Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Dân biểu Quốc hội Châu Âu Marco Pannella và Thượng nghị sĩ Quốc hội Ý Marco Perduca bị cấm vào Việt Nam – Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ nói lên nỗi xấu hổ vì người Cộng sản nói dối, lừa đảo, không giữ lời hứa

Dân biểu Quốc hội Châu Âu Marco Pannella và Thượng nghị sĩ Quốc hội Ý Marco Perduca bị cấm vào Việt Nam – Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ nói lên nỗi xấu hổ vì người Cộng sản nói dối, lừa đảo, không giữ lời hứa

Download PDF

PARIS, ngày 23.12.2008 (QUÊ MẸ) – Sáng nay tin từ Nam Vang, thủ đô Campuchia, cho cơ sở Quê Mẹ biết rằng chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Marco Pannella, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, và ông Marco Perduca, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý đã bị cấm vào Việt Nam, dù rằng Sứ quán Hà Nội tại Rome đã cấp chiếu khán cho hai ông và chấp thuận lộ trình rời Nam Vang trưa nay, thứ ba 23.12, đến Saigon lúc 13 giờ và sẽ lấy chuyến bay lúc 20 giờ tối từ Saigon đi Hà Nội để gặp gỡ các vị đồng viện Việt Nam tại Quốc hội CHXHCNVN.

Ông Marco Pannella thuộc Nhóm Liên minh Tự do, Dân chủ Âu châu (Alliance of Liberals and Democrates for Europe) tại Quốc hội Châu Âu đồng thời là Chủ tịch Đảng Cấp tiến Bất bạo động Liên quốc và Liên Đảng (Nonviolent Radical Party, Transnational and Transparty) ra đời tại Ý từ năm 1955. Ông không ngừng bênh vực cho nhân quyền và dân chủ trong thế giới cũng như Việt Nam tại Quốc hội Châu Âu mấy chục năm qua.

Từ trái sang phải : Võ Văn Ái, Marco Pannella (Dân biểu Quốc hội Châu Âu), Ed Royce, Loretta Sanchez (Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ), HT. Hộ Giác tại Nam California 21.2.2004
Từ trái sang phải : Võ Văn Ái, Marco Pannella (Dân biểu Quốc hội Châu Âu), Ed Royce, Loretta Sanchez (Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ), HT. Hộ Giác tại Nam California 21.2.2004

Hai vị Dân biểu và Thượng Nghị sĩ đến tiếp xúc với chính giới Campuchia tại thủ đô Nam Vang từ hôm 20.12 trước khi sang Việt Nam. Đột nhiên hôm qua, Đại sứ quán Ý tại Hà Nội nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao Hà Nội cho biết rằng “Do có nhiều thư phản đối, nên Việt Nam không thể bảo vệ an ninh cho hai vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu và Thượng nghị sĩ Quốc hội Ý”.

Ý định đến Hà Nội tiếp xúc Quốc hội Việt Nam, là do lời mời của Phái đoàn Quốc hội Việt Nam hôm đến thăm và làm việc với Quốc hội Châu Âu tại trụ sở Strasbourg miền Đông bắc nước Pháp ngày thứ năm 18.12 vừa qua. Trong cuộc gặp gỡ này, nhiều Dân biểu Quốc hội Châu Âu phê phán những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Nên Phái đoàn Hà Nội trách Quốc hội Châu Âu thiếu thông tin, nói sai lạc so với hoàn cảnh tại chỗ, vì chẳng hề có đàn áp nhân quyền. Do đó ngỏ ý mời các vị Dân biều Châu Âu về thăm Việt Nam.

Theo dự trù, hai ông Marco Pannella và Marco Perduca rời Nam Vang sáng nay, ghé Saigon vào buổi trưa để viếng thăm và trao đổi với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Thanh Minh Thiền viện, trước khi ra Hà Nội bằng chuyến bay 20 giờ tối.

Nhưng sáng nay, hai nhà ngoại giao nhận được một bản Fax từ Việt Nam đánh sang thông báo rằng hai vị “không được phép đến Việt Nam”. Dân biểu Quốc hội Châu Âu Marcdo Pannella đã gọi điện thoại sang Paris cho ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, để xin lỗi phải thất hẹn cuộc gặp gỡ ở Saigon do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam sắp đặt. Ông Marco Pannella nói :

“Chúng tôi được cho biết rằng chuyến đi của chúng tôi làm cho nhiều người ở Việt Nam phản đối, vì họ xem chúng tôi là “những kẻ thù của Việt Nam” nên chính phủ Việt Nam lo ngại cho sự an ninh của chúng tôi. Có bao giờ anh nghĩ ra chuyện này không ? Chế độ Cộng sản hùng mạnh đến thế mà lại sợ cuộc gặp gỡ giữa hai thành viên bất bạo động của quốc hội với Hòa thượng Thích Quảng Độ, biểu tượng nổi danh khắp thế giới của phong trào đối kháng chống bạo quyền. Họ quá sợ hãi đến nỗi không thể bảo vệ an ninh cho hai chúng tôi. Làm sao có thể chấp nhận một chế độ bất lực như thế ! Tuy nhiên, tôi giữ quyết tâm viếng thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ, không sớm thì muộn, kỳ cho đến khi đạt được ý nguyện”.

Tại trụ sở Quốc hội Châu Âu ở Brussels, Vương quốc Bỉ, Dân biểu Marco Cappato đã viết thư khẩn gửi Chủ tịch Liên Âu, Hans Poettering, nói lên nỗi quan ngại sâu xa về sự cấm đoán của Hà Nội “ngay vào lúc Liên Âu – Việt Nam chuẩn bị ký lại Hiệp ước hợp tác song phương”. Dân biểu Marco Cappato là tác giả của bản Quyết Nghị tố cáo Hà Nội đàn áp nhân quyền và tôn giáo được Quốc hội Châu Âu thông qua với đa số tuyệt đối tháng 10 vừa qua. Đặc biệt Quyết Nghị này yêu sách giải chế cho Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Nhận được tin báo từ Paris, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã viết ngay Thư Cám ơn gửi hai nhà Đại biểu Quốc hội Châu Âu nhờ văn phòng Paris chuyển sang Nam Vang. Nguyên văn thư Hòa thượng viết :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN HÓA ĐẠO

Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Sàigòn


Phật lịch 2552
Số&nbsp ; : VHĐ/VT
Thư Cảm Ơn

Đồng kính gửi Ông Marco Pannella, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, và
Ông Marco Perduca, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý

Thưa Nhị vị Đại biểu Quốc hội,

Xin chân thành cảm ơn Nhị Vị đã dành tình cảm đặc biệt đối với Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi trong ý định đến thăm tôi tại Thanh Minh Thiền Viện vào lúc 14 giờ ngày 23.12.2008. Nhưng rất tiếc tôi đã không được may mắn tiếp xúc Nhị Vị.

Tôi xin lỗi Nhị Vị, từ nay trở đi, nếu quí vị có dịp nói chuyện với những người Cộng sản Việt Nam thì xin quí vị nhớ tới điều này : Cộng sản Việt Nam là những người nói dối, lừa đảo, bịp bợm và quỉ quyệt nhất thế giới. Lúc nào cũng như lúc nào, họ hứa đủ thứ nhưng họ không giữ lời và chẳng làm gì cả.

Tôi cũng xin nhắc ở đây một câu nói nổi tiếng mà bây giờ người Việt Nam chúng tôi xem như chân lý. Đó là : “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”.

Một lần nữa xin cảm ơn thiện chí của quí vị đã không quản ngại đường sá xa xôi, muốn đến thăm tôi, nhưng gặp trắc trở. Đó cũng là điều khiến tôi buồn lòng và xấu hổ phải làm người Việt Nam dưới một chế độ như thế.

Kính chúc Nhị vị luôn an mạnh và xin gởi lời kính thăm đến toàn thể quí vị Đại biểu Quốc hội Châu Âu và Quốc hội Ý.

Thanh Minh Thiền Viện ngày 23.12.2008
Xử lý Thường Vụ Viện Tăng thống
kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa Môn Thích Quảng Độ
Nhân quyền tại Việt Nam chỉ là chiếc mũ bảo hộ dành cho người lái mô tô

Đây là định nghĩa nhân quyền tại Việt Nam của Phái đoàn Quốc hội Việt Nam trả lời các vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu tại cuộc gặp gỡ lần thứ 7 ở trụ sở Strasbourg, mà chúng tôi trích từ cuộc phỏng vấn Dân biểu Marco Cappato do Phóng viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do thực hiện và đã được Đài phát sóng về Việt Nam trong chương trình tối thứ bảy 20.12.2008. Chúng tôi xin chép lại nguyên văn cuộc phỏng vấn ấy để quý độc giả tham chiếu về quan điểm nhân quyền và tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội :

Phỏng vấn Dân biểu Marco Cappato về chuyến viếng thăm của Phái đoàn Quốc hội Việt Nam

Trong hai ngày 17 và 18 tháng 12 vừa qua một Phái đoàn thuộc Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đến viếng thăm Quốc hội Châu Âu tại hai trụ sở ở Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ, và thành phố Strasbourg, miền Đông Bắc nước Pháp.

Tại thủ đô Brussels Phái đoàn gặp gỡ các cơ quan Đối ngoại và Thương mại trong ngày 17 và ngày hôm sau đến trụ sở ở thành phố Strasbourg gặp gỡ các vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu.

Phái đoàn Quốc hội Việt Nam gồm có ông Nguyễn Văn Son, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, ông Ngô Anh Dzũng, Phó chủ nhiệm kiêm Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Việt Nam – Liên Âu và Quốc hội Châu Âu, bà Phạm Phương Thảo, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, giáo sư Nguyễn Viết Thịnh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Lê Thị Dung, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và 2 nhân viên thuộc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Tại Strasbourg Phái đoàn Quốc hội Việt Nam gặp gỡ và làm việc lần thứ bảy với các Dân biểu Quốc hội Châu Âu trong vòng hai tiếng đồng hồ. Nhân dịp này chúng tôi phỏng vấn Dân biểu Marco Cappato, Báo cáo viên Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, là một trong 7 Dân biểu Quốc hội Châu Âu đến tham dự cuộc làm việc nói trên. Xin mời quý thính giả nghe cuộc phỏng vấn sau đây :

Ỷ Lan : Xin chào Dân biểu Marco Cappato, sáng nay ông tham gia cuộc gặp gỡ và làm việc với Phái đoàn Quốc hội Việt Nam. Xin ông cho biết ông đã trao đổi những gì trong cuộc gặp gỡ này.

Marco Cappato : Trước hết, cuộc gặp gỡ này được tổ chức trong khuôn khổ liên hệ bình thường giữa Quốc hội Châu Âu với các khu vực trong thế giới. Trường hợp hai ngày qua chúng tôi đón tiếp Phái đoàn Quốc hội Việt Nam đến từ vùng Đông Nam Á. Có nhiều tên tuổi tôi không nhắc ra đây vì sợ phát âm trật. Nhưng truởng phái đoàn là ông Nguyễn Văn Son. Trọng tâm cuộc trao đổi nhắm váo các vấn đề kinh tế, như trường hợp khủng hoảng tài chính toàn cầu, v.v… Sau đó đề cập đến vấn đề dân sự, chính trị và nhân quyền.

Ỷ Lan : Ông có thể kể cho nghe việc trao đổi trên lĩnh vực nhân quyền giữa các Dân biểu Quốc hội Châu Âu và Phái đoàn Việt Nam ?

Marco Cappato : Dân biểu người Đức, Hartmund Nassauer, Chủ tịch Phái đoàn của chúng tôi, dẫn nhập đề tài nhân quyền và nhấn mạnh có những quan điểm khác nhau trên giá trị nhân quyền. Liền đó tôi tham chiếu trực tiếp đến Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu thông qua hồi tháng 10 vừa qua để liên hệ hai vấn nạn, đó là vấn nạn kinh tế và vấn nạn nhân quyền, mà qua đó Quốc hội Châu Âu đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và quy mô, đặc biệt là đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi nêu rõ việc quản chế Hòa thượng Thích Quảng Độ tại chùa. Hiển nhiên tôi còn nêu lên hoàn cảnh những người Thượng Degars ở Cao nguyên Trung phần, cũng như hoàn cảnh các người Khmer Kroms và hoàn cảnh người Công giáo. Tôi cũng nói đại quan tới tự do chính trị. Tất cả những vấn đề này đã được nêu rõ trong bản Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu.

Ỷ Lan : Có Dân biều nào khác quan tâm tới vấn đề nhân quyền không, thưa ông ? Ông có nghĩ rằng Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đặc trách Hiệp hội Đông Nam Á cùng ưu tư sâu đậm về nhân quyền ?

Marco Cappato : Bà Giovanna Corda, Dân biểu Bỉ và Phó chủ tịch Phái đoàn chúng tôi đề cập vấn đề án tử hình. Một số vị khác đặt vấn đề quyền dân tộc thiểu số và tự do tôn giáo.

Ỷ Lan : Phái đoàn Quốc hội Việt Nam phản ứng ra sao trước các vấn nạn này, thưa ông ?

Marco Cappato : Nhiều người trong họ trả lời. Đầu tiên là ông Nguyễn Viết Thịnh, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nói rằng nhân quyền là những giá trị chung, nhưng sự áp dụng nhân quyền tùy thuộc mức độ kinh tế của quần chúng : đối với dân chúng nghèo họ không quan tâm đến tự do ngôn luận mà quan tâm về ăn uống, đói no (chúng tôi nhấn mạnh). Đó là cách trả lời của Phái đoàn Việt Nam. Họ còn đi xa hơn nữa trong vấn đề nhân quyền, khi nhấn mạnh rằng Việt Nam có những qui tắc bắt buộc những người đi mô tô phải mang mũ bảo hộ mà những quốc gia khác không có những quy định như thế (chúng tôi nhấn mạnh). Họ còn giải thích quan điểm dân chủ tại Việt Nam được quan niệm theo tinh thần cộng đồng, nên cá nhân phải tự mình khế hợp với cộng đồng (chúng tôi nhấn mạnh). Họ cũng bảo vệ cho sự kiện đất đai của Giáo hội Công giáo bị tịch thu là để hoàn trả cho nhân dân, và cũng chẳng hề có một sự đàn áp nào đối với người Thượng Tây nguyên (chúng tôi nhấn mạnh).

Tiếp đó, ông Ngô Anh Dzũng chen vào để nói rằng Quốc hội Châu Âu thiếu thông tin, và nói những điều sai lạc so với hoàn cảnh tại chỗ, vì rằng chẳng bao giờ có việc đàn áp người Thượng, cũng chẳng bao giờ có chuyện tịch thu đất đai ở Cao nguyên Trung phần.

Việc cũng rất căng trên vấn đề thương thảo Hiệp ước thương mại mới, Phái đoàn Việt Nam nói rằng họ không chấp nhận thương thảo trong điều kiện ; không chấp nhận những điều liên quan đến lĩnh vực nhân quyền. Tôi không rõ họ đặt vấn đề về những điều nêu lên trong Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu hay các điều thuộc phạm vi nhân quyền trong Hiệp ước mới… Chúng ta chờ xem sao.

Phái đoàn Việt Nam cũng đòi lấy sự kiện được chính phủ Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có tiến bộ trong hai năm vừa qua, rồi mời tất cả chúng tôi về thăm Việt Nam.

Sau đó, bà Phạm Phương Thảo, Dân biểu thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu. Bà cho biết Việt Nam dự tính bãi bỏ án tử hình. Hiện tại đã gia giảm các cuộc hành quyết, và đang tiến tới việc bãi truất án tử hình. Đó là câu đáp của Phái đoàn.

Phái đoàn không trả lời câu hỏi về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trường hợp Hòa thượng Thích Quảng Độ, cũng như không trả lời vụ Khmers Kroms. Với các vấn đề này tôi cảm nhận một sự cự tuyệt, một bức tường đã dựng lên trước các điều chúng tôi nêu ra.

Ỷ Lan : Ông là tác giả bản Quyết Nghị vừa qua của Quốc hội Châu Âu về vấn đề nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam, và ông đã nêu rõ tại cuộc điều trần rằng Việt Nam phải có những tiến bộ cụ thể trước khi ký lại Hiệp ước hợp tác song phương Liên Âu – Việt Nam. Sau cuộc gặp gỡ đối thoại với Phái đoàn Quốc hội Việt Nam hôm nay, ông có còn quyết tâm đòi hỏi Việt Nam như trước đây ?

Marco Cappato : Vâng, Quốc hội Châu Âu sẽ được yêu cầu chuẩn y cho Hiệp ước. Tôi tin rằng nếu chúng ta hoàn tất việc thông tin đến các vị Dân biểu và công luận về các vấn nạn đặt ra trên bàn thương thảo… Hiển nhiên không thể nào giải quyết toàn bộ vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi muốn có những động thái cụ thể, đối với các vi phạm nhân quyền trầm trọng và quy mô. Tôi tin rằng nếu Quốc hội Châu Âu có những hành động phối hợp, gắn bó, loại trừ cách ăn nói hai mặt trong các cuộc thương thảo cũng như đối với các cơ quan truyền thông, Quốc hội sẽ đạt được một số sự việc, bởi vì Việt Nam cũng như chúng tôi đều có lợi ích qua Hiệp ước. Chúng tôi có nhiều lợi ích, nhưng Việt Nam còn nhiều lợi ích hơn chúng tôi trong Hiệp ước mới này.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Marco Cappato.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *