PARIS, 15 tháng 11 năm 2018 (VCHR) – Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) hoan nghênh Quyết nghị “Tình trạng tù nhân chính trị đáng kể tại Việt Nam” vừa được Quốc hội Châu Âu thông qua chiều ngày 15 tháng 11 tại trụ sở Strasbourg miền Đông bắc nước Pháp sau một ngày thảo luận. Quyết nghị này đã được 6 chính đảng chính trị đại biểu toàn thể các khuynh hướng chính trị Châu Âu tại Quốc hội [1] .
Quyết nghị xuất hiện trong bối cảnh đàn áp chính trị ồ ạt chưa từng thấy tại Việt Nam “tố cáo những vi phạm nhân quyền tiếp diễn, bao gồm kết án, hăm doạ chính trị, theo dõi, sách nhiễu, tấn công, với những phiên toà bất minh tại Việt Nam chống lại những nhà hoạt động chính trị, nhà báo, bloggers, nhà bất đồng chính kiến và nhà bảo vệ nhân quyền đang hành xử quyền tự do biểu đạt trực tuyến hay ngoài luồng, chứng tỏ Việt Nam đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế”. Quyết nghị lên án những án tù giam từ 14 đến 20 năm giáng xuống cho các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, và cho biết hiện có 160 nhà hoạt động xã hội dân sự bị cầm tù và 16 người đang chờ xử án.
Quyết Nghị phản ánh sự quan tâm thâm thiết của các đại biểu Quốc hội Châu Âu trước sự lạm dụng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, đặc biệt những cuộc đàn áp các cộng đồng tôn giáo không được thừa nhận như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một số Giáo hội Tin Lành tại gia và người Thượng Thiên Chúa giáo, cũng như đàn áp Giáo hội Gia tô Thiên chúa giáo. Các đại biểu Quốc hội Châu Âu kêu gọi Việt Nam “bãi bỏ những giới hạn về tự do tôn giáo, chấm dứt sách nhiễu các cộng đồng tôn giáo” và xem xét lại Luật mới về Tín ngưỡng và Tôn giáo “cơ chế hoá nhà nước can thiệp nội bộ tôn giáo và giám sát các nhóm tôn giáo”.
Quốc hội Châu Âu cũng tố cáo Việt Nam sử dụng và lạm dụng “các điều luật hà khắc” để giới hạn các quyền và tự do cơ bản, như các điều luật trong chương “an ninh quốc gia” của Bộ Luật Hình sự, các điều luật giới hạn biểu tình và Luật An ninh Mạng. Nêu bật những vi phạm trầm trọng về tự do biểu đạt trực tuyến và ngoài luồng, các đại biểu Quốc hội lập lại “lời kêu gọi toàn thể Liên Âu ngăn cấm xuất cảng, bán, cập nhật và duy trì mọi hình thái trang bị an ninh có thể sử dụng cho việc đàn áp quốc nội, kể cả kỹ thuật theo dõi Internet, làm lợi cho quốc gia nào mang tiếng đàn áp nhân quyền” như Việt Nam.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) hoan nghênh bản Quyết nghị, nhưng biểu tỏ sự thất vọng đối với văn bản Quyết nghị, ông nói : “Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu giả vờ như cứng rắn. Trong khi tố cáo mạnh mẽ và chính đáng những vi phạm nhân quyền nổi bật tại Việt Nam, lại chẳng dám sử dụng đòn bẫy độc nhất Liên Âu có trong tay đối với Việt Nam. Lẽ ra các đại biểu Quốc hội Châu Âu phải công bố đen trắng rõ ràng từ khước chuẩn y Hiệp ước tự do Mậu dịch, nếu Việt Nam không chấm dứt sự đàn áp điên cuồng và một Nhà nước phi pháp”.
Đúng vậy, Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu thông qua vào lúc Châu Âu kết thúc Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam (EVFTA) và còn chờ sự chuẩn y của Quốc hội Châu Âu. Được xem như thoả thuận đầy tham vọng nhất giữa Liên Âu và một quốc gia đang phát triển, EVFTA sẽ bãi bỏ trên 99% thuế nhập cảnh hàng hoá. Tuy nhiên, ngay từ đầu, nhân quyền bị gạt ra khỏi cuộc đàm phán. Năm 2014, Hội đồng Châu Âu đã từ chối mở cuộc nghiên cứu về tác động nhân quyền (HRIA, Human Right Impact Assessement), mặc dù đây là điều kiện bó buộc phải thưc hiện trước mọi cuộc đàm phán.
Sau đơn kiện của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đệ nạp năm 2015, ngày 26 tháng 2 năm 2016, bà Thanh tra Liên Âu Emily O’Reilly tuyên bố rằng sự kiện Hội đồng Châu Âu đã không tiến hành nghiên cứu tác động Nhân quyền (HRIA) là một ”hành động sai phạm tồi tệ trong vấn đề quản lý”. Dù vậy, Hội đồng Châu Âu vẫn tiếp tục cuộc đàm phán, lấy cớ cần “chuẩn y gấp” Hiệp ước.
Do các cuộc đàn áp gia tăng, nhiều đại biểu Quốc hội Châu Âu bày tỏ sự quan tâm nghiêm trọng về vấn đề thiếu vắng những điều luật nhân quyền cũng như cơ chế giám sát trong Hiệp ước, cũng như thiếu vắng ý chí chính trị tôn trọng nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Tháng 2 năm 2017, một Phái đoàn thuộc Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu đến thăm Việt Nam, đã nhận ra những vi phạm nghiêm trọng tư do báo chí, biểu đạt và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Ông Pier Antonio Panzeri, Trưởng phái đoàn nói tại cuộc Họp báo ở Hà Nội về sư đàn áp tự do ngôn luận, hệ thống pháp lý thiếu minh bạch và giới hạn nhân quyền là những trở ngại cho việc ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch (EVFTA). “Chúng tôi rất muốn chấp thuận tự do mậu dịch, nhưng chúng tôi cần thấy sự tiến bộ trên lĩnh vực nhân quyền và các quyền xã hội. Ngay lúc này đây, sự tiến bộ chưa thực hiện và chúng tôi đã thông báo cho nhà cầm quyền rằng thật cực kỳ khó khăn cho việc chuẩn y hiệp ước (EVFTA) trong hoàn cảnh hiện tại”.
Ngày 17 tháng 9 năm nay, 2018, ba mươi hai Dân biểu Quốc hội Châu Âu thuộc nhiều chính đảng viết thư chung cho ông Federica Mogherini, Đại diện tối cao Liên Âu, và bà Cecilia Malmström, Uỷ viên Hội đồng Châu Âu, thúc đẩy “áp lực cho sự tiến bộ mạnh mẽ nhân quyền tại Việt Nam để có thể tiến hành chuẩn y Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam”. Thư mở đầu rằng “Hiện trạng nhân quyền Việt Nam […] bao trùm những nghi ngờ về sự cam kết tôn trọng nhân quyền của nhà nước”, 32 vị Dân biểu đưa ra một số điểm chuẩn Việt Nam phải thực hiện trước khi Hiệp ước đệ trình Quốc hội Châu Âu chuẩn y, như trả tự do cho tù nhân vì lương thức, Việt Nam phải tham gia ký kết những Công ước chính yếu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), công nhận Công đoàn tự do, huỷ bỏ những điều luật an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự, và tôn trọng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
“Trừ khi Việt Nam nỗ lực với thiện chí để giải quyết các vấn nạn nhân quyền, và minh chứng bằng những tiến bộ cụ thể cũng như cam kết tôn trọng toàn bộ nhân quyền trước khi Quốc hội Châu Âu bỏ phiếu thông qua, sẽ khó cho chúng tôi chuẩn y hiệp ước”, các vị Dân biểu xác định.
Hơn nữa, ngày 7 tháng 11 vừa qua, nhân danh Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VHCR), ông Võ Văn Ái và Bà Gaelle Dusepulchre đã gửi Thư Ngỏ đến bà Malström, Uỷ viên Hội đồng Nhân quyền, nhấn mạnh rằng Hợp đồng Bảo vệ Đầu tư Liên Âu – Việt Nam (IPA, EU-Vietnam Investment Protection Agreement) – trước đây phụ thuộc vào Hiệp ước Tự do Mậu dịch, nay rút ra thành Hợp đồng riêng, đang được thương thảo – mâu thuẫn với nghĩa vụ nhân quyền của Liên Âu khi chẳng quan tâm đến tự do và nhân quyền cơ bản. Hai tổ chức nói trên yêu cầu Hội đồng Châu Âu thương thảo cho một nghị định thư phụ đính vào Hợp đồng Bảo vệ Đầu tư Liên Âu – Việt Nam cung cấp thêm cơ chế giám sát và khiếu nại, bó buộc hai bên phải bảo vệ các tổ chức xã hội dân sự hoạt động liên quan đến những vi phạm nhân quyền nhằm ngăn chận vi phạm trong các cuộc mậu dịch và đầu tư, và tôn trọng các tiêu chuẩn nhân quyền cùng nghĩa vụ quốc tế.
———————————————–
[1] Đảng Bình dân Châu Âu (EPP), Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu (S&D), Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu (ALDE), Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR), Đảng Xanh và Liên minh Tự do Châu Âu (Greens – EFA), và Đảng Dân chủ Tự do Châu Âu (EFD).