PARIS, 4 tháng 3 năm 2019 (VCHR) – Liên Âu phải thúc đẩy chính quyền Việt Nam chấm dứt các cuộc đàn áp không ngừng chống những nhà bát đồng chính kiến ôn hoà, bãi bỏ các điều luật hà khắc, và trả tự do tức khắc cho tất cả tù nhân chính trị, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) cùng lên tiếng chung hôm nay. Hai tổ chức Nhân quyền quốc tế lên tiếng nhân dịp cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt Nam – Liên Âu lần thứ 8 khai mạc tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ.
Trong bản Phúc trình công bố hôm nay, hai tổ chức FIDH và VCHR nêu ra các chi tiết vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội trên bốn lĩnh vực chính yếu: 1) Vi phạm quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; 2) Đàn áp quyền tự do biểu tình ôn hoà; 3) Hạn chế quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; 4) Gia tăng án tử hình.
Tổng thư ký FIDH, bà Debbie Stothard nói : “Chính quyền Việt Nam tiếp tục tấn công các quyền dân sự và chính trị, xem nhẹ đối tác kinh tế Liên Âu. Đây là lúc vì quyền lợi của chính Liên Âu để thúc đẩy Hà Nội chấm dứt các cuộc đàn áp chống xã hội dân sự và khẩn cấp tiến hành cuộc cải cách luật pháp và các thiết chế”.
Năm 2018, những hành hung thô bạo cùng các sách nhiễu và hăm doạ đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, bloggers, và các tín đồ tôn giáo tiếp diễn trên toàn quốc.
Có ít nhất 150 tù nhân chính trị còn bị giam cầm. Kể từ cuộc Đối thoại nhân quyền tháng 12 năm 2017, chính quyền tiếp tục gia tăng đàn áp những ai phê bình chính quyền, các bloggers, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Giữa tháng 12 năm 2017 cho đến tháng 2 năm nay 2019, ít nhất 40 người, trong có 8 phụ nữ, bị bắt bớ trái phép vì họ hành xử quyền tự do ngôn luận hay tự do hội họp trong ôn hoà. Thêm vào đấy, 60 người, trong có 14 phụ nữ, bị kết án tù – đặc biệt 8 người mang án nặng từ 13 đến 20 năm tù giam.
Hầu như tất cả những ai phê phán chính quyền, các bloggers, nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị giam giữ tuỳ tiện hay cầm tù đều bị xử theo những điều luật hà khắc trong Bộ Lật Hình sự của Việt Nam, vốn mâu thuẫn với tiêu chuẩn quốc tế về tự do ngôn luận và hội họp ôn hoà, kể cả những điều chiếu theo Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam tham gia ký kết.
Một số điều luật thông qua gần đây hạn chế các quyền tự do. Luật An ninh Mạng thông qua hồi tháng 6 năm 2018 có hiệu lực vào tháng giêng năm 2019, giảm thiểu nghiêm trọng tự do Internet. Luật tôn giáo, tín ngưỡng mới có hiệu lực từ tháng giêng năm 2018, đánh mốc chính sách cứng rắn về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Ngay sau khi luật có hiệu lực, và trong hai năm 2018, 2019, những cộng đồng tôn giáo chính yếu, kể cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Tin Lành, Hồi giáo và tín đồ Pháp Luân công là đích nhắm cho cuộc đàn áp, khủng bố.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) nhận xét : “Việc thông qua và sử dụng các điều luật hà khắc cũng như sự tập trung quyền lực chưa từng thấy vào tay người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, là dấu hiệu tăng cường đàn áp những ai bất đồng chính kiến. Không lúc nào hơn lúc này, Liên Âu phải thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam ngưng ngay cuộc tấn công xã hội dân sự, trả tự do cho tù nhân chính trị, và tiến hành cải cách chính trị”.
Quyền tự do hội họp ôn hoà cũng đang bị nghiêm khắc giới hạn. Các điều luật đàn áp biểu tình được gợi nhắc thường xuyên trong năm 2018 để dập tắt những cuộc biểu tình rầm rộ chống lại Dự luật Đặc khu kinh tế và Dự luật An ninh Mạng. Tháng 6 năm 2018 hàng trăm người biểu tình bị bắt trên toàn quốc, ít nhất 118 người bị kết án tù phá rối trật tự công cộng liên quan đến các cuộc biểu tình nói trên.
Về án tử hình, số án tử tù bi thảm gia tăng trong năm 2018, với 112 người nhiều hơn so với các năm trước. Theo số liệu của chính quyền có ít nhất 85 trường hợp bị hành quyết.
Liên lạc báo chí :
FIDH : Andrea Giorgetta (tiếng Anh) – Tel: +66886117722 (Bangkok)
FIDH : Eva Canan (tiếng Pháp, tiếng Anh) – Tel: +33648058157 (Paris)
VCHR : Penelope Faulkner (tiếng Anh, Pháp, Việt) – Tel: +33611898681 (Paris)
This post is also available in: English