi, thưa cô.

Thứ nhất, là để nói lên sự truyền thừa xuyên suốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trải qua mấy nghìn năm lịch sử, chịu không biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, gặp không biết bao nhiêu sự cấm cản của những thế lực này, ý thức hệ kia bức hại. Họ muốn loại trừ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra ngoài lề xã hội. Dù rằng chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni và Phật tử phải chịu nhiều cảnh tù đày tủi nhục, nhưng vẫn tồn tại và có đủ ban ngành từ trung ương đến địa phương.

Hai, là khẳng định lập trường dứt khoát của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quảng Nam – Ðà Nẵng tuân chỉ theo Giáo chỉ của Ðức Ðệ tứ Tăng thống, là Hòa thượng Thích Huyền Quang, và tuân chỉ theo Giáo chỉ của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và cũng để thừa hành Phật sự một cách chu toàn và sâu rộng hơn.

Thưa cô, ba là có ý niệm cùng chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước đã âm thầm đóng góp cho Giáo hội. Nay mong quý vị hãy vượt qua mọi sự trở ngại mà trực tiếp đóng góp vào công cuộc phục hồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sớm được thành tựu. Ðó là ý nghĩa của Quyết định mà Hòa thượng đã chuẩn y.

Ỷ Lan : Thượng tọa có nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ để yên cho Ban Ðại diện hoạt động ? Nếu không, thì phản ứng hay thái độ của Ban Ðại diện Quảng Nam – Ðà Nẵng sẽ ra sao ?

Thích Thanh Quang : Dạ thưa cô, chúng tôi rất hy vọng Nhà nước sẽ để cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sinh hoạt bình thường như trước năm 1975. Vì lý do trong thời đại văn minh và tiến bộ của loài người, thì Nhà nước cũng muốn bắt kịp theo đà tiến bộ đó. Còn ngược lại, nếu Nhà nước không cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sinh hoạt bình thường, mà đàn áp, bức hại, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quảng Nam – Ðà Nẵng chúng tôi sẽ tiếp tục làm những việc gì đã làm trong suốt 30 năm vừa qua, thưa cô.

Ỷ Lan : Thường lệ các Ban Ðại diện Giáo hội do chư Tăng Ni đảm lãnh. Nhưng ở Quảng Nam – Ðà Nẵng, thì yếu tố Cư sĩ rất được trân trọng. Xin Thượng tọa cho biết ý nghĩa của sự tham gia Cư sĩ vào Ban Ðại diện này ?

Thích Thanh Quang : Thưa cô, đối với nhân sự của Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quảng Nam – Ðà Nẵng ít tu sĩ so với Phật giáo Thừa thiên – Huế, là vì lý do mà chúng ta hiểu rằng Thừa thiên – Huế là cái nôi của Phật giáo. Nói về đạo hữu cư sĩ Phật tử Quảng Nam – Ðà Nẵng vốn bẩm chất rất là cần cù, kiên nhẫn. Họ đã hy sinh mồ hôi, nước mắt và thân thể để phục vụ cho Chánh pháp trong suốt 30 năm qua. Vì thế hôm nay họ phát nguyện tham gia nhiều vào Ban Ðại diện, dạ thưa cô.

Ỷ Lan : Lời cuối xin hỏi Thượng tọa có điều gì nhắn gửi với Phật giáo đồ trong và ngoài nước không ?

Thích Thanh Quang : Dạ thưa cô, tôi thành tâm cầu nguyện cho chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử và các vị thân hào, nhân sĩ trong và ngoài nước sức khỏe dồi dào để chung sức chung lòng đóng góp cho quê hương, dân tộc Việt Nam của mình có được những quyền tự do cơ bản của con người. Và nhân đây tôi mạo muội xin chân thành cảm ơn các vị lãnh đạo và nhân dân của các nước tự do, dân chủ trên thế giời và cảm ơn các Hội đoàn Nhân quyền quốc tế đã và đang quan tâm đến nhân dân Việt Nam, nhất là đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã gửi thư kêu gọi Nhà nước Việt Nam thi hành đúng theo Công ước quốc tế mà Nhà nước đã ký kết để đem đến cho dân tộc Việt Nam sớm được quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng.

Nam kô A Di Ðà Phật

Ỷ Lan : Xin cám ơn Thượng tọa Thích Thanh Quang rất nhiều.

Ỷ Lan, Phóng viên Ðài Á châu Tự do tại Paris



Unicode


VNI


VPS


VIQR

(Ỷ Lan tường trình từ Âu Châu)

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này


Rightclick to download this audio

Ðài Á châu Tự do

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *