PARIS, ngày 23.6.2018 (PTTPGQT) — Thời gian qua, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhận được một số câu hỏi gửi qua điện thư Email, hoặc điện thoại, về sự tình Dự Luật 3 Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Có câu hỏi cất lên trong thao thức, trang nhã, có câu hỏi nóng vội, gay gắt, có khi nhân danh cả “lịch sử”, “dân tộc”, “đất nước” để chất vấn nọ kia, dù người hỏi chỉ là cá nhân như mọi người chưa công khai hay được bầu bán đại diện cho ai cả.
Chúng tôi rất quý tất cả những câu hỏi hay chất vấn ấy. Bởi điều này chứng tỏ số người Việt quan tâm đến Nước còn đông, chưa là vài tiếng kêu đơn lẻ trong sa mạc. Để trả lời chung các câu hỏi trên, xin mời quý độc giả nghe lời hồi đáp qua Câu Chuyện Cuối Tuần của Cư sĩ Võ Văn Ái phát trên Đài Phật giáo Việt Nam hôm thứ sáu vừa qua.
“Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận phát thanh mỗi thứ sáu hàng tuần, do ký giả Triều Thanh phụ trách.
Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi Cư sĩ Võ Văn Ái nói về “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nghĩ sao về Dự Luật 3 Đặc khu Kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc ?”, chép lại từ cuộc phỏng vấn của Triều Thanh qua chương trình Đài hôm thứ sáu 22-6-2018 :
GHPGVNTN nghĩ sao về Luật Đặc khu Kinh tế
Xin mời quý thính giả Đài Phật giáo Việt Nam nghe Câu Chuyện Cuối Tuần với Cư sĩ Võ Văn Ái về “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nghĩ sao về Dự Luật Đặc khu Kinh tế ?”.
Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, từ hơn tuần lễ qua, những cuộc biểu tình khắp nước nổi lên chống đối Dự Luật Đặc khu kinh tế – Hành chính tại ba vùng Vân Đồn phía Bắc, Bắc Vân Phong phía Nam Trung bộ và đảo Phú Quốc phía Nam. GHPGVNTN có lên tiếng gì về vụ này không ?
Võ Văn Ái : Chính thức lên tiếng thì không. Nhưng quan tâm và hậu thuẫn thì có. Như chúng ta biết hôm 14 tháng 6 vừa qua, Tân Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink và Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa kỳ, cùng phái đoàn gồm 5 người đến Thanh Minh Thiền viện vấn an Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ. Nhân dịp này, Đức Tăng Thống đã trao ông Đại sứ bản Ghi chú / Memorandum về tình hình tổng quan GHPGVNTN bị phong toả, đàn áp, khủng bố suốt bốn chục năm qua. Đặc biệt Đức Tăng Thống cũng trao một trang bình luận / Remarks tóm lược lập trường của Ngài và GHPGVNTN về hiện tình nghiêm trọng Việt Nam. Đáp câu hỏi của Triều Thanh, tôi có thể dẫn lời Đức Tăng Thống nói lên lập trường bất biến của GHPGVNTN, tôi xin trích :
“Nhà cầm quyền mưu tính giam hãm tôi ở đây để biến tôi thành người câm. Y hệt như công an bạo hành trong mấy ngày qua để ngăn cấm tiếng nói của nhân dân qua các cuộc biểu tình trên toàn quốc, chống lại những luật mới cho phép bán rẻ quyền lợi đất nước và kiềm toả quyền biểu đạt của người dân.
“Như quý vị đã biết, Quốc hội đang thảo bàn để thông qua Luật Đặc khu Kinh tế – Hành chính cho phép nước ngoài thuê đất trong vòng 99 năm, khởi sự với 3 Đặc khu Vân Đồn (gần Quảng Ninh cạnh biên giới Việt-Trung), Bắc Vân phong (gần tỉnh Khánh Hoà), và đảo Phú Quốc. Người Việt Nam chúng tôi biết quá rõ tham vọng của người láng giềng phương Bắc, vì Việt Nam đã từng bị Trung quốc đô hộ một nghìn năm. Những cuộc biểu tình nổ ra cuối tuần qua là phản ứng tự phát chống lại sự nhường đất và tài sản quốc gia”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ lập trường của Phật giáo Việt Nam nói chung và GHPGVNTN nói riêng trước sau như một, là không chấp nhận ngoại bang xâm lấn đất nước ta bằng bất cứ phương thức nào, kể cả việc để cho nhà cầm quyền bản địa bán đổ bán tháo những phần đất cho ngoại bang trong vòng 99 năm. Đặc khu kinh tế nói trắng là che đậy âm mưu nhượng đất, nhượng biển, nếu không là cắt manh mún lãnh thổ quê hương thành những khu tự trị cho ngoại bang.
Triều Thanh : Như vậy thì tại sao Giáo hội không ban hành một lời tuyên bố dứt khoát về Đặc khu kinh tế, hay cử người đại diện xuống đường biểu tình nhân danh GHPGVNTN ?
Võ Văn Ái : Ông Paul Mus là học giả Pháp nổi danh về xã hội Việt Nam từng viết rằng, không thể nào hiểu Phật giáo khi chưa nắm vững giáo lý đạo Phật.
Trả lời câu hỏi của Triều Thanh, có ba vấn đề cần lưu tâm phân tích để hiểu vấn đề Phật giáo.
Thứ nhất là, bản chất Phật giáo khiến người Phật tử mang phong thái hành trong vô hành, bộc lộ qua yếu chỉ phá chấp của Kinh Kim Cương (Vajracchedikāsūtra). Làm nhưng không phô trương, không kiêu hãnh, không công thần, gọi là làm như không làm. Không làm chẳng mang nghĩa không dấn thân, vô vi nhi vô bất vi, không làm hàm nghĩa chẳng có gì là không ra tay làm. Vì thế ta ít thấy tổ chức, cơ chế rõ ràng trong hành động của người Phật tử như ở Tây phương. Phật giáo thiên trọng bản chất hơn hiện tượng. Hàng trùng trùng người lao vào chiến đấu giữ nước hay biểu tình, ai dám bảo không có Phật tử ? Nhất là tại Việt Nam chưa hề có cơ cấu thống kê khách quan, khoa học, ai dám khẳng định bao nhiêu phần trăm Phật tử tham gia, bao nhiêu phần trăm Phật tử không tham gia ? Có kẻ thiển cận tuyên bố hồ đồ rằng “không thấy bóng dáng Phật tử trong các cuộc biểu tình”. Phật tử đâu có xâm hai chữ Phật tử trên trán như kẻ tội đồ ngày xưa để mọi người biết ai Phật tử ai không ? Quân lực Việt Nam Cộng hoà ngày xưa đổ máu bảo vệ giang sơn, đa số là lính Phật tử đấy, nhưng họ có mang huy hiệu Phật tử hay GHPGVNTN trên ngực đâu. Họ hiện hữu trong sự thật như không khí trong buồng phổi.
Danh tướng Nguyễn Khoa Nam ngày xưa ra trận luôn thủ trong người cuốn kinh Chú Lăng Nghiêm, chưa chắc ai cũng biết ông là Phật tử trừ gới Phật tử. Ngày 14-3-1984, khi gia đình ông đi bốc mộ ở Cần Thơ, thấy bộ quân phục tác chiến của ông đã mục hết, nhưng vẫn tìm ra được tấm thẻ bài quân nhân với sợi dây chuyền rỉ sét, ghi rõ tên Nguyễn Khoa Nam và số quân, cùng một bọc plastic nhỏ bằng bao thuốc lá cuốn Kinh này.
Cách khẳng định vô bằng “không có bóng dáng Phật tử” là luận điệu đoạt khống, vừa dốt vừa sai.
Thứ hai là, ở hiện trạng bị phong toả, bị sách nhiễu, đàn áp, Nhà cầm quyền Cộng sản cấm GHPGVNTN sinh hoạt tôn giáo, không thừa nhận Giáo hội, đặt Giáo hội ra ngoài vòng pháp luật ; hàng giáo phẩm bị quản chế, theo dõi, kiểm soát khắc khe, chặt chẽ, thì làm sao có chuyện “cử người xuống đường biểu tình” ? ! Nên nhớ GHPGVNTN là một Giáo hội bị còng chân, sống trong gọng kìm công an trị, chứ đâu phải đang sống tự do như ở Los Angeles, Houston, Washington, Paris, Luân Đôn !
Thứ ba là, và điều này rất quan trọng, cần ý thức từ cơ bản, rằng GHPGVNTN là một tôn giáo, không phải là một Đảng Chính trị. Hoạt dụng tôn giáo khác với hoạt dụng Đảng phái. Đảng chính trị có thể lên tiếng bất cứ vấn đề gì để nêu rõ mục tiêu tuyên truyền cho Đảng chống lại Đảng đối phương, hay chính quyền hiện hữu. Tôn giáo, trong trường hợp Phật giáo, không có tiêu chí hoạt động đảng phái. Giáo hội chỉ lên tiếng khi có nguy cơ mất nước, dân bị hại, khế hợp với giáo lý Như thật của đạo Phật.
Nếu chính trị thất bại mục tiêu mình, thì phải tự vấn và sửa sai con đường chiến lược, chiến thuật của chính trị, thay vì trách cứ tôn giáo, ở đây là Phật giáo.
Nói vậy không có nghĩa GHPGVNTN quay lưng với thế cuộc làm khổ đau dân tộc, im lặng trước nguy cơ mất nước. Phật giáo không làm chính trị, nhưng luôn luôn có thái độ chính trị. Thái độ chính trị này khiến Giáo hội không ngừng lên tiếng trước những vấn đề sinh tử của dân tộc. Như thế gọi là đồng hành cùng dân tộc.
Nghĩ lại xem, 3 đặc khu kinh tế bán khoán cho ngoại bang 99 năm, dù nguy hại như cắt một ngón chân, chặt một bàn tay trên thân thể quốc gia do tiền nhân đổ máu giành giật, bảo vệ. Nhưng Dự luật Đặc khu kinh tế – Hành chính chỉ là hệ quả của một chính sách bán nước cho ngoại bang. Vấn đề chính yếu và cơ bản là GHPGVNTN có chống việc bán nước ? Có chống xâm lược phương Bắc không ? Đây mới là câu hỏi nền tảng, vì từ nền tảng này, mà chận đứng sự sinh sôi nẩy nở dây chuyền thành các hệ quả tất yếu như Dự luật Đặc khu hay Luật An Ninh Mạng là một. Luật ở đây hoá trang cho những bàn tay sắt bóp họng và bịt miệng dân, không cho dân biểu đạt và tham gia việc nước.
Vậy thì, câu hỏi GHPGVNTN có chống xâm lược phương Bắc không ? Câu trả lời là : CÓ.
Triều Thanh : Có từ lúc nào và vì sao lập trường này chính yếu, cơ bản thưa ông ?
Võ Văn Ái : Lập trường chống ngoại xâm là chủ trương bất biến của GHPGVNTN. Khi ta chưa chống từ gốc rễ, tất nhiên sẽ để sổng những loại hệ quả như Dự Luật ba Đặc khu kinh tế, Luật An Ninh Mạng là loại luật xuất hiện thường kỳ trong Luật pháp CHXHCNVN, dọn đường cho Việt Nam biến thành Quảng Việt như Quảng Đông, Quảng Tây.
Triều Thanh : Xin ông đơn cử một ví dụ cụ thể, qua đó cho thấy GHPGVNTN công khai chống xâm lược Bắc phương ?
Võ Văn Ái : Tôi sẽ không hạn định trong một ví dụ, mà đưa ra 6 ví dụ cụ thể và công khai trong thời hiện đại. Từ năm 2007 đến nay, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện, tức Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo GHPGVNTN, 6 lần lên tiếng chính thức. Xin được kê rõ như sau :
- Ngày 27 tháng 12 năm 2007, Đức Tăng Thống ra Tuyên Cáo về việc Trung quốc xấm lấn hai quần đảo Hoàng sa – Trường Sa ;
- Ngày 29 tháng 3 năm 2009, Đức Tăng Thống ra Lời Kêu gọi “Tháng 5 Bất tuân Dân sự – Biểu tình Tại gia”, sau khi tố cáo Nhà cầm quyền Hà Nội ký cho Trung quốc khai thác Bô xít ở Tây nguyên, tức cho phép chiếm lĩnh yết hầu quân sự của 3 nước Việt Nam – Cam Bốt – Lào ;
- Ngày 3 tháng 10 cùng năm 2009, Đức Tăng Thống ra lời Kêu gọi Không dùng hàng hoá Trung quốc, vào lúc dư luận trong nước rên than hàng xấu hàng độc được nhập cảng bừa bãi. Thế mà nhà cầm quyền Hà Nội lại ban hành Quyết định 97 ngày 24 tháng 7 cấm các tổ chức Khoa học và Công nghệ không được có ý kiến phản biện đường lối chủ trương của Đảng đối với Bắc Kinh ;
- Ngày 28 tháng 6 năm 2012, Đức Tăng Thống ra lời Thông bạch kêu gọi đồng bào các giới tham gia biểu tình chống ngoại xâm cứu nước. Thông bạch này cho biết hiện trạng “tiền đặc khu” đã được Đảng và Nhà nước thực hiện khi cho phép Trung quốc khai thác Bô xít ở Tây nguyên và 10 tỉnh trên toàn quốc cho Trung quốc thuê với thời hạn 50 năm. Trong khi ấy, Hoàng Sa và Trường sa được sáp nhập vào Huyện Tam Sa của Trung quốc, cũng như 9 lô dầu khí được Trung quốc tự do khai thác trong hải phận Việt Nam ;
- Ngày 6 tháng 7 năm 2013, Đức Tăng Thống đưa ra Lời Nhận định cảnh báo sự đánh mất chủ quyền trên Biển và Đất qua Tuyên bố chung Bắc Kinh – Hà Nội ký kết hôm 21 tháng 6 cùng năm ;
- Ngày 10 tháng 5 năm 2014, Đức Tăng Thống ban hành Tuyên Cáo việc Trung quốc đưa tàu Hải dương 981 vi phạm lãnh hải Việt Nam, Ngài kêu gọi đồng bào các giới, các thành phần dân tộc khẩn cấp hình thành Liên Minh Chống Ngoại xâm để đối đầu với Liên Minh Thu Phục Lãnh thổ của Bắc Kinh, đồng thời kết hợp thành phong trào chuẩn bị tiến trình dân- chủ-hoá Việt Nam làm động cơ phát triển đất nước và thoát ly nô lệ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện tại.
Sáu lần lên tiếng trong vòng 7 năm, mà lần lên tiếng nào cũng kèm theo giải pháp cụ thể để toàn dân thực hiện giải quyết tận gốc vấn nạn quốc gia. Lập trường dân tộc bảo vệ chủ quyền của Phật giáo đã hai nghìn năm không lay chuyển. Còn đòi hỏi gì hơn nữa. Thuốc trao cho con bệnh, con bệnh từ khước, đấy không là lỗi của người thầy thuốc.
Triều Thanh : Nhưng hiện nay, qua những cuộc biểu tình rầm rộ, có người đòi hỏi GHPGVNTN phải lên tiếng, phải xuống đường… Ông nghĩ sao đòi hỏi này và Phật giáo nên làm gì ?
Võ Văn Ái : Phật giáo là một tôn giáo, con đường đưa người hoàn thành sự cứu khổ, diệt trừ vô minh, đắc pháp và giác ngộ. Tôi không là Phật giáo để trả lời câu hỏi trên, tôi chỉ là người theo đạo Phật, gọi là Phật tử. Trong cương vị Phật tử, tôi thực hiện hai động thái : Trên cầu trí giác, dưới cứu chúng sinh. Cầu trí giác là việc tu học, đắc pháp trong đời thường. Việc cứu chúng sinh, thì Phật tử chúng tôi thực hành hạnh Bồ tát trong mỗi ngày theo khả năng và trong phương vị cá nhân.
Nhìn từ góc độ lịch sử, trên phạm vi cứu khổ, chúng tôi có thể nói mỗi Phật tử Việt Nam là một Người Vệ Quốc Chống Xâm lược — xâm lược ý thức, xâm lược văn hoá, xâm lược tôn giáo hay xâm lược lãnh thổ. Không phải hiện nay mà đã hai nghìn năm. Tôi nhắc tới việc này trong bài nói “Người Phật tử trước hiểm hoạ xâm lăng” tại Đại hội GHPGVNTN kỳ IX năm 2011 ở đô thị Các Thiên thần, Los Angeles bên Hoa Kỳ.
Triều Thanh : Ông nhắc tới việc gì trong bài nói này ?
Võ Văn Ái : Tôi nhắc tới con đường xâm lăng nhân loại bằng hoạt động của Bắc Kinh qua hàng trăm Trung tâm Khổng Tử trên toàn thế giới. Tức Bắc Kinh sử dụng Quyền lực nhuyễn / Soft power để chiếm lĩnh các mặt trận tuyên truyền, tư tưởng, kinh tế và chính trị.
Nhưng tôi cũng nhấn mạnh trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc, người Phật tử Việt Nam tham dự và đóng góp rất sớm. Cuộc kháng chiến Vệ quốc đầu tiên của Hai Bà Trưng nửa đầu thế kỷ thứ nhất Tây lịch, thì năm 37, Sư Bà Thiều Hoa đã mộ 500 quân đến ứng chiến với Hai Bà, cùng nhiều nữ tướng Phật tử như Bát Nàn phu nhân, nữ tướng Tiên La, v.v… Tiếp đó, Phật tử vẫn hiện diện túc trực qua các cuộc kháng chiến vệ quốc của Khu Liên, Chu Đạt, Lương Long, Khổng Chi và Trụ thiên tướng quân ở thế kỷ II Tây lịch, rồi anh em bà Triệu Thị Trinh năm 248, thế kỷ thứ III Tây lịch, Phật tử Lý Nam Đế dựng lên Nhà nước độc lập Vạn Xuân năm 544, thế kỷ thứ VI Tây lịch, trước khi hoàn tất chủ quyền dựng lên Nhà nước độc lập Việt Nam với Ngô Quyền ở thế kỷ thứ X. Và chắc chắn chẳng ai quên những cuộc chiến đấu phá Tống thời Tiền Lê, sang đến Lý, Trần ba lần vẻ vang chống quân Nguyên, mà các vua quan Phật tử, các thiền sư cho đến thứ dân Phật tử tham gia bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chúng ta thường nói 1000 năm nô lệ Tàu, là nói theo cường điệu tổng quát. Thực sự những cuộc kháng chiến liên tục ta vừa nhắc từ Hai Bà Trưng đến Ngô Quyền đã không cho phép người Tàu yên ổn cai trị suốt một nghìn năm.
Mấy hình ảnh sơ lược như thế bảo chứng cho ý chí cứu khổ quần sinh của Phật giáo đã thành tựu. Không chỉ ngăn chận ngoại xâm mà còn xây dựng thành văn hiến trên mọi lĩnh vực văn học, ngoại giao, giáo dục, nghệ thuật, xã hội, kinh tế…
Triều Thanh : Còn việc tham gia biểu tình của Phật giáo hiện nay như thế nào ?
Võ Văn Ái : Theo tôi, biểu tình là nói lên ý kiến, quyết tâm, hoài vọng của mình khi xuống đường động thủ. Một người biểu tình như vậy là một kẻ tự tin, kẻ có ý thức, đã thoát ly sợ hãi. Tôi không tin rằng người biểu tình, con người ý thức ấy, lại thống trách, đòi hỏi sao không có anh này, chị nọ, sao không có đảng phái này, tôn giáo kia ? Có chăng những đòi hỏi, thống trách, thì đó là sự nẩy nở từ những kẻ thiếu tự tin, chưa dám xả thân hoặc vừa đánh vừa run — những kẻ mà tôi gọi là hò voi bắn súng sậy, trùm mền hô xung phong ?
Nhận định như thế, tôi có lầm không ? Thực tế tôi suy bụng người Phật tử ra bụng người đó thôi. Từ những ngày cả nước run sợ, chẳng ai dám hó hé, thì ngày 2 tháng 11 năm 1975, 12 Tăng Ni thuộc Thiền viện Dược sư ở Cần thơ tự thiêu tập thể chống sự đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Cộng sản. 12 vị không hề thống trách, đòi hỏi sao các tôn giáo khác, đồng bào các giới không đứng lên cùng họ chống đối hay tự thiêu. Lòng từ bi và ý chí cứu khổ của 12 vị Tăng Ni đủ thắp sáng thành Ngọn đuốc cảnh báo, soi đường.
Ngày 25 tháng Tư năm 2000, Đức Cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang viết thư gửi Nhà cầm quyền Hà Nội, yêu cầu Đảng và Nhà nước Cộng sản lấy ngày 30 tháng Tư làm ngày Sám hối để Chúc Sinh toàn quốc, cúng dường cho Linh quyền người chết và Nhân quyền người sống, Ngài không hề bắt ai khác phải lên tiếng y như Ngài.
Đầu năm 2001, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ đề xuất “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” qua một chương trình chính trị 8 điểm. Vì Lời kêu gọi này Ngài bị quản chế hành chính hai năm. Thế nhưng Ngài không hề thống trách tại sao mọi người, tôn giáo này, đảng phái kia không theo Ngài hay làm như Ngài.
Tiếp đấy, nhằm giải quyết tận gốc mưu đồ xâm lấn biển, đảo của Trung quốc, năm 2014, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ lại đề xuất một Liên Minh Chống Ngoại Xâm với sự tham dự của toàn dân để ngăn chận chính sách Liên Minh Thu Phục Lãnh Thổ của Bắc Kinh, Ngài chẳng hề đòi hỏi, thống trách những ai không chấp nhận, không thực hiện, không hậu thuẫn.
Những ví dụ tôi nêu trên đây, nói lên yếu tính Phật giáo của Kinh Kim Cương (Vajracchedikāsūtra), khác xa với những đánh giá hay hý luận phát xuất từ chủ nghĩa nhị nguyên, hư vô .
Triều Thanh : Nếu có một lời khuyên trong lúc này, thì ông sẽ khuyên phải làm gì hay góp ý như thế nào ?
Võ Văn Ái : Đừng ảo vọng. Chẳng ai thèm nghe lời ta khuyên đâu. Thiển kiến tôi, ai nấy, mọi người cứ làm, cứ thực hiện theo ước nguyện hay ý chí trong đầu mình. Nạn chụp mũ bừa bãi làm phân hoá cộng đồng đấu tranh bao nhiêu năm qua. Nay thêm nạn thống trách, đòi hỏi kẻ khác phải làm điều mình tin, mình ưa, càng xé nát thêm công trình giải trừ quốc nạn. Kêu gọi đoàn kết mà không có chủ trương chống chia rẽ, thì cũng hoài công thôi. Bản thân một số cá nhân chưa tự mình đoàn kết với chính mình thì mong chi đoàn kết với kẻ khác ?
Triều Thanh : Ủa sao có chuyện lạ đời là tự mình không đoàn kết với mình, ông giải thích dùm sự kiện này ?
Võ Văn Ái : Ý tôi muốn nói những cá nhân nhiều cao vọng hay tự đại, họ tự đề cao những mục tiêu, những lý tưởng, những cương lĩnh, những lý thuyết, mà chính bản thân họ chưa hề làm hoặc không thực hiện nổi, nên quay ra phê phán, hý luận, chửi bới người khác. Hình ảnh mà tôi gom vào thành ngữ hò voi bắn súng sậy, trùm mền hô xung phong.
Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.