Ðại hội Khoáng đại kỳ III Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo đã thành công rực rỡ và kết thúc chiều ngày 10.10.2004 sau các khóa họp tiền Hội nghị 7 và 8.10 và sáu khoáng đại trong hai ngày 9 và 10.10.2004. Lễ khai mạc diễn ra tại Tu viện Bảo Pháp giữa vùng núi hùng vĩ với số lượng 8000 Phật tử tham gia chào đón đại biểu Ðại hội gồm có 300 Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni đại diện các cơ sở Giáo hội tại Hoa Kỳ, Canada, châu Âu, châu Úc và các tổ chức quốc tế đến từ Cam Bốt, Bengladesh, Miến Ðiện, Hoa Kỳ, Thái Lan, Tích Lan, Trung hoa, và 130 phái đoàn các cấp giáo hội trên toàn quốc Hoa Kỳ. Thượng tọa Thích Viên Lý, Trưởng ban Tổ chức đã đọc diễn văn cảm tạ chư Tôn đức giáo phẩm và quan khách quan lâm tham dự, sau đó chúc mừng các phái đoàn đại biểu phó hội : “Chúng tôi hy vọng quý vị sẽ tìm thấy qua mấy ngày Ðại hội này một ốc đảo của tình thương và thông cảm để cùng chung lo Phật sự, mang lại cho cõi Ta Bà sự tươi mát của chánh pháp, vị cam lồ của giác ngộ và tình huynh đệ trong bốn biển”. Rồi Thượng tọa gợi ý cho một đường hướng suy nghĩ của người Phật tử hải ngoại : “Ðạo Phật là đạo của Từ bi. Làm sao chúng ta có thể làm ngơ trước sự nghèo thiếu của tám mươi triệu dân trong nước ? Ðạo Phật là đạo của Trí tuệ. Làm sao chúng ta có thể tụ thủ bàng quan để cho một chính sách ngu dân hoành hành trên quê hương ?”
Tất cả đã xúc động lắng nghe Hòa thượng Thích Hộ Giác và Hòa thượng Thích Chánh Lạc tuyên đọc Ðạo từ của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Huấn từ của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo từ trong nước gửi ra. Ngoài ra còn có Thông điệp chào mừng của Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Thống đốc Bang California, Bộ trưởng Tư pháp bang California, các Thượng nghị sĩ, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ (Loretta Sanchez, Edward R. Royce, Christopher Cox, Barbara Boxer, Diana Feinstein, Judy Chu) và Quốc hội châu Âu (Marco Pannella).
Qua Ðạo từ, Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang nhắc lại sự ra đời và phát triển của Giáo hội tại Hoa Kỳ : “Thấm thoát đã mười hai năm, kể từ ngày tôi thay mặt Hội đồng Lưỡng viện, ra Quyết định hôm 10.12.1992, ủy thác Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ thiết lập Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, đại diện Giáo hội nơi quê nhà góp mặt cùng thế giới và nói lên những ước vọng của Phật giáo đồ trong nước những khi hữu sự. Quí Liệt vị Giáo phẩm cao cấp, trung cấp, chư Tăng Ni cùng Cư sĩ Thiện tri thức, Phật tử các giới đã xiển dương Chánh Pháp ngày càng rực rỡ và hoàn thành những công tác vận động quốc tế to lớn, hiệu quả, làm vang xa tiếng nói chính nghĩa của Giáo hội và nhân dân thầm lặng trong nước”. Ðức Tăng thống cũng cho biết hoàn cảnh hiện nay của ngài và chư vị lãnh đạo Giáo hội trong nước :
“Hiện tại, dù sống trong cảnh câu thúc, quản chế, tôi cũng như Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, cùng hàng giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng viện, vẫn trước sau như một với đặc tính nổi bật của Phật giáo Việt Nam, là luôn luôn gắn liền với vận mệnh Dân tộc. Là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đương nhiên Phật giáo đồ Hải ngoại cũng hướng tâm thể hiện sự nổi bật ấy để vượt thắng bao ly cách giữa các châu, và trước bao chủ trương ly gián, mê hoặc, làm phân hóa các đoàn thể và xói mòn Tăng thể lục hòa. Có như vậy, công cuộc vận động lương tri nhân loại hậu thuẫn cho việc phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới tăng cường ý nghĩa, đồng thời chuyển hóa dân trí nước ta thích nghi với xu thế tiến bộ và hòa bình của thế giới cũng như tác động vào các biến chuyển dồn dập của tình hình”.
Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đề cao qua Huấn từ vai trò vận động quốc tế của giáo hội ở hải ngoại mà ngài nhận thấy qua sự kiện Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần phải quan tâm :
“Sau nhiều năm điêu linh, Giáo hội trong nước vụt chuyển mình sống dậy tại Ðại hội Bất thường ở Tu viện Nguyên Thiều ngày 1 tháng 10 năm 2003 với một thành phần nhân sự đông đảo tham gia Hội đồng Lưỡng viện, mà mười ngày sau đó, Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ cùng Giáo hội các Châu khai triển huy hoàng tại Ðại hội ở Melbourne, Úc châu. Ðây đã là sự phối hợp nhịp nhàng giữa trong và ngoài nước, đưa Giáo hội sang bước ngoặt hồi sinh. Một kỳ công hi hữu. Dù chướng duyên còn lắm, khiến hiện nay hàng giáo phẩm cao cấp còn bị câu thúc, nhưng ý chí và tinh thần của chư Tôn túc trong nước vẫn lạc quan thể hiện sứ mệnh cao cả của một tôn giáo lớn có truyền thống hai nghìn năm vẻ vang. Hoạn nạn càng lớn, thì quyết tâm cấp cứu càng cao, bóng tối càng thâm u thì Chánh pháp càng rạng rỡ. Sự kiện hôm 15.9 vừa qua, nhà đương quyền Việt Nam bị Hoa Kỳ liệt kê vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm, “vì đã dùng các biện pháp độc tài toàn trị vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo”, nói lên chính nghĩa bấy nay của Giáo hội trong cuộc vận động bảo vệ tự do tôn giáo và công bằng xã hội. Tôi ngỏ lời tán dương công đức vận động quốc tế của chư Liệt vị Tôn đức và quí Cư sĩ thiện tri thức”.
Tổng thống Hoa Kỳ Georges W. Bush hoan nghênh lòng mộ đạo của Ðại hội : “Tôi xin gửi lời chào mừng đến chư vị tham gia Ðại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ năm 2004 (…) Tôi hoan nghênh lòng mộ đạo và công trình bảo tồn di sản của các đại biểu tham dự đại hội. Nhờ nỗ lực của quý vị mà những thế hệ tương lai được kế thừa nguồn truyền thống và văn hóa”.
Còn Nữ Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Loretta Sanchez thúc giục sự dấn thân cho những ai đang bị đàn áp tại Việt Nam : “Thật cấp bách việc chúng ta phát ngôn cho những ai đang đau khổ trong vòng tay siết chặt của chế độ Việt Nam để có một ngày, tất cả dân tộc Việt Nam được hưởng các quyền con người và các quyền tự do tôn giáo phổ quát. Vừa qua, tôi rất hài lòng thấy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm, vì Việt Nam đã vi phạm quy mô và quá đáng đối với nhân quyền và tự do tôn giáo. Biện pháp này, mà từ lâu tôi công khai ủng hộ, là một thông điệp cứng rắn gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam, họ phải hiểu rằng nhất cử nhất động gì của họ không còn bị làm ngơ. Những ai trong các bạn chưa hiểu rõ sự chỉ định này, thì nên biết rằng biện pháp ấy cho phép Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng thêm các công cụ bổ sung, kể cả những biện pháp trừng phạt để khuyến thỉnh Việt Nam gia nhập vào các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận”.
Dân biểu Edward R. Royce nhắc lại kỷ niệm chuyến đi Việt Nam của ông : “Hồi tôi sang thăm Việt Nam, tôi chứng kiến tận mắt Ðảng Cộng sản sách nhiễu những công dân Việt Nam nào có quan điểm bất đồng về chính trị hay tôn giáo. Tôi đã gặp Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và ông Lê Quang Liêm. Hai vị bị nhà cầm quyền theo dõi thường trực. Tội phạm của họ chỉ là : rao giảng đức tin khác với chủ trương của Ðảng Cộng sản tại Việt Nam. Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ phải bênh vực mạnh mẽ cho nhân quyền, đặc biệt khi những tự do cơ bản bị xâm phạm bừa bãi, như đang diễn ra tại Việt Nam ngày nay. Xin các Bạn hãy an tâm, tôi không ngừng hoạt động để làm sáng tỏ vấn đề Việt Nam”.
Dân biểu Quốc hội châu Âu Marco Pannella ca tụng cuộc đấu tranh cho tự do và công lý của Phật giáo Việt Nam : “Tôi quyết tâm hậu thuẫn và khích lệ những nhân vật tuyệt vời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, như Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Quảng Ðộ cùng chư vị Tôn túc và Cư sĩ khác của Phật giáo Việt Nam, là những vị không ngừng vận động bảo vệ tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Tôi hãnh diện đã hậu thuẫn những vị anh hùng này, những vị dám quên thân xác và sự nghiệp riêng tư của họ để đem hết thân tâm phục vụ cho người dân Việt. Tôi tự đặt cho tôi bổn phận cứu hộ các vị này trước một quyền lực độc tài đang độc tôn thống trị một cách phi nhân tại Việt Nam ngày nay.
“Nhân đây, tôi cũng muốn biểu tỏ lòng khâm phục của tôi đối với Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã từ rất lâu, tuy phải sống xa cách Việt Nam, vẫn không ngừng giương cao ngọn lửa sống cho tự do và công lý. Tôi quen biết anh Võ Văn Ái từ 37 năm qua và cùng anh hoạt động, nhiều năm qua lại có thêm Ỷ Lan Penelope Faulkner. Phải nói rằng, không có hai người bạn này, không có sự quyết tâm của họ, chúng tôi sẽ chẳng biết những chuyện gì đang xẩy ra tại Việt Nam. Không có hai người bạn ấy, Quốc hội Âu châu cũng như Ðảng Cấp tiến Liên quốc gia đành bó tay mà chẳng có hành động gì thích ứng trước hoàn cảnh Việt Nam.
“Ðảng Cấp tiến Liên quốc gia và bản thân tôi mong mỏi tiếp tục đóng góp cho sự trổi dậy của một nước Việt Nam dân chủ, và tôi tin tưởng vào quý vị để chúng tôi có thể làm kẻ đồng hành, bởi vì Giáo hội của quý vị không thể bỏ dở công cuộc nửa chừng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chỉ dừng nghỉ khi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ trở thành những giá trị đích thực của thế kỷ XXI”.
Ðại hội đã đúc kết thành quả sau mấy ngày khoáng đại trong bản Quyết nghị 15 điểm. Nguyên văn như sau :
Quyết nghị của Ðại hội Khoáng đại III
GHPGVNTNHN-HK – Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo