VIỆN TĂNG THỐNG
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Sài gòn
Phật lịch 2554 |
Số : 01/VTT/XLTV
|
Tết đến, nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, tôi xin gửi đến toàn thể chư liệt vị Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, nam nữ Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước lời cầu chúc an lành, hợp duyên thắng ý và viên thành Phật sự.
Xuân là sự tuần hoàn của trời đất. Nhưng Xuân còn là sự bắt đầu. Bắt đầu một năm mới, bắt đầu một chí nguyện để hoàn thành cho mười hai tháng tới. Cho nên chí nguyện cần thiết lập, tâm tinh tấn bền vững, dũng mãnh và vô úy để hoàn thành.
Mong mỏi chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử kề vai gánh vác việc Giáo hội ở thời đại còn nhiều chướng duyên, nghịch cảnh. Việc trọng đại vẫn là kiên tâm bảo vệ nền pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Bởi vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất biểu trưng cho nền Phật giáo dân tộc có quá trình hình thành và phát huy trên chiều dài lịch sử hai nghìn năm. Thế kỷ trước, biết bao công trình thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, máu xương của biết bao chư Tăng Ni, Phật tử dâng hiến bảo vệ đạo Phật Việt, mà danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tập đại thành chí nguyện tiền nhân truyền nối.
Pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất còn, đạo Phật Việt còn. Pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mất đi, đạo lý sẽ suy vong, văn hiến sẽ trở về thời ngoại thuộc, công cuộc cứu khổ và giác ngộ chúng sinh sẽ tan biến nơi vô minh mù mịt.
1975 là năm khởi đầu cho bi kịch và tuyệt lộ của con người Việt tự do nói chung và Phật giáo đồ nói riêng. Từng bước một, khi bạo hành, khủng bố, khi thoa vuốt âm mưu, nhà cầm quyền Cộng sản đã thất bại trong mưu đồ tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ấy là do Pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chưa mất, chưa mất nhờ ý chí bảo vệ của Tăng tín đồ trong và ngoài nước suốt 36 năm qua.
Cho nên chí nguyện đầu năm, tôi kêu gọi chư tôn đức Tăng, Ni Phật tử kiên trì bảo vệ Pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thế hệ này mãn duyên thì thế hệ sau tiếp nối : Gìn giữ Pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, pháp lý trên bình diện tư pháp, cũng như trên bình diện nhân lý, dân tộc và lịch sử.
Với chư vị đang ưu tư hay có trách nhiệm trước nhân dân, đất nước, tôi ngỏ lời kêu gọi hãy nghĩ và hành động mang lại an lạc, tự do và hạnh phúc cho mỗi người dân, đặc biệt quan tâm đến tình hình chủ quyền đất nước đang từng bước bị hăm doạ và lấn lướt.
Lâu nay, mọi quốc gia trên thế giới chỉ đo sự giàu sang một đất nước bằng Tổng sản phẩm xã hội, tức chỉ tiêu GDP (Gross Domestic Product) tính theo đầu người. Lý thuyết thường xa lìa với thực tại nhân sinh, đặc biệt ở các nước nghèo. Tổng sản phẩm xã hội có thể tăng, nhưng cuộc sống người dân nơi nông thôn, làng mạc, trong các vùng sâu vùng xa có thăng tiến chăng ? Ví như Tổng sản phẩm xã hội tại các đô thị lớn có thể tăng, nhưng tám, chín mươi phần trăm nông dân, thợ thuyền vẫn hẩm hiu, nghèo, thiếu. Ấy là chưa kể tình trạng tăng trưởng kinh tế nước ta tính theo con số tuyên truyền của nhà nước chẳng che giấu được hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng đào sâu thêm. Người giàu giàu nức vách đổ tường dù chỉ là tuyệt đại thiểu số, người nghèo nghèo rớt mùng tơi thì lại là đa số tuyệt đại.
Xin chư liệt vị sĩ phu, người mang ưu tư hay trách nhiệm hãy nghĩ đến Tổng Giá Trị Hạnh phúc Quốc dân làm thước đo cho đại đa số dân nghèo, bất hạnh. Tổng Giá Trị Hạnh phúc Quốc dân, tức GNH (Gross Nationnal Happiness), một phát kiến của vì vua cấp tiến nước Bhutan cách đây 39 năm, đã thực hiện thành công. Ngày nay được Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia văn minh công nhận và áp dụng.
Tổng Giá Trị Hạnh phúc Quốc dân dựa trên quan điểm phát triển xã hội song hành giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh. Bốn hành động làm nền cho Tổng Giá Trị Hạnh phúc Quốc dân là :
1. Duy trì sự phát triển ;
2. Bảo vệ và thăng tiến các giá trị văn hóa ;
3. Bảo vệ sinh thái và thiên nhiên ; và
4. Thiết lập sự cai quản thiện hảo quốc dân (good governance).
Nguyện cầu Năm Mới quốc thái dân an, chư tôn đức Tăng Ni, chư liệt vị nam nữ Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước dũng mãnh trong công cuộc hoằng pháp lợi sinh, đào luyện Tăng tài và Cư sĩ để đảm trách Phật sự trước tình thế mới, và bảo toàn vận mệnh cùng pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Nam Mô Đương Lai Đại Từ Di Lặc Tôn Phật.
HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT Bản tu chỉnh thông …